SỐ PHẬN CỦA CÁC QUỐC GIA

"Số phận của các dân tộc" hay có thể nói theo cách khác là "Định mệnh của các dân tộc" là tùy thuộc vào thể chế chính trị mà dân tộc ấy chọn lựa. Nhưng các yếu tố bắt buộc dân tộc ấy chọn lựa lại rất khách quan và nhiều khi là bi kịch phải chọn lựa cái mà họ không muốn. Trong bài viết ngắn này, tôi muốn tóm tắt những yếu tố khách quan ấy.

Bản đồ Đông Nam Á

Qua câu chuyện người Việt Nam bị bắt làm thuê như nô lệ cho các sòng bài của Trung Quốc ở biên giới Campuchea.

Địa chính trị của một quốc gia như một lời nguyền của lịch sử và văn hoá. Nó quyết định đến sự phát triển thành bại và sự tồn vong của quốc gia đó qua hàng ngàn năm lịch sử.

Địa chính trị nó như con người ta sinh ra không được chọn cửa, nhưng chọn được cách chơi và luật chơi cho chính mình, dù sướng hay khổ, nhục hay vinh cũng là một sử mệnh vinh quang, cay đắng và ngọt bùi.

Việt Nam chúng ta là một quốc gia có địa chính trị vô cùng quan trọng không chỉ cho bán đảo Đông Dương mà còn là cho cả khối châu Á Thái Bình Dương Ấn Độ Dương theo khái niệm của Ngài cố Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.

Với một diện tích hẹp, nhưng có một mặt tiền quá dài và đẹp ra biển Đông nhìn sang các quốc gia còn lại của Đông Nam Á. Bắc giáp Trung Quốc ôm ấp Lào. Tây có Lào hiền hoà và Campuchia luôn làm nũng. Nam nhìn sang Vịnh Thái Lan và các quốc gia còn lại của khối Đông Nam Á. Việt Nam như con thuyền đứng đầu sóng ngọn gió chịu phong ba bão táp từ phương Bắc dội vào cả khối Đông Nam Á, Úc châu và sau đó là khu vực Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương của châu lục lớn nhất quả đất.

Chúng ta không thể đi dời địa lý quốc gia đi nơi khác như con người ta không thể chọn cửa để sinh ra. Nhưng chúng ta được chọn lựa cuộc chơi hiếu hoà với cái cách mà ông bà ta vẫn thường dạy: “Bà con xa không bằng xóm láng giềng gần”.

Đầu tiên và tiên quyết để cho cuộc chơi được ổn định cho sự hoà bình và phát triển là phải cùng với Lào và Campuchia đoàn kết trong một trật tự có kiểm soát của chúng ta. Phá vỡ khối đoàn kết và mất kiểm soát Đông Dương chúng ta sẽ mất tất cả. Đó là bài học lịch sử từ hàng ngàn năm qua cho chúng ta thấy.

Từ hơn 30 năm qua, khi theo học thuyết “mèo trắng mèo đen” của họ Đặng và phát triển thần kỳ với tăng trưởng hằng năm 10% GDP trong suốt 30 năm, Trung Quốc đã bắt đầu vươn ra thế giới không hiền hoà. Trong con đường tơ lụa, họ bắt đầu bảo hộ kinh tài cho các doanh nghiệp vươn xa đến các châu lục xa xôi như Phi châu, nhưng rất mạnh mẽ ở láng giềng gần, đặc biệt ở Lào, Campuchia, Miến Điện, Thái Lan và các quốc gia trong khối Asean. Trong đó có những sòng bài ở Campuchia và những đập thủy điện ngăn chặn dòng chảy của sông Mekong, etc nhằm kéo 2 nước Lào và Campuchia về phía họ.

Để mất Lào và Campuchia là xem như chuyện mất nước Việt chỉ là chuyện sớm muộn. Cho đến giờ này, Lào và Campuchia vẫn còn nằm trong tầm kiểm soát của chúng ta. Câu chuyện Casino của Trung Quốc thuê và sử dụng nhân công Việt như nô lệ phải trốn chạy qua sông Bình Di ở An Giang cách đây 2 hôm không đơn giản chỉ là chuyện làm ăn của một doanh nghiệp Trung Quốc mà còn là chuyện ngoại giao của 4 quốc gia: Việt, Trung, Lào và Campuchia cũng như sự bình yên của Đông Dương!

Mất Việt Nam xem như mất Đông Nam Á và châu Á còn lại kể cả Thái Bình Dương và đe dọa cả Ấn Độ Dương! Mỹ, phương Tây và các quốc gia Đông Á như Nhật, Hàn, Úc, Ấn và Asean đều hiểu rõ việc này. Đây cũng là cơ hội và gian nguy cho nước Việt của chúng ta, cho nên với hơn 2.600 năm lịch sử nước ta đã có hơn một nửa thời gian phải chịu chiến tranh và chia cắt.

Địa chính trị đó vừa lợi lại vừa khó cho chúng ta vì có láng giềng gần phía Bắc quá nhiều tham vọng từ hàng ngàn năm qua. Nên ngoại giao đa phương là sách lược bất biến ứng vạn biến.

Lịch sử đó đã hình thành văn hoá và tư tưởng của chúng ta là nền tảng cho sự khó khăn trong sự nghiệp phát triển của đất nước và dân tộc Việt mà lâu nay chúng ta vẫn là nước nằm trong nhóm đang phát triển, chưa chạm được ngưỡng cửa của G20, mặc dù dân số nước ta đông dân thứ 15 thế giới và có đầy đủ nông, lâm, hải mà chưa cần đến công nghiệp để làm ăn phát triển với thế giới.

địa chính trị, lịch sử, văn hoá và tư tưởng hàng ngàn năm qua đã làm nên thể chế nước ta luôn phải đi theo hướng đi của Trung Quốc. Đó là thực tế khách quan ngàn đời. Đó là bán bà con xa mua láng giềng gần. Đó là vì hoà bình để làm ăn và phát triển. Đó là lời nguyền của địa chính trị và lịch sử của dân tộc.

Vậy đến bao giờ lời nguyền ấy mới mất đi như Tề thiên đại thánh được tháo bỏ vòng kim cô? Điều này có khó khăn không? Theo tôi không khó! Nhưng để làm được việc xoá bỏ lời nguyền này tôi phải viết xong cuốn sách “Thóat Trung Luận” mà nó đã được viết suốt gần 2 năm ở trại giam Xuyên Mộc.

Sự chọn lựa thể chế thành bại của con người không khác súc vật!

GDP toàn cầu năm 2021

Hôm thứ Ba, 16/8/2022, toà án quân quản Miến Điện lần thứ 3 xử thêm 6 năm tù vì tội tham nhũng cho Bà Aung Sann Suu Kyi. Tổng hình phạt cho Khôi nguyên Nobel Hoà Bình cao quý vào năm 1991, ở cái tuổi 77 là 17 năm trong ngục tối. 

Với 20 năm quản chế trước khi ra tranh cử, cuộc đời của Bà có tổng thời gian tù tội là 37 năm. Với lần tù thực sư này thì xem như cuộc đời hoạt động chính trị và cuộc đời của Bà đã chấm dứt ở trong tù.

Suu Kyi bị quản thúc tại gia sau khi quân đội nắm quyền kiểm soát Myanmar vào tháng 2 năm 2021. Biểu tượng dân chủ 77 tuổi đã được chuyển đến các khu bên trong nhà tù Naypyitaw hai tháng trước và không còn được phép có nhân viên chăm sóc riêng nữa.

Miến Điện sau khi bị nhóm quân đội thân Trung Quốc thao túng từ năm 1974 họ đã từ một quốc gia số 2 châu Á, chỉ sau Nhật Bản đã trở thành quốc gia xếp cuối bảng xếp hạng của châu Á.

Với tôi, ở thế kỷ XX chỉ có 3 nhân vật chính khách đáng ngưỡng mộ là: Mahatma Gandhi của Ấn Độ, Nelson Mandela Khôi nguyên Nobel Hòa Bình năm 1993 của Nam Phi và người phụ nữ thép của Miến Điện Aung Sann Suu Kyi. Họ đấu tranh cho dân tộc theo con đường nhân bản không đổ máu.

Tuy vậy, ở ba quốc gia này đều có những nét về địa chính trị và lịch sử đã làm nên văn hoá tư tưởng của những dân tộc quen với sự nô lệ, nên dù là đông dân thứ 2 thế giới và nhiều nhân tài khoa học như Ấn Độ thì họ vẫn chưa phát triển được. Nam Phi hậu Nelson Mandela vẫn mèo lại hoàn mèo. Còn Miến Điện với một biên giới với Trung Quốc không thể bình yên để thanh bình để phát triển dù họ có 2 thập kỷ 1960 và 1970 hùng cường với những cuộc bạo loạn chống Trung Quốc năm 1967!

Với văn hoá Hindu giáo phân biệt giai cấp đến tận cùng của nhân loại, Ấn Độ gần đây dù có thay đổi để mong phát triển cũng không giữ chân được những nhà khoa học hàng đầu có xuất thân từ tầng lớp dưới của xã hội bỏ nước ra đi tìm con đường sáng sủa cho thế hệ mai sau.

Với đi sản của chế độ nô lệ hàng trăm năm mà phương Tây để lại ở Nam Phi, dù có một Nelson Mandela muốn thay đổi sự dã man bằng lòng nhân hậu cho dân tộc thoát ra khỏi ngục tù nô lệ, nhưng người dân Nam Phi không quen và chưa thể hiểu được, sử dụng được quyền làm Người, nên Nam Phi lại trở về sự man rợ của thời tối tăm.

Miến Điện cũng vậy, sau khi được trả lại độc lập của Anh, họ đã có 20 năm rực rỡ, nhưng họ không tự thoát ra khỏi vòng kim cô của Trung Quốc đặt lên đầu, khi mà họ cùng biên giới phía Bắc với cường quốc số 2 thế giới.

Cả thế giới không chỉ có 3 quốc gia được liệt kê trong bài viết ngắn này, mà có đến hàng trăm quốc gia từ 5 châu lục đều mang dáng vóc và hình hài của quá khứ nô lệ dù được thoát thai, họ vẫn phải trở về với kiếp nô lệ. Và Việt Nam ta cũng không ngoại lệ vì các yếu tố khách quan làm nên thể chế thất bại.

Không ai sinh ra được chọn cửa, và không quốc gia nào, dân tộc nào muốn chọn con đường làm súc vật, nhưng một đàn súc vật luôn bị chăn dắt chỉ bởi một con cầm đầu, nếu con cầm đầu mang tư tưởng nô lệ thì cả đàn phải đi theo con đường nô lệ. Đó là sự chọn lựa của chính các dân tộc trên thế giới và cũng là bi kịch của nhân loại. Có lẽ vì thế mà con người ta sinh ra bằng tiếng khóc để chào đời chứ không phải là nụ cười?

Cypress Texas, 16:09 Tuesday, 23rd August 2022

Đăng nhận xét

1 Nhận xét

  1. Các bài viết của Bs Hồ Hải luôn có hàm lượng chất xám cao, tri thức trực quan của Bs rất bén.
    Buồn vì sau 1975 chưa có con đầu đàn nào thoát khỏi tư duy kiếp nô lệ do bởi những kẻ này vốn có xuất thân không từ thành phần tinh hoa nhất của dân tộc.Hạng chăn trâu, đâm cha chém chú thì lấy đâu ra tri trức để có hướng đi anh minh lỗi lạc như Thiên Trị Minh Hoàng của nước Nhật, Lý Quang Diệu của Sing.

    Trả lờiXóa