MỘT CHÚT QUÁ KHỨ VÀ MỘT CHÚT HIỆN TẠI 5

Ngày đăng: [Friday, June 25, 2010]

Câu chuyện cúp điện thường quy hằng tuần năm nay làm tôi lại nhớ đến loạt entry viết dỡ về quá khứ và hiện tại đã bỏ quên gần tháng nay. Năm 1968 là năm có nhiều mốc khá quan trọng cho hầu hết người dân Việt, trong đó có gia đình tôi. Đó là năm gia đình ông bà tôi và chúng tôi lại được đoàn tụ và cũng có những người thân trong gia đình, dòng họ ra đi. Người ra đi về chốn vĩnh hằng, có người thì lên đường theo tiếng gọi của cuộc nội chiến Bắc Nam.

Câu chuyện đã hơn 42 năm, nhưng vẫn nhớ như in trong đầu. Dù đã cách đây nữa đời người, nhưng ngày ấy chúng tôi không biết nghĩa của từ cúp điện là gì? Nơi chúng tôi ở khi ấy dù chỉ là một trại định cư và khu ấp chiến lược, chỉ có một chiếc tivi 21 inchs trắng đen của Nhật hiệu Panasonic do chính quyền cấp cho mọi người cùng xem ở một cái sân của ngôi chùa cất tạm để dân di cư đến cầu phúc. Tối nào lũ trẻ chúng tôi cũng được người lớn cho phép ra sân chùa để xem tivi. Thời đó, chương trình tivi thịnh hành ai cũng thích là chương trình cải lương của các đoàn Kim Chung, Hương Mùa Thu, etc... được chiếu trên truyền hình những đêm thứ 7 và chúa nhật hằng tuần, ai cũng mê. Những diễn viên cải lương gạo cội thời ấy, họ không được đào tạo trường lớp như bây giờ, họ hát rất chân phương, giọng của mỗi người có cái đặc trưng riêng, chỉ nghe thôi, không cần nhìn hình cũng biết họ là ai. Không ai lẫn vào ai, dân giã nhưng truyền cảm như Út Trà Ôn và Hữu Phước. Buồn như Út Bạch Lan, Thanh Sang và Phượng Liên. Ấm mà truyền cảm như Minh Phụng. Trong vắt và luyến láy như Minh Cảnh và Tấn Tài, đa năng vừa cải lương rất mùi, đóng phim rất đạt mà hát tân nhạc cũng hay là Hùng Cường, lanh lảnh như Minh Vương, hát tân nhạc loại country và cải lương cũng mùi như nhau có Hương Lan con gái Hữu Phước. Mỗi người một vẻ, khác với bây giờ, ai hát giọng cũng như ai, nhưng thiếu cái hồn của môn nghệ thuật những người đi mở cõi. Nên bộ môn nghệ thuật này bây giờ ngày càng đi vào cõi chết, không thể trụ vào lòng người vì nhiều lẽ. Lẽ vì không còn thời thế, hoàn cảnh để có tâm trạng cho ra những vỡ tuồng hay như Nữa đời hương phấn hoặc Tướng Cướp Bạch Hải Đường hoặc Chuyện Tình Lan và Điệp, ... Lẽ vì nghệ sĩ làm mất phần hồn của những người con "Từ thuở mang gươm đi mở cõi/Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long" trong bài thơ "Nhớ Bắc" của cụ Huỳnh Văn Nghệ đã tâm tình. Bên tân nhạc cũng thế, nhờ vào bối cảnh lịch sử mà mới có Trịnh Công Sơn và Khánh Ly, hay Vũ Thành An, hay Trầm Tử Thiên, etc... Bây giờ sướng quá, cuộc sống ít những sự kiện làm động lòng người, nên tân nhạc bây giờ cũng vậy, mì ăn liền là chính.

Tết Mậu Thân 1968 là cái tết đặc biệt và kinh hoàng của dân Việt. Đêm trừ tịch năm ấy là năm đủ, tháng chạp có 30 ngày và cũng là ngày 29/01/1968 Tây lịch, chúng tôi chuẩn bị ăn giao thừa. Trước giao thừa năm nào đài truyền hình và truyền thanh cũng thông báo hai bên chiến tuyến ngưng chiến để người dân đón giao thừa và ăn tết. Tôi còn nhớ như in ngày này vì trong năm Đinh Mùi, 1967 tôi có một em trai chào đời. Má tôi ngày ấy, cứ hễ mỗi đứa con sinh ra bà luôn lấy lá số tử vi. Từ lá số tử vi, bà xin ông thầy tử vi luận đặt tên cho mỗi đứa có cái tên đúng với mệnh, cục để con cái có cuộc đời ít trắc trở. Nhưng sau này lớn lên, tôi có nghiên cứu chút ít tử vi và nhân tướng học, thấy dù có xem tử vi để đặt tên hay không thì cái tên cha mẹ tự đặt ngẫu nhiên cũng ứng với mệnh cục và số tử vi của mỗi người. Điều này vẫn chưa lý giải thấu đáo vì sao? Nhưng nếu ta có một người quen biết xem tử vi cao thì chỉ cần nói ngày, giờ, tháng, năm sinh âm lịch, họ có thể luận ra tên của cha mẹ đặt cho hầu như chính xác. Tôi đã từng gặp người như thế, cụ Thu Giang Nguyễn Duy Cần là một người có khả năng này. Bây giờ đốt đuốc tìm không ra ai giỏi như cụ Thu Giang.

Tôi còn nhớ má tôi đang chuẩn bị cúng giao thừa, tiếng pháo xung quanh bắt đầu đì đùng thì những tiếng đạn nỗ giòn. Má tôi bảo năm nay làm ăn tốt, nên mọi người đốt pháo dữ quá. Không ngờ đó là tiếng đạn, bom lẫn tiếng pháo nổ, mà khó ai nhận ra. Đến khi một người cậu họ của tôi là lính nghĩa quân ở gần nhà chạy về trốn với bộ đồ thường dân và báo là mấy ông Việt Cộng đánh dữ quá, thì cả gia đình mới biết. Hồi đó, nhà nào cũng có hầm trú bom, dù ở giữa thị thành. Thế là bỏ tất cả, nhà tôi suốt đêm xuống hầm trú bom. Tuổi nhỏ chẳng biết gì, chỉ thấy má tôi cứ lâm râm khấn vái cho gia đình và ông bà tôi còn ở trên quê được bình an, tai qua nạn khỏi.

Phải khám bệnh, nên để đó, khi rảnh viết tiếp. Asia Clinic, 16h49' ngày 25/6/2010

Cuộc tổng tấn công tết Mậu Thân, 1968 là một bất ngờ lớn cho VNCH. Một luật bất thành văn hồi đó trong cuộc nội chiến Bắc Nam, do những nước lớn đầu têu cho cả 2 bên Bắc và Nam Việt là: phải ngừng bắn ít nhất 3 ngày tết để dân tình chung vui tết cổ truyền dân tộc. Nhưng miền Bắc đã phá luật và áp dụng chiến lược quân sự của Quang Trung để có một cái tết mà cho đến bây giờ, ở khắp miền đất nước ngày đầu năm là những ngày giỗ liên miên bất tận. Ở Bình Định từ ngày ấy đến nay, ngày mồng một đầu năm âm lịch luôn là ngày để cháu con đi thăm mộ thế hệ đi trước. Ngày tết ở Bình Định không còn là ngày vui, mà là ngày đi nghĩa trang để tưởng nhớ. Vợ tôi chính gốc người Hoa, người Hoa rất sợ đi nghĩa trang vào ngày tết, cô ta cũng thấy lạ khi mỗi lần tết đến, tôi đưa vợ con đi thăm mộ vào sáng tinh sương của ngày đầu năm mới.

Sau này lớn lên, tôi bắt đầu tìm hiểu những bài bạch hóa của các nước trong trang Project Syndicate - A World of Ideas, đặc biệt của nhà cố vấn ngoại giao đại tài Richard Holbrooke, tôi mới hiểu nhiều điều xung quanh cuộc tổng tấn công này. Từ những năm giữa cuối thấp kỷ 1960, Bắc Việt và khối Vasavar đã biết chắc là họ sẽ thắng tại Việt Nam, khi Nixon làm cuộc Việt Nam hóa chiến tranh. Vì người Mỹ vào Nam Việt không phải vì chính nghĩa họ tôn thờ: chủ nghĩa tư bản, mà vì họ nhắm vào thị trường đông dân do tính thực dụng của họ. Với sự thực dụng đó, họ đã đi đêm với Mao và lôi kéo Trung quốc về phía họ. Và kết cục như thế nào về lịch sử cuộc nội chiến ở Việt Nam, cũng như sự sụp đổ Liên Xô và Đông Âu như thế nào mọi người đã rõ. Bây giờ, cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu 2008, người Mỹ đang cố lôi kéo Nga về phía mình, để chống lại Trung Quốc đang nhăm nhe vị trí số 1 siêu cường. Bổn cũ soạn lại. Thế giới này không phải là thế giới của những nước nhỏ, mà là thế giới của tam quốc phân tranh: Mỹ - Nga - Trung. Các nước nhỏ nào có những minh quân, nước đó sẽ phát triển và phồn vinh. Ngược lại, nếu nước nhỏ nào có những hôn quân, ắt sẽ đầy dân tộc đó vào chuyện "Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn/Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ" như Bình Ngô Cáo của cụ Ức Trai đã từng nói. Tất cả những cuộc chiến tranh và cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu là những toan tính có lợi cho các cường quốc. Chính họ chủ động tạo ra để phân chia bản đồ thị trường thuộc địa theo kiểu mới. Đó là điều mà các nguyên thủ quốc gia các nước nhược tiểu như chúng ta cần phải hiểu.

Mời mọi người nghe bài "Ngụ ngôn mùa Đông" của Trịnh Công Sơn để cảm nhận nội chiến Việt Nam. Một bản nhạc mà có lẽ thế hệ sau 1975 ít được nghe?

Quay lại cuộc chiến tết Mậu Thân 1968, ở Bình Định diễn ra liên tục 8 ngày, từ giao thừa đêm trừ tịch đến hết ngày mồng tám tháng giêng năm ấy. Bao nhiêu người chết, bao nhiêu gia đình bị ly tán đến giờ này chưa có ai thống kê lại. Nhưng có những cái chết oan khiêng vì tư thù mượn chiến tranh để giải quyết. Có những đứa trẻ lớn lên phát triển tâm sinh lý lệch lạc vì gia đình trắng những khăn tang cho những người trai ra đi vì cuộc chiến. Có lẽ, không nên nói nhiều về cuộc chiến tết Mậu Thân, vì điều này ai cũng rõ sự thật với thời đại thông tin toàn cầu ngày nay. Ngày mồng 8 là ngày cuối cùng và cũng là ngày gia đình tôi có những cuộc chia ly và đoàn tụ lớn.

Đoàn tụ: Sau ngày mồng 8 tháng giêng tết Mậu Thân 1968 ông bà tôi bỏ căn nhà lớn nhất thôn lúc ấy xuống đoàn tụ với má con tôi. Dù bỏ căn nhà ấy để ra đi, ông Ngoại tôi rất tiếc công sức làm lụng vất vả bao năm bằng máu và nước mắt và xây nên nó vào đầu năm 1963, nhưng phải bỏ để bảo toàn tính mạng trong cuộc chiến. Căn nhà đó được Ông Nguyễn Văn Thiệu ra thăm và dùng là tiền đồn phía Tây Đầm Thị Nại, với quân canh lính gác. Nó đã trải qua không biết bao nhiêu cuộc đánh đồn, oanh tạc, nhưng ngày nay nó vẫn còn đứng vững với tường nứt và nhiều vết đạn, hố bom quanh nhà. Ngày ấy gia đình tôi không có người nhiều chữ, nên dù chính quyền trưng thu căn nhà cho việc chiến tranh, nhưng Ông Ngoại tôi không được nhận đồng nào. Đó là một thiệt thòi cho người ít học. Hơn nữa, giữa đạn bom, chết chóc bảo toàn mạng sống vẫn quí hơn là giữ của. Có lẽ vì thế mà ở miền Nam thời ấy xuất hiện những con người chỉ chuyên nói về thân phận con người, và họ sống mãi với thời gian nhờ vào những nhạc phẩm, thi phẩm, tác phẩm văn chương ...?

Nghỉ trưa cái, khi rảnh sẽ viết tiếp, Asia Clinic, 12h08' ngày thứ 7, 26/6/2010


Ông Ngoại tôi làm nghề đánh cá Vược. Cá Vược chỉ có ở đầm Thị Nại. Cá rất to, mỗi con dài khoảng 2 mét, nặng khoảng từ 50 đến 100kg. Lưới đánh cá Vược rất to, được đan rất chắc chắn. Người đánh cá Vược phải to khỏe, mới đủ sức đánh bắt cá này. Tôi chưa thấy đâu có loại cá này, nên không thể mô tả đầy đủ bằng hình ảnh. Nhưng theo Ngoại tôi, cá Vược là cá Chẻm sống lâu nên lớn như thế. Bộ lòng cá Vược là ngon tuyệt, chỉ bộ lòng của nó cũng lên đến 5-7 kg. Bao tử cá Vược cũng to, chỉ cần làm sạch nhúng nước sôi và đem ra cắt nhỏ nhậu bá phát, nó ngọt và giòn như ăn sườn cóc lếch, nhưng mềm hơn.

Từ ngày ông Ngoại tôi xuống Qui Nhơn, ông không còn đi đánh cá mà chỉ đi đánh bạc. Mỗi lần ông đi đánh bạc xóc đĩa hay tứ sắc, ông thường thuê người quảy nừng đựng bạc đi đánh. Từ đó bao nhiêu tài sản gia đình của Ngoại tôi đi theo những canh bạc và gia đình trở nên khốn khó.

Nhưng ông Ngoại tôi là người có ý thức được cái học là cái phải cần cho thế hệ chúng tôi. Mỗi lần đánh bạc ăn được tiền, ông thường dẫn tôi ra nhà sách Đại Chúng trên đại lộ Gia Long mua tặng tôi những cây viết Paker hay Pilot có ngòi viết mạ vàng, mà tôi rất thích. Tôi còn nhớ mãi cuốn sách đầu tay mà Ngoại tôi mua tặng tôi là cuốn Tâm hồn cao thượng của dịch giả Hà Mai Anh dịch từ tác phẩm của văn hào Ý Edmon De Amicis. Sau này lớn lên, tôi nghiệm lại tính cách và tư tưởng của tôi có ít nhiều ảnh hưởng từ ông Ngoại của tôi. Một người ông không biết chữ, nhưng nhân cách rất bao dung, vị tha và có tầm nhìn xa cho con cháu. Trái tim nhỏ bé của tôi có được là nhờ được ông Ngoại hun đúc từ những tác phẩm mà ông mua tặng. Nào câu chuyện thơ ngụ ngôn của La Fonten được cụ Nguyễn Văn Vĩnh dịch rất hợp cho giáo dục trẻ thơ, hay Quốc văn giáo khoa thư cũng do ông Ngoại tôi mua tặng. Tôi không hiểu và cũng không hỏi ông Ngoại mình là ông không biết chữ, nhưng sao ông lại biết những cuốn sách này?

Bà Ngoại tôi vẫn làm nghề buôn bán cá. Má tôi làm nghề buôn bán hàng nông sản từ quê đưa lên. Tất cả những con người quê mùa, ít chữ trong gia đình tôi, họ sống chân chất và lam lũ nuôi dạy chúng tôi nên người một cách tự nhiên bằng tấm gương sống bình dị của họ. Không có một sự chuẩn bị hoành trang nào cho tương lai. Cũng chẳng có một kế hoạch dài hơi, hay đầu tư chúng tôi từ rất sớm như trẻ con bây giờ. Chúng tôi lớn lên như đàn gà con được sinh ra, lớn lên và tự bươi móc cả việc học hành và việc kiếm sống để thành người hôm nay.

Chia ly: Cuộc chia ly lớn trong gia đình tôi là sự ra đi vì cuộc chiến của ba dượng tôi. Ông bị trúng đạn bắn tỉa chết vào ngày mồng 8 tháng giêng 1968 âm lịch, tại xã Kỳ Sơn trong lúc đang quan sát tình hình sau cuộc chiến. Do vẫn còn giới nghiêm vì cuộc chiến Mậu Thân, nên chỉ có má tôi đưa ông về chôn ở Lục Trung, xã Kỳ Sơn, Tuy Phước, Bình Định. Mãi đến ngày nay mộ ông vẫn còn ở đó. Bình Định có những ngọn núi được xem như Ngũ Hành Sơn ở Quãng Nam là: Kỳ Sơn (Núi Lân), Phụng Sơn (Núi Phụng), etc... Người ta bảo, những vùng đất này là đất kết, mộ phần tổ tiên ở đó sẽ giúp con cháu thành tài. Nên dù bây giờ mộ phần tổ tiên đã được đưa về những nơi qui hoạch, mộ ba dượng chúng tôi vẫn còn ở đó. Ba dượng tôi là người hiền lành và đôn hậu. Dù má tôi có hai dòng con, nhưng ông luôn đối xử chúng tôi như nhau. Tôi nhớ mãi khuôm mặt chữ điền, dáng người thấp hơn má tôi, nhưng da trắng hồng hào. Nhớ nhất mỗi lần ông về phép, ông thường dẫn tôi đi thả lưới, bắt cá ven đầm Thị Nại.

Ở quê tôi có câu ca dao "Mồng năm, mười bốn, hăm ba/Cử ba ngày đó không đi ra đường". Ba dượng tôi đi lính nghĩa quân, về ăn tết, nhưng rồi bị cuộc chiến Mậu Thân, nên ở lại nhà. Má tôi bảo không cho ba dượng tôi đi nhập ngũ đầu năm vào ngày mồng năm, nhưng ông vẫn cứ đi. Vì ông sợ đi lao công tù binh, khi mọi người đang trong quân ngũ chống chọi với cuộc đánh, mà ông trốn ở nhà có gì thì bị kỹ luật. Hơn nữa đến mồng năm tết thì cuộc chiến cũng giảm dần, khi người Mỹ và lính Cộng Hòa luồn ra hậu cứ của quân giải phóng đánh ngược trở lại. Tin tức chiến trường bao nhiêu thắng lợi của quân VNCH dồn dập đưa về. Không ngờ lần đi ấy là lần đi cuối cùng của ông. Từ đó, chúng tôi trở thành con em gia đình tử sĩ của VNCH.

Cuộc chia ly lớn thứ hai là các bác và chú, câu họ tôi họ theo phía bên kia sau cuộc chiến Mậu Thân. Không ai biết họ đi đâu, gia đình cầm chắc là họ đã chết nhưng mất xác. Chỉ sau 1975, một ngày đẹp trời họ xuất hiện trước cửa nhà với bộ đồ quân ngũ cách mạng, lúc đó họ hàng mới biết là họ đã đi theo phía bên kia từ tết Mậu Thân.

Đoàn tụ và chia ly là qui luật của cuộc đời. Mỗi ngày có 24 giờ đồng hồ. Mỗi đời người có ba vạn sáu ngàn ngày cũng chỉ để con người lo việc đoàn tụ và chia ly. Sáng ra chia ly để kiếm sống, tối về đoàn tụ sum vầy. Nếu ai đã từng chiêm nghiệm được điều này, thì chuyện hợp tan của những người thân yêu nhất cũng là luật định của cuộc đời. Không vui quá khi đoàn tụ, mà cũng không nên buồn quá khi chia ly. Ấy mới là ngộ được luật của Đạo và Đời.

Sẽ viết phần 6: HỌC VÀ CHƠI TUỔI THƠ NGÀY ẤY

Asia Clinic, 12h 17' thứ 2, ngày 28/6/2010

Đăng nhận xét

2 Nhận xét

  1. Con không thấy bác viết tiếp phần 6 ạ?

    Trả lờiXóa
  2. Cảm ơn bác. Nhờ bác mà con có thêm cái nhìn khách quan hơn về cuộc nội chiến tang thương của dân tộc mình. Chẳng có bên nào đúng hoàn toàn cũng chẳng có bên nào sai hoàn toàn. Chỉ có những số phận con người lầm than bị kẹp giữa những toan tính của các cường quốc. Thương thay cho dân tộc Việt Nam...

    Trả lờiXóa