VẤN ĐỀ CÒN TỒN ĐỌNG TRONG XÉT TUYỂN ĐẠI HỌC Ở VIỆT NAM

Ngày đăng: [Friday, August 21, 2015]

Bài đọc liên quan:

MỞ ĐẦU

Hai năm nay, tôi theo dõi rất kỹ vấn đề mà bộ giáo dục Việt Nam đang thực hiện từ thi tuyển sang xét tuyển sinh vào đại học. Đây là một việc làm mà thế giới đã làm từ hơn trăm năm qua. Trước ngày 30/4/1975 nền giáo dục Việt Nam Cộng Hòa cũng đã làm rất hoàn hảo, mặc dù lúc đó thí sinh nộp hồ sơ qua đường bưu điện. Nhưng bây giờ nó lại là một nổ lực đòi hỏi rất nhiều công sức của không chỉ bộ giáo dục, mà còn của cả xã hội phải góp sức. Là chủ tịch Go West Foundation - một tổ chức thiện nguyện chăm lo giáo dục cho những tài năng trẻ Việt Nam của người Việt trên toàn cầu - tôi xin chia sẻ một số vấn đề mà giáo dục Việt Nam cần thay đổi trong vài, ba thập niên tới.

LỊCH SỬ

Đi tiên phong vấn đề xét tuyển vào đại học là từ một Ivy League của Hoa Kỳ - Columbia University - thành lập tổ chức College Board ngày này, với cái tên gọi ban đầu là College Entrance Examination Board(CEEB) - Hội đồng thi nhập học vào đại học - vào ngày 22/12/1899.

Sau sự tiên phong của Columbia University là các đại học khác trên toàn Hoa Kỳ, và thế giới đã nghiên cứu và đi theo. Nhưng điều quan trọng nhất là, họ đi đến thống nhất CEEB phải tách riêng ra khỏi Columbia University và độc lập với các trường đại học Hoa Kỳ vào ngay niên học sau 1900, để đưa ra những kỳ thi chuẩn hóa quốc gia, nhằm đánh giá năng lực trí tuệ của học sinh phổ thông trung học toàn Liên bang Hoa Kỳ. Sau đó, hồ sơ nhập học của thí sinh phải nộp đến những đại học mà thí sinh tự lượng sức mình và tìm hiểu chiến lược tuyển sinh đại học mà mình muốn học.

Ngay từ những ngày đầu lập quốc, ngành giáo dục Hoa Kỳ có 8 trường đại học nằm cặp theo bờ Đông và phía Tây của 13 bang ở vùng Đông Bắc. Trung tâm của 8 trường đại học này là University of Pennsylvania, thuộc tiểu bang có thủ đô đầu tiên nước Mỹ. Và 8 trường đại học này được đặt tên chung là Ivy Leagues - có nghĩa là cặp ngà voi dành cho chiếc ghế của vua. Nơi có nhiệm vụ đào tạo ra những lãnh đạo tương lai của Hoa Kỳ. Và chúng ta cũng thấy rằng, hầu hết 44 đời tổng thống Hoa Kỳ đều được xuất ra từ 8 trường này. Theo thứ tự vần chữ cái mẫu tự Latinh 8 trường có tên sau: Brown University, Columbia University, Cornell University, Dartmouth College, Harvard University, the University of Pennsylvania, Princeton University, and Yale University.

Trước khi Columbia University thành lập CEEB thì các đại học Hoa Kỳ dưới sự tiên phong của Dartmouth College đã đấu tranh dài dẳng để đòi sự tự chủ, và tự do học thuật của mình và của tất cả các đại học ra khỏi chính quyền tiểu bang New Hampshire và liên bang Hoa Kỳ. Trong cuộc chiến này, đã có nhiều giáo sư và sinh viên phải vào tù hoặc chết vì sự nghiệp giáo dục của Hoa Kỳ.

QUÁ TRÌNH XÉT TUYỂN

Việc xét tuyển của các đại học trên thế giới nói chung và Hoa Kỳ nói riêng đã đi đến sự hoàn thiện. Không phải thí sinh có điểm hoàn hảo là được nhập học, mà cũng không phải thí sinh có điểm kém hơn mà bị đại học từ chối.

Việc tuyển sinh đại học ở các quốc gia tiến tiến có 2 mùa: mùa thu và mùa xuân. Hệ thống giáo dục theo Vương Quốc Anh thì mùa xuân là mùa chính. Còn các quốc gia theo hệ thống giáo dục Bắc Mỹ thì mùa thu là mùa chính. Ở đây tôi xin trình bày mùa thu xét tuyển đại học Hoa Kỳ.

Chiến lược xét tuyển của từng trường đại học là hoàn toàn khác nhau, không có trường nào giống trường nào, nhưng để một thí sinh được chọn cho học bổng hoặc hỗ trợ tài chính, cũng như nhập học của các đại học đều xoay quanh 18 yếu tố sau, mà tôi đã viết một bài trên blog này vào tháng 02/2014:

1. Academic GPA: Điểm trung bình
2. Interview: Phỏng vấn
3. Recommendations: Những thư giới thiệu từ thầy cô 
4. Rigor of secondary school record: Độ khó của các môn học ở trung học
5. Application Essay: Bài luận nhập học
6. Character/Personal Qualities: Nhân cách đặc trưng
7. Extracurricular Activities: Những hoạt động ngoại khóa
8. Level of Applicant's Interest: Mức độ quan trọng của thí sinh đối với nhà trường
9. Talent/Ability: Tài năng
10. Alumni Relation: Liên lạc với các lớp đàn anh ở trường
11. Class Rank: Xếp hạng trong khối lớp 12.
12. First generation college student: Thế hệ ông bà, cha mẹ, anh chị của thí sinh đã từng có học tại trường
13. Geographical Residence: Thường trú nhân tại tiểu bang của trường
14. Standardized Test Scores(SAT): Kỳ thi chuẩn hóa quốc gia để nhập học đại học Hoa Kỳ
15. Volunteer Work: Việc làm công quả tình nguyện của thí sinh trong thời phổ thông
16. Work Experience: Kinh nghiệm làm việc của thí sinh trong các hội đoàn thời phổ thông.

Hai yếu tố còn lại là: thứ nhất điểm chuẩn hóa quốc gia để nhập học đại học, SAT - Standardized Admission Test; hoặc ACT - American College Testing - cho tất cả các thí sinh. Và Toefl - Test of English as a Foreign Language - dành riêng cho du học sinh. 

Quá trình xét tuyển kéo dài 4 tháng - thường từ tháng 12 năm trước đến tháng 4 năm sau. Tùy theo chiến lược tuyển sinh từng trường mà các yếu tố trên được chọn lựa ưu tiên.

Và có 1 điều là những đề thi chuẩn hóa quốc gia của College Board không đòi hỏi kiến thức trường phổ thông nhiều, chỉ cần học lớp 9 là đủ kiến thức khoa học để hoàn tât, nhưng lại rât cần những khối óc có tư duy tới hạn - critical thinking - và tư duy sáng tạo - innovative thinking. Vì thế cho nên, có những thần đồng chỉ mới tuổi teenager nhưng vẫn hoàn tất các đề thi này hoàn hảo để vào đại học!

Một câu nói mà bất kỳ thí sinh nào đã từng làm hồ sơ nhập học đại học ở các quốc gia có nền giáo dục tiên tiến như Hoa Kỳ là: Nó là một trò chơi, nhưng là trò chơi của những người có trí.

XÉT TUYỂN Ở VIỆT NAM

Việt Nam đang bước theo con đường mà Hoa Kỳ đã làm 115 năm trước, nhưng vẫn còn nhiều vấn đề tồn đọng cần giải quyết.

Tồn đọng thứ nhất và cũng là quan trọng nhất là đại học Việt Nam chưa được tự chủ, và chưa tự do học thuật, mà vẫn còn chịu dưới sự điều hành của rất nhiều cơ quan của chính quyền. Trong đó, Ban tư tưởng trung ương chi phối lớn nhất, rồi mới đến bộ giáo dục, và các ban ngành khác như bộ văn hóa thông tin, v.v... Nên chương trình giáo dục đại học Việt Nam còn nặng về bản chất tuyên truyền chính trị, và từ đó sản phẩm của nó cũng không có chất lượng tốt. Việc này rất khó, vì nó còn phụ thuộc vào thể chế chính trị và tư duy giáo dục.

Tồn đọng thứ hai trong xét tuyển vào đại học ở Việt Nam hiện nay là, vì tình hình tham nhũng đang là một quốc nạn, nên việc xét tuyển cũng chỉ là xét điểm thi tốt nghiệp phổ thông trung học với thời gian ngắn nhằm giảm vấn nạn tham nhũng khi mà thời gian xét tuyển quá lâu như các đại học trên thế giới. Chính nó đã làm cho năm đầu tiên xét tuyển - 2015 - đang diễn ra vài hôm nay, các thí sinh và phụ huynh cảm thấy mệt mỏi. Việc này rất khó, vì nó còn phụ thuộc vào cả kinh tế, chính trị và văn hóa chứ không chỉ giáo dục.

Tồn đọng thứ ba của quá trình xét tuyển vào đại học ở Việt Nam là, các trường đại học chưa chuẩn bị kịp thời một website cho mình về vấn đề này trong việc nộp hồ sơ qua thư điện tử - online. Chính vì thế mà, có tình trạnh cả gia đình thí sinh phải thuê xe cấp cứu 115 để đưa con mình từ quê lên thành phố mua hồ sơ thô và làm hồ sơ tại chỗ để nộp. Nhưng có những thí sinh phải bật khóc vì mình đã thất bại trong quá trình nộp hồ sơ và ra kết quả. Việc này không khó, nếu các đại học bắt tay vào làm chỉ cần 1 tháng!

Tồn đọng thứ tư là, việc xét tuyển vào đại học của Việt Nam hiện nay cũng vẫn chỉ dựa vào yếu tố điểm thi, mà chưa có một chiến lược xét tuyển của từng trường một cách toàn diện như các quốc gia tiên tiến. Đây cũng là hậu quả của việc tham nhũng gây ra, vì nếu xét tuyển toàn diện thì thí sinh có kết quả 22 điểm có thể đậu, nhưng thí sinh 30 điểm có thể bị từ chối! Việc này rất khó, vì nó còn phụ thuộc vào cả kinh tế, chính trị và văn hóa chứ không chỉ giáo dục. Không chỉ thế, mà mỗi đại học phải có một Hội đồng Xét tuyển đúng nghĩa của sự hàn lâm, trí tuệ, uy tín chứ không chỉ là kiến thức!

Tồn đọng thứ năm là, ở Việt Nam chưa có một tổ chức giáo dục độc lập, công tâm, uyên bác để có thể làm ra những cuộc thi chuẩn hóa quốc gia, nhằm tìm ra những năng lực của thí sinh như College Board hay ACT như ở Hoa Kỳ. Điều này đòi hỏi thời gian, công sức và nhiều yếu tố khác trong chính trị.

Tồn đọng cuối cùng là, từ hậu quả của một hệ thống quản lý sai lầm từ đại học không được tự chủ, bộ giáo dục đã phải nhúng tay vào việc tuyển sinh, phân chia vùng miền và lý lịch để "cho thêm điểm" cho thí sinh được ưu tiên. Nó sẽ ảnh hưởng một phần cho đầu ra của đại học.

KẾT

Như đã nói ở trên, xét tuyển vào đại học là một trò chơi dành cho những người có trí, chứ không phải là trò chơi của chính trị. Vì không cần chính trị nhúng tay vào, thì về bản chất giáo dục đã có vai trò chính trị đối với vận mệnh quốc gia.

Vấn đề cải cách giáo dục ở Việt Nam không phải là vấn đề cải cách, mà phải là một cuộc cách mạng không bắt đầu từ bộ giáo dục, mà vấn đề cần phải cải cách thể chế chính trị cho một tư duy mới, mà tôi đã từng viết trong bài: Gốc rễ của suy đồi văn hóa giáo dục từ Tháng 11 năm 2011.

Asia Clinic, 12h19' ngày thứ Sáu, 21/8/2015

Đăng nhận xét

0 Nhận xét