MỘT CHÚT QUÁ KHỨ VÀ MỆT CHÚT HIỆN TẠI 3

Ngày đăng: [Saturday, May 15, 2010]
Xin tiếp nối mạch bài này sau một khoảng bỏ bê vì nhiều sự kiện khác.


NHẤT QUỶ NHÌ MA THỨ BA HỌC TRÒ THỜI LY LOẠN


Trường tiểu học cộng đồng Nguyễn Trường Tộ, như tôi đã viết, nó là một trong hai trường tiểu học công lập của nhà nước VNCH trước 1975 tại Qui Nhơn. Đa phần thầy giáo là những sĩ quan biệt phái. Sĩ quan biệt phái không ghê gớm như những gì người ta tưởng sau 1975. Họ cũng giống như sĩ quan dự bị bây giờ. Trước 1975, ở miền Nam, vì là thời kỳ chiến tranh, nên các nam thanh niên sau khi hoàn thành việc học tập ở đại học và cao đẳng ngành giáo dục, y khoa ... hầu như bắt buộc phải mặc áo lính ít nhất 2 năm. Họ cũng được học khóa sĩ quan dự bị ở quân trường như bây giờ và đi dạy học bình thường. Họ không dính dáng gì với chính trị hay quân đội như người ta tưởng.

Thầy cô giáo của chúng tôi ngày ấy là những thầy cô có gia đình khá giả. Họ được đào tạo thời phổ thông dưới trường Pháp thuộc. Họ nói tiếng Pháp như máy và họ viết tiếng Pháp nhưng tiếng Việt. Họ rất lịch sự trong cách ăn mặc và cư xử ở đời. Họ cũng không kém phần nho phong lễ giáo còn sót lại của một chính quyền Phong kiến mới vừa tàn lụi ở Việt Nam. Với họ khi gặp ngoài đường chúng tôi phải cúi đầu, vòng tay, chào thưa. Nếu không đó là trọng tội. Vì giáo dục Nho giáo đã ăn trong huyết quản của họ và điều ấy cũng thấm dần vào tư tưởng của chúng tôi.

Sau đợt di tản 1965, chúng tôi ở nhà thuê. Khu vực nhà thuê chúng tôi bên phía Nam sông Hà Thanh. Sông Hà Thanh là con sông có nguồn nước từ rừng cây của dãy Trường Sơn phía Tây Bình Định nó chảy thông vào Đầm Thị Nại. Phía Bắc con sông là một làng có tên là Hưng Thạnh. Làng Hưng Thạnh được xem là làng của những người theo cách mạng. Hưng Thạnh và khu tôi ở được xem là vùng xôi đậu. Ban ngày là của VNCH, ban đêm là các người theo cách mạng trà trộn vào để tuyên truyền và gây rối trị an xã hội. Cho nên, một thời gian sau những người di cư như gia đình chúng tôi được tập trung thành 2 khu . Một khu của trại định cư Phật Giáo bị quây rào thép gai bao quanh như thời Đệ Nhất Cộng Hòa gọi là khu ấp chiến lược và một khu của trại định cư Công Giáo (Thiên Chúa Giáo) không bị quây rào ấp chiến lược.

Hồi đó, Phật giáo và Công Giáo không cùng trong tư tưởng nghĩ về nhau, do thời Đệ Nhất Cộng Hòa chính quyền đã đối xử không công bằng giữa Phật Giáo và Công Giáo. Sau này lớn lên, tôi hiểu đây là một trong những nguyên nhân làm nên sụp đổ của nền Đệ Nhất Cộng Hòa. Khi người cách mạng xoáy sâu vào sai lầm đó và họ đã xúi giục các nhà tu cầm đầu xuống đường chống chính quyền ông Diệm. Bây giờ nghĩ lại chiến tranh của loài người trên thế giới chủ yếu là chiến tranh của tôn giáo và sắc tộc. Ai nắm được sắc tộc và tôn giáo về phía mình, người ấy sẽ thắng. Chiến lược này đã góp phần không nhỏ để nền Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng Hòa của miền Nam sụp đổ.

Tuy là chia làm 2 khu ấp chiến lược, nhưng lũ trẻ chúng tôi vẫn học chung một trường. Mỗi giờ ra chơi chúng tôi vẫn thường chia làm 2 phe Công Giáo và Phật giáo đánh nhau. Những cuộc đánh nhau như ăn vào tiềm thức, không có một ý thức tự giác nào. Nhưng sau này lớn lên tôi mới hiểu hết thế nào là đám đông vô thức của một dân tộc sau gần 100 năm đô hộ của người Pháp. Ở trường là thế, về nhà chúng tôi cũng có những trận giáp la cà ở hòn núi Một (tôi sẽ viết về Núi Một trong bài tiếp theo vì tính đặc biệt của nó đối với Qui Nhơn). Ở trường chúng tôi đánh nhau bằng đấm đá. Ra khỏi trường chúng tôi đánh nhau bằng ná, cây, gậy và những cây súng tự tạo bắn bằng thuốc súng bồi giấy bạc từ những túi thuốc TNT là thuốc bồi cho những khẩu pháo can nông 105 ly của quân đội.
Núi Một, một hòn núi tuy đơn độc, nhưng có vị trí chiến lược vô cùng quan trọng cho cửa ngõ Qui Nhơn với các tỉnh thành khác trong thời chiến

Những cuộc đánh nhau liên miên, bất tận của chúng tôi hồi đó, các thầy cô xem như là hậu quả của tâm lý lứa tuổi hiếu động. So với cuộc đánh nhau của dân tộc mình giữa 2 miền Nam Bắc, thì nó chỉ là phủi bụi, không thấm vào đâu. Các thầy, cô chỉ khuyên là đi học phải giữ đồng phục sạch sẽ và nghiêm chỉnh, không được xốc xếch và dơ bẩn vì đánh nhau. Chưa bao giờ bị qui vào đạo đức hay hậu quả của một xã hội bất ổn để dẫn tới những cuộc đánh nhau của chúng tôi như bây giờ người ta qui kết khi lũ trẻ đánh nhau.

Con sông Hà Thanh là nơi chứng kiến nhiều bước thăng trầm của thế hệ chúng tôi. Thời chiến, nên thế hệ chúng tôi có những anh/chị mãi đến tuổi 15 mới được bước vào lớp một, vì nhiều lý do. Lý do thường thấy nhất là chạy giặc, nay đây, mai đó mà việc học dở dang. Nên thế hệ chúng tôi có đứa khai sinh lùi lại vài ba đến cả 10 tuổi để tránh quân dịch thời chiến. Và chuyện trai gái thầm thương, trộm nhớ lúc còn lớp một, lớp hai thời ấy là chuyện không tránh khỏi. Đặc biệt, những buổi vắng thầy chúng tôi vô cùng hạnh phúc khi trầm mình trên con sông. Con nít tắm sông có bao giờ mặt quần thời đó? Con gái vẫn thường chơi trò giấu quần áo làm các chàng trai không dám lên bờ. Thế đấy, nhưng trong số ấy, bây giờ cũng đã có vài cặp sẽ sống đến răng long, đầu bạc.


Download bài hát Khúc hát sông quê

Có những buổi trốn học đi hái trộm me, khế ăn với muối ớt cay xè, để hôm sau tiêu chảy cả ra quần khi còn trong lớp học. Có những đêm đái dầm ướt cả chiếu với giấc mơ về con B với cái mắt đen tròn, mặc cho cái mũi của nó tẹt lét và như cái bánh đúc; hay con K với cái mũi xinh xinh dù nó thấp như bảy chú lùn trong câu chuyện cổ tích. Đúng là tuổi thơ để ý nhau không bỡi vì cái này, cái nọ mà thích mến nhau trai gái vì nhìn thấy ở đứa trẻ khác phái trên khuôn mặt có một nét gì đó thấy thích là thương, là ngủ thấy chiêm bao về nó.

Khu định cư tôi ở là khu Phật Giáo, tuy hầu như rất ít người có gia đình thờ Phật, mà chỉ thờ ông bà, tổ tiên. Dù là khu Phật Giáo, nhưng với làn sóng người Mỹ vào miền Nam, một số người nữ ở tuổi đôi mươi bắt đầu đi làm sở Mỹ. Họ là những người có chút hương sắc của gia đình khá giả ở thôn quê. Họ được học hành tương đối tốt hơn người cùng lứa. Họ hội nhập với cuộc sống mới nhanh hơn, nhưng họ không ù lì và khó thay đổi so với những gia đình vẫn còn cách sống gia phong lễ giáo, dù học thức có kém hơn. Hồi đó phụ nữ đi làm công sở cho Mỹ bị gọi là Me Mỹ. Xóm làng rẻ khinh và con nít như chúng tôi cũng có những tò mò, rình rập mỗi khi lính Mỹ đến thăm họ tận nhà. Đó là những lần mà chúng tôi được rất nhiều quà quân tiếp vụ của lính Mỹ cho. Những cô Me Mỹ, dù gia đình có là nho giáo và bản thân có học vấn cao cũng không thoát được làn sóng đổi đời từ những vật chất mà người Mỹ đổ vào miền Nam. Sau những bận ghé thăm của lính Mỹ, họ được chuyển nhà ra khỏi khu ấp chiến lược. Và những đứa con xen kẽ cứ tóc vàng, mũi lõ rồi lại tóc đen, mũi tẹt chào đời. Họ vẫn sống bên cạnh ông chồng Việt là sĩ quan quân đội, nhưng họ vẫn cứ cho ra đời những đứa con Tây và con Ta xen kẽ. Và ông chồng được ân sủng làm sĩ quan địa phương không ra trận, vẫn lên lon, cuộc sống vẫn hạnh phúc đầm ấm. Ai cũng hiểu đó vừa là cứu cánh của thời cuộc và cứu cánh cho một gia đình đoàn tụ trong thời loạn ly, bom đạn. 

Suy cho cùng, những người phụ nữ đi làm Me Mỹ thời đó là hậu quả của cuộc chiến ý thức hệ. Họ không có tội, mà ngược lại họ đã là chỗ dựa vững chắc cho những gia đình miền Nam mong muốn cuộc sống bình an trong ngậm đắng nuốt cay của một xã hội chưa thoát được tư tưởng Nho Giáo bao đời. Đến bây giờ, tôi vẫn kính phục họ vì sự can đảm và sự dễ hòa nhập với cuộc sống mới. Hành động của họ không khác mấy thời ông cha ta bỏ búi tóc nhà Thanh để cắt tóc ngắn như người Pháp và cũng không khác mấy chúng ta dùng chữ Quốc ngữ thay cho chữ Hán Nôm. Cuộc sống là những chuỗi tư duy và hành động hợp thời cuộc, nhưng không bỏ mất thuần phong mỹ tục. Song, giữa cái chết và cái sống để trường tồn, phải hy sinh đời mình để cứu lấy gia đình của những người phụ nữ làm Me Mỹ ở miền Nam thời ấy vẫn có cái để kính trọng và biểu dương hơn những gì người ta vẫn dè bỉu chê bai.

Với ai tôi không biết, nhưng với tôi, phụ nữ Việt trong mọi thời, dù ở trong bất kỳ vị trí nào của xã hội họ luôn là những người vợ, người mẹ đáng kính. Người Mẹ Việt Nam. Không có những người phụ nữ Việt luôn chịu áp lực lớn trong cuộc sống: một là tư duy nho giáo và một là sự hội nhập với thời cuộc. Chắc gì người Việt có thể mở cõi và trường tồn đến hôm nay?

Chúng tôi đặc biệt thích thú với Câu chuyện cuối tuần của thầy chủ nhiệm đọc lại trong cuốn "Tâm hồn Cao thượng" của cụ Hà Mai Anh dịch từ bản tiếng Pháp của nhà văn Ý có tên Edmond De Amicis. Cái nhân bản, cái trung thực, cái lòng yêu nước và tình yêu, sự bao dung của thế hệ chúng tôi thời đó đã được hun đúc, xây dựng và ngấm vào từng huyết quản từ tác phẩm này. Chúng tôi đăc biệt nhớ những câu khẩu hiệu trên tường phòng học như: "Tổ Quốc Trên Hết" hay "Tiên học lễ hậu học Văn" hay "Kính thầy mới được làm thầy". Những khẩu hiệu không vì một riêng ai, mà vì chung cho cả cộng đồng trong nền giáo dục khai phóng và nhân bản.

Asia Clinic, 15h39' ngày 15/5/2010

Đăng nhận xét

0 Nhận xét