MỘT THOÁNG CAMBODIA (2)

Ngày đăng: [Saturday, February 16, 2013]
Đế chế Khmer hay còn gọi là Đế quốc Khmer bắt đầu từ vị vua Jayavarman đệ nhị. Ông là một hoàng tử của đảo Java thuộc Indonesia ngày nay. Giống như thời kỳ nước Việt sử dụng Huyền Trân Công chúa gả cho Chế Bồng Nga nước Champa. Ông Jayavarman đệ nhị cũng là một con tin chính trị được làm rể cho nước Chân Lạp. Ông mang văn hóa Java truyền bá và đánh chiếm các vị vua lâng bang vùng Đông Nam Á, và lập nên một diện tích bằng đất nước Cambodia hiện nay. Bắt đầu xây dựng đế chế Khmer từ 790 sau Công nguyên, đến năm 802 ông tuyên bố mình là Vua thiên hạ - Chakravartin - theo phương cách Ấn Độ giáo. Các đời vua sau đó đánh chiếm và tạo ra một Đế chế Khmer rộng lớn nhất khu vực Đông Nam Á với hơn 1 triệu cây số vuông, kéo dài 630 năm cai trị và suy tàn rồi tan rã vào năm 1432. Đế chế Khmer lúc cường thịnh bao gồm, Lào, Thái Lan, miền Nam Việt Nam và Cambodia bây giờ.

Bản đồ Đế chế Khmer lúc cường thịnh vào đời vua Jayavarman VII

Vì có nguồn gốc từ xứ sở ngàn đảo nên văn hóa và tôn giáo thời kỳ đầu của Chân Lạp nói riêng và đế chế Khmer sau này nói chung là Bà La Môn giáo, thờ linh vật là chủ yếu đi đôi với kiến trúc Tháp Champa, và ăn cơm bằng nhúm bàn tay bốc chứ không ăn đủa như bây giờ của hầu hết dân Khmer. Đến đời vua Jayavarman đệ Thất ảnh hưởng Phật giáo Nam tông - tiểu thừa - từ Ấn Độ và các nước lâng bang, Phật giáo được nhà vua đẩy lên thành quốc giáo để phủ dụ dân chúng dễ bề cai trị. Từ đó, mỗi nam thanh niên Khmer muốn thành người trọng dụng phải tốt nghiệp trường Phật học ở các chùa trong cả nước. Ngay các chính khách ngày này như Polpot hay Hunxen đều đã từng là các học viên tại các chùa lớn ở Phnompenh.

Tàng tích dân tộc Champa ở Cambodia ngày nay nằm dọc theo sông Mekong rải rác từ tỉnh Kongpong Cham qua Kongpong Thom đến Phnompenh. Hầu hết người Champa sống bằng nghề đánh bắt cá và làm mắm Bò hóc - prahoc hay pro hoc theo phiên ngữ tiếng Khmer - một loại mắm làm bằng cá nước ngọt rất công phu và ngon, chứ không thối như mắm bò hóc mà người ta vẫn thường hay kể. Tỷ lệ dân Champa ở Cambodia không nhiều chiếm khoảng 3% dân số. Một dân tộc đang tàn lụi và phải đi sống nhờ ở đậu xứ người để tồn tại cũng vì quá hiền lành và chất phát. Ở đâu có người Champa thì ở đó đạo Hồi và Bà La Môn vẫn hiện diện qua kiến trúc và văn hóa sống.

Dấu tích kiến trúc Champa trên đồi Bà Then

Nhà nước quân chủ lập hiến Cambodia hiện nay có một chính phủ điều hành dưới quyền của thủ tướng suốt 20 năm qua. Năm nay sẽ là năm tranh cử nhiệm kỳ thứ 5 của ông Hunxen sau 4 nhiệm kỳ liên tiếp thắng thế. Ở Cambodia hiện nay có rất nhiều đảng phái tranh cử, nhưng chỉ 5 đảng phái lớn là có tiếng nói với dân chúng và có ghế trong quốc hội. Vì là một chính phủ đa nguyên như các nước phương Tây và Hoa Kỳ, cho nên, thay vì tham nhũng và độc tài như các nước châu Á quanh vùng theo cộng sản, thì chính phủ hiện nay phải công khai các phí dịch vụ làm giấy tờ hoặc trong mọi thủ tục hành chính công. Ví dụ, dùng xe hơi phải đóng thuế 800 đô la Mỹ mỗi năm cho sở thuế, nhưng đi xe hơi sai luật thì tự động tốn 2 đô la Mỹ cho cảnh sát giao thông, mà nghĩ rằng nó là phí phải nộp hay tiền hối lộ cho cảnh sát giao thông cũng được, vì tiền 2 đô la này không nộp vào kho bạc nhà nước, mà vào túi cảnh sát giao thông trực tiếp xử phạt người đi xe sai luật không có mảnh giấy biên nhận. Nhưng không vì thế mà cảnh sát giao thông lạm dụng quyền xử phạt, vì cảnh sát và quân đội không được quyền tham gia chính trị, các đảng phái khác đảng nhân dân cách mạng của ông Hunxen chỉ trích chính phủ, vì sao để cảnh sát lạm quyền. Ở quốc hội Cambodia, theo hiến pháp được quyền truất phế thủ tướng đương nhiệm bị bất tín nhiệm và bầu thủ tướng mới thuộc đảng phái khác trong thành viên quốc hội. Có lẽ nhờ vào thể chế đa nguyên, và tam quyền phân lập, nên Cambodia đã phát triển rất vững chắc sau chỉ 22 năm trở lại vương triều của hoàng tộc Norodom Sihanuck.

Nền kinh tế của Cambodia là một nền kinh tế thị trường tự do đúng nghĩa theo quy luật cung cầu. Giống các nước phương Tây và Hoa Kỳ về mọi mặt, nên cũng thì một lít xăng, dầu, nhưng ở 2 công ty xuất nhập khẩu khác nhau thì có giá bán khác nhau, nhưng không ai quan tâm đến mua ở nơi giá rẻ hơn. Toàn bộ nền kinh tế Cambodia là một nền kinh tế nhập khẩu hoàn toàn, hầu như xuất khẩu là con số không to tướng, nhưng hầu như chưa nghe thấy có sự thâm hụt ngân sách quốc gia vì những đầu tư công, hay vì tham nhũng. Vì hầu hết tất cả các lĩnh vực chính phủ Cambodia đều giao cho tư nhân quản lý, điều hành và đóng thuế cho chính phủ. Tiền đóng thuế đó sẽ được dùng để làm việc chính sách công và lo lương cho hệ thống công quyền.

Trong cùng một ngày 14/02/2013, nhưng 2 cây xăng ở Phnompenh của 2 đại lý Tela và Sokimex có giá xăng dầu chênh lệch khác nhau, song không ai vì thế mà phải tranh nhau mua giá rẻ hơn. vì nó là chuyện rất bình thường ở một nền kinh tế thị trường tự do như Việt Nam Cộng Hòa ở miền Nam Việt nam trước 30/4/1975.

Hầu hết các khu vực kinh tế lớn của đất nước Cambodia được thầu bỡi các đại gia Hoa kiều và Việt kiều. Một ông Việt kiều giàu có nhất Cambodia có nguồn gốc là người Sóc Trăng. Ông là người tài trợ cho chính phủ ông Hunxen trong những ngày đầu thành lập quân đội để đánh lại chế độ cộng sản Khmer Đỏ diệt chủng Cambodia. Ông bao thầu rất nhiều lĩnh vực từ xuất nhập khẩu hầu hết các ngành nghề kể cả xăng dầu, vàng bạc, đến bất động sản và kể cả du lịch. Hiện Angkor Vat và Angkor Thum và toàn bộ rừng Angkor do ông thầu và khai thác, mỗi năm ông đóng cho chính phủ đương nhiệm 24 triệu đô la Mỹ. Trong khi đó, mỗi chiếc vé tham quan Angkor trong 1 ngày cho người lớn là 20 đô la, và trẻ em dưới 12 tuổi là 10 đô la Mỹ! Ước tính lượng du khách đến thăm Angkor hằng năm trên 3 triệu lượt người. Một con số khổng lồ ở một địa điểm du lịch cho ngành khai thác du lịch ở một đất nước chỉ 15 triệu dân. Kể cả bệnh viện Chợ Rẫy Phnompenh ở khu vực Chợ Chba Om Pau - Cầu Sài Gòn ở Phnompenh - ông này cũng là chủ đầu tư, hiện đang được xây dựng và đào tạo nhân lực.

Đạo Phật cũng góp phần không nhỏ cho nền kinh tế và an sinh xã hội Cambodia. Hằng năm đến ngày lễ lớn hoặc ngày tết truyền thống của người Khmer - vào khoảng tháng 3 âm lịch hằng năm do vua sãi quyết định theo việc chấm thiên văn - các đại gia kinh tài tư nhân trên đất nước Chùa Tháp thường làm lễ tạ ơn cho đất nước bằng việc đáp ứng lời kêu gọi của chính quyền như, đóng góp 1 ngôi trường học hoặc xây dựng một bệnh viện, hoặc xây dựng, tu bổ một con đường. Đất là thuộc sở hữu tư nhân hoàn toàn có luật người dân được sở hữu dưới lòng đất bao sâu và trên không bao cao tùy theo thành phố hay tỉnh có quy hoạch rõ ràng. Ví dụ, ở thành phố Siêm Riệp, khoảng không trên mãnh đất không được quá chốn linh thiêng của các đền Angkor, nên ở đây các khách sạn hầu hết chỉ trong khoảng đến 4 tầng lầu, mặc dù đền Angkor Wat cao đến 65 mét, nhưng các đền Angkor Thum thì ở khoảng dưới 20 mét cao.

Tên đường phố của Cambodia cũng rất khoa học theo cái cách mà chính phủ đặt ra. Ở Cambodia không có con đường nào mang tên của người như ở Việt Nam, mà chỉ mang tên số là vĩnh hằng. Còn tên người chỉ gắn vào con số tên đường chỉ để ghi nhớ công lao của người ấy đã tài trợ làm và bảo trì con đường ấy. Tại Phnompenh có 1 đại lộ 286 gắn với tên Mao Trạch Đông, nó được gọi là đại lộ 286 Mao Trạch Đông, vì Trung Hoa đã cung cấp tiền duy tu và bảo trì con đại lộ này. Nhưng đến một ngày nào đó, Trung Hoa không còn tài trợ để duy tu và bảo trì con đại lộ này thì nó sẽ trở lại tên đường là Đại lộ 286. Đường phố là của dân đi lại, nhưng vỉa hè là của chính phủ thu tiền đậu xe. Nên không có bất kỳ chủ nhân căn nhà mặt tiền nào được hoặc dám đuổi ai đó đậu xe trên vỉa hè trước cửa nhà mình. Trung tâm thành phố Siêm Riệp cũng có một Viện Nhi khoa không mất tiền khi đến đây khám chữa bệnh trẻ em dưới 15 tuổi do Thụy Điển tài trợ. Đó là một trong những cách mà chính quyền Cambodia làm nên nền kinh tế và an sinh xã hội tốt cho nước mình.

Đạo Phật cũng dạy cho người Khmer không có quan niệm kẻ thù đế quốc thực dân Pháp, Mỹ hay gọi Polpot là kẻ thù dân tộc ngụy quyền. Ở Cambodia, trong quan niện dân chúng chỉ có 2 mặt: thiện và ác, nhân và quả. Đêm đầu đến thành phố Siêm Riệp, với 25 đô la cho mỗi người lớn và 12,5 đô la cho trẻ em dưới 12 tuổi, chúng tôi đã được xem một vở đại hùng ca múa kịch sử thi mang tên "Angkor Smile" do nhà đạo diễn tài ba Trương Nghệ Mưu dàn dựng với trị giá 20 triệu đô la Mỹ. Tất cả vở đại hùng ca múa kịch sử thi này với hơn 300 con người diễn viên thực hiện suốt 70 phút đồng hồ kể lại lịch sử đế chế Khmer suốt hơn 1000 năm hình thành và phát triển, rồi lụi tàn cho đến hôm nay, vẫn một nụ cười đôn hậu vào quá khứ, hiện tại và tương lai, mà không một lời oán trách và chỉ mặt đặt tên kẻ thù, chỉ nhắc nhở con người hãy sống với nhau hiền hòa, trên đời này chỉ có kẻ thiện người ác là do nhân quả mà thành. Có lẽ vì thế mà đã có một sự hòa hợp hòa giải dân tộc Khmer và nhiều dân tộc khác sống ở Cambodia không hận thù, sau hơn 20 năm binh biến và nạn diệt chủng do Polpot gây ra, trong công cuộc hồi hương sau 23 năm lưu vong của Thái thượng hoàng Norodom Sihanuck.

 Vở đại hùng ca múa kịch sử thi mang tên "Angkor Smile" do nhà đạo diễn tài ba Trương Nghệ Mưu dàn dựng với trị giá 20 triệu đô la Mỹ.

Suốt 3 đêm và 4 ngày trên đất nước Chùa Tháp, tôi luôn liên tưởng đến đất nước Cambodia về việc điều hành nền kinh tế làm sao mà đồng tiền không lạm phát, thậm chí ngày càng có giá trị hơn so với đồng tiền Việt của chúng ta, trong khi hầu hết nền kinh tế Cambodia là nền kinh tế nhập khẩu mà không có xuất khẩu và không sản xuất gì, ngoại trừ sản xuất nông sản hải sản để chủ yếu tự cung, tự cấp. Càng khó hiểu hơn khi tận mắt nhìn thấy hải quan cửa khẩu Cambodia thu tiền qua lại của dân mình mỗi đầu người 20 ngàn đồng tiền Việt không chứng từ sổ sách, để thị thực sớm, cho qua luôn cả xe và người mà không cần kiểm tra. Tức có nghĩa là tham nhũng ở Cambodia chắc chắn là nhiều hơn ở ta. Cách đây 22 năm, mình đến Cambodia giá đổi tiền Ria sang Việt là 4 đồng Việt ăn 1 đồng Ria, còn năm nay thì 5 đồng Việt mới đổi được 1 đồng Ria theo thị trường chợ đen!

Ngược lại với chính sách tận thu thuế phí ở Việt Nam, Cambodia lại có chính sách ưu đãi thuế nhập khẩu để biến thị trường nội địa trở thành thị trường hàng hóa giá rẻ, để dân chúng Cambodia tự do buôn bán kiếm lãi với hàng nhập khẩu từ khắp nơi trên thế giới. Một chiếc Lexus đời mới nguyên thùng chỉ bằng giá một nửa so với ở Việt Nam. Hầu hết dân Cambodia đều dùng hàng xịn của các nước phương Tây và tiên tiến. Mấy ngày ở đây tôi chỉ thấy đúng 1 chiếc xe hơi hiệu Kia của Hàn Quốc ở vùng nông thôn Kampong Cham. Ở Siêm Riệp và Phnompenh thì kiếm một chiếc xe hơi có xuất xứ từ Hàn Quốc để bán giá đồ cổ cũng không ra. Còn các hiệu thời trang hàng đầu thế giới như Gucci, Levis, ... giá rẻ chỉ bằng 25-30% tại Việt Nam!

Đêm cuối ở Phnompenh, mình đến thăm người bạn cùng học trường Y ngày xưa, cũng đã từng là người nếm mùi thuốc súng thời làm nhiệm vụ quốc tế lật đổ chế độ cộng sản do Saloth Sar - tên thật của Polpot - để gầy dựng nhà nước Cambodia ngày nay. Anh em cùng tâm sự, mình hỏi, anh có định về lại Việt Nam để sống không? Anh ấy bảo, sống ở đây không phải nhức đầu bỡi cơm áo gạo tiền, bỡi lạm phát kịch trần, bỡi tham nhũng và bỡi nỗi đau lòng dân oan bị quan chiếm đất, v.v... Ngược lại là đằng khác cậu à, đời sống ở đây rất yên bình, giống như thời Đệ Nhất Cộng hòa ở miền Nam, xe hơi của tớ đêm ngủ, cứ để ngoài đường chả ai thèm lấy, đừng nói đến mất trộm kiếng chiếu hậu, hay mất mặt nạ. Hơn nữa, nó cũng gần quê nhà, nếu nhớ quê thì chỉ cần một cuốc xe mấy giờ đồng hồ là đến quê nhà, tội dại gì phải về nước, để phải khổ tâm vì những việc không phải mình gây ra hả cậu? Cậu cứ nghĩ mà xem, dù Cambodia là một thể chế chính trị có cả phong kiến, tăng lữ quý tộc, mẫu hệ và cộng hòa tồn tại, nhưng quyền tự do dân chủ tối thiểu của dân không thua bất cứ xứ nào. Và suy cho cùng chế độ cộng sản nào cũng vậy, thà giết sạch như Polpot đối với dân Khmer mà còn đạo đức hơn cái kiểu để dân sống mà không ra sống như ở Việt Nam hiện tại. Suốt đêm mùng 4 âm lịch tết Quý Tỵ, tôi không chợp mắt được vì cứ phải nghĩ đến câu trả lời của bạn mình, nghĩ về Cambodia, về Miến Điện và nghĩ về nước Việt hiện nay.

Đọc phần 3 Một thoáng Cambodia.

Tư gia, 1h05' ngày thứ Bảy, 16/02/2013

Đăng nhận xét

0 Nhận xét