THẾ NÀO LÀ DOANH NHÂN VÀ DOANH NGHIỆP?

Ngày đăng: [Thursday, October 01, 2009]

Có bạn Trẻ bảo tôi viết bài hưởng ứng cuộc phát động thi đua Khơi dậy trách nhiệm xã hội của người tiêu dùng. Đời tôi không thích thi đua và cạnh tranh theo phong trào. Đến nay, tôi không biết đã trãi qua bao nhiêu lần thi thật? Thi để khẳng định mình còn tồn tại và có mặt để xả rác với đời. Còn chuyện thi đua với người khác thì hầu như trong tư duy của tôi chưa bao giờ có. Tôi từ chối. Tôi chỉ viết lên đây suy nghĩ của mình về doanh nhân nói chung và doanh nhân Việt cần gì?

Nói về làm sao để người Việt yêu hàng Việt trước tiên phải nói đến doanh nhân đúng nghĩa phải như thế nào? Hay nói cách khác định nghĩa như thế nào là doanh nhân? Hình như chưa ai, kể cả các doanh nhân Việt cũng chưa có tư duy là mình phải như thế nào mới được gọi là doanh nhân? Và như thế nào chỉ là con buôn? Con buôn khác với doanh nhân ở điểm nào? Theo tôi, Doanh nhân phải là con buôn + thương hiệu văn hóa một dân tộc. Thiếu một trong hai vế này thì một người thành đạt từ kinh doanh không thể gọi là doanh nhân. Vì dù sự thành đạt của anh có đến đâu nhưng anh không đại diện cho thương hiệu của một nền văn hóa dân tộc nào đó thì anh cũng chỉ là con buôn không hơn, không kém. Một ví dụ cụ thể là nếu Bill Gates không đưa sản phẩm Microsoft là đại diện không chỉ cho ông ta mà còn đại diện cho văn hóa cạnh tranh và thế đứng Mỹ trên trường thế giới thì ông không là doanh nhân mà chỉ là con buôn.

Nhìn lại Việt Nam ta, 8 tập đòan tư bản nhà nước do Thủ tướng thành lập đã là doanh nhân chưa? Chưa! Họ chỉ là con buôn không hơn không kém. Tất cả các đại gia tư nhân đang tồn tại và phát triễn trong xã hội Việt Nam có ai được gọi là doanh nhân chưa? Có, nhưng rất ít. Vì sao? Vì sản phẩm của họ khi trong tư duy của người Việt phải là xuất hiện hàng đầu khi đi mua sắm. Điều này rất khó. Khó ở chỗ là để đạt được thế sản phẩm đó phải đạt được quyền lực mềm trong kinh doanh.

Quyền lực mềm trong kinh doanh là lòng tin của khách hàng với sản phẩm. Muốn thế, doanh nhân phải có trách nhiệm với sản phẩm mình làm ra bằng cái tinh túy của văn hóa của dân tộc Việt là nhân, là nghĩa, là lễ, là trí và là tín. Khi đạt được thế thì không người Việt nào quay lưng với hàng Việt và cũng không cần những phát động phong trào với thi đua viết lách, không cần kêu gọi như cách mà gần 1 thế kỷ qua đã từng làm trong tất cả các lĩnh vực để rồi ngày nay, người Việt sống với nhau không còn tử tế với nhau như không còn nhân, nghĩa, lễ, trí và tín mà ta thấy nhan nhãn hằng ngày.

Như vậy, để được gọi là một doanh nghiệp thực sự thành đạt thì trước hết cần phải là một doanh nhân có văn hóa họat động vì thương hiệu quốc gia qua văn hóa nền: nhân, nghĩa, lễ, trí, tín lên hàng đầu để có được quyền lực mềm đối với người tiêu dùng.

Asia Clinic, 01/10/2009

Đăng nhận xét

0 Nhận xét