SÁCH Ở ĐÂU TRONG MỖI CHÚNG TA?

Ngày đăng: [Monday, July 28, 2014]
Bài đọc liên quan:

Có nhiều bạn trẻ hỏi tôi, đọc sách gì, làm sao tôi có thể mang nhiều kiến thức ở nhiều lĩnh vực khác nhau, và từ đó, có những nhận định đúng về tình hình thế giới và thời cuộc đến thế? 

Đầu tháng Tư năm 2014, tôi có viết bài Trả lời về phương pháp luận khoa học, để nói về vấn đề này rồi. Hôm nay xin triển khai chi tiết hơn.

Tôi kể các bạn câu chuyện của một đồng nghiệp vẫn còn hành nghề trong nhà nước, nơi mà xưa tôi đã làm việc. Anh ta như Âu Dương Phong bị tẩu hỏa nhập ma, nên anh ta đi bằng cái đầu, và suy nghĩ, hành động bằng đôi tay, đôi chân, cũng vì học nhiều mà không có căn bản kiến thức. Anh ta là một phẫu thuật viên, khi đi Pháp học và tham quan, thấy Pháp làm khác thầy anh ta học, anh ta cho là hay quá, về nhà làm theo Pháp. Nhưng khi anh ta đi Nhật, bị Nhật bỏ bùa, về nhà thay đổi hoàn toàn phong cách phẫu thuật. Gần đây, liên kết với Hàn Quốc về vụ ghép gan, anh ta sang thấy Hàn Quốc làm kinh quá, anh ta lại đổi tiếp sang phong cách và thủ thuật Hàn Quốc. Cuối cùng, cuộc phẫu thuật chỉ đáng mất 4hrs đồng hồ, thì vào tay anh ta nó kéo dài thành 12hrs đồng hồ. Bệnh nhân chưa chết vì bệnh, thì đã chết vì gây mê kéo dài trong tổng trạng suy chức năng của bệnh tật, mổ xong bệnh nhân không tỉnh, mà mê man tàn tịch xin về cổng sau bệnh viện.

Học nhiều, và đọc nhiều là tốt. Nhưng học nhiều, đọc nhiều mà không có kiến thức nền căn bản tốt thì sẽ tẩu hỏa nhập ma, không áp dụng được thực học cho bản thân và cho cộng bđồng, thì học nhiều cũng vô ích.

Thú thực là nói tôi đọc sách nhiều cũng đúng, mà bảo tôi đọc ít cũng đúng. Vì một cuốn sách tôi đọc đúng nghĩa rất lâu, khoảng 100 trang tôi bỏ ra cả tháng. Ví dụ, Tấn trò đời của Honoré de Balzac thì tôi mất cả năm để đọc, và cũng chỉ của Honoré de Balzac là tôi mất thời gian nhiều nhất mà thôi. Còn lại, các tác phẩm khác, ví dụ, nguyên bộ trường thiên tiểu thuyết Chiến tranh và Hòa Bình của Lev Nikolayevich Tolstoy tôi chỉ mất vài chục phút hoặc 1 giờ đồng hồ là tôi nắm hết tư tưởng của tác giả, nên không mất thì giờ là bao. Vì tôi là người đọc sách là đi tìm tư tưởng của tác giả, chứ không tìm bóng dáng của mình trong đó.

Phần còn lại hiểu biết của tôi là do nhờ kiến thức nền của thời phổ thông. Từ kiến thức nền đó, tôi dùng các phương phái quy nạp, hồi quy toán học, và tư duy logic của triết học để làm việc, và nắm kiến thức nhân loại, chứ làm sao để bộ óc giới hạn có thể chứa nổi bấy nhiêu đó vấn đề? Bỡi quan niệm của tôi làm quan niệm của phương pháp luận khoa học. Sách vở cũng từ đúc kết thực tế mà ra, để đem ứng dụng lại cuộc sống thực tế. Tại sao ta không quan sát thực tế để đúc kết thành sách cho chính mình?

Sách là từ tư duy của mình mà ra, từ cuộc sống sinh động khách quan hằng ngày xung quanh ta mà ra cả. Đó mới là cập nhật, là mới nhất, là cái cây đời xanh tươi, chứ không phải một màu xám xịt như Johann Wolfgang von Goethe đã nói.

Thế giới trong mỗi thế kỷ xuất hiện những bậc vĩ nhân. Họ, những con người cực hiếm làm thay đổi thế giới. Có những người làm thế giới tốt đẹp hơn như Bill Gates; nhưng có những con người làm thế giới xấu đi như những lãnh tụ theo con đường cộng sản, và phát xít; Đồng thời cũng có những con người làm cho thế giới tốt đẹp hơn, và cả xấu đi như Albert Einstein, khi ông đưa ra thuyết tương đối để khoa học phát triển, nhưng cũng giúp cho con người chế ra bom nguyên tử để hủy diệt nhau vì tham vọng và quyền lực.

Có 2 thứ quý nhất cho một đời người: trí tuệ và quỹ thời gian. Tư duy là vốn quý nhất. Nó đứng trên cả quỹ thời gian mà tạo hóa cho mỗi con người. Có sống hơn 100 năm mà không có trí tuệ để làm gì được cho bản thân, gia đình, và xã hội thì cũng như chết rồi. Nhưng có tư duy tốt, mà sống ngắn ngủi như Évariste Galois, chỉ sống 21 năm, và chết vì danh dự, mà để lại cho đời cả những công trình toán học tới giờ này vẫn còn giá trị ngàn vàng cho nhân loại thì đáng trân trọng biết bao?

Khi có tư duy trên nền tảng kiến thức tổng quát của chương trình phổ thông tốt, bạn sẽ không bị cái quán tính tư duy của đám đông làm u mê trước sự vật hiện tượng trong cuộc sống. Lúc đó, sáng tạo sẽ đến với bạn, và ắt bạn sẽ thành công.

Vì thế, tư duy của mỗi người có thể làm ra được tất cả mọi việc trên đời. Hãy chuẩn bị cho mình một nền tảng kiến thức phổ thông tốt. Trên nền tảng kiến thức tổng quát của phổ thông trung học, trong đó đặc biệt quan trọng là triết học, các bạn sẽ tự mình trở thành cuốn sách sinh động cho chính bạn và cho đời.

Asia Clinic, 17h26' ngày thứ Hai, 28/7/2014

Đăng nhận xét

0 Nhận xét