TẠM ỨNG ... TƯƠNG LAI

Ngày đăng: [Tuesday, April 26, 2011]
Hai bài viết của cùng một tác giả Hải Lý hồi quí II/2010, khi chính phủ dùng biện pháp tăng lãi suất ngân hàng đối với đồng nội tệ, hạ lãi suất ngân hàng đối với đồng đô la và, không cho vay ngọai tệ cho những doanh nghiệp không có họat động xuất nhập khẩu. Tuy là cũ, nhưng không cũ với tình hình hiện nay, khi lãi suất tiết kiệm ở nhiều ngân hàng với đồng nội tệ đã huy động lên đến con số >=18%/năm. Trong khi đó đồng đô la có lãi suất thấp. Và thị trường đồng đô la đang giảm giá ngọan mục về ngang hoặc dưới giá chợ đen. Tình hình rất giống năm 2010. Nên tôi đưa nó về đây để làm tư liệu.


04/05/2010 09:26 (GMT+7)

Vay ngoại tệ đang rẻ và có lợi hơn vay tiền đồng, nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng được vay.

Nếu bạn là doanh nghiệp bình thường hoạt động trong thị trường nội địa, không tham gia xuất nhập khẩu, không đầu tư trực tiếp ra nước ngoài, không vay vốn nước ngoài, thì dù có đề nghị, ngân hàng cũng không cho bạn vay vốn bằng ngoại tệ.

Vay ngoại tệ đang rẻ và có lợi hơn vay tiền đồng, nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng được vay.

Đối với những doanh nghiệp thuộc đối tượng được vay, trước khi giải ngân, ngân hàng còn cân lên đặt xuống khả năng trả nợ của người vay, cho dù có tài sản thế chấp. Nói vậy để thấy rằng vay được ngoại tệ của ngân hàng không dễ.

Mấy tháng qua, dòng ngoại tệ tín dụng chảy mạnh. Con sông ngoại tệ đã được be bờ, được xúc bùn đất cho những con tàu trọng tải lớn có thể lưu thông. Không chỉ mở rộng lòng sông, Nhà nước còn tính toán cân đối lượng tàu vào ra tháng này, tháng sau sao cho khỏi kẹt dòng. Bây giờ, nhìn tàu bè ngược xuôi nhộn nhịp, giới quan sát không khỏi một chút chạnh lòng: giá như động thái điều chỉnh ngoại hối kịp thời và sớm hơn...

Bản chất của điều hành ngoại hối những tháng qua là gì? Là trong bối cảnh nhập siêu, Nhà nước đã thông qua các quy định pháp lý, đưa nguồn cung ngoại tệ trong tương lai về hiện tại, đồng thời san bớt nhu cầu ngoại tệ hiện tại cho tương lai. Diễn đạt một cách khác, chúng ta đang tạm ứng ngoại tệ tương lai!

Nhà xuất khẩu có nguồn thu ngoại tệ trong tương lai, thay vì vay tiền đồng để làm hàng hóa giao cho người mua, chuyển qua vay ngoại tệ và bán ngoại tệ ngay cho ngân hàng lấy tiền đồng. Tất nhiên ngân hàng phải tính toán để số ngoại tệ cho nhà xuất khẩu vay tương ứng với số ngoại tệ có được anh ta cam kết bán cho ngân hàng sau một vài tháng nữa. Khi anh ta xuất hàng đi, ngoại tệ về, ngân hàng thu nợ luôn. Ở đây, cung ngoại tệ tương lai đã được đưa về hiện tại. Kết quả là nguồn cung ngoại tệ hiện tại tăng lên.

Nhà nhập khẩu (hoặc những doanh nghiệp đầu tư trực tiếp ra nước ngoài, hoặc vay vốn nước ngoài nay đến hạn trả nợ) có nhu cầu ngoại tệ để trả nợ, thanh toán, thay vì mua ngoại tệ, họ vay ngoại tệ. Sở dĩ họ vay ngoại tệ chứ không mua vì họ nhìn thấy vay tiền đồng hiện tại và mua ngoại tệ sau một vài tháng để trả nợ có lợi hơn. Trong trường hợp này, cầu ngoại tệ hiện tại được đẩy về tương lai. Kết cục nhu cầu ngoại tệ giảm đi.

Ở thì hiện tại, cung ngoại tệ tăng, cầu ngoại tệ giảm, tỷ giá sẽ tự động thay đổi theo hướng đồng Việt Nam lên giá so với Đô la Mỹ. Sự cân bằng cung cầu vẫn tiếp diễn, tỷ giá vẫn ổn định với điều kiện là nguồn thu ngoại tệ trong tương lai bằng hoặc lớn hơn nhu cầu ngoại tệ nhà nhập khẩu phải mua vào (trong tương lai) nhằm trả nợ cho ngân hàng.

Nếu lượng ngoại tệ thu về trong tương lai thấp hơn lượng ngoại tệ nhà nhập khẩu cần để trả nợ ngân hàng trong tương lai, tỷ giá sẽ chuyển động theo chiều ngược lại: Đô la Mỹ lên giá so với tiền đồng.

Mấu chốt của vấn đề là ở điểm này: tạm ứng ngoại tệ tương lai phải ở mức hợp lý, trong tầm kiểm soát. Ở tầm vi mô, các doanh nghiệp vay ngoại tệ nên tính đến khả năng bảo hiểm tỷ giá để phòng ngừa rủi ro; các ngân hàng không chạy theo lợi nhuận ngắn hạn, cho vay quá mức cần thiết.

Ở tầm vĩ mô, Ngân hàng Nhà nước hiện có điều kiện mua vào ngoại tệ thừa ở ngân hàng, tăng dự trữ ngoại hối, nhưng cũng cần tính toán lượng bán ra can thiệp nếu cần. Một khi van ngoại tệ mua vào - bán ra của Ngân hàng Nhà nước vận hành nhịp nhàng, thị trường ngoại hối sẽ ổn định.

Sự lên giá của tiền đồng, trước mắt, sẽ có tác dụng thu hút luồng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài. Tuy nhiên dòng vốn này rất nhạy cảm, nó có thể vào nhanh và ra nhanh bất chấp hậu quả để lại đằng sau nó. Không phải ngẫu nhiên, nhà đầu tư nước ngoài liên tục mua ròng chứng khoán và gần đây giá trị mua ròng ngày một tăng lên. Nhiều tổ chức nước ngoài, kể cả quỹ mạo hiểm lớn, đã mở tài khoản ở các công ty chứng khoán. Với quy định giao dịch T+4 hiện tại, tiền có thể được chuyển vào - mua bán - chuyển ra trong vòng một tuần.

Tiền đồng càng lên giá, lãi suất tiền đồng sẽ càng giảm. Dấu hiện này thể hiện rõ trên thị trường trái phiếu. Ngày 22/4/2010 lãi suất trúng thầu trái phiếu chính phủ kỳ hạn hai năm phát hành trên HNX đã giảm xuống còn 11,3%/năm, kỳ hạn năm năm còn 11,5%/năm thay cho mức 12%/năm mấy tuần trước đó. Doanh nghiệp vẫn “chê” lãi suất cho vay của ngân hàng cao, vẫn đang kiên nhẫn chờ mặt bằng lãi suất hạ xuống.

Ngân hàng không còn thiếu tiền đồng. Một số ngân hàng đang tích cực mua trái phiếu, sau đó bán trái phiếu ấy trên thị trường mở cho Ngân hàng Nhà nước, lấy tiền đồng ngắn hạn lãi suất 7-8%/năm, hưởng chênh lệch lãi suất. Để “giải phóng” vốn, ngân hàng sẽ phải hạ lãi suất đầu ra. Họ không thể bán trái phiếu cho Ngân hàng Nhà nước lấy tiền đồng ngắn hạn rồi “ôm” đó dù là lãi suất thấp. Vòng xoay cứ thế tiếp tục, lãi suất đồng nội tệ sẽ còn giảm.

Nguồn ngoại tệ huy động bắt đầu được sử dụng hiệu quả và bài toán ngoại tệ đã giải được một phần. Nhưng bài toán huy động, cho vay vàng vẫn còn đó. Theo chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Tp.HCM, đến 31/3/2010, tổng lượng vốn huy động bằng vàng của các ngân hàng trên địa bàn là 76.880 tỉ đồng, tương đương 110 tấn, trong khi dư nợ cho vay vàng chỉ có 19.200 tỉ đồng tức 27,5 tấn.

Như vậy, 57.680 tỉ đồng, tương đương 82,5 tấn vàng, hoặc hơn 3 tỉ Đô la Mỹ, đang “án binh bất động” trong két sắt ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước sẽ làm gì để 3 tỉ Đô la Mỹ bằng vàng đó trở nên có ích cho nền kinh tế đang cần vốn?

Hải Lý (TBKTSG)
09/07/2010 07:25 (GMT+7)

Ngày 30/6/2010 là thời điểm đáo hạn một số hợp đồng vay ngoại tệ ngắn hạn của doanh nghiệp. Đây chủ yếu là các hợp đồng vay có kỳ hạn ba tháng trở xuống.

Sau hai tháng rưỡi đứng nguyên dưới mốc 19.000 đồng/USD, từ cuối tháng 6 đến nay tỷ giá bắt đầu chuyển động. Giá USD bán ra của các ngân hàng thương mại đồng loạt niêm yết ở mức trần 19.100 đồng. Những yếu tố thử thách chiến thuật “tạm ứng... tương lai” trong điều hành tỷ giá của cơ quan chức năng đã xuất hiện.

Nhu cầu trả nợ 500 triệu - 1 tỉ USD/tháng

Ngày 30/6/2010 là thời điểm đáo hạn một số hợp đồng vay ngoại tệ ngắn hạn của doanh nghiệp. Đây chủ yếu là các hợp đồng vay có kỳ hạn ba tháng trở xuống. Người trả, theo phản ánh của một số ngân hàng, chủ yếu là các đơn vị nhập khẩu. Có những công ty, khoản vay tuy chưa đáo hạn, nhưng do biến động tỷ giá, đã yêu cầu ngân hàng cho trả trước hạn.

“Chúng tôi nói họ không cần trả trước, nhưng họ cứ xin trả và nếu tỷ giá ổn định trở lại dưới mức 19.000 đồng/USD, họ sẽ vay lại” - phó tổng giám đốc một ngân hàng cho biết - “Doanh nghiệp bây giờ tính toán nhanh lắm và họ canh chừng tỷ giá rất sát sao”.

Rõ ràng những doanh nghiệp vay ngoại tệ luôn trong tư thế phòng thủ và chủ động trả nợ để tránh rủi ro tỷ giá. Đại diện một doanh nghiệp bộc bạch: “Khi vay, chúng tôi phải cam kết trả bằng ngoại tệ cho ngân hàng đúng hạn.

Chính vì ràng buộc này nên công ty phải cắt cử một nhân viên kế toán cập nhật tỷ giá hàng ngày, nếu có biến động là xử lý ngay. Trong trường hợp hiện tượng USD lên giá so với tiền đồng chỉ là nhất thời, sẽ làm thủ tục vay lại. Như thế mới tránh bị thiệt”.

Có thể thấy quãng thời gian gần ba tháng yên bình vừa qua đã tích lũy xung quanh tỷ giá một số vấn đề. Về mặt kỹ thuật, hiện nay các nhà xuất khẩu đã vay ngoại tệ vẫn bán ngoại tệ có được từ xuất khẩu cho ngân hàng, nhưng tính chất ở đây đã thay đổi. Trước đây, việc bán ngoại tệ cho ngân hàng là tự nguyện, thỏa thuận được giá cả (trong biên độ cho phép của Nhà nước) và một số điều kiện khác là bán. Nay bán là vì đã cam kết bán cho ngân hàng khi vay ngoại tệ.

Ba tháng trước nếu không cam kết bán trong tương lai, nghĩa là không có nguồn thu, thử hỏi ngân hàng nào dám cho vay ngoại tệ? Còn nhớ Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu nhấn mạnh trong tháng 4/2010 tăng trưởng tín dụng ngoại tệ của hệ thống các tổ chức tín dụng đạt 28.000 tỉ đồng, trong đó cho vay xuất khẩu tới 22.000 tỉ đồng.

Giả sử một phần ba tổng số 22.000 tỉ đồng cho vay xuất khẩu trên có kỳ hạn dưới ba tháng, thì hiện tại các nhà xuất khẩu phải bán để trả nợ cho ngân hàng số ngoại tệ tương ứng là 350-400 triệu USD. Số ngoại tệ mà doanh nghiệp nhập khẩu đã vay, nay phải trả có thể là 100-150 triệu USD. Nghĩa là số ngoại tệ doanh nghiệp cần ngay để trả nợ có thể xấp xỉ 500 triệu USD cho thời điểm cuối tháng 6/2010.

Nếu tăng trưởng tín dụng ngoại tệ tháng 5, tháng 6 cũng bằng mức của tháng 4/2010, thì lượng ngoại tệ doanh nghiệp cần để trả nợ ngân hàng trong quí 3 sẽ khoảng 500 triệu - 1 tỉ USD/tháng tùy thời điểm đáo hạn (chưa kể số lượng đến hạn trả của những khoản vay trong ba tháng đầu năm và năm ngoái dồn sang). Số tiền trên “ăn lẹm” vào cung ngoại tệ và làm nguồn cung giảm đi tương ứng.

Các đơn vị nhập khẩu “lăm le” trả nợ, mua đô la nhiều hơn, trong khi các doanh nghiệp xuất khẩu giảm bán đô la theo kiểu thông thường (chỉ còn bán để trả nợ), kết quả là cầu tăng cung giảm. Việc giảm cung, tăng cầu sẽ tiếp tục và có thể ngày càng lớn trong các tháng của quí 3 lần lượt theo kỳ đáo hạn các hợp đồng vay ngoại tệ, phần lớn dưới sáu tháng. Đây là yếu tố cấu thành nặng ký nhất và quan trọng nhất trong phép thử của “tạm ứng...tương lai”.

Lãi suất tiền đồng tăng sức ép tỷ giá

Kế đó tỷ giá đang chịu tác động trực tiếp của việc hạ lãi suất tiền đồng. Chênh lệch lãi suất tiền đồng và USD đang được rút ngắn. Những tháng trước, lãi suất huy động tiền đồng khoảng 11,5%/năm, USD khoảng 4%/năm, chênh lệch 7,5%/năm.

Nay lãi suất huy động tiền đồng đang lùi dần về 11%/năm (và sẽ xuống 10%/năm như chỉ đạo của Chính phủ), lãi suất tiết kiệm ngoại tệ của một số ngân hàng đã chạm 5%/năm, chênh lệch 6 điểm phần trăm. Mức 6 điểm phần trăm đúng bằng mức chênh lệch lạm phát của Việt Nam và Mỹ (lạm phát của Việt Nam năm nay dự kiến 8%/năm, Mỹ 2%/năm).

Một khi chênh lệch lãi suất giữa tiền đồng - đô la Mỹ thấp hơn 6 điểm phần trăm này, sự chuyển dịch tiết kiệm từ tiền đồng sang ngoại tệ sẽ diễn ra và ngược lại. Điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới tỷ giá.

Như vậy, để hạ lãi suất mặt bằng tiền đồng, cũng phải hạ lãi suất ngoại tệ. Vì sao Ngân hàng Nhà nước đã không có biện pháp nào để hạ lãi suất tiền gửi ngoại tệ của dân cư? (lãi suất tiền gửi ngoại tệ của doanh nghiệp đã được ấn định tối đa 1%/năm - NV). Nếu lãi suất tiết kiệm USD chỉ còn, giả sử 2%/năm, chắc chắn người dân sẽ cân nhắc khi gửi ngoại tệ.

Có thể, Ngân hàng Nhà nước e ngại lãi suất huy động ngoại tệ thấp, dẫn đến lãi suất cho vay đô la thấp, doanh nghiệp lại lao vào vay ngoại tệ. Tuy nhiên, tỷ giá chính là “liều thuốc” chặn đứng “cơn say” vay ngoại tệ lãi suất thấp. “Liều thuốc” đó nồng độ thế nào trong từng thời điểm là do Ngân hàng Nhà nước quyết định. Mấu chốt vấn đề, suy cho cùng, vẫn là hiệu ứng linh hoạt của tỷ giá: khi nào nó cần phát đi tín hiệu động, khi nào sẽ là tín hiệu tĩnh!

Chiến thuật “tạm ứng... tương lai” trong điều hành tỷ giá đã tạo điều kiện để chuyển ngoại tệ huy động sang ngoại tệ thương mại và giúp Ngân hàng Nhà nước mua được 1-2 tỉ USD, nâng dự trữ ngoại hối.

Bây giờ là thời điểm của sự chảy ngược lại: đô la thương mại sang đô la huy động. Nguồn ngoại tệ huy động của ngân hàng vẫn tương đối dồi dào trong khi đô la thương mại vẫn còn thiếu do nhập siêu. Thị trường đang chờ đợi Ngân hàng Nhà nước sẽ can thiệp ở mức nào và đưa ra giải pháp gì để kiểm soát sự chảy ngược nói trên.

Hải Lý (TBKTSG)
Asia Clinic, 7h34', ngày thứ Ba, 26/4/2011

Đăng nhận xét

0 Nhận xét