MỘT SỐ ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ HỒ SƠ NHẬP HỌC ĐẠI HỌC HOA KỲ

Ngày đăng: [Thursday, September 11, 2014]
Hằng năm cứ vào mùa nhập học năm học mới của Việt Nam và Hoa Kỳ, cũng là giai đoạn tăng tốc để làm hồ sơ nhập học và xin học bổng của các đại học Hoa Kỳ. Thường mỗi ứng viên sẽ nộp hồ sơ nhiều trường khác nhau chia làm 3 loại như sau:

1. Những trường mà ứng viên mơ ước. Các trường này thường có xếp hạng cao.

2. Những trường mà ứng viên cho rằng vừa với khả năng mình sẽ được nhận.

3. Trường dự bị mà ứng viên chắc chắn 100% mình được nhận, vì khả năng ứng viên thừa để được nhận.

Sơ lược về các loại hồ sơ nhập học đại học Hoa Kỳ

Một cách chung nhất, thời hạn nộp hồ sơ vào các trường đại học Hoa Kỳ chia ra làm 2 loại:

1. Loại trường không có quy định hạn chót - deadlines - nhận hồ sơ. Đối với loại trường này thì sự quan tâm đến nhận học bổng ít được chú trọng. Vì học bổng nếu có cũng rất thấp.

2. Hồ sơ nhập học vào đại học Hoa Kỳ có quy định hạn chót. Đối với các trường này thường có học bổng cao, nên được chú trọng nhiều hơn cho cả sinh viên bản xứ và du học sinh. No cũng chia làm 2 loại nộp hồ sơ như sau:

2.1. Loại quyết định và hành động sớm - Early Decision & Action: Điều này có nghĩa là khi quyết định và hành động sớm - thường hạn chót nhận hồ sơ  khoảng vào từ 10 đến ngày 15 tháng 11 hằng năm tùy theo trường - thì ứng viên sẽ có kết quả nhập học sớm, nếu nhà trường thấy ứng viên xứng đáng để được nhận học bổng, và nhập học theo đúng yêu cầu cho ứng viên.

Ví dụ cụ thể cho loại hồ sơ này, 1 ứng viên A nộp hồ sơ vào 1 trường B nào đó theo dạng nộp hồ sơ này, với yêu cầu nhà trường rằng, tao chỉ có thể đóng cho trường $1,000/năm. Khi có kết quả đồng ý của trường cho nhập học của trường đại học B, thì dù trường B đó, có học phí ăn ở là $60,000/năm đi nữa, họ cũng phải cho $59,000 còn lại cho ứng viên mỗi năm, trong 4 năm đại học. Loại hồ sơ này thường có kết quả sớm khoảng tháng 01 hoặc tháng 02 của năm mới là sẽ có kết quả trả lời của trường. Nhưng khi được nhập học là phải trả lời cho trường biết chỉ trong 1 đến 2 tuần là ứng viên có chịu nhập học với trường B hay không? Có 2 khả năng ở đây cần bàn:

Khả năng thứ nhất là hầu hết các ứng viên trả lời là đồng ý nhập học. Lúc đó ứng viên phải có nhiệm vụ thông báo cho các trường đại học còn lại mà ứng viên đã nộp hồ sơ trong kỳ nhập học đó là, mình đã quyết định nhập học ở trường B theo loại early decision & action rồi. Việc này nhằm cho trường B quyết định số ứng viên còn lại, và tránh việc ứng viên bắt cá nhiều tay.

Khả năng thứ hai là, ứng viên trả lời từ chối trường B, vì ứng viên có thừa hy vọng sẽ nhận học bổng cao hơn ở các trường khác danh giá hơn. Nhưng điều này hầu như rất hiếm, vì chẳng ai có thể hiểu được Hội đồng xét tuyển các đại học Hoa Kỳ có chiến lược tuyển sinh như thế nào ở mỗi mùa nhập học.

2.2. Loại nộp hồ sơ bình thường - Regular Application: Điều này có nghĩa là thời hạn quy định thường quy đóng hồ sơ cuối cùng trong mùa nhập học hằng năm - thường là khoảng từ 01 đến 15 tháng 12 hằng năm tùy theo trường. Đến thời hạn này xem như nhà trường đóng hồ sơ và bắt đầu cho Hội đồng xét tuyển nghiên cứu hồ sơ để loại hồ sơ ứng viên không đạt nhập học, hồ sơ ứng viên được nhập học, và hồ sơ ứng viên được nhập học và được nhận tài trợ tài chính và học bổng. Kết quả nhập học và được học bổng cho loại nhập hồ sơ này thường có kết quả vào ngày 01 tháng 4 hằng năm. Kết quả có thể sớm hơn với người có học bổng, và chậm hơn với người không có học bổng so với mốc ngày 01/4 chỉ trong 1 tuần. Sau thời gian này mọi hy vọng xem như không còn nữa với cả nhập học và xin học bổng. Loại hồ sơ này, thí sinh có quyền chờ đợi cho tất cả các trường, mà thí sinh đã nộp hồ sơ nhập học trả lời. Vì thời gian có thư thả hơn từ 2 tuần đến 1 tháng tùy trường ra quy định.

Dù là loại hồ sơ nhập học quyết định và hành động sớm hay nhập học bình thường thì đều có chung 1 quy định là hạn chót của hồ sơ thí sinh nộp sẽ dựa vào con mộc đóng thời gian trên bưu điện gửi đi. Có nghĩa là, trường B để thời hạn chót là 10/12 thì trên bì thư gửi hồ sơ của thí sinh có dấu con mộc bưu điện để ngày 10/12 là tốt.

Thư nhập học và từ chối của các Đại học ở Hoa Kỳ

Các trường đại học phương Tây nói chung, và đại học Hoa Kỳ nói riêng, họ rất "lịch sự" trong việc trả lời thư cho ứng viên dù họ có nhận, hay từ chối ứng viên đến với họ. Lịch sự vì khi ứng viên nộp hồ sơ là phải đóng phí để Hội đồng Xét tuyển bỏ công ra xem xét hồ sơ, có tính cả tiền tem thư gửi cho ứng viên, dù ứng viên có ở một nơi cách xa nửa vòng trái đất. Nên cũng có 2 loại thư nhập học và thư từ chối rất lịch sự từ trường đại học mà ứng viên đã nộp hồ sơ.

1. Thư từ chối - small envelop: Thư từ chối bao giờ cũng lịch sự, nếu ứng viên chưa hiểu cái văn hóa bàn tay sắc bọc nhung của phương Tây. Có nghĩa là từ chối mà ứng viên vẫn thấy mình rất vui lòng, và hãnh diện được trường quan tâm. Thư này là 1 lá thư chung cho tất cả ứng viên cùng nội dung, chỉ khác tên ứng viên điền vào đấy. Lời lẻ rất ngọt ngào, tao thấy mày là một thí sinh rất tốt, nhưng do chế độ tuyển sinh năm nay của trường tao có rất nhiều hồ sơ quá tốt, nên mày hãy chờ tụi tao xét lại, và đưa mày vào diện chờ đợi. Hoặc là, rất tiếc là năm nay trường tao có nhiều ứng viên tốt, và chiến lược tuyển sinh của trường ta lại không phù hợp với mày, mặc dù mày là một thí sinh xuất sắc trong số những thí sinh mà trường đã nhận hồ sơ, bla bla... Và một điều chú ý là không cần đọc thư nếu cái bì thư đựng lá thư kia chỉ bằng cái bì thư thông thường của bưu điện mà ta thường gửi thư cho bạn bè, người thân - small envelop - bì thư nhỏ.

2. Thư nhập học - big envelop: Nếu thư từ chối đã lịch sự, thì thư đồng ý cho thí sinh nhập học còn lịch sự vạn phần. Trong thư nhập học có từ 4 đến 5 loại giấy tờ:

2.1. Thư chúc mừng nhập học của chủ tịch trường.

2.2. Thư thông báo được học bổng hoặc tài trợ tài chính của giám đốc tài chính hoặc của hiệu trưởng trường.

2.3. Kèm theo 2 thư trên là 1 bảng danh dự của trường giấy cứng có seal logo của trường thông báo số tiền được nhận học bổng hoặc tài trợ tài chính cụ thể bao nhiêu mỗi học kỳ hoặc năm.

2.4. Một thư thông báo là nếu thực sự nhập học thì vào website trường để đóng tiền đặt cọc nhập học, tiền đặt cọc này là mất, nếu thí sinh sau đó đổi ý học trường khác mà không nhập học ở trường này. Vì thí sinh có thể có nhiều trường đồng ý nhập học. Sau khi đóng đặt cọc thì trường sẽ gửi cấp tốc cái I 20 về cho thí sinh để thí sinh làm thủ tục visa xuất cảnh để nhập học. Khi thí sinh đăng ký 1 ID trên website để đóng cọc thì ngay khi đó thí sinh sẽ có 1 địa chỉ email của trường với họ.tên@abcschool.edu. Địa chỉ và ID này sẽ theo suốt quảng thời gian 4 năm đại học của thí sinh.

Dĩ nhiên, nếu thí sinh đã từng có người nhà đã từng học ở Hoa Kỳ thì ngay lúc đóng cọc phải đăng ký ngay môn học. Nếu đăng ký môn học chậm sẽ không còn lớp tốt cho thí sinh. Lúc ấy thí sinh sẽ đăng ký lớp học không đúng như trình tự học của mình. Ví dụ, học năm nhất mà phải học môn học của năm 2 hoặc 3. Điều này rất thường xảy ra ở các đại học tốt của Hoa Kỳ, vì ai cũng tham quan, nghiên cứu trường, giáo sư, môn học của chuyên ngành mình học trước khi làm hồ sơ. Hơn nữa, sinh viên năm trước dồn lại 1 môn học nhập môn sẽ không còn chỗ cho sinh viên mới vào, vì sỉ số sinh viên/giáo sư trường tốt ở Hoa Kỳ luôn < 14/1.

2.5. Một số trường sẽ gửi thêm cả I 20 cho thí sinh với 1 số trường mà chưa có tiền đặt cọc theo học của thí sinh, nhưng trong I 20 này luôn thòng 1 câu là I 20 này sẽ mất giá trị nếu thí sinh từ chối nhập học.

Đương nhiên, tất cả các giấy tờ trên phải được đựng trong một big envelop - bì thư lớn - có gắn seal logo trường trên dải ru băng màu đặc trưng của thương hiệu nhà trường rất trịnh trọng như một công hàm ngoại giao.

Chọn trường đại học Hoa Kỳ khi có thư nhập học

Thói đời oái oăm ở chỗ là, khi nộp hồ sơ, thí sinh nào cũng mong được nhiều trường nhận và cho học bổng. Nhưng khi có nhiều trường nhận và cho học bổng thì lại là điều khó khăn nhất cho thí sinh chọn lựa trường mình học. Kinh nghiệm của người đi trước thấy rằng, đã là trường đại học tốt, và ngành học của trường có thứ hạng tốt, thì không có trường đại học Hoa Kỳ nào tầm thường, chỉ có người học tầm thường mà thôi. Cho nên có mấy nguyên tắc chọn trường nhập học, khi có nhiều trường cùng nhận và cả cho học bổng ưu tiên thứ tự mà tôi đã viết một bài trên blog của mình sau:

1. Ưu tiên hàng đầu là xem lại tài chính của gia đình mình có kham nổi chuyện học hành của mình ở cái trường nào cho mình học bổng mà không được toàn phần. Vì ở Hoa Kỳ và thế giới, vấn đề quan trọng là anh học ngành gì hữu dụng và làm việc hiệu quả chứ không phải danh tiếng của trường là vấn đề quan trọng.

2. Ưu tiên hai là tỷ lệ có việc làm sau khi ra trường của cái ngành mà mình chọn học ở cái trường mà mình được học bổng.

3. Ưu tiên thứ ba là lương của sinh viên sau khi tốt nghiệp ở cái ngành mà mình chọn học của cái trường mà mình được học bổng là bao nhiêu mỗi năm?

4. Ưu tiên hàng thứ tư là xếp hạng cái ngành của cái trường mà mình được học bổng.

5. Cuối cùng là xem mình học trường đó, ngành đó sau khi tốt nghiệp có dễ dàng cho điều kiện sẽ học thêm sau đại học sau này không?

Tôi sẽ quay lại với bài, nộp hồ sơ nhận học bổng Go West Foundation như thế nào? trong bài viết tới.

Asia Clinic, 15h58' ngày thứ Năm, 11/9/2014

Đăng nhận xét

0 Nhận xét