SÒNG BÀI THẾ GIỚI

Ngày đăng: [Sunday, June 09, 2013]
Bài đọc liên quan:

Hôm nay kết thúc Hội nghị thượng đỉnh Sunnylands 2013, với tuyên bố quan trọng nhất là sự đồng thuận giữa 2 nước Hoa Kỳ và Trung Hoa là, Mỹ Trung đồng ý phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên. Những vấn đề khác như an ninh năng lượng, an ninh mạng internet, biến đổi khí hậu, thách thức nhân khẩu học, ổn định kinh tế và tiến bộ khoa học kỹ thuật chỉ là những vấn đề rất nhỏ làm rối việc chính về bán đảo Triều Tiên.

Có người cho rằng, Triều Tiên tuy nhỏ, nhưng họ chủ động muốn gì được nấy bằng trò Chí phèo với vũ khí hạt nhân. Họ đã nhầm, vận mệnh các nước nhỏ do các nước lớn quyết định. Nó cũng giống như, vận mệnh của dân tộc do lãnh đạo nước đó là những minh quân hay hôn quân. Người dân hay các nước nhỏ chỉ là đám đông vô thức, họ bị các chính khách định hướng và lôi kéo vào chỗ chết theo nhiều cách khác nhau, chết đói, chết bom đạn, hay chết chẳng ra chết, mà sống cũng chẳng ra sống trong nghèo đói và khổ đau.

Câu chuyện Triều Tiên mở đầu cho một cái gọi là "Kịch bản Nixon Mao thế hệ thứ hai" làm tôi nhớ lại bản gốc này năm 1972. Nó cũng bắt đầu sự gặp nhau giữa Mỹ và Trung Hoa để đưa ra quyết định Hoa Kỳ bán lại sự cai trị Đông Dương cho Trung Hoa, để được cả một thị trường nội địa Trung Hoa một tỷ dân, và cô lập Liên Xô đến bước đường cùng, để tự tan rả vào năm 1989.

Nếu ngày xưa, bản gốc của "Thông cáo Thượng Hải" 1972 cũng lắm vấn đề, nhưng cơ bản chỉ là vấn đề Hiệp định Paris, để Mỹ rút quân khỏi Việt Nam, và sau đó là chuổi domino cho thế giới cộng sản sụp đổ ngay cái nôi của nó sinh ra. Hôm nay, Bắc Hàn chỉ có một vũ khí để làm Chí phèo rạch mặt kiếm ăn, thì vĩ tuyến 38 phân chia ranh giới Nam Bắc Hàn xem như sẽ xóa chỉ trong một vài thập niên tới, và sau đó, điều gì sẽ xảy ra?

Thế giới như một sòng bài, chủ sòng là Hoa Kỳ như một bài viết của tôi cách đây 2 năm, quân bài đã chia - vấn đề còn lại là ta. Tất cả các quốc gia còn lại là những con bạc khát nước trong cơn điên cuồng thua lỗ. Nhưng không vì thế mà, Hoa Kỳ dễ dàng thao túng mọi vấn đề nhanh chóng, mà họ phải có chiến lược toàn cầu được tính bằng thế kỷ. Thế kỷ XX để giải áp chiến tranh lạnh bằng bản gốc Nixon Mao bắt đầu từ chiến tranh Việt Nam. Thế kỷ XXI, để giải áp căng thẳng Mỹ Trung bằng bán đảo Triều Tiên còn chia cắt.

Hầu hết mọi người Việt chỉ nhìn việc Mỹ đổ quân vào miền Nam Việt Nam ở tầm nhìn ngắn hạn cho rằng, hoặc là Mỹ xâm lược Việt Nam, hoặc là Mỹ vì nhiệm vụ quốc tế của thế giới tư bản là, chặn đứng làn sóng cộng sản tràn ngập xuống toàn Á châu và Úc châu.

Nhưng có một điều khác vô cùng quan trọng ẩn đằng sau hành động Mỹ đổ quân vào miền Nam Việt Nam - 1965 - ít ai thấu hiểu là, chuẩn bị cho một cuộc tràn quân sang chiếm lấy một nửa Trung Hoa, nếu Liên Xô thôn tính Trung Hoa như đã từng thôn tính một nửa phía Đông nước Đức. Khi Hoa Kỳ lấy cả thị trường Trung Hoa thì Hoa Kỳ bỏ cái thị trường chỉ khoảng 50 triệu dân ở Đông Dương. Nhưng trước khi ra đi, Hoa Kỳ để lại cái xương Hoàng Sa và Trường Sa hóc trong họng anh em các nước cộng sản châu Á. 

Bây giờ, Hoa Kỳ trở lại chia bài cho khu vực châu Á Thái Bình Dương, sau khi chia bài ở Trung Đông với Do Thái. Lý do chính buộc Hoa Kỳ trở lại Thái Bình Dương không phải vì Nhật Bản, vì Nam Bắc Hàn, vì Asean, mà là vì một Trung Hoa đang ngày một hùng cường muốn chia sẻ quyền lực tối thượng với Hoa Kỳ.

Cái gì dùng để đổi chát với Trung Hoa, khi Trung Hoa đồng thuận phi hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên sẽ làm cho biển Nhật Bản - còn gọi là biển Hoa Đông - trở nên yên ắng giữa tranh chấp Nhật Trung, nếu không là, biển Đông như một bài viết gần đây của tôi, Ao làng biển Đông?

Thông cáo Thượng Hải nước Việt là vật tế thần để được cả một thị trường 1 tỷ dân của Trung Hoa và làm sụp đổ cái nôi cộng sản thế giới sau 17 năm. Thế thì, "Thông cáo California" chỉ mới bắt đầu bằng vấn đề Nam Bắc Hàn để được gì cho Hoa Kỳ, nếu không là một sự sụp đổ những nền móng cộng sản còn lại trên thế giới? Và để được gì cho Trung Hoa, nếu không là vị trí siêu cường số một toàn cầu?

Thánh thư Trung Hoa là chiến lược của Tôn Tử - chiến thắng trí tuệ của người cầm quân trong chiến tranh là không đánh mà thắng. Điều này cả hai nước Hoa Kỳ và Trung Hoa đều là những kẻ chiến thắng trong "Thông cáo Thượng Hải" 1972. Liệu ai sẽ thắng sau "Thông cáo California" 2013 dù nó chỉ mới bắt đầu.

Bài học xương máu và nhục nhả cho các nước nhỏ quanh Trung Hoa sau "Thông cáo Thượng Hải" còn đó. Dù bất kỳ quốc gia nào, hoặc Hoa Kỳ hoặc Trung Hoa chiến bại, hoặc cả hai cùng thắng, thì có một điều kiên định cho ta thấy rằng, Hoa Kỳ dù xem Trung Hoa là đối trọng, nhưng để đặt lên bàn cân chiến lược của Hoa Kỳ một sự chọn lựa giữa Trung Hoa và các quốc gia quanh khu vực Thái Bình Dương, thì Hoa Kỳ luôn chọn Trung Hoa và bỏ rơi bất kỳ quốc gia nào dù đó là đồng minh của Hoa Kỳ.

Nhưng, Hoa Kỳ có muốn Trung Hoa sụp đổ và tan rả như Liên Xô năm 1989 không? Không bao giờ, vì trạng chết thì trẫm cũng băng hà. Và vì ngày nay Trung Hoa và Hoa Kỳ đã bện chân rếch vào nhau quá nhiều quyền lợi không thể tách rời. Hãy cứ nhìn những gì Hoa Kỳ đã đầu tư vào Trung Hoa sẽ rõ. Và hãy cứ tưởng tượng xem, mỗi ngày chỉ cần 25% dân Trung Hoa bước vào Walmart hay uống mỗi người một lon Cocacola sẽ rõ mọi điều.

Nhưng có một điều chắc chắn rằng, Trung Hoa sẽ dần suy yếu về kinh tế trong chiến lược bao vây của Hoa Kỳ theo kiểu cờ vây. 

Hỏi rằng có tin Hoa Kỳ không? Thưa rằng có, nếu lòng tin ấy phục vụ cho quyền lợi Hoa Kỳ. 

Hỏi rằng có tin Trung Hoa không? Thưa rằng có, nếu lòng tin ấy dùng để chết vì Trung Hoa.

Chia sẻ quyền lợi để cả 2 cùng thắng thì ai cũng muốn. Nhưng chết để kẻ khác hưởng thì trên thế giới cũng không thiếu những quốc gia đã, đang và sẽ chịu chết cho Trung Hoa.

Chỉ có các nước nhỏ quanh Trung Hoa thiếu tầm nhìn để liệu cơm gắp mắm, để không phải lấy dân mình làm bia đỡ đạn cho các nước lớn, để không phải cúi đầu làm tay sai nước lớn như trong quá khứ tủi nhục. Đó là vấn đề mà các tinh hoa phải đủ tầm nhìn cho vận nước của mình.

Asia Clinic, 14h12' Chúa nhựt, 09/6/2013

Đăng nhận xét

0 Nhận xét