MỘT VÒNG NHỮNG NGHỊCH LÝ ĐẦU XUÂN TÂN MÃO

Ngày đăng: [Tuesday, February 08, 2011]
Lại một cái tết nữa sum vầy ở quê nhà. Cái gì rồi cũng qua đi, cuộc sống tấp nập và hối hả thường nhật làm con người lại quay về với thực tại cơm, áo, gạo, tiền. Song làm công việc ghi lại những diễn biến đầu xuân để tiên lượng cho một năm mới cũng là điều nên làm.

Nghịch lý của sự chân chất: Nếu ở một đất nước văn minh, chuyện vào quán cà phê bỏ chiếc môtô ngoài đường, không ai lấy là chuyện thường tình. Nhưng ở Việt Nam kiếm một thành phố để còn lại hình ảnh đẹp này thì theo hiểu biết của tôi chỉ có Quy Nhơn. Lạ kỳ và rất cũ, ngày xưa như vậy và bây giờ vẫn thế. Đến thăm nhà người thân quen để xe ngoài đường hàng giờ, ra về vẫn còn đó. Không có quán nào phải mất tiền và hầu hết không có người trông xe như những đô thị tôi đã từng qua. 

Cũng chính vì quá chân chất, nên giá cả thị trường cũng rất phải chăng. Với Quy Nhơn, hơn 20 con người cùng ăn sáng và giải khát ở những nơi sang trọng, nhưng chưa bao giờ tốn đến 600 nghìn tiền Việt tức khoảng 30USD! Lại bù cho ở Sài Gòn, đêm ăn tối rất bình thường, bình thường vì món ăn quá dở, bình thường vì các món ăn không phải sang trọng trong một quán tạm gọi là sang trọng, chỉ 6 con người ta, nhưng tốn đến 150USD - khoảng 3 triệu tiền Việt - chuyện không có gì là lạ.

Chỉ hai việc cỏn con trên thôi đủ nói lên tình người quê tôi vẫn còn chân chất và trong sáng như thuở hồng hoang. Một thế hệ với những thành viên tinh anh và tương đối thành đạt tụ nhau, bù khú, say sưa và mộc mạt, không ngoa ngữ, rất chân tình trong dịp đầu xuân là cái mà tôi khó lòng tìm thấy ở chốn phồn hoa Sài Thành. Cũng chính vì chân chất mà mọi dịch vụ và đời sống quê tôi rất bình lặng, đến nỗi phải gọi là một khu vực có nền kinh tế quá già cỗi và chậm tiến. Có lẽ, cần một sự thay đổi tư duy trong cách tiêu dùng bằng kích cầu, thì mới mong khá được?

Nghịch lý của những thông tin: Sáng nay, trước khi đi làm, tôi xem tin tức chào buổi sáng VTV thì giá cả thị trường tăng sau tết. Với giá thực phẩm rau củ quả tăng từ 10-20%, thịt tăng 20-40% tùy loại, cao nhất là thịt bò. Thế mà báo chí hôm qua lại cho là Giá thực phẩm hạ nhiệt sau tết! Chỉ cần nhìn cách ăn tết ở quê tôi năm nay và năm ngoái là thấy rõ vấn đề, mặc dù giá cả thị trường ở quê tôi có lẽ là thấp nhất nước. Thế mà ông tiến sĩ kinh tế - người đang hoạch định chính sách kinh tế nước nhà - lại cho rằng năm 2011 lạm phát sẽ được kiểm soát tốt

Tôi đang hy vọng rằng trong quý I của năm 2011 chính phủ không phải phá giá đồng tiền Việt so với đồng đô la Mỹ và, trong tháng 5 của năm nay giá điện không tăng theo lộ trình, sau đó là giá nước, xăng dầu không phải tăng để làm nên lạm phát. Mùa khô không phải chịu cảnh cúp điện như năm 2010 vừa qua, để không lạm phát và thiểu triển, để chính phủ không phải tăng giá đất, giá nhà hòng tăng GDP cho "đúng" với tỷ lệ tăng trưởng kinh tế theo yêu cầu đã đặt ra.

Cầu Ghềnh nơi xảy ra tai nạn. Trước đây, cây cầu này nằm trên trục lộ Bắc Nam (đường bộ). Sau này người Mỹ xây dựng Xa lộ Biên Hoà thì nó không làm nhiệm vụ cầu đường bộ Bắc Nam nhưng vẫn nằm trên QL1. Chế độ Sài Gòn có xây thêm 1 con đường khác (và 1 cây cầu qua sông Đồng Nai, cầu Hoá An)song song với nó và xa lộ BH, giờ gọi là QL 1K (Ảnh và ghi chú của Phan Văn Tú)


Nghịch lý của thời đại: Đúng cái đêm mà tôi lên xe vào lại Sài Gòn cũng là đêm xảy ra tai nạn bi thảm về giao thông do một nghịch lý của thời đại. Ở thời đại mà người ta đang bàn đến câu chuyện đường sắt cao tốc để giảm thiểu thời gian đi lại, thì vẫn còn câu chuyện đường xe lửa cùng đi trên đường bộ để có thảm họa này.

Ở một thời đại mà con người đã hiểu và đã ứng dụng hình thái xã hội công hữu cho an sinh xã hội và tư hữu cho mọi mô hình kinh tế khác cho cộng đồng thì đất nước tôi vẫn loay hoay tìm kiếm một mô hình với cái gọi là đổi mới và "chưa có nơi đâu trên thế giới đã từng làm" không hiểu vì nguyên cớ gì?

Ở một thời đại mà cả thế giới đang thoát ra khỏi suy thoái kinh tế, thì năm 2010 đất nước tôi lại loay hoay với lạm phát, suy thoái và thiểu triển, trong khi đó, bộ sậu think tanks của đất nước lại có tỷ lệ bằng cấp khoa học cao nhất thế giới! (71.4% là tiến sĩ khoa học).

Và cũng ở đất nước này, người dân luôn có một niềm tin mãnh liệt để hướng đến tương lai, khi xếp hạng lạc quan thì dân Việt thuộc loại lạc quan nhất thế giới.

Chân chất cũng là nghịch lý. Không trung thực cũng là nghịch lý. Khoa bảng cao cấp cũng là nghịch lý. Và cuối cùng là lạc quan tếu cũng là nghịch lý. Vậy thì năm Tân Mão còn sót cái gì còn lại là không nghịch lý để hy vọng một ánh sáng cuối đường hầm?

Asia Clinic, 13h18', ngày thứ Ba, 08/02/0211 (Mồng 6 âm lịch, năm Tân Mão)

Đăng nhận xét

0 Nhận xét