Ngày đăng: [Monday, November 01, 2010]
Tin đồn râm ran từ nhiều tháng nay cho rằng cảng Cam Ranh sẽ được cho thuê các cường quốc quân sự vì nhiều lý do: vì an ninh khu vực, vì quan hệ ngọai giao đa phương của Việt Nam để bảo vệ chủ quyền trên biển Đông, v.v... hôm nay đã thành sự thực, khi hôm qua trên trang web quốc phòng đã có bài viết: Cam Ranh từ tin đồn đến sự thật.
Về mặt duy vật luận, thế giới đa cực là thế giới hợp với qui luật. Trong quan hệ ngọai giao cũng vậy, ngọai giao đa phương là ngọai giao đúng đắn để tạo sức mạnh tổng lực. Mọi suy nghĩ về một thế giới đơn cực là suy nghĩ sai lầm. Điều này đã được lịch sử Việt Nam nói riếng và lịch sử thế giới nói chung minh chứng rất rõ ràng. Khi Việt Nam sau 30/4/1975 đã đi theo một quan hệ ngọai giao đơn phương, đã dẫn đến 15 năm bỉ cực. Gần đây, người Mỹ một mình làm đại ca thế giới đã dẫn đến tự mãn và sai lầm ai cũng thấy.
Mối quan hệ trong thế giới đa cực là mối quan hệ sẽ tạo ra những đối lập. Chính những đối lập này sẽ là những bộ lọc làm công việc kiểm sóat và điều chỉnh những tư duy và hành động có tính duy ý chí, sẽ tốt hơn, phù hợp với thực tế đòi hỏi. Còn nếu với một mối quan hệ đơn cực sẽ không làm ra được những đối lập, sẽ dẫn đến không có những bộ lọc, chắc chắn dẫn đến duy ý chí, suy thóai là điều tất nhiên chứ không thể ngẫu nhiên.
Quay lại vấn đề, thế giới ngày nay là thế giới phẳng, biên giới không còn giới hạn ở lằn ranh của mỗi quốc gia. Xâm lược ngày nay không còn là xâm lược giản đơn bằng bạo lực. Cái nghĩa xâm lược ở mức rộng hơn nhiều, vì còn có xâm lược văn hóa và kinh tế. Do yếu tố địa chính trị đã đưa đến lịch sử dân Việt có một lịch sử đầy máu và mùi thuốc súng. Nói gì thì nói, làm gì thì làm, chúng ta phải luôn thấy rằng, Việt Nam luôn là đầu tàu của khu vực. Lúc yếu cũng như lúc mạnh, Việt Nam luôn là người tiên phong, đứng mũi chịu sào cho con tàu Đông Nam Á. Đó là điều tiên quyết muôn đời. Như vậy, câu hỏi đặt ra là: Làm thế nào để Việt Nam luôn là tiên phong, là người cầm lái cho khu vực, mà không bị lợi dụng như thời quá khứ cận đại?
Sau hiệp định Paris, 1973, người Mỹ ra đi bỏ rơi đồng minh VNCH, để chiếm lấy thị trường hơn 1 tỷ dân của Trung Quốc, nhưng đến 1995 người Mỹ cũng phải quay về, với tư thế và tâm thế khác. Sau tháng 4/1975, người Nga đến, rồi tháng 10/2001, người Nga cũng phải ra đi tự lo cho mình sau sự sụp đổ Đông Âu và Liên Xô cũ, nhưng nhờ khủng hỏang thế giới, giá khí gas và xăng dầu đã vực họ dậy đủ mạnh và bây giờ, họ cũng phải quay về đất Việt để chứng tỏ mình.
Trong một bài viết về: Được, mất trong khủng hỏang kinh tế tòan cầu 2007-2009 trên Tạp chí Tia Sáng, tôi có viết: "Suốt bốn thập kỷ qua, thế giới như một tam quốc phân tranh: Mỹ - Nga và Trung Quốc. Đầu thập kỷ 1970, người Mỹ đã kéo Trung Quốc về phía mình, kết quả là sụp đổ Liên Xô cũ và Đông Âu. Sự trỗi dậy của Trung Quốc gần đây là mối đe dọa ngôi vị số 1 của Mỹ. Họ đã dùng chiêu bài cũ khi kéo người Nga đồng thuận về phía mình, khi khủng hoảng kinh tế đã giúp Nga vươn mình đứng dậy nhờ giá dầu và khí gas. Vài tháng gần đây, người Nga đã bắt đầu thuận thảo với Mỹ về vấn đề Iran và Bắc Hàn. Cuộc chiến tranh tiền tệ kéo dài 4 năm từ 2006 đến nay đã đến hồi kết thúc.".
Câu chuyện an ninh quốc phòng của Việt Nam, theo tôi, là một câu chuyện nhạy cảm bậc nhất trong mọi thời sự, ở mọi thời điểm, vì tính chất địa chính trị và lịch sử của đất nước qua hàng ngàn năm nay. Nên tôi ít khi động đến, nhưng khi động đến thì luôn ở tầm vĩ mô, hơn là vi mô. Nhưng tháng 3/2010 tôi có viết một bài về Tư duy tranh chấp biển Đông. Cho nên việc người Nga trở lại cảng Cam Ranh, theo tôi là một điểm sáng cho lựa chọn chiến lược cho tư duy về biển Đông và chủ quyền lãnh thổ. Song, cũng đừng quên rằng: tư duy biển Đông và chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam không phải là tư duy nhờ cậy các cường quốc là chính, mà phải từ sức mạnh nội tại của chính mình là chính. Vì lịch sử cũng đã minh chứng hùng hồn rằng: không có bất kỳ một cường quốc nào họ đến với ta mà vì ta vô vụ lợi. Hễ cứ mỗi lần người Trung Quốc không hài lòng với ta thì hầu như các doanh nghiệp Việt Nam đều phải vào vòng lao đao, khốn đốn, chuyện các ngư dân chỉ là chuyện rất nhỏ. Vì hầu như hàng hóa xuất khẩu của ta chưa đủ chất lượng để đứng vững ở các thị trường các nước tiên tiến. Hàng chúng ta chỉ đủ để xuất sang châu Phi, các nước nghèo và Trung Quốc là chủ yếu. Công nghiệp hỗ trợ và chiến lược phát triển đồng bộ của chúng ta chưa có. Nên tôi đã có một bài cuối cho chiến lược Việt Nam đón nhận thời cơ của khủng hỏang kinh tế 2007-2009, để kết thúc lọat bài khủng hỏang này.
Vấn đề còn lại là làm sao để sức mạnh nội tại của chính chúng ta đủ mạnh để tự lo cho chính mình khi các cường quốc xách gói ra đi? Đó là câu hỏi xin dành cho các think tanks của đảng cộng sản Việt Nam. Vì chúng ta cần phải có tư duy đúng các quy luật tự nhiên và xã hội để làm nên sức mạnh của đất nước và dân tộc đến mức tối đa để biết tự bảo vệ mình một khi trở lại cô đơn. Và vì khác với khoa học tự nhiên, những sự vật và hiện tượng của khoa học xã hội không có cái gì vĩnh hằng và bất biến. Nhưng các qui luật của duy vật luận luôn tuần hòan với những vòng lặp lại khác hơn trên một bản chất cũ.
Asia Clinic, 16h06', ngày thứ Hai, 01/11/2010
0 Nhận xét