TƯƠNG LAI THẾ GIỚI NHÌN QUA NƯỚC MỸ

Ngày đăng: [Sunday, April 10, 2011]
Cuối cùng thì trước nửa đêm hôm qua – thứ Sáu 08/4/2011 giờ Washington – thượng và hạ viện Hoa Kỳ đã thông qua ngân sách cắt giảm chi tiêu chính quyền liên bang chỉ 38.2 tỷ đô la so với yêu cầu ban đầu của đảng cộng hoà là 62 tỷ, mà chủ yếu là dành cho lĩnh vực an sinh xã hội Hoa Kỳ cho năm tài khoá 2011. Công trạng ấy thuộc về chủ tịch quốc hội John Boehner - một ông nghị phe cộng hoà ôn hoà. Để hiểu tình hình kinh tế thế giới toàn cầu đương đại chúng ta phải bắt đầu từ nước Mỹ - đại ca toàn cầu.

Một số người có định kiến là nước Mỹ số 1 thế giới thì cái gì của nước Mỹ đưa ra cũng thơm. Nên lúc nào cũng ca ngợi Mỹ tung trời, một cách cảm tính, mà không duy lý. Với tôi, là tôi luôn nhìn bằng con mắt thực trần trụi. Nước Mỹ có những cái tuyệt vời là sự hoà nhập 2 đảng phái trong điều hành cả thế giới. Hai đảng phái của nước Mỹ, như một lần trong bài báo trên Tia Sáng, tôi đã viết: thực chất là hai trường phái triết học trong điều hành thế giới, chứ không phải là đảng phái như ở các nước theo trường phái tả khuynh cực đoan thế quyền đánh giá.

Xin nhắc lại lịch sử, nước Mỹ ra đời là do những người con ưu tú của cựu lục địa đi tìm một miền đất hứa, vì không chịu được cảnh nghẹt thở của chế độ phong kiến Châu Âu. Khi ra đi, họ mang theo những người làm công của gia đình mình, mà thời ấy được xem là nô lệ. Sau cuộc cách mạng trà và nội chiến, một nước Mỹ được hình thành năm 1776, với tuyên ngôn độc lập được xem là tuyên ngôn nhân quyền hoàn hảo nhất thế giới loài người. Từ đó nước Mỹ được điều hành bỡi sự thay nhau cầm quyền của hầu hết là hai trường phái dân chủ và cộng hoà. Mặc dù trong quá khứ vẫn có những thiểu số tổng thống thuộc nhóm độc lập, hay đảng nhỏ thành công trong tranh cử, nhưng thời đó đã qua.

Trường phái dân chủ được xem là trường phái cấp tiến – mà trường phái cộng hoà cho là phe thân cộng sản hay chủ nghĩa xã hội – tại sao vậy? Như trong bài Bóng ma bảo hiểm y tế, tôi đã từng đưa ra nhận định. Trường phái dân chủ là những con người xuất thân từ nhóm cần lao. Họ có một trí tuệ mẫn tiệp thông minh, đi lên từ sức mình. Họ không quên nguồn gốc của mình. Chủ trương của họ là tập trung vào xây dựng nước Mỹ. Đối ngoại trao quyền cho Liên Hiệp Quốc. Cho nên chính sách của họ là chi tiêu chính phủ chủ yếu tập trung vào an sinh xã hội: hệ thống y tế, giáo dục truyền thông, vệ sinh môi trường, kích thích đầu tư xây dựng trong nước để tăng việc làm cho giới cần lao, v.v… Nên mọi thâm hụt ngân sách của chính phủ dân chủ là do chính sách lấy lòng dân nghèo – nơi mà họ trở nên thành đạt – Mọi biện pháp tranh cử của trường phái cộng hoà là bằng cách chỉa mũi dùi vào các biện pháp có tính xã hội chủ nghĩa của phe dân chủ. Ví dụ điển hình khi phe cộng hoà tố cáo ông Obama trong Obamacare về sự cách tân hệ thống y tế Mỹ năm 2009 là cộng sản hoá nước Mỹ!

Trường phái cộng hoà, được xem là trường phái bảo thủ - mà thế giới tả khuynh cho là phái diều hâu, tư bản giãy chết – tại sao vậy? Vì họ xuất thân từ những giai cấp quí tộc đi tìm đất hứa, và những người giàu lên từ cuộc cách mạng công nghiệp tìm ra dầu hoả, phát minh động cơ hơi nước và động cơ đốt trong, v.v… Một đế chế ra đời những giai cấp giàu có mới. Nếu ai đã từng xem phim Boardwalk Empire (Đế chế đường lót ván) sẽ nhìn ra họ. Họ chủ trương đối ngoại đặt trọng tâm bằng sức mạnh quân sự. Họ trao quyền điều kiển trong nước cho từng tiểu bang. Ho lãnh đạo Liên Hiệp Quốc để điều hành thế giới. Họ đập phá nơi đâu trên thế giới, nếu nước Mỹ xem nơi đó có nguy cơ ảnh hưởng xấu đến an ninh nước Mỹ. Mọi sự đập phá ấy, sẽ được phái dân chủ gặt hái để xây dựng lại thế giới và nước Mỹ. Thâm hụt ngân sách của phái diều hâu là do dùng tiền đập phá thế giới. Mọi yếu điểm của phái diều hâu là ở chỗ này để phái dân chủ chỉa vào khi tranh cử. Nhưng ngược lại với phái thân cộng dân chủ, phái diều hâu cho rằng phải hạ thuế giới nhà giàu, để nhà giàu đầu tư những lĩnh vực mới thì mới tạo ra công ăn việc làm cho giới cần lao và giảm tỷ lệ thất nghiệp. Chứ không phải hạ thuế dân nghèo, đánh thuế nhà giàu, là trữ dưỡng sự lười nhát của giới cần lao.

Hãy cứ nhìn nước Mỹ giống nhu Đàng Trong của nước Việt, các bạn sẽ thấy rõ những điều mà tôi đã viết ở trên.

Nhưng làm sao nước Mỹ làm được điều ấy, mà các nước khác không làm được? Có nhiều lý do về địa chính trị, lịch sử và về tư tưởng, mà chúng ta cần biết để chiêm nghiệm cho đất nước Việt này. Lại phải quay về lịch sử một lần nữa, mà là lịch sử của chiến tranh, của kinh tế và của cách mạng công nghiệp.

Nước Mỹ giàu lên nhờ chiến tranh, điều này đúng nhưng ở nghĩa khác hơn cái nghĩa mà các quan điểm cực đoan cánh tả vẫn thường ám chỉ. Và nước Mỹ cũng sẽ luôn đặt mình trong tình trạng chiến tranh từ ngày được trao quyền lãnh đạo thế giới. Nhờ vào địa chính trị xa với trung tâm các cựu lục địa, nên nước Mỹ đã lánh mình được qua hai cuộc thế chiến. Và họ chỉ tham chiến vào giờ phút mà các bên đã kiệt quệ. Điều ấy làm cho nước Mỹ có hai điều lợi. Thứ nhất, họ là kẻ hốt hụi chót cuối cùng. Thứ hai, các ông Trùm tài phiệt cựu lục địa nhìn ra chốn ẩn thân cho những bất trắc do chiến tranh gây ra.

Thực vậy, sau chiến tranh thế giới thứ nhất, người Mỹ không chỉ ngoạ sơn quang long hổ đấu và hốt hụi chót, mà họ còn thu về nhiều của cải khi làn sóng các đại gia châu Âu bắt đầu chuyển tài sản của mình đầu tư sang nước Mỹ. Đại diện cho điều này là gia tộc Rothschild chuyển vùng hoạt động và kết nối với các Trùm tài phiệt tại chỗ để làm nên FED. Bằng chứng cụ thể là sau thế chiến thứ II, nước Mỹ nắm hơn 50% tổng của cải tòan cầu. Nước Mỹ không vướn chiến tranh – ngoại trừ trận Trân Châu Cảng - lo phát triển công nghệ, và nước Mỹ chiếm hơn 50% sản lượng tòan cầu.

Từ đó, đế quốc Anh một thời kiêu hãnh với “mặt trời không bao giờ tắt trên Vương quốc của mình” buộc phải nhường ngôi vị bá chủ. Một cường quốc đi đô hộ Mỹ, bây giờ trở thành đồng minh được coi là “vĩnh viễn” và là đàn em của nước Mỹ.

Câu chuyện nước Mỹ được trao quyền lãnh đạo thế giới sau Hiệp định Bretton Woods.  Do tình trạng suy thoái kinh tế toàn cầu 1929 – 1933 sau thế chiến thứ I. Bốn mươi bốn quốc gia với 730 đại biểu ngồi lại với nhau để đưa ra một hệ thống định vị đồng tiền của các nước trên thế giới theo bản vị vàng. Họ họp nhau năm 1944, tại thành phố Bretton Woods ở bang New Hampshire, quyết định buộc England phải trao quyền lãnh đạo tài chính thế giới cho nước Mỹ. Vị trí đồng đô la Mỹ thay thế đồng bảng Anh để làm cái mốc cho các đồng tiền khác xoay quanh trao đổi tòan cầu. Sàn NYSE ở New York được trở thành trung tâm giao dịch tòan cầu thay thế LSE của London. Từ đó mọi đồng đô la buôn bán trên tòan cầu đều thông qua sự kiểm sóat của Wall Street và nước Mỹ - ngay cả những đồng đô la bẩn của thế giới ngầm, nếu cần người Mỹ cũng tìm ra, chúng ở đâu, do ai nắm giữ. 

Nhưng sau chiến tranh thế giới II, hai nước phát xít Đức và Nhật - những nước thua trong chiến tranh - họ đã củng cố và vượt lên nhờ vào tiềm năng công nghệ sẵn có và tinh thần dân tộc đáng kính. Họ phát triển nhanh, đến 1970 sản lượng xuất khẩu của họ tăng vượt và qua mặt Mỹ. Lúc này cán cân thương mại giữa Mỹ và họ bị thâm hụt. Mỹ yêu cầu họ phải tuân thủ Hiệp định Bretton Woods - tức là neo giá đồng bạc Đức Mã và đồng Yên Nhật vào đồng đô la như đã thỏa thuận - Nhưng họ không chịu, và năm 1970 cũng là năm mà ông TT Nixon quyết định tháo bỏ bản vị vàng của đồng đô la để tạo ra cuộc chiến tranh tiền tệ với Đức và Nhật.

Với sự tháo bỏ sự neo các đồng tiền theo hiệp định Bretton Woods này, chính phủ Mỹ phải chuyển khoảng 12.000 tấn vàng từ kho dự trữ vàng NY, mà các nước phương Tây và Nhật đã gửi vào để bảo chứng đồng tiền của mình neo đậu theo giá đồng đô la Mỹ. Đồng thời theo đó, ông Nixon cũng ra đạo luật cấm bán vàng vật chất để trả nợ, mà chỉ mua bán vàng nữ trang và dùng cho công nghiệp. Từ đó, các ngân hàng trung ương của các nước không thể kiểm soát giá vàng. Và cứ mỗi khi có biến động thế giới, giá vàng leo thang theo luật bàn tay vô hình, vì niềm tin và vì chỗ trú ẩn an toàn của người dân. Bằng chứng cụ thể là: do cuộc chiến cấm vận với Iran sau vụ bắt con tin ngoại giao Mỹ, vàng đã tăng giá đỉnh đến 850usd/oz, rồi sau đó tình hình kinh tế thế giới ổn định thì vàng chỉ còn 200usd/oz. Và tình hình bất ổn hiện nay cũng vậy, chỉ trong vòng 6 năm từ giá vàng 200usd/oz lên đến 1475usd/oz do khủng hoảng kinh tế, do chiến tranh tiền tệ giữa Mỹ và Trung quốc, v.v...

Sau 10 năm chiến tranh tiền tệ với Đức và Nhật, thập niên 1980s chứng kiến nước Nhật sụp đổ kinh tế khi các con kền kền Mỹ như George Soros, etc... nhảy vào làm lũng đọan đồng Yên Nhật. Nước Nhật đầu hàng vô điều kiện. Bài học Nhật và Đông Nam Á 1997, làm cho Trung Quốc vô tình dùng chính sách dự trữ đồng đô la để phòng thân, lại trở thành ngón đòn tối hậu đấu với nước Mỹ lâu dài. Bên kia Đại tây Dương, nước Đức vội vàng kêu gọi một liên minh châu Âu - EU - và một đồng Euro ra đời qua ngân hàng trung ương châu Âu. Nhưng đồng minh vĩnh viễn của Mỹ ở châu Âu là Anh không đồng ý vào khối Euro. Nước Mỹ và Anh hiệp lực để chiến với đồng Euro.

Chưa hết, khi các cường quốc lo đấu nhau, đặc biệt là cuộc chiến tranh lạnh Mỹ - Liên. Một số nước thuộc thế giới thứ ba, và có cả nước đã từng theo chế độ thế quyền cực đoan tả khuynh cũng bẻ lái: Trung quốc, Ấn, Hàn, Brasil, etc... lặng lẽ phát triển. Họ trở thành một cực khác, khi cực Vasava tan rã ở cuối thập niên 1980s và đầu 1990s.

Nước Mỹ lo làm đại ca bình định tòan cầu, nhưng sản lượng của nước Mỹ cứ bị giảm dần do phải bị chia sẻ thị trường thế giới và căng sức ra đấu với đồng minh châu Âu, đồng minh Nhật Bản, đối thủ Liên Xô và bình định toàn cầu. Nên từ 1970 là cái mốc cho thấy nước Mỹ không còn đủ sức khỏe để làm đại ca tòan cầu. Và cũng từ đó thâm thủng ngân sách của nước Mỹ bắt đầu. Đến hết đời TT Clinton thì thâm thủng ngân sách của chính phủ Hoa Kỳ đã lên đến hơn 5.800 tỷ đô la nợ. Nhưng chỉ trong 8 năm điều hành thế giới của mình ông TT George Walker Bush con do nhiều việc, trong đó có cuộc chiến Iraq và chống al Quaeda đã làm thâm thủng hơn gấp đôi, trên 12.000 tỷ. Và cho đến nay, chỉ sau hơn 2 năm nhậm chức, ông Obama đẩy tiếp thâm thủng lên đến 14.745,1 tỷ vì chính sách có tính xã hội chủ nghĩa của ông, vì chiến tranh tiền tệ với Trung Quốc và lo cho tòan cầu. Vị chi con số này đã hơn 95.1% GDP của nước Mỹ theo như bộ tài chính Mỹ công bố. Con số vi phạm sự an tòan về tài chính của một quốc gia. Bốn mươi hai năm, từ 1969, khi mà nước Mỹ chỉ có biết nợ các ông Trùm tài phiệt làm nên một ngân hàng trung ương tư nhân được gọi là FED, đến nay nước Mỹ đã là con nợ toàn cầu với gần hết 100% GDP.

Trong bối cảnh đó, thế giới thấy rằng G-7 – Nato cũ - và G7+1 (thêm Nga) không còn đủ khả năng để quyết định thế giới. Nên năm 1999, một G 20 ra đời để lo chuyện tòan cầu. Nhưng đã hơn 12 năm ra đời, hôm nay G-20 trở thành G-zero của thế giới, vì chẳng ai chịu ai trong các cuộc thương thảo. Cầm đầu sự đối kháng hiện nay ở cựu lục địa Á là anh Trung Quốc, cầm đầu cựu lục địa Âu là Đức và sau đó là Pháp, họ luôn đưa ra quyết định ngược lại với Hoa Kỳ trong tất cả mọi hội nghị thượng đỉnh về môi trường sinh thái đến kinh tế toàn cầu.

Vừa qua TT Sarkozy của nước Pháp đã dụ dỗ anh Trung Quốc đưa đồng Yuan vào rổ tiền tệ của thế giới. Nhưng Hồ chủ tịch, Cẩm Đào còn đang lưỡng lự, phải về hội ý với nhóm think tanks rồi quyết tiếp, vì anh Hồ chưa hiểu có âm mưu gì đây?

Nước Mỹ có những giá trị tam dân của một hình thái xã hội hợp qui luật khách quan về mặt triết học: của dân, do dân, vì dân để bình định toàn cầu, không chỉ bằng quyền lực kinh tế và quân sự, mà còn bằng quyền lực tư tưởng nhân bản. Dù mọi hành vi của nước Mỹ, dĩ nhiên, phải vì nước Mỹ trên hết, nhưng vẫn thấp thoáng trong tư duy toàn cầu một giá trị nhân bản không thể chối cãi. Song đã đến lúc một mình nước Mỹ không thể cán đáng toàn cầu như giai đoạn 1944-1970, như những gì tôi đã trình bày ở trên.

Hai mươi sáu năm để các nước thất trận của chiến tranh thế giới thứ II quay trở lại cạnh tranh với siêu cường kinh tế Mỹ. Cũng ngần ấy thời gian Trung Quốc, một nước theo chủ nghĩa thế quyền cực đoan tả khuynh đủ để củng cố và vươn mình thức dậy làm vị trí siêu cường Mỹ lao đao. Trong thế giới phẳng ngày nay, thị trường thế giới là thị trường đa cực của các nước tiên tiến cựu lục địa chấu Âu, của Hoa Kỳ và của các con rồng châu Á, những hổ Nam Mỹ mới nổi. Nó không còn là thị trường độc quyền của các cường quốc làm ra cách mạng công nghiệp của thế kỷ XIX và XX.

Cuối cùng là đã đến lúc nước Mỹ phải có một mô hình mới để lãnh đạo tòan cầu. Nếu không nước Mỹ sẽ suy vong như bao đế chế khác vì tư cách đại ca của mình với thâm thủng ngân sách ngày một tăng. G20 hay G100 thì phải cần tiếng nói chung – một tiếng nói mà không phải vì quyền lợi của bất kỳ quốc gia nào – để vì hành tinh xanh. Nhưng dù có G bao nhiêu thì thế giới luôn phải có một lãnh đạo toàn cầu tồn tại, vì bản chất con người là, nếu rắn không đầu thì không biết bò về đâu, và nếu rắn nhiều đầu thì chỉ như tứ mã phanh thây.

Asia Clinic, 11h22', ngày Chúa Nhật, 10/4/2011

Đăng nhận xét

0 Nhận xét