THỬ NHÌN TƯƠNG LAI NƯỚC VIỆT

Ngày đăng: [Sunday, January 18, 2015]
Bài đọc liên quan:

Lược qua

Ý thức hệ là lý thuyết do con người nghĩ ra từ lịch sử và thực tế sinh động. Hình thái xã hội là thực hành đi theo ý thức hệ cũng do con người nghĩ và làm ra nó. Nếu ý thức hệ do các nhà tư tưởng - nhà khoa học xã hội hoặc hiền triết - nghĩ ra, thì hình thái xã hội đi theo ý thức hệ ấy lại là do chính trị gia thực hiện.

Giữa lý thuyết và thực hành có nhiều khoảng cách mà con người quyết định. Trong đó, 2 yếu tố tư hữu và quyền lực của con người làm cho thành quả của thực hành và lý thuyết không thể giống nhau. Đó là sự bất cập của mọi vấn đề, cho nên Johann Wolfgang von Goethe có câu nói nổi tiếng: "Lý thuyết là một màu xám xịt, nhưng cây đời vẫn mãi xanh tươi".

Lược qua thế giới cho đến hôm nay, duy chỉ còn 3 quốc gia đi theo hình thái xã hội đơn nguyên tập quyền: Việt Nam, Bắc Hàn và Cu Ba. Các quốc gia có nền chính tri độc tài khác như Trung Cộng về mặt hình thức vẫn là quốc gia đa nguyên, nhưng các đảng phái khác chỉ là để có tên, có vị với đời. Tuy vậy, để hình thái xã hội chuyển từ đơn nguyên tập quyền chuyển sang đa nguyên tập quyền là một vấn đề rất lớn, dù đó là đa nguyên giả hiệu như Trung Cộng.

Chính vì thế, một xã hội đa nguyên tập quyền do quân đội nắm giữ, như Hàn Quốc từ 1953 đến 1987 hay Miến Điện từ 1974 đến 2011 là một giai đoạn chuyển tiếp rất quan trọng, và có vai trò lịch sử bản lề cho họ đi đến thịnh vượng, tự lực, tự cường không thể tránh khỏi.

Nhìn lại nước Việt

1945 - 1975 - 2015 là 3 cột mốc lớn của lịch sử nước Việt Nam thời hiện đại. Nếu 1945 là một sự lựa chọn, thì 1975 là một sự hiển nhiên, và 2015 là một sự lựa chọn khác. Tất cả 3 dấu mốc thời gian và 3 sự kiện quan trọng đều quyết định từ nhân định, một trong 3 yếu tố quan trọng cho bất kỳ một sự kiện nào: thiên, địa và nhân.

Địa lý Việt Nam như tôi đã viết trong Thoát Trung Luận 1, rất đặc biệt, không cần nhắc lại. Nó góp phần không nhỏ cho ngàn năm đô hộ giặc Tàu và trăm năm đô hộ giặc Tây, 30 năm năm nội chiến từng ngày, để có hôm nay phải làm lại từ đầu bằng sự bắt buộc phải có một sự lựa chọn khác với năm 1945!

Nhân định là điều kiện cần, còn thiên định mới là điều kiện đủ. Vấn đề chính trị Việt Nam - đặc biệt là tự do dân chủ trong một hình thái xã hội đa nguyên tản quyền - là vấn đề rất lớn cần thời gian dài tính bằng nhiều thập kỷ. Vì hoàn cảnh lịch sử và hậu quả của không chỉ do đất nước và con người Việt quyết định mà là của cả 2 ý thức hệ tả hữu trải dài 167 năm qua, nếu tính từ khi học thuyết Marx Engels ra đời - 1848 - 2015. Nó không riêng ở Việt Nam, mà là diễn ra khắp 4 châu lục Âu, Á, Mỹ và Phi. 

Trong 167 năm xuất hiện học thuyết Marx Engels thì mãi đến 69 năm sau - 1917 - học thuyết này mới được hiện thực nó thành hình thái xã hội đơn nguyên tập quyền do một chính trị gia xuất chúng là Vladimir Ilyich Lenin tại nước Nga, sau đó là cả Đông Âu và một số chư hầu đi theo cộng sản khắp các châu lục Á, Phi và Mỹ. Dù hình thái xã hội của Vladimir Ilyich Lenin làm ra là xấu xa và thói nát, nhưng nó vẫn cứ tồn tại 70 năm ở nơi nó sinh ra. Và ngày nay, nó biến thái để tồn tại ở một số quốc gia chư hầu của Xô Viết ngày ấy: Trung Cộng, Việt Nam, Bắc Hàn và Cu Ba.

Ở Việt Nam, học thuyết Marx Engels và hình thái xã hội đơn nguyên tập quyền đã có mặt và hình thành tới hôm nay đã ngót 85 năm - 1930 - 2015. Trong một nghiên cứu xã hội học về lãnh đạo cộng đồng thì, chỉ cần 2% cộng đồng cùng chí hướng biết đoàn kết sẽ lãnh đạo 98% còn lại không có sự đoàn kết và chí hướng. Với gần 4 triệu đảng viên và hơn vài chục triệu thân nhân của các đảng viên cộng sản ở Việt Nam, cùng với mô hình đơn nguyên tập quyền hiện nay, nếu người cộng sản không tự thay đổi, thì dân Việt hầu như vô vọng để làm thay đổi nước Việt thoát cảnh nô lệ Trung Cộng trong tương lai gần.

Kết

Hàn Quốc mất 34 năm để từ đa nguyên tập quyền thoát thai trở thành đa nguyên tản quyền, và sau đó là 18 năm - 1987 - 2015 - để trở thành cường quốc kinh tế nằm trong G 20 ngồi họp quyết định vận mệnh kinh tế toàn cầu hằng năm.

Miến Điện sau khi ra khỏi thuộc địa Anh, họ đã thành cường quốc châu Á từ 1970. Nhưng phong trào cộng sản quốc tế đã biến họ quay về đa nguyên tập quyền vào năm 1974, rồi kéo dài 37 năm, mãi đến 2011, Miến Điện mới bắt đầu hình thái đa nguyên tản quyền như hôm nay. Họ chỉ cần thời gian vài thập kỷ sẽ thành cường quốc kinh tế.

Venezuela đang ngụp lặn trong suy sụp kinh tế do đa nguyên tập quyền mà Hugo Chavez gây ra. Nhưng nhìn về mặt khoa học, Venezuela dễ trở thành cường quốc hơn Việt Nam, khi họ nhìn ra đa nguyên tản quyền là mấu chốt của sự thịnh vượng.

Việt Nam kéo dài 85 năm đơn nguyên tập quyền, và hôm nay đang tụt hậu thua cả Cambodia và Lào, vì văn hóa đạo đức và giếng mối gia đình đã tan vỡ. Như vậy cần bao lâu để Việt Nam có hình thái đa nguyên tập quyền, rồi cần bao lâu nữa từ đa nguyên tập quyền để chuyển sang đa nguyên tản quyền, rồi sau đó, cần bao lâu nữa Việt Nam mới trở thành cường quốc kinh tế để ngồi vào bàn hội nghị quyết định kinh tế toàn cầu như Hàn Quốc hôm nay?

Có lẽ, phải ít nhất một thế kỷ, với điều kiện các chính khách cộng sản thực tâm muốn làm tốt vì quốc gia dân tộc. Nếu không, nước mất nhà tan là tương lai gần chỉ trong một thập niên.

Asia Clinic, 18h03' Chúa nhựt, 18/01/2015

Đăng nhận xét

0 Nhận xét