MỖI NĂM CÓ MỘT NGÀY RẰM

Ngày đăng: [Sunday, June 06, 2010]
Bài viết từ lời kể của một cựu du kích thuộc vùng quê Bình Định. Bài viết mô tả một thời người dân theo làm cách mạng. Những con người chân quê, mộc mạc đã cùng góp công cho ngày thống nhất Nam - Bắc. Bài viết rất hay và rất nhân bản. Tôi xin mượn và đem nó về blog của mình, vì lẽ ra hôm nay viết tiếp mục: Một chút quá khứ và một chút hiện tại phần 5, nhưng rồi bận quá, ý tứ nó cứ lùng bùng, không thả được con chữ và bài viết cũng liền mạch với loạt bài của tôi. Nên xin mượn tác giả Trương Vĩnh Lộc để post bài này lên có cái để anh em cùng thưởng thức.

MỖI NĂM CÓ MỘT NGÀY RẰM

 Suối Lễ mùa khô (ảnh của tác giả bài viết)

Tôi vừa bước chân vào ngõ đã thấy thằng nhỏ đi ra. Nó thấy tôi, nó ngập ngừng đứng lại và nói:
-Thưa chú bữa nay nhà cháu có giỗ ba cháu, sẵng đây con mời chú đến nhà con uống ly rượu.
Tôi nói cảm ơn cháu, chú bận công việc quá, thôi nhờ khi khác.

Anh bảy Lục không có nhà! Uổng công tôi mang mấy con tôm kho rang từ Quy nhơn ra. Chả là tuần trước anh có bắt được một tổ ong vò vẽ to như cái nón đang thời dào mật mà mật và sáp ong vò vẽ trị khớp hay lắm sực nhớ mấy hôm rày hai cái khớp gối của tôi nó bị trở chứng.

Tôi hỏi con Trang rằng ba con đi đâu vậy? nó bảo là ba nó đi lên trên chị hai ở Kon- tum, năm nào cũng vậy ba cháu cứ đến rằm tháng bảy là ba lên thăm chị. Tôi ngạc nhiên bụng bảo dạ khi nào anh bảy Lục về tôi sẽ hỏi chuyện thử ra sao.

Ba ngày sau anh bảy đã về, sau khi chào hỏi ,tôi có kể lại là mình đã đem mồi ra nhấm rượu mà không có anh, anh cười hiền lành rồi nói bữa đó không có tui thì nay tui lại có ,anh đem một mớ thịt cheo của con gái cho. Hai anh em mang ra bờ suối Lễ trải miếng lá chuối ra để lên bì thịt và một chai Vĩnh hảo đựng rượu  mật ong. Tôi và Anh, hai người chỉ có một cái ly cạnh khế, tôi rót anh uống, anh rót tôi uống...

…Mùa khô con suối Lễ như hai hàng nước mắt. Phía bên kia chảy long tong một nhánh nhỏ, chính giữa là cái cồn cát chạy dài cây cỏ mọc lưa thưa, lác đác có và bụi chó đẻ ra hoa trắng.  Cái loại cây nầy kỳ lạ nó chỉ mọc trên khô sao lại mọc dưới lòng suối vầy, tôi và anh bảy ngồi sát mép nước chảy bên đây, chậm rải anh bảy kể:

…Ba tui mất sớm hồi tui mới 5 tuổi. Nhà có bốn anh chị em làm ruộng không đủ ăn. Tui đi chăn bò gặp mấy ổng bảo đi làm cách mạng, đánh Mỹ - ngụy sau nầy đất nước mình thống nhất mình sướng lắm. Tuổi còn nhỏ, tui nhớ năm đó tui mới mười bốn tuổi. Đội du kích mật Cát Hiệp của tui có 6 đứa: Tui, Dư tiết, hai thằng cùng tên Địch, thằng Sơn đầu bạc và thằng Đậu ở Cát hanh.

Cứ mỗi sáng sớm lùa bò đi xuống ấp Hòa đại, Hòa tha, trụ sở xã thấy có gì tối lên miệt rừng báo lại cho các anh trong ủy ban kháng chiến xã. Ban đêm các anh xuống thuận lợi thì các anh xin lương thực phẩm của bà con cho, thăm nhà, có anh còn trai gái nữa bỡi ở rừng mà, thiếu thốn thèm đủ thứ. Có bữa tụi tui xách ca bin rượt mấy tên dân vệ chạy có cờ, rượt xuống thẳng vườn mít luôn. Có khi bắn được vài con chó, tối mang lên mấy anh mừng lắm. Tuổi nhỏ theo cách mạng mỗi đứa một hoàn cảnh đa số là hiếu kỳ hay bất mãn hoàn cảnh gia đình, bất mãn sự nghèo khó chứ có hiểu gì đâu!. Nhìn thấy lính tráng nó đi nghêng ngang đâm ra ghét chứ cũng chưa hiểu gì.

Những năm đó lính ngụy tổ chức gần giống như ta. Ta có du kích thì nó có nhân dân tự vệ ,gọi tắc là dân vệ, ta có dân vận thì nó có Đoàn xây dựng nông thôn. Mấy ông lính xây dựng nầy hay lắm cái gì cũng biết hết.  Ban ngày mấy ổng đi hướng dẫn bà con trồng lúa trồng đậu, trồng mía sao cho có hiệu quả như một kỷ sư canh nông. Trong những lần xây dựng như thế mấy ông đó lồng ghép vào chuyện khuyên nhủ người dân vào vùng ấp chiến lược để sống và nhận trợ cấp của chính phủ. Không nên theo cộng sản và hãy khuyên con em mau trở về với chính nghĩa quốc gia. Cái đòn nầy thì có hại cho cách mạng dữ lắm. Tụi tui nghe tuyên truyền cứ đánh mạnh lên cứ quy đổi theo kiểu truyền miệng một thằng dân vệ đổi 3 người dân, một thằng ấp trưởng đổi 10 người dân, một thằng xây dựng nông thôn đổi 30 người dân cũng đổi, chơi luôn!

…Những đêm trăng sáng các ông lính xây dựng hay tổ chức sinh hoạt ca hát cho thanh niên, chiếu phim, biểu diễn văn nghệ vui lắm. Cấp trên của tụi tui ra quyết định là phải đánh. Nhưng đánh làm sao vì tụi nó cứ sống len lỏi trong dân. Ban đêm chúng cột võng ngủ trong nhà dân, ban ngày đi vận động và làm cùng dân, còn sinh hoạt ca hát thì cái lũ thanh niên trong các ấp lại rất thích. Cấp trên ra lệnh cho tổ du kích mật của tụi tui đánh vào một đêm trăng.

Chiều ngày rằm tháng bảy năm kỷ dậu (1969) sau khi thông báo cho những gia đình cơ sở biết là tối nay không được cho con em đi sinh hoạt. Tổ du kích mật của tui được cấp trên trao cho mỗi người một quả lựu đạn m26 của Mỹ. Cả tổ thề quyết chiến ở một cái hầm bí mật gần bìa rừng ấp Thuận phong. Trời chiều núi rừng tháng bảy sao thấy lâu và nặng nề lắm. Cơ sở cho biết là tối nay lính dân vệ, bảo an và xây dựng tập trung nhiều. Nếu đánh trận nầy chắc là thu hoạch chiến công cũng lớn, trong lòng mỗi đứa vừa hồi hộp vừa rộn ràng. Thằng Dư tiết báo cáo là đã báo bí mật đầy đủ cho các gia đình cách mạng biết tin, không còn sót ai.

Có lễ tối nay lính đông. Tui thấy tụi nó lui tới bắt dây ô-pạc- lê, dây mi cờ rô 2, 3 cái. Đã có máy điện nhưng hai bên sân khấu còn treo thêm 2 cái đèn măng-sông. Vòng ngoài thì có khoảng 4 thằng bảo an đi đi lại lại , bện trong là 1, 2 ông dân vệ, sau cùng trên sân khấu ấp là có 3 ông lính xây dựng nông thôn đang chỉ huy chương trình.thì ra có thế!
Anh Bảy Lục và cháu ngoại (Ảnh của tác giả)
…Trăng lên vừa chấm đọt cây say ở đầu ấp. Thanh niên nam nữ đã vào sân bãi lũ lượt, tui ước chừng đến khoảng vài trăm người. Có những bà già và trẻ em cũng vào. Tổ du kích chúng tui sáu thằng đã vào hết bên trong và hội ý chớp nhoáng là có nên đánh hay không? Dư tiết là tổ trưởng bảo:
- Đã vô tròng rồi mà hổng đánh tụi nó, biết chừng nào đánh cho nó sợ. Lúc đó lòng hăng máu lên cao cả sáu đứa tui đều hô nhỏ nhưng đầy quyết tâm là đánh!

Đêm buông xuống khí trời rừng núi hơi se lạnh. Trăng rằm tháng bảy tròn vảu, sáng vằng vặc một màu trăng tinh khiết, thanh niên nam nữ đang chơi trò ầm-u . Nghĩa là giống như chơi xạt điện ca hát như hồi mới giải phóng .Chúng ta họp thanh ,thiếu niên thường chơi. Anh quản trò chỉ tay về phía bên nầy gọi là ầm thì bên nầy hát, chỉ tay về bên kia và hô lên u là bên kia có người đại diện hát bài hát nào đó!

Tui là người phát quả đầu tiên khi 3 thằng xây dựng đang bàn tán gì đó trên sân khấu. Tui rút chốt an toàn và ném mạnh quả m26, đồng loạt 5 thằng 5 quả đều ném về phí sân khấu ……6 tiếng nổ đinh tai,  tai tui chỉ còn nghe tiếng la khóc, rên xiết, tiếng ồn ào. Cảnh người chà đạp lên nhau máu me bê bết … mấy thằng bảo an bắn pháo sáng liên tục… khoảng 15 phút sau có tiếng trực thăng bay từ phi trường Phù cát đáp xuống. Người ta bắn hết pháo sáng. Những đống rơm vun lên thật to và đốt để cho trực thăng Mỹ thấy làm đích để mà đáp xuống cấp cứu. Một đêm đánh trận kinh hoàng, kết quả là chỉ làm chết 3 tên xây dựng nông thôn và làm hy sinh khoảng 170 người dân lớn nhỏ vô tội.

Sau trận đánh mỗi đứa mỗi nơi. Tui may mắn có đứa em con bà cô bị thương trong đêm đó nên lính ngụy cho được xuống phù cát thăm em. Tôi trốn luôn dưới đó giả đò bán cà rem để sinh sống và nghe ngóng tình hình. Dù bán cà rem nhưng lúc nào dưới đáy thùng cà rem của tui cũng có một khẩu ru lô, dự định nếu bị bắt, tui sẽ nã đạn rồi chạy, nếu cùng đường thì tui sẽ tự sát.

Một tháng sau…

Một hôm tui đang tá túc trong một ngôi chùa thì thằng Đậu ở đâu xuất hiện và đưa cho tui một ổ bánh mỳ nó bảo rằng trong bánh mỳ có nhân đó, ăn đi! Tui nghi ngờ trốn vào nhà bếp chùa mở bánh ra xem. Thì ra đó là một cái thư kêu gọi của đảng ủy xã Cát hiệp kêu bọn tui lên rừng để chuẩn bị ra Bắc.

…Bọn tui được giao liên đưa ra đến Quãng Nam bằng đường rừng, rồi có đoạn đi bằng xe giải phóng nhưng ít lắm. Hơn 4 tháng sau tụi tui mới có mặt ở Hà nội được an dưỡng và rà soát lý lịch đến gần 2 năm. Năm 1971 mới được đi học trường con em miền Nam.

Mấy năm ở Bắc tụi tui thuộc dạng cá biệt quậy phá ghê lắm. Có đứa phải đi tù, tui thì học lở dở nghành bảo quản y cụ một năm…rồi giải phóng, tui xin về quê, bi giờ làm ruộng và ngồi uống rượu với anh bên bờ suối Lễ. Thằng Dư Tiết thì nuôi dê cả ngày ở trên núi suối Tre. Một thằng tự tử chết, một thằng làm công an tỉnh, thằng Địch lớn thì như tui, đang ở Thuận phong, thằng Đậu thì ở Cát hanh, vùng dưới chợ Gồm uống rượu cả ngày dở điên, dở khùng…

Và cứ mỗi năm có một ngày rằm gần cả làng Thuận Phong, xã Cát Lâm cùng làm đám giỗ một ngày và vẫn đi đến mời các anh du kích mật năm xưa đến uống rượu cùng gia đình. Đó là lý do mà anh Bảy Lục, bạn tôi phải đi thăm con gái vào đúng ngày rằm tháng bảy!

Một tấm lòng vị tha cao cả của đồng bào một miền quê hơn 40 năm,chưa được nhận một lời khen.

XIN THẮP MỘT NÉN HƯƠNG CHO NHỮNG NGƯỜI DÂN VÔ TỘI CHẾT OAN VÌ CUỘC CHIẾN! (Vĩnh Lộc).

Asia Clinic, chép lại từ nguồn Bình Định ffc, lúc 18h16', ngày 06/6/2010

Đăng nhận xét

0 Nhận xét