GÂN GÀ BA TƯ

Ngày đăng: [Sunday, January 08, 2012]
Bài đọc liên quan:

Mượn hình tượng câu chuyện Tào Tháo và Dương Tu trong Tam Quốc diễn nghĩa của La Quán Trung để viết về Iran. Vì đụng đến Ba Tư là đụng đến nhiều vấn đề khó nhằng, như nhai một cái gân gà. Khác với Iraq nằm lọt thỏm giữa đất liền. Ba Tư có nhiều lợi thế chiến lược cả trên đất lẫn dưới biển.

Thứ nhất là, câu chuyện địa chính trị Ba Tư làm cho vùng đất này chưa bao giờ ngừng nghỉ sự tranh chấp. Hai hướng giáp biển - Biển Caspia ở phía Bắc và Vịnh Ba Tư ở phía Nam, có eo biển Hormuz hẹp chỉ 56km bề ngang chiếm vai trò quan trọng là nơi kiểm soát tàu chở dầu từ hầu hết các quốc gia Trung Đông đi khắp thế giới - Các mặt khác là đại lộ nối liền Đông Tây - con đường tơ lụa một thời và mãi mãi ngàn sau - mạch đất biển nối liền Á Phi và Âu. Nhưng quan trọng hơn cả là, Ba Tư nước có trữ lượng dầu mỏ đứng hàng thứ 2 thế giới. Ba Tư cung cấp một lượng tương đương 14% lượng dầu sử dụng toàn cầu. Họ còn là cái yết hầu cho năng lượng toàn cầu khi nhìn qua eo biển Hormuz là bể dầu lớn nhất thế giới Ả Rập Saudi và các nước có trữ lượng dầu lớn của Trung Đông.

Chính vì những điều trên mà, Ba Tư còn là nơi mà cường quốc 2 phe tả hữu thi nhau ủng hộ, áp đặt chính sách để làm lợi cho mình. Hết Anh và Liên Xô, thì đến Mỹ, và bây giờ là Nga và Trung Hoa.

Thứ hai là yếu tố lịch sử cận đại, người Mỹ và phương Tây đã từng mất công cả ba thập niên ở Ba Tư từ 1940 đến 1970 để gầy dựng một chế độ độc tài của gia đình Reza Pahlavi, gồm có cha là Shah và con là Mohammad, để rồi mất lòng dân Ba Tư. Và cuộc cách mạng Hồi giáo dưới sự lãnh đạo của giáo chủ Ayatolla Ruhollah Khomeini đã làm nên một chế độ tăng lữ quí tộc - Cộng Hoà Hồi Giáo Iran ngày nay. Họ chống phương Tây và Mỹ cực đoan vì một quá khứ áp đặt kiểu kẻ bá quyền. Ba Tư ngày nay đi theo tư tưởng của Mao về an ninh quốc phòng - phải có bom hạt nhân để khẳng định chủ quyền. Chính trị họ hoàn toàn theo con đường Hồi giáo cực đoan để quan hệ đối nội và đối ngoại. Một cái gai với phương Tây và Mỹ. Nhưng là một cực trong thế giới đa cực phù hợp với Nga và Trung Hoa.

Bấy nhiêu lý do ấy làm cho thế giới đủ đảo điên khi Ba Tư bị bao vây phong toả, chưa cần nói đến chiến tranh.Vì sự đối đầu tại Ba Tư không chỉ đơn thuần là đối đầu về Ba Tư từ chối chữ ký của mình về cấm phổ biến vũ khí hạt nhân. Ở đây còn là sự đối đầu với lòng dân Ba Tư đã chán 30 năm chế độ độc tài do Mỹ tạo ra. Còn là sự đối đầu của hai phe tả hữu. Cuối cùng là đối đầu với khủng hoảng nguồn cung năng lượng toàn cầu, kéo theo những biến động kinh tế toàn cầu, trong lúc thế giới đang bị cơn đại suy thoái.

Hãy nhìn lại quá khứ, sau vụ bắt cóc 52 con tin ngoại giao Mỹ, và nhốt 444 ngày tại đại sứ quán Mỹ ở Teheran, từ cuối năm 1979 đến đầu năm 1981, Iran bị bao vây bằng cấm vận, giá dầu thăng thiên, giá vàng thập kỷ 1980 đã từng là kỷ lục lên đến 850USD/oz. 

Sau quyết định tăng mức cấm vận buôn bán dầu hoả với Ba Tư của Hoa Kỳ, thế giới bắt đầu từ đồng minh phương Tây, bây giờ là châu Á, kể cả Nga và Trung Hoa sợ mất thị trường làm ăn béo bở của Hoa Kỳ, cùng đồng thanh tương ứng. Sự cố Iran đang bắt đầu nóng lên từng ngày, thì giá vàng đang nguội lạnh phá mốc sàn 1600USD/oz được vài hôm, lại nóng lên vượt mốc 1600USD/oz, khi giá dầu vượt mốc 110USD/thùng.

Hôm nay lại có chuyện Hoa Kỳ cứu 13 thuỷ thủ Ba Tư bị cướp biển Somali giam giữ. Và nhà cầm quyền Ba Tư cho đây là một hành động "nhân đạo". Quả là một nhùi như tơ vò sau các biến động của năm 2011. Tuy vậy, nó cho thấy Hoa Kỳ rất hiểu Ba Tư là cái gân gà đã nhằng hơn 30 năm vẫn chưa nuốt được.

Nếu làm một thống kê đơn giản, không ít hơn 80% mọi người được hỏi có muốn đánh Iran không, đều đồng ý đánh. Nhưng liệu đánh Iran có được không, ở một nước mà biển có thể cung cấp thuỷ hải sản và, đất liền có thể canh tác tự cung tự cấp. Ngoại trừ cấm vận dầu hoả kéo dài trong lúc đang chạy đua vũ trang đến kiệt quệ kinh tế?

Hoa Kỳ và đồng minh phương Tây đánh Iran sớm, có nghĩa là tránh được một Bắc Hàn đang kiệt quệ đến cùng cực, nhưng có vũ khí hạt nhân để liều thân. Nhưng đánh Iran trễ, thì có thể Iran có vũ khí hạt nhân để kềm chế mọi sự tấn công từ bên ngoài.

Chiếc gân gà Ba Tư là hình ảnh tương lai gần của Bắc Hàn. Nó không dễ nhai và càng không dễ nuốt. Ba Tư không chỉ dạy cho hai phe tả hữu những bài học của thời đại, họ sẽ là một Bắc Hàn bế quan toả càng, và còn mạnh hơn Bắc Hàn nhờ vào một chính thể đa nguyên và muốn làm ăn với toàn thế giới, án ngữ yết hầu năng lượng toàn cầu.

Ba Tư còn là một bài học lớn cho những quốc gia có địa chính trị quan yếu, như Việt Nam. Đừng nên biến đất nước và dân tộc thành cái gân gà, mà hãy là một thành viên ôn hoà với thế giới còn lại, và đối xử với dân bằng một chính thể hợp thời mà không cực đoan vì nhai lại một tư duy lai căng vậy.

Asia Clinic, 13h27' ngày Chúa Nhựt, 08/01/2012

Đăng nhận xét

0 Nhận xét