NHÂN TRỊ HAY VI HIẾN PHÁP TRỊ?

Ngày đăng: [Saturday, March 31, 2012]


Là một người dân, nên tôi chỉ biết lập pháp - Quốc Hội - là cơ quan quyền lực nhất của một xã hội. Nơi đây quyết định mọi thông điệp từ hành pháp đến tư pháp ban ra để áp dụng cho một xã hội.

Nhưng gần đây các cơ quan hành pháp lại có những quy định, những ý định sẽ thực hiện mà không hoặc chưa thông qua quốc hội. Trong khi đó thì, quốc hội lại đi kiến nghị cơ quan hành pháp, hoặc cơ quan hành pháp không đủ năng lực quản lý thì ra quy định o ép dân, mà không cần thông qua quốc hội.

Hơn tháng trước, một ông bí thư đảng kiêm chủ tịch thành phố Đà nẵng ra hàng loạt quy định tạm dừng nhập cư mới vào nội đô Đà Nẵng và bảo rằng không vi hiến.

Cụ thể là, bên bộ giao thông vận tải là một bộ phận của cơ quan hành pháp lại đi kiến nghị người đứng đầu cơ quan hành pháp cao nhất là thủ tướng chính phủ nâng giá thu phí giao thông lên 5% mỗi năm, mà không hoặc chưa thông qua quốc hội, và các đại điểu quốc hội lại đi kiến nghị lại bộ giao thông vận tải nên thông qua biểu quyết của quốc hội và khảo sát ý kiến người dân.

Thật tình tôi không hiểu bộ giao thông vận tải muốn gì, khi trong mỗi lít xăng sử dụng dân đã đóng đến 1/3 chi phí cho nhiều thứ phí rồi.

Từ lúc cha sinh mẹ đẻ tôi tới nay, tôi chưa nghe có chuyện Quốc hội kiến nghị với chính phủ, mà chỉ nghe chính phủ kiến nghị Quốc hội, và Quốc hội hoặc đồng thuận hoặc phủ quyết, chỉ mới nghe dưới thời Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam có chuyện ngược đời này.

Cách đây vài hôm, trả lời trước quốc hội, bộ trưởng y tế rất thẳng thắn rằng, để giải quyết tình trạng quá tải các bệnh viện, bộ sẽ ra quy định để cấm người dân điều trị bệnh vượt tuyến, đồng thời bộ y tế sẽ xử phạt những bệnh viện tuyến trung ương nào điều trị bệnh nhân bị bệnh nhẹ

Thật tình tôi không hiểu bà bộ trưởng muốn gì? bệnh lý thì có rất nhiều, nhưng một nguyên tắc cơ bản là có bệnh điều trị ngoại trú và bệnh phải điều trị nội trú - phải nhập viện. Khi người bệnh cần nhập viện thì luật hành nghề y quốc tế, và cả về y đức, người thầy thuốc phải cho bệnh nhân nhập viện, không được phân biệt giai cấp, chủng tộc, thù hay bạn, nói chung là nguyên tắc đầu tiên của lời thề Hippocrates - Không được làm hại đến người bệnh. Cấm là cấm làm sao? có vi phạm y đức và lời thề Hippocrates không?

Ngoài ra, chuyện phân tuyến và cấm đoán của bộ y tế, cũng như việc thu phí giao thông, mà không thông qua ý dân và quốc hội. Việc này có vi phạm hiến pháp của một nhà nước mà, lâu nay đảng cầm quyền vẫn cứ hô hào là, nhà nước do dân, vì dân và dân làm chủ không?

Làm lãnh đạo là ăn lương của dân để giải quyết vấn đề quốc kế dân sinh theo lòng dân và theo sự đồng ý của cơ quan đại diện cao nhất của dân - Quốc Hội - chứ đâu phải làm lãnh đạo là, khi khả năng điều hành yếu kém do tầm nhìn thấp là ra nghị quyết, nghị định, quy định vi hiến để đưa xã hội trở thành những nhà tù. Không biết tôi nói thế có đúng không?

Người dân cần lãnh đạo biết tôn trọng pháp luật, biết minh bạch những thông tin về quốc kế dân sinh, mà đặc biệt là lý do tiêu tiền của dân, để làm gương cho bá tánh, chứ dân không cần lãnh đạo vi phạm hiến pháp và pháp luật để dẫn đến một xã hội hỗn loạn.Xem ra xã hội Việt khó trở thành một xã hội pháp trị?

Asia Clinic, 15h02' ngày thứ Bảy, 31/3/2012

Đăng nhận xét

0 Nhận xét