Y KHOA LÀ NGÀNH KHOA HỌC GÌ?

Ngày đăng: [Friday, August 08, 2014]
Nhân câu chuyện cháu Trần Văn Cường đậu thủ khoa Đại học Bách khoa TpHCM, và đậu á khoa Đại học Y khoa Hà Nội, tôi đại diện Go West Foundation đã liên hệ với cháu, thì mới hiểu ra, nhiều bạn trẻ chỉ biết yêu ngành y, mà không biết yêu nó vì cái gì? Nên tôi viết bài này để các bạn trẻ hiểu ngành y là ngành khoa học như thế nào?

Tôi đã có 2 cuộc nói chuyện với Cường để giải thích Y khoa là ngành khoa học gì? Và ngay cả trong tất cả các bác sỹ đã trưởng thành trong nghề nghiệp, họ cũng chưa chắc có một lần suy nghĩ, để tìm ra câu trả lời đúng nhất này.

Nếu không hiểu và trả lời đúng câu hỏi này, thì người làm y không thể đi đến tận cái nghề y, mà mình đang làm. Dù có thể, người ấy giỏi về chuyên môn, nhưng không thể là người tận tâm, và đi hết cái nghiệp của nghề y để hành nghề.

Định nghĩa

Làm bất kỳ cái gì cũng vậy đều phải có mục tiêu. Ở một lĩnh vực nào cũng vậy, phải nắm được định nghĩa, thì mới biết đâu đúng, đâu sai. Ngành y khoa cũng phải có định nghĩa rõ ràng, nhưng hầu như chưa có sách giáo khoa nào trên toàn cầu có được định nghĩa đúng cho nó.

Theo tôi, định nghĩa đơn giản và ngắn nhất cho ngành Y là nghành khoa học thực nghiệm, nó là ngành đứng trung gian nối kết giữa khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Tại sao?

Vì ngành Y có đối tượng nghiên cứu và thực hành là con người. Trong cơ thể con người có 2 phần: phần xác và phần hồn.

Phần xác của con người là một bộ máy thống nhất, và tinh vi từ toán học, vật lý, hóa học, sinh học, hóa sinh học, sinh lý, sinh lý bệnh học, vi sinh, ký sinh, dược lý học, triệu chứng học, bệnh học, v.v... Nói hơi ngoa là, học cho đến khi hiểu rằng cơ thể con người như một trái đất thu nhỏ, thì lúc đó mới hiểu hết phần xác của con người! Nên người học phải học không những giỏi, mà phải cần phải tiêu hóa tất cả kiến thức của các chuyên ngành khoa học cơ sở này, để làm nền tảng xây dựng cho nghề của mình, khi bước vào giai đoạn xây căn nhà y học cho riêng mình.

Phần hồn là giai đoạn thứ hai, mà người học y khoa phải học. Tâm lý học, tâm lý người bệnh, Phân tâm học của Freud, y đức, ngôn ngữ học chuyên ngành y khoa, và kể cả ngôn ngữ bình dân để tiếp xúc với người dân ít học. Phần hồn này giúp cho người làm nghề y có một khả năng quan hệ cộng đồng, để hiểu tâm lý cộng đồng, và hiểu cả tâm lý người bệnh, mà làm nghề. Ví dụ, nói với đồng nghiệp về bệnh lý dạ dày, nhưng nói với người dân phải dùng từ bệnh lý bao tử. Trong tiếng Anh cũng vậy, nói với đồng nghiệp về bệnh loét dạ dày thì dùng từ Gastric Ulcer, nhưng nói với bệnh nhân phải dùng từ stomachache hay Ulcer of stomach thì người bình dân mới hiểu. Truyền đạt thông tin là một kỹ năng của bác sỹ phải giỏi, nếu không thì bệnh nhân và thầy thuốc không thể hiểu nhau.

Trên tất cả, có Triết học là một khoa học quan trọng nhất để làm nền tảng cho nghiên cứu khoa học, và vận dụng những cặp phạm trù, và quy luật triết học tìm ra phát minh trong khoa học cơ sở, và thực hành trên lâm sàng. Triết học không chỉ có duy vật, mà phải từ Hiện tượng học, đến duy tâm, hiện sinh, đến Phân tâm học của Freud, v.v... không từ bỏ bất kỳ trường phái nào. Không có triết học, một người làm nghề y không thể giỏi cả lý luận đến thực tế, không thể giỏi từ nghiên cứu đến thực hành.

Những yếu tố buộc phải có khi học và làm nghề y

Đương nhiên, học và làm cái gì cũng phải có sự đam mê. Học và làm nghề y cũng vậy, thiếu sự đam mê thì không đến được đỉnh cao của y học.

Trong Đông y có vọng, văn, vấn và thiết - nhìn, nghe, hỏi, khám - thì trong Tây y có Nhìn, Sờ, Gõ và Nghe, thậm chí phải Ngửi, và ... Nếm khi cần.

Muốn học y khoa phải giỏi ngôn ngữ. Học ở đâu thì phải giỏi ngôn ngữ ở đó. Học ở Việt Nam thì phải giỏi ngôn ngữ Việt Nam. Học ở Hoa Kỳ thì phải giỏi tiếng Anh như tiếng mẹ đẻ. Không giỏi ngôn ngữ, không thể khai thác bệnh sử, không thể nghe được tiếng nói thì thào của bệnh nhân hấp hối, không thể đi đến kết luận cuối cùng của một con bệnh. Không những giỏi nghe nói, mà còn phải giỏi viết để trình bày một bệnh án, một công trình khoa học, để phát triển nghề nghiệp. Muốn học y khoa giỏi bắt buộc phải giỏi 1 ngoại ngữ, và ngày nay, ngoại ngữ đó là english!

Có lẽ về mặt ngôn ngữ, thì chỉ có 2 ngành y khoa và luật khoa là đòi hỏi cao nhất trong tất cả các ngành nghề trong xã hội. Đã có biết bao nhiêu luật sư người Việt sống ở Hoa Kỳ, tốt nghiệp trường Luật ở Hoa Kỳ, nhưng không đủ khả năng ngôn ngữ để hành nghề là vậy.

Muốn học y khoa và thành người làm nghề giỏi phải giỏi xã hội học, nào văn hóa vùng miền, tâm lý bệnh nhân, sự liên quan giữ chính trị kinh tế với bệnh tật, v.v... Ví dụ, chỉ 1 cuộc tăng giá xăng thì sẽ có nhiều tài xế, ngư dân, đại gia, v.v... đau dạ dày và cao huyết áp, vì stress do giá hàng hóa tăng, thu nhập sụt giảm. Vì đối tượng của nghề y là con người được đặt trong hoàn cảnh xã hội cụ thể, chứ không chung chung, mơ hồ.

Muốn học và làm nghề y giỏi phải nắm chắc những khoa học y học cơ sở cả lý thuyết lẫn thực hành để có một lý luận khoa học vững chắc cho công việc khám, chữa bệnh, và nghiên cứu khoa học.

Muốn học và hành nghề y giỏi phải giỏi nghiên cứu khoa học, và phải biết làm đề cương, dự thảo và dự án tổng thể cũng như cụ thể cho những đề tài nghiên cứu cấp cơ sở, cấp tỉnh thành, cấp nhà nước, đến cấp toàn cầu. Vì nó là cơ sở khoa học để có tầm nhìn một vấn đề ở tầm bao quan từ nhỏ đến lớn.

Một người học giỏi ở bậc phổ thông trung học đậu thủ khoa đại học y khoa, nhưng khi vào học, và ra làm việc chưa chắc học tốt và làm việc tròn vai trò.

Kết

Tóm lại, y học là một ngành khoa học thực hành, nghiên cứu mà đối tượng là bệnh tật và con người, nên nó là một ngành khoa học trung gian kết nối giữa khoa học xã hội với khoa học tự nhiên. Người học và làm ngành y đòi hỏi phải giỏi toàn diện cả 2 lĩnh vực khoa học tự nhiên và xã hội.

Tôi sẽ viết tiếp bài hai: Làm sao để học và hành giỏi y khoa.

Asia Clinic, 8h08' ngày thứ Sáu, 08/8/2014

Đăng nhận xét

1 Nhận xét