CẦN CÁI NHÌN DUY LÝ CHO GIÁO DỤC

Ngày đăng: [Wednesday, December 09, 2009]

Hôm trước, trên báo Tuổi trẻ có bài Trẻ em VN thành “người nước ngoài”? và hôm nay trên báo Pháp Luật TP Hồ Chí Minh lại có một bài của một vị giáo sư có tiếng, với cái tựa rất bắt mắt: Đừng ươm mầm cho sự "mất gốc". Bài của ông GS Tương Lai tuy có cái nhìn duy lý hơn bài trên Tuổi Trẻ. Nhưng suy cho cùng ông cũng có ý nghĩ là học trường Quốc Tế trẻ con sẽ mất gốc.

Thiết nghĩ, chuyện mất gốc của trẻ con hay không, không chỉ đơn thuần do giáo dục đóng vai trò then chốt. Then chốt của vấn đề mất gốc ở trẻ con là do yếu tố gia đình và xã hội hơn là giáo dục của nhà trường. Đã có biết bao thế hệ người Việt được đào tạo thời kỳ Pháp đô hộ, chỉ học tiếng Pháp và lịch sử Pháp. Nhưng tại sao họ vẫn yêu nước nồng nàn, không những không mất gốc mà còn góp phần gầy dựng một nền giáo dục tốt trong những ngày đầu dựng nước của thế kỷ qua? Để kiểm chứng và liệt kê những danh sách này thì không thiếu những con người đã về cõi vĩnh hằng và những người đang còn sống, ngày đêm ấp ủ và mong mỏi Việt nam có một nền giáo dục tốt. Và ngay cả những con người thời học trò thì học với Pháp đến sau đại học thì học với Mỹ như GS Dương Thiệu Tống, ông vẫn là người đáng để ngành giáo dục Việt Nam 100 năm sau vẫn còn phải học hỏi và nghiên cứu tư tưởng giáo dục của ông.

Như tôi đã từng viết tản mạn trên blog của mình về vấn đề Giao lưu văn hóa và sự phát triển, và một số vấn đề khác về văn hóa cộng đồng Việt Nam hiện nay - không chỉ đơn thuần là giáo dục. Nó là hậu quả của lịch sử và vấn nạn của văn hóa nền duy tình khi sự hội nhập ào vào, nhưng tư thế và tâm thế chuẩn bị chưa có. Một thời đất nước đã duy ý chí đưa đến bất lực khi không biết tự đi. Để rồi chúng ta đã có một đường lối thay đổi chỉ đặt nặng kinh tế, nhưng chưa có tư thế và tâm thế chuẩn bị một cách toàn diện tất cả các lĩnh vực khác song hành. Hậu quả tha hóa, suy đồi văn hóa nền dân tộc là điều không thể tránh.

Về phương diện kinh tế thị trường, như một bài viết của tôi. Khi nhu cầu cần đáp ứng mà cung chưa đạt, thì không có gì lạ khi tất cả các phụ huynh đành phải cho con mình tỵ nạn giáo dục. Rồi kinh tế thị trường sẽ sắp xếp chuyện dạy và học đúng hướng. Vấn đề vĩ mô còn lại là các nhà thiết kế và lãnh đạo giáo dục phải bình tĩnh nhìn cung-cầu cho đúng để có sách lược tốt. Không nên hùa theo kiểu đám đông mà đưa ra những luật lệ  và cải cách không giống ai, để rồi ngành giáo dục ngày càng giống một món tả pí lù như lâu nay.

Theo tôi, đất nước chúng ta đang cần một thế hệ trí thức duy lý hơn và một nhà kiến trúc sư thiết kế cho tư thế và tâm thế đất nước trong lúc này - hơn là chúng ta chỉ biết nhìn sự việc ở góc độ bi quan từng vấn đề nhỏ lẻ. Mọi người nghĩ sao?

Đăng nhận xét

0 Nhận xét