BỆNH MỒNG GÀ

Ngày đăng: [Friday, April 23, 2010]
Gần đây tần suất bệnh mồng gà có tăng lên. Chỉ tính riêng 3 tháng đầu năm 2010, tại clinic của tôi đã bằng tổng số của năm 2009. Bài viết có tính cộng đồng để mọi người cùng hiểu biết. Hio2nh ảnh tôi mượn hình đã đăng trên internet, vì tính tế nhị của hình ảnh đặc thù của bệnh ở các cơ quan kín đáo.

Bệnh mồng gà là gì?
Mồng gà (hay còn gọi là sùi mào gà) là một bệnh phổ biến nhất trong những bệnh lây nhiễm qua đường tình dục ngày nay, chiếm 62 % trong các bệnh hoa liễu theo báo cáo mới đây của BV Da Liễu Tp Hồ Chí Minh(1), (2).

Tác nhân gây bệnh là do HPV (Human Papilloma Virus). Có trên trăm chủng loại HPVs gây bệnh trên người., trong đó trên 40 chủng loại gây thương tổn trên cơ quan sinh dục và hậu môn. Trên 90 % u nhú sinh dục là do HPV6 và HPV11, thường lành tính, có thể tự khỏi. Tuy nhiên, một số chủng loại (HPV16,18,31,33,45) có nguy cơ gây ung thư cổ tử cung, dương vật, hay vùng hầu họng, phổi. Một số loại khác (HPV 5,8) có thể gây ung thư da kiểu rối loạn tăng sinh biểu bì dạng u nhú (epidermodysplasia verruciformis) (3),(8).

Tại Mỹ, người ta tin rằng có khoảng 6 triệu người bị nhiễm HPV hằng năm, và khoảng 50 % số này ở lứa tuổi từ 15-25. Cũng ở Mỹ, người ta ước tính tới khoảng 75 % phụ nữ trong độ tuổi sinh sản bị nhiễm HPV trong thời điểm nào đó của cuộc đời (3),(8). Lây truyền HPV thường trực tiếp qua đường tiếp xúc qua da (tay,…) hay niêm mạc. HPV cũng có thể truyền từ mẹ sang con trong quá trình vượt cạn (đẻ đường âm đạo). Người ta không thấy HPV hiện diện trong dịch tiết của cơ thể, cũng như không thấy trong máu hay tạng ghép.

Biểu hiện bệnh như thế nào?
Thời kỳ ủ bệnh thường khoảng 3-4 tháng  (có thể dao động từ 1 tháng – 2 năm). Nhiễm HPV có thể không có bất kỳ triệu chứng gì (dưới phát hiện lâm sàng : subclinical genital HPV infection), nhưng những người này vẫn có thể lây truyền bệnh cho người khác.

Thương tổn HPV thấy được trên lâm sàng (clinical) thường chỉ khoảng 30 % trường hợp nhiễm, nó thường dưới dạng những mụn cóc ngoài da hoặc dạng u nhú ở niêm mạc như những hạt nhỏ, màu hồng nhạt trùng với màu niêm mạc, mềm, mọc rải rác hoặc từng đám, có nhiều trường hợp thương tổn từng đám dày đặc nhìn giống như bông cải. Các u nhú này có thể không có cảm giác gì, hoặc chỉ đôi khi hơi ngứa, xốn, rát.

Nữ giới thì thương tổn HPV thường xuất hiện ở xung quanh lỗ âmđạo, hai môi nhỏ hoặc môi lớn vùng âm hộ. Nếu để lâu có thể thấy cả ở hậu môn, âm đạo, cổ tử cung. Thương tổn do HPV ở cổ tử cung ban đầu giống như mảng trầy xước, khí hư nhiều, rỉ máu khi quan hệ. Nếu không có kinh nghiệm với HPV thì ngay cả người thầy thuốc sản khoa cũng thường bỏ sót bệnh lý này, và đó là nguyên nhân điều trị phụ khoa thất bại do bỏ sót HPV không được điều trị đúng.

Đối với phái mày râu, thương tổn u nhú do HPV thường gặp ở ngay lỗ sáo, hoặc bìu, háng, hậu môn, có khi lan ra cả đùi.

Những trường hợp quan hệ tình dục qua đường hậu môn thì u nhú thường thấy ở hậu môn. Quan hệ tình dục bằng đường miệng có thể gặp u nhú HPV ở hai múm vú, mắt , miệng họng. Tay cũng là vật trung gian lây nhiễm (Lý giải tại sao các anh nhà mình đi massage, không giao hợp, chỉ sờ soạng cũng dính chấu).

Một số hiếm có thể gây chảy máu hoặc tắc nghẽn đường tiểu do thương tổn HPV.
Trên lý thuyết và trong các công trình nghiên cứu (xác định nhiễm HPV dựa trên xét nghiệm AND bằng phân tích PCR) cho thấy tỉ lệ nhiễm HPV là như nhau giữa hai giới nam và nữ (7), hoặc nữ chỉ nhỉnh hơn nam một ít. Tuy nhiên, trên lâm sàng, chúng tôi nhận thấy tỉ lệ gặp u nhú sinh dục do HPV ở các bà vợ cao hơn hẳn các ông chồng (Chưa thống kê, nhưng tỉ lệ các ông chồng có triệu chứng/ các bà vợ có triệu chứng có lẽ chỉ khoảng 5%). Có nghĩa là nam thường là người lành mang trùng (ở dạng subclinical genital HPV infection). Điều này có thể do:
+ Sức đề kháng của nam rất tốt chăng?
+ Hay cấu tạo giải phẫu đường niệu-dục của nam ít thuận lợi cho sự tồn tại và phát triển của HPV để đủ mạnh xuất hiện triệu chứng?
Vấn đề này còn bỏ ngỏ cho các nghiên cứu về HPV của ta, nhưng có lẽ khó thực hiện, bởi vì gía thành xét nghiệm AND (chạy PCR: Polymerase Chain Reaction) rất cao.

Xét nghiệm cận lâm sàng
Vấn đề chẩn đoán bệnh mồng gà là vấn đề lâm sàng. Chỉ cần nhìn và đã từng gặp là khó lòng quên. Thường người ta điều trị ngay khi thấy thương tổn u nhú sinh dục mà không cần xét nghiệm. Nếu có, chỉ là tầm soát  thêm các bệnh lây qua đường tình dục khác đi kèm và xác định chủng loại gây ung thư.

PAP smear là xét nghiệm đầu tay được thực hiện để phát hiện sự thay đổi bất thường tế bào cổ tử cung và chỉ điểm cho xét nghiệm AND để chẩn đoán xác định nhiễm HPV và xác định chủng loại HPV trong liệu trình tầm soát ung thư cổ tử cung.

HPV cũng có thể được xác định qua mẫu giải phẫu bệnh lý mô thương tổn.

Xét nghiệm ADN về HPV có 2 phương pháp là DFH ( dot filter hybridization) và PCR (Polymerase chain Reaction) trong đó  PCR có độ nhạy cao hơn (7).

Điều trị HPV ra sao?
Cũng giống như các loài virus khác, HPV vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Người ta cho rằng khó điều trị tiệt gốc được HPV và nó thường tái phát. Khó điều trị vì hầu hết những bệnh nhân có biểu hiện lâm sàng HPV đều có hệ thống miễn dịch yếu. Hệ thống miễn dịch như bộ quốc phòng. Khi hệ miễn dịch yếu thì kẻ thù khó bị tiêu diệt, trong khi virus chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.

Nhưng theo kinh nghiệm của chúng tôi, hãy  cố gắng điều trị đúng bài bản và theo dõi thường xuyên, cộng với quan hệ tình dục an toàn, giữ sức khỏe để có sức đề kháng tốt, chúng ta hoàn toàn có thể đẩy lùi được bệnh này.

Đối với thương tổn u nhú của HPV: cần được lấy đi bằng phương pháp bôi thuốc, đốt (Đốt điện, tia laser, đốt lạnh) hay mổ cắt bỏ và phối hợp với điều trị bằng thuốc bôi và thuốc uống.

Interferon alfa – n3(alferon-N) cũng được dùng trong điều trị HPV để kích thích đáp ứng miễn dịch của cơ thể.

Có thể phòng ngừa HPV?
Người lớn:
Phòng tránh HPV = Quan hện tình dục an toàn.
Kiểm soát HPV    = Thăm khám định kỳ vùng sinh dục và hầu họng.

Trẻ em: tiêm phòng HPV cho cả bé trai và gái.
Hiện thị trường có 2 loại vaccin được FDA công nhận (3),(9) dùng để tiêm ngừa nhiễm HPV:
Gardasil (của MSD): tiêm cho cả 2 giới nam và nữ độ tuổi từ 9-26, để phòng HPV type 6,11,16,18.
Cervarix ( của GSK): tiêm cho nữ từ 10-25 tuổi để phòng HPV type 16,18.
Tuy nhiên, nên lưu ý: HPVs type 16,18, chiếm tỉ lệ  70% ung thư cổ tử cung, như vậy còn đến 30% nguy cơ ung thư cổ tử cung do các type HPVs khác không có trong liều vaccin được tiêm ngừa.

Có một điều không hiểu tại sao hai loại vaccin này khi vào thị trường Việt Nam lại được chỉ định sử dụng cho đến 55 tuổi?(10)

TÀI LIỆU THAM KHẢO:


2. http://www.thanhnien.com.vn/news/Pages/201014/20100401165209.aspx 
  
3. Fauci, Anthony S.,et al, Harrison’s Principle of Internal Medicine, 17th ed, United States: Mc Graw Hill professional, 2008.

4. Noelle C. Bowdler and Rudolph P.Galask, et al, Gynecology & Obstetric,United States: Churchill Livingstone, P.819-821.

5. Roger P.Smith, et al ,Obstetrics & Gylecology, Unites States,Mc Graw Hill, P.932-933.

6. http://www.glowm.com/index.html?p=glowm.cml/section_view&articleid=226&recordset=&value=226




10. http://tuoitre.vn/Chinh-tri-xa-hoi/Song-khoe/293062/Tranh-luan-quanh-chuyen-Cervarix.html

Asia Clinic, 14h30, ngày 23/4/2010

Đăng nhận xét

0 Nhận xét