MỘT SỐ TỔNG KẾT VỀ TRÍ THỨC

Ngày đăng: [Saturday, July 24, 2010]
Bài liên quan:
+ Tâm tình với trí thức người Việt Nam ở nước ngoài
+ Trí thức là gì?
+ Trí thức và kẻ sĩ
+ Vài dòng về trang web JIPV

Sau bài Tâm tình với trí thức người Việt Nam ở nước ngoài của tôi về trí thức để hồi âm với tác giả Nguyễn Quốc Vọng, thì một loạt bài viết về trí thức ra đời, trong đó có bài khá đình đám của một GSTS, đồng thời là một chính khách viết một bài Bàn về trí thức đăng trên blog của Nguyễn Xuân Diện. Ngay sau đó một ngày, báo Tia Sáng lấy bài trên blog của tôi đăng lên trang online, và tự rút xuống sau chỉ 3 ngày tồn tại trên Tia Sáng sau khi tôi viết bài Trí thức là gì?, mà không một lời giải thích. Ba hôm sau, 23/7 bài của chính khách Nguyễn Minh Thuyết xuất hiện trên Tia Sáng với cái tựa: Trí thức và một vài đặc điểm của trí thức.

một bàn luận về từ trí thức đã xuất hiện trong blog của tôi chưa chuẩn và theo nghĩa hiểu của chính khách. Ngay sau bài viết của chính khách thì cũng có một bài phản biện ngữ nghĩa của tác giả trẻ Đào Vĩnh Ninh với cái tựa: Bàn về trí thức cùng GS Nguyễn Minh Thuyết. Trong đó, tác giả Đào Vĩnh Ninh bằng lý luận sắc bén và bằng chứng học thuật toàn cầu đã bác bỏ định nghĩa của GS khả kính, một đại biểu quốc hội đương nhiệm mà ai cũng quí Ông qua những phản biện trước những kỳ họp quốc hội. Nội dung bài viết của tác giả trẻ này lại đưa định nghĩa trí thức đi đến chỗ đồng nghĩa với tôi. Và sau bài của tác giả trẻ họ Đào, chính khách khả kính đã có bài hồi đáp một bài Thưa cùng bạn đọc, để bày tỏ hiểu biết giới hạn của mình về từ trí thức.

Vấn đề trí thức là vấn đề rất lâu đời, ở châu Á kẻ sĩ thường được cho là trí thức. Nhưng ở châu Âu, mãi đến giữa thế kỷ XIX mới bắt đầu xuất hiện, dù trước đó không hiếm những nhà khoa học xả thân bảo vệ phát minh trước tòa án dị giáo do chế độ Tăng lữ quí tộc tạo ra, hòng bảo vệ thuyết tôn giáo của mình, để bảo vệ nhà cầm quyền do tôn giáo nắm giữ. Tuy vậy, nó luôn nóng bỏng và còn lắm quan niệm khác nhau theo từng quốc gia, do sự chính trị hóa ngôn ngữ của nền chính trị của các quốc gia ấy. Qua đó, cho chúng ta thấy rằng những quan niệm của khoa học xã hội luôn bị lệ thuộc vào chính trị, chỉ có phát minh của khoa học tự nhiên dần thoát ra khỏi đêm đen của tôn giáo và chính trị để đưa nhân loại đến với nền văn minh hiện đại.

Một bạn có đề nghị tôi viết chủ đề: Trách nhiệm của trí thức với vận mệnh Quốc gia. Tôi nghĩ điều này là quá thừa, vì qua loạt 3 bài viết của tôi trên blog và một làn sóng sau đó đã được dấy lên đến nỗi một chính khách khả kính cũng lên tiếng, thiết nghĩ, câu nói: "Hiền tài là nguyên khí của Quốc gia" (Hiền tài quốc gia chi nguyên khí) do tiến sĩ Thân Nhân Trung soạn vào năm 1484 theo lệnh của vua Lê Thánh Tông, mà sau này nhiều người nhầm tưởng câu nói này là của vua (theo Bách Khoa Toàn thư, 2005). Câu nói ấy, đủ diễn tả hết trách nhiệm của trí thức mà không ai phải bàn cãi.

Nước hưng thịnh khi hiền tài góp sức nhiều. Nước suy vong khi hiền tài qui về ở ẩn, hoặc bị sát hại khi ấu trĩ với chính trị và hậu quả là như hình ảnh con đà điểu rúc đầu trong cát bỏng. Tại sao hưng thịnh, tại sao suy vong thì ai cũng hiểu. Tôi chỉ làm một tổng kết nhỏ để lưu lại những gì đã diễn ra trong một tuần qua của đề tài nóng bỏng này.

Asia Clinic, 10h38' ngày thứ Bảy, 24/7/2010

Đăng nhận xét

0 Nhận xét