NỖI ĐAU CỦA NƯỚC NGA HAY NỖI ĐAU CỦA NHÂN LOẠI?

Ngày đăng: [Tuesday, March 06, 2012]
Bài viết liên quan:

Vài hôm nay nước Nga tưng bừng cho cuộc tổng tuyển cử lãnh tụ và sau đó là cuộc đắc thắng của ông Putin với lần thứ ba làm tổng thống, sau 2 lần làm thủ tướng. Đây là một tin tốt lành cho Việt Nam hiện tại. Nhưng ẩn chứa đằng sau sự kiện trọng đại này là nỗi đau không chỉ của nước Nga, mà còn lại nỗi đau của nhân loại.

Với ai tôi không biết, dù chưa bao giờ được tiếp cận trực tiếp với nước Nga, nhưng với hiểu biết của tôi, nếu có một dân tộc nào đáng kính trên trái đất này, thì phải nhớ đến dân tộc Nga. Một dân tộc chính yếu hình thành ngôn ngữ và nền văn hóa vĩ đại Slav. Một nền văn hóa đáng tự hào, một đế chế ngang dọc qua nhiều thời đại. Một quá khứ kiêu hùng làm cho thế giới cạnh tranh và phát triển như ngày nay.

Phải công tâm nhìn nhận những việc ông Putin làm cho nước Nga trong hơn 20 năm qua là to lớn về cả tích cực lẫn tiêu cực, song nước Nga đã thiếu hụt một và nhiều thế hệ có tư duy thực sự. Không cách nào khác, cái quán tính tư duy quay về thời kỳ chuyên chế của ông Putin để lập lại trật tự cho nước Nga là điều phải làm. Và chuyên chế là cái nôi sinh ra tha hóa và tham nhũng. Tính từ ngày hai ông Gorbachev và Elsin làm nên cuộc cách mạng xã hội cho nước Nga, họ đã mất đi 20 ngàn nhà khoa học chủ chốt. Đó là một nỗi đau lớn của một đất nước có một nền khoa học cơ bản đứng hàng đầu thế giới.

Nhưng có một nỗi đau mà nước Nga khó lòng lấy lại được trong một sớm, một chiều với đơn vị thời gian tính bằng thập kỷ. Đó là nỗi đau của một tư duy bị thui chột của các thế hệ người Nga hiện đại. Trải qua 70 năm chuyên chế và trị dân bằng ý thức hệ sai lầm, đi ngược lại với quy luật xã hội, nước Nga chuyển mình để lại bao ngổn ngang trăm bề. Ông Elsin tinh đời, khi muốn ém nhẹm những sai trái của mình, bằng cách tìm ra một Putin đủ sức để "lập lại trật tự" cho nước Nga.

Và cũng bằng cách xưa cũ - chủ nghĩa anh hùng dân tộc, kêu gọi vì một nước Nga hùng cường - ông quay lại điện Kremlin trước những khát vọng hụt hơi của 3 đối thủ còn lại, mà trong đó, tổng bí thư đảng cộng sản Nga là người về nhì trong cuộc đua. Điều này cho thấy dân Nga vẫn có cái quán tính tư duy muốn quay về chiếc hộp đã được dạy bảo suốt 70 năm hùng cường, và điêu tàn.

Có phải chăng một dân tộc và một đất nước Nga vĩ đại ngày nào thiếu tài năng? Có phải chăng với 140 triệu dân Nga đang sống trên một diện tích lớn nhất thế giới - chiếm 1/9 lục địa toàn cầu - và với tài nguyên thiên nhiên hàng đầu thế giới, đã thiếu những nhân tài, mà họ phải chọn lại một lãnh tụ mà suốt hơn gần 15 năm qua đã chỉ biết giúp dân Nga sống bằng một hình hài xã hội cũ, với bán tài nguyên của đất nước để sống, tham nhũng, và chảy máu chất xám?

Đúng thế - tôi tin điều này - vì xem ra trong tất cả 4 cương lĩnh tranh cử của 4 ứng cử viên tổng thống kỳ này, cũng chỉ có cương lĩnh của ông Putin là toàn diện nhất cho cả đối nội lẫn đối ngoại. Vì ba ứng viên còn lại vẫn là những thành viên ưu tú của nước Nga.

Hãy nhìn cuộc tổng tuyển cử tổng thống Mỹ cuối năm 2008, với sự ra đời của một đứa trẻ da màu bị bỏ rơi lên nắm vận mệnh toàn cầu, đoạn tuyệt một ứng viên tài sắc song toàn - Hillary Clinton và gia đình - nó cho ta thấy đâu là quán tính tư duy tỉnh và đâu là quán tính tư duy động. Điều này thật quý giá biết bao cho nhân loại toàn cầu.


Nước Nga đã trải qua những đêm trường lạnh giá dưới một ý thức hệ sai lầm. Nước Nga đã bừng tỉnh sau cơn mê. Nước Nga đã quay lại cái quán tính đặc thù của một tư duy cực đoan thời độc tài chuyên chế. Và bây giờ, sự quay trở lại điện Kremlin lần thứ ba của ông Putin bằng những giọt nước mắt, những giọt nước mắt này có phải là dấu hiệu cho sự gỡ bỏ nỗi đau tột cùng của nước Nga hay không, vẫn còn là một câu hỏi ở phía trước. 

Nhưng có một điều chắc chắn rằng, quán tính tư duy người Nga qua lần tổng tuyển cử này nó cũng giống như tâm lý của một người tù, họ không biết làm gì để sống trước một xã hội sinh động, sau khi được hết hạn tù, thôi thì thà quay lại nhà tù vẫn an toàn hơn.

Có một câu nói của một vị linh mục người Anh - William Ralph Inge - mà tôi cho rằng nó là chân lý, "Anh có thể xây dựng cho mình một ngai vàng bằng lưỡi lê. Nhưng anh không thể ngồi lên nó được" (“A man may build himself a throne of bayonets, but he cannot sit on it.") Có lẽ hơn ai hết ông Putin hiểu rõ điều này, cho nên ông đã đến ngai vàng lần này bằng những giọt nước mắt? Nhưng có một điều cho ta thấy rằng, những giọt nước mắt của ông Putin là, bằng chứng của một nước Nga đang đi dần đến tư tưởng phương Tây - tư tưởng tự do dân chủ.

Điều đáng quan tâm ở đây là, nỗi đau của nước Nga không chỉ là nỗi đau riêng. Nó còn là nỗi đau của các nước chư hầu một thời lầm lạc. Nỗi đau của đám đông vô thức bị cái quán tính tư duy tỉnh dẫn dắt, làm thui chột cái thức của con người, vì ý thức hệ. Nhưng dù sao, cũng cầu chúc cho nước Nga và một nửa nhân loại còn lại có một thời kỳ mới - thời kỳ của con người biết sử dụng tư duy của mình để quyết định vận mệnh quốc gia và dân tộc của mình.

Asia Clinic, 12h36' ngày thứ Ba, 06/3/2012

Đăng nhận xét

0 Nhận xét