CHUỘT LANG GIÁO DỤC

Ngày đăng: [Friday, January 29, 2010]
 Bài liên quan:
+ Tư duy giáo dục phổ thông
+ Chuột lang giáo dục II
+ Chuột lang giáo dục III

Đầu tháng 12.2009 ông phó thủ tướng, kiêm bộ trưởng giáo dục phê duyệt đề án(1) đưa nội dung phòng chống tham nhũng vào chương trình trình giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng trong trường phổ thông trung học. Theo Thông tấn xã Việt Nam(2) đề án này đã được thủ tướng phê duyệt ngày 02/12/2009. Với mục đích nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm và xây dựng thái độ, ý thức tự giác cho cán bộ, công chức, học sinh, sinh viên trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng; phát huy vai trò của xã hội, của các cơ quan nhà nước, qua đó tạo ra phong trào sâu rộng đấu tranh phòng, chống tham nhũng, từng bước hình thành văn hóa chống tham nhũng. 

Tôi bắt đầu tìm hiểu thế nào là dự án, đề án, đề tài  và chương trình? Theo định nghĩa thì:
1. Đề án là loại văn kiện được xây dựng để trình cấp quản lý cao hơn, hoặc gửi cho một cơ quan tài trợ để xin thực hiện một công việc nào đó như thành lập một tổ chức, tài trợ cho một hoạt động xã hội, etc... Sau khi đề án được phê chuẩn, sẽ hình thành những dự án, chương trình, đề tài theo yêu cầu của đề án.
2. Dự án là bản dự thảo văn kiện về pháp luật hoặc một kế hoạch cụ thể nào đó, được thực hiện nhằm vào mục đích ứng dụng, có xác định cụ thể hiệu quả kinh tế xã hội. Dự án có tính ứng dụng cao, có ràng buộc thời gian và nguồn lực.
3. Chương trình là một nhóm đề tài hoặc dự án được tập hợp theo một mục đích xác định. Giữa chúng có tính độc lập tương đối cao. Tiến độ thực hiện đề tài dự án không nhất thiết phải giống nhau, nhưng nội dung của chương trình phải đồng bộ.
4. Đề tài là đối tượng để nghiên cứu, thực hiện để trả lời những câu hỏi có tính học thuật, có thể chưa để ý đến trong hoạt động thực tế. Nhưng đề tài sẽ nghiên cứu ra một vấn đề mới tốt hơn cái cũ và phải có tính thực tiễn để áp dụng và thúc đẩy sự phát triễn.

Như vậy, trước khi có đề tài nghiên cứu về một hay nhiều vấn đề cụ thể, dự án thực hiện và chương trình thực thi thì phải có đề án được phê duyệt. Song, đề án đưa chương trình phòng chống tham nhũng vào giáo dục phổ thông đồng bộ đến hết năm 2011, mà chưa có một tổng kết nghiên cứu rằng chương trình này có hiệu quả thực tế hay không? thì có phải là một chương trình có tính đám cưới chạy tang và có phải chúng ta đã dùng con em chúng ta làm chuột lang thí nghiệm cho giáo dục hay không?

Và nếu như cứ mỗi vấn đề xã hội chúng ta đều phải làm nên một đề án và chương trình giáo dục cho phổ thông thì hiện nay có bao nhiêu chương trình, đề án cần phải giáo dục phổ thông cho trẻ? Ví dụ như: ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu, tuân thủ luật lệ giao thông, qui hoạch đô thị, sống theo pháp luật, chống "triều cường", etc... thì thế nào? Có nên thành đề án dạy cho trẻ không? Và nếu không thì sẽ ra sao và có thì sẽ ra sao?

Ngoài ra, nếu những đề án giáo dục cứ cho là hoàn hảo, tuyệt vời sẽ tạo ra một thế hệ trẻ tương lai có một trí thức hiểu biết về mọi mặt trong xã hội, nhưng trong xã hội vẫn còn tồn tại vấn đề tha hóa lớn như vụ hiệu trưởng mua dâm học sinh(3),  rồi tòa án làm giả và ép cung học sinh như báo đã đưa tin thì chúng ta có thể dạy cho trẻ một trí thức minh triết không? Như thế vẫn chưa đủ, khi cũng chính ở cái tỉnh vùng xa Hà Giang có vụ hiệu trưởng mua dâm học sinh ấy, thì ông chủ tịch tỉnh lại không chịu thực thi lệnh(4) của người đứng đầu hành pháp là thủ tướng, thì có hy vọng rằng những giáo lý trong trường học có hiệu quả cho trẻ không?

Từ lý thuyết để đi vào thực tiễn là một khoảng cách rất dài và rất gian nan. Cho nên ngôn ngữ tiếng Việt mới có chữ học-hành. Học trước mới thực hành sau. Nhưng học có thể xuất sắc, mà hành có thể không hiệu quả. Thế mới gọi là lý thuyết chỉ là một màu xám, còn cây đời mãi mãi xanh tươi như văn hào Goethe đã từng nói.

Liệu chúng ta cứ lý thuyết suông với trẻ trong trường học, nhưng ngoài đời thực luật pháp không được tôn trọng và thế hệ ông cha lại làm những hành động tha hóa về đạo đức, đi ngược luân thường đạo lý của dân tộc và nhân loại thì những đề án, chương trình giáo dục có tác dụng tốt không? Hay là chúng chỉ tăng thêm sức nặng quá tải cho trẻ trong một chương trình vốn dĩ đã quá tải, chưa nói đến nó có tác dụng ngược?


Không hiểu tại sao đất nước này và nhân dân này đã phải chịu ba tên to đầu: Mỹ, Liên Xô và Trung Quốc dùng để thử cuộc chiến bom đạn và ý thức hệ suốt nữa thế kỷ rồi chưa đủ hay sao? Bây giờ người mình lại tiếp tục lấy dân mình làm chuột lang thí nghiệm nữa?


Đất nước chúng ta đã trải qua 3 thế hệ lèo lái con thuyền dân tộc từ nô lệ đến độc lập, tự chủ. Thế hệ thứ nhất và thứ hai bằng vào kinh nghiệm đời (tri thức) lèo lái đất nước với giáo điều, duy ý chí và quan liêu. Họ đã biết mình làm sai và đã biết sửa sai. 

Thế hệ thứ ba được đào tạo các nước XHCN anh em cũ, đang lèo lái con thuyền dân tộc hiện nay, với vô vàn cải cách trong giáo dục với vài thế hệ trẻ Việt Nam làm chuột lang thí nghiệm. Thế hệ lãnh đạo hiện nay biết mình làm sai nhưng vẫn làm, nên tha hóa và mất văn hóa(5) trỗi dậy như căn bệnh không thuốc chữa. 

Thế thì tương lai, thế hệ chuột lang trong giáo dục của ngày hôm qua, hôm nay đang  được đào tạo sẽ đưa con thuyền dân tộc đi về đâu?

Asia Clinic, 11h30' ngày 29/01/2010

Đăng nhận xét

0 Nhận xét