CỘNG ĐỒNG VIỆT Ở HẢI NGOẠI CẦN GÌ?

DẪN NHẬP

Có bạn hỏi, khi sang Mỹ mất thời gian bao lâu sẽ hội nhập cuộc sống, vì ở Việt Nam chỉ di chuyển từ Hà Nội vào Sài Gòn đã phải mất vài năm mới quen được văn hóa sống và làm việc ở miền Nam.

Thực ra, những vấn đề hội nhập với cuộc sống mới đã có con số thống kê rồi. 24 tháng là con số trung bình để hội nhập một nền văn hóa mới. Người trẻ thì nhanh hơn, người già thì chậm hơn. Người có ngoại ngữ thì sớm hơn. Người không ngoại ngữ thì chậm hơn.

Những vấn đề khó khăn này tôi đã trình bày trên blog cá nhân dành cho phụ huynh và du học sinh từ tháng 7/2010 trong bài: "Nói với phụ huynh du học sinh". Trong bài viết này, tôi nói về hội nhập của người lớn khi đến nước Mỹ. Và đây là một tổng kết nhỏ sau hơn 1 năm sống và đi, tiếp xúc nhiều tầng lớp, nhiều con người Việt, tôi xin tạm viết ra để những ai đi sau có chút kinh nghiệm mà chuẩn bị cho chính mình.

VẤN ĐỀ PHẢI ĐỐI MẶT

Khác với trẻ, sức chịu đựng nỗi cô đơn của người lớn vì cơm áo gạo tiền, nó giúp người lớn quên đi nỗi cô đơn và bất đồng ngôn ngữ vượt qua tất cả để tồn tại và vươn lên. Nhưng tuổi thơ ở đâu thì quê hương ở đó, người lớn vẫn cứ canh cánh, rồi một ngày sẽ nằm xuống ở quê nhà. Họ ra đi chỉ vì tương lai cho những đứa con của mình hơn là cho chính mình.

Có 2 tầng lớp quan trọng để hội nhập khi tha phương ở vùng đất có văn hóa hoàn toàn ngược với bản xứ, và ngôn ngữ hoàn toàn mới. Ở đây không nói đến tầng lớp lắm của nhiều tiền trong việc mưu sinh khi đến vùng đất mới.

1. Tầng lớp bình dân và thợ thuyền rất dễ hội nhập và bằng lòng với cuộc sống mới, vì ở quê nhà với họ việc kiếm sống nuôi thân rất chật vật. Nhưng đến các quốc gia phương Tây - cụ thể là Mỹ - với họ chỉ cần siêng năng làm công với đồng lương lao động giản đơn ở siêu thị, cây xăng hay hãng xưởng thì vài ba năm sau đủ sống và có đủ tín dụng ở ngân hàng để mua nhà là trong tầm tay.

2. Tầng lớp có học, lỡ thợ, lỡ thầy không khó hội nhập văn hóa, những khó hội nhập cho mưu sinh, nếu chưa có một kế hoạch trước khi tha hương. Họ cầm bút không xong mà cầm cuốc cũng không đủ sức. Học lại thì không có thời gian. Thực sự khó cho tầng lớp này, vì họ như mới sinh ra và lớn lên ở một quốc gia phải học văn hóa sống, học ngôn ngữ mới và vật lộn với cảnh mưu sinh. 

Chính vì thế, những người Việt di tản sau 30/4/1975 thế hệ F0 phải hy sinh để mưu cầu hạnh phúc cho thế hệ F1, F2... hôm nay có được những nhân tài nước Việt ở xứ người.

Ngày nay vẫn vậy, chỉ khác nhau cách ra đi. Ngày xưa ra đi bằng bán sinh mệnh - Thuyền Nhân(Boat People) - của mình để tìm kiếm tương lai. Ngày nay ra đi là hy sinh cả đời mình cho thế hệ tương lai. Nhưng một điểm chung là, không ai quên được quê cha đất tổ.

MỘT CỘNG ĐỒNG YẾU

Cộng đồng người Việt xa xứ có những nét nhân cách giao lưu văn hóa Đông Tây. Một số rất ít vượt lên chính mình để tự hoàn thiện nhân cách văn minh. Phần lớn, vẫn pha trộn những nét nhân cách bảo thủ của phương Đông và học đòi nhân cách phương Tây trở nên hợm hĩnh và không hiểu chính mình. Nên cộng đồng người Việt ở Mỹ có những cái chung là hậu quả, nỗi đau của thời đại, gồm những nét sau:

1. Chưa có một nhóm ThinkTank, tạm gọi là nhóm dẫn đường

Dạo qua hơn 25 tiểu bang trong 1 năm qua, tôi chưa thấy người Việt có được một nhóm dẫn đường cho cộng đồng Việt, nên người Việt ở Mỹ chưa có một cộng đồng có chiến và sách lược cho công cuộc phát triển ở nước Mỹ.

2. Thiếu sự đoàn kết trên diện rộng

Thiếu đoàn kết là một nét văn hóa bản lề của người Việt trong nước. Nó là hậu quả của lịch sử, văn hóa và tư tưởng bao đời. Khi ra đi, họ mang theo nó trong tiềm thức và vô thức, nên họ không nhận biết được gót chân mình vẫn lấm bùn của văn hóa lúa nước chưa bỏ được, lại pha trộn những cái xấu của văn hóa phương Tây. 

Thi thoảng đâu đó có những cộng đồng nhỏ biết yêu thương và bảo bọc. Phần đông, sự gắn kết những cộng đồng này mong manh và dễ vỡ. Nó là kết quả của thiếu một nhóm với cái gọi là ThinkTank được trình bày ở trên, dù cho thế hệ F1 trở đi rất nhiều tài năng xuất chúng người Việt ở Mỹ.

3. Tầm nhìn ngắn

Nói cách khác, bản tính ăn xổi ở thì cho cộng đồng lớn của người Việt vẫn như xưa, mặc dù hầu hết người Việt ở Mỹ đều lương thiện. Người Việt ở Mỹ phần đông chỉ lo cái riêng của gia đình mình hơn là lo cái chung cho cộng đồng. Một số rất ít có tầm nhìn xa, lo cái chung cho cộng đồng thì không đủ số lượng và thiếu tính đoàn kết nên chưa thể có một nhóm dẫn đường để đi xa.

Khác với người Mỹ, người Hoa và người Hàn Quốc, họ ở đâu, đi đâu cũng đoàn kết, chia sẻ và giúp đỡ lẫn nhau, cùng nhau đi lên. Những người bạn mới của tôi như người Mỹ, người Hoa và Hàn Quốc, họ luôn có suy nghĩ và hành động tích cực dù đã trên 80 tuổi. 

Trong khi đó, người Việt chỉ mới 60 đã muốn hưởng thụ không còn trí lực và sức lực để làm việc tích cực. Chúng ta vẫn thường nghe, 1 người Việt thì mọi việc rất tốt, nhưng 3 người Việt ngồi với nhau thì chỉ bằng 1/3. Điểm yếu cốt tử này, người Việt ở Mỹ vẫn chưa thoát được. Hầu hết các tổ chức thiện nguyện của người Việt chỉ có tính thời vụ, không bền lâu, dễ chết yểu.

Họ chưa học được nét văn hóa, cho đi mà không đòi hỏi nhận về, nhưng nhận về rất nhiều, mà họ chưa đủ nghĩ.

Gần đây, tôi có một người bạn vong niên Hàn Quốc - Dr. John C. Kim - ông đến nước Mỹ bằng khoảng thời gian những người Việt tỵ nạn những ngày cuối tháng 4/1975. Nhưng ông thành lập được một tổ chức thiện nguyện và kêu gọi cộng đồng người Hàn Quốc trong và ngoài nước đang ở các Ivies cùng người Mỹ chung tay với ông xây dựng một hệ thống giáo dục từ mầm non đến sau đại học tại thành phố mà tôi đang sống. Dù ông đã 84 tuổi, nhưng năng động và làm việc như một người trẻ ở tuổi đôi mươi. Hôm đi dự The National Day of Prayer do ông tổ chức, tôi nhớ mãi câu ông nói với tôi: "What I can do for the young Korean generation, you can do for the young Vietnamese generation" - Cái gì tôi làm được cho thế hệ trẻ Hàn Quốc thì cậu có thể làm được cho thế hệ trẻ Việt Nam.

NGƯỜI VIỆT HẢI NGOẠI CẦN GÌ?

Thứ Nhất, cần một nhóm dẫn đường cho cộng đồng người Việt. Nhóm dẫn đường này không nhất thiết phải là nhóm đảng phái chính trị, mà là nhóm đưa ra chiến và sách lược dài lâu cho người Việt hải ngoại cùng chung tư duy và hành động tích cực, lâu dài tính bằng thế kỷ trong mọi lĩnh vực xã hội từ kinh tế đến văn hóa giáo dục, đến an sinh xã hội, v.v... như một tổ chức vĩ mô tầm nhà nước người Việt trong nhà nước lớn của Mỹ và toàn cầu.

Thứ Hai, muốn có nhóm dẫn đường thì những nhân sĩ và trí thức Việt ở Mỹ nói riêng và hải ngoại nói chung cần bỏ qua cái văn hóa làng xã, học hỏi văn hóa làm việc nhóm của phương Tây, biết ngồi lại với nhau để hình thành nhóm dẫn đường.

Thứ Ba, cần hiểu rằng không có vấn đề nào mà không có cách giải quyết. Việc lớn thỉ chẻ nhỏ nó ra để giải quyết từng giai đoạn. Biết đoàn kết ắt sẽ giải quyết được tất cả mọi vấn đề lớn nhỏ. Mỗi người là một mảnh ghép của một bức tranh lớn, làm đúng chức năng của mình, tôn trọng sự khác biệt ắt sẽ thành công.

KẾT

Nhân cách của chúng ta là do địa lý, lịch sử và văn hoá tạo ra. Mỗi người một tính cách khác nhau do sự tương tác của văn hoá và giáo dục của bản thân, gia đình, nhà trường và xã hội mà thành, nên đừng ai chê trách ai mà, cần tôn trọng sự khác biệt để làm việc tử tế.

Người Việt ở Mỹ nói riêng và người Việt hải ngoại nói chung có rất nhiều những tài năng xuất chúng nhưng tại sao chúng ta chưa biết ngồi lại với nhau? Đó là câu hỏi dành cho không chỉ thế hệ ra đi từ trước và sau 30/4/1975. Những dòng ngắn tôi viết ra đây, tuy đau nhưng mong thấu hiểu.

Lindale, Chủ Nhật 17:32', 19th Jun 2022


Đăng nhận xét

3 Nhận xét

  1. Cảm ơn Bác Sĩ 😍

    Trả lờiXóa
  2. Bác nói rất đúng ạ, xăm ơn Bác sĩ rất nhiều .

    Trả lờiXóa
  3. DẠ,HÔM NAY MỚI TÌNH CỜ ĐỌC ĐƯƠC.ANH ĐI 25 BANG,ANH KHỎE QUÁ ,ĐI NHIỀU

    Trả lờiXóa