LỜI KÊU CỨU MỘT CÂY CẦU CỔ Ở TÂN AN LONG AN

Ngày đăng: [Tuesday, October 27, 2015]
Hình 1: Cầu đúc Tân An thời Pháp thuộc sắp bị thi hành án tử
Cầu đúc Tân An hình dáng thanh mảnh những cột trụ đèn khí đá, cây cầu đã mang trong nó dấu tích văn minh Nam bộ thời cuối thế kỷ 19. Với tấm hình này của Bà Nguyễn Kim Hoa ngày 25/10/2015, bà đã để dòng chữ nếu ai có tấm lòng với văn hóa sẽ quặn đau: "Tạm biệt chiếc cầu đúc thân thương nhé..."

Mới tháng 7/2015 vừa qua, ngôi trường cổ Collège de Can Tho tức Trung học Phan Thanh Giản - Châu Văn Liêm Cần thơ gần trăm năm tuổi được cứu thoát nhờ vào sự hiểu biết của cộng đồng dân cả nước.

Hôm nay lại một cây cầu đúc cổ hơn trăm năm tuổi ở Tân An thuộc tỉnh Long An lại sắp bị chính quyền thi hành án tử hình.

Theo nhà báo Lê Đại Anh Kiệt thì, ở thành phố Tân An, tỉnh Long An có 2 cây cầu cổ gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển thành phố Tân An. 

Hình 2: Cầu sắt Eiffel
Cầu sắt Eiffel dành cho đường xe lửa nối liền Sài Gòn Cần Thơ ra đời khoảng năm 1885 đã bị chính quyền thi hành án tử, bán ve chai năm 2004-2005. Ảnh năm 1946.

Cây cầu thứ nhất là cầu sắt Eiffel dành cho đường xe lửa nối liền Sài Gòn Cần Thơ ra đời khoảng năm 1885 đã bị chính quyền thi hành án tử, bán ve chai năm 2004-2005.

Cây cầu thứ hai là cây cầu đúc bê tông đầu tiên bắc qua kênh Bảo Định(hình 1), thủy lộ nhân tạo đầu tiên nối liền Gia Định với miền Tây. Không phải là thắng cảnh hay công trình kỷ thuật lớn lao nhưng với hình dáng thanh mảnh những cột trụ đèn khí đá, cây cầu đã mang trong nó dấu tích văn minh Nam bộ thời cuối thế kỷ 19. Cây cầu đã thành ký ức của bao người Tân An.

Lý lẻ của việc đập bỏ xây dựng cầu Đúc mới của cơ quan quản lý trên Facebook Sở Kế Hoạch Đầu Tư Long An là như sau:

Đầu tư xây dựng Cầu Đúc Tân An, TP.Tân An, tỉnh Long An

Nằm tại một trí khá quan trọng trong Thành phố Tân An, nối liền 02 bờ sông Bảo Định, đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa trung bình khoảng 724 lần/người-năm, Cầu Đúc là một công trình không thể thiếu góp phần thông suốt luồn giao thông trong thành phố. Tuy nhiên cầu được xây dựng từ thời Pháp thuộc đến nay đã hết niên hạn sử dụng, kích thước và quy mô của cầu không còn đáp ứng đủ nhu cầu đi lại của người dân. Do đó, thực hiện ủy quyền của UBND tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã có Quyết định số 394/QĐ-SKHĐT ngày 24/10/2014 phê duyệt dự án đầu tư xây dựng Cầu Đúc Tân An tại với quy mô làn xe chạy 4,5m x 2, lề bộ hành 2,25m x 2, tổng chiều dài cầu 94 m, tổng kinh phí đầu tư 61,729 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách tỉnh. Dự án được dự kiến khởi công xây dựng vào giữa năm 2015 và hoàn thành đưa vào sử dụng vào cuối năm 2017.

Cũng theo nhà báo Lê Đại Anh Kiệt - dân Long An chính gốc - ông rất rõ từng địa danh, quy hoạch của tỉnh Long An:

Về nhu cầu giao thông: Cách cấu Đúc khoảng vài trăm mét về phía Sông Vàm Cỏ đã có cầu Bảo Định mới làm. Cũng vài trăm mét về phía đối diện đã có cầu Trương Công Định và tiếp đó là cống Bảo Định với khẩu độ lớn sáu làn xe qua lại. Như vậy hiện hữu trên đoạn kênh Bảo Định chưa đầy 1 km đã có ba cầu, một cống đáp ứng đầy đủ yêu cầu lưu thông. Thực tế từ trước đến nay, ngay trong ngày tết, cầu Đúc chưa bao giờ bị kẹt.

Theo quy hoạch hiện nay, đường Nguyễn Trung Trực trục chính của cầu Đúc chỉ là đường nội ô thành phố không có nhu cầu và khả năng mở rộng thì việc làm cầu rộng cũng bằng thừa.

Về tuổi thọ: Nếu cầu đã cũ có thể gia cố bảo đảm bền vững không nhất thiết cầu cũ thì cứ đập phá rồi xây lại. 

Về văn hóa lịch sử: Đây là công trình cổ trên 100 năm tuổi cần được bảo tồn. Nếu có cần giải quyết cho giao thông hoàn toàn có thề có giải pháp mở rộng thêm hoặc xây cầu mới ở các đoạn khác. Hơn thế nữa về mỹ quan, cây cầu này không thể chê trách được và đã thành ấn tượng ký ức của bao thế hệ người dân Long An.

Thế giới văn hóa luôn bảo tồn di tích cổ, cái gì càng cổ càng quý. Vì các triều đại và con người rồi sẽ qua đi, nhưng lịch sử và chứng tích của nó luôn là bài học, và là văn hóa, lịch sử cho muôn đời sau. Ngoài ra, những cây cầu này còn là địa danh du lịch cho khách thập phương. Không có ở đâu làm quy hoạch và làm văn hóa như ở Việt Nam thời đại này.

Tôi xin ứng cửa những chiếc cầu cổ trên thế giới hàng trăm năm vẫn giữ, và nó là nơi ghi dấu lịch sử văn hóa, cũng là điểm du lịch cho khách thập phương sau đây để chính quyền và người dân Việt suy nghĩ về việc phá cầu đúc Tân An thời Pháp thuộc.

Người dân ở làng Meghalaya, Ấn Độ, tạo những cây cầu đặc biệt bắc qua sông suối bằng cách bện rễ cây đa dai quanh thân cau hoặc tre. Một số cây cầu ở đây có thể đã tồn tại hơn 500 năm. Theo Inhabitat, thời gian để cây cầu trở nên hoàn thiện là 15 năm. Khi cầu sống trở nên chắc chắn, nó có thể chịu được sức nặng của 50 người đi trên cầu cùng lúc. Ảnh: Inhabitat.

Cây cầu rẽ nước này là con đường độc đáo dẫn vào một pháo đài thế kỷ 17 ở Hà Lan. Cầu Moses tác phẩm thiết kế của công ty RO & AD Architects. Hai bên thành cầu lót gỗ Accoya trong khi mặt cầu sử dụng một loại gỗ cứng khác. Gỗ Accoya được xử lý hóa chất không độc hại, giúp ngăn chặn nấm mốc và tăng độ bền của cầu. Ảnh: RO & AD Architects.

Rialto là một trong 4 cây cầu bắc qua kênh Grand ở thành phố Venice, Ý. Đây là cây cầu cổ xưa nhất bắc qua con kênh Grand này. Cầu đá hiện tại có một nhịp đơn được thiết kế bởi Antonio da Ponte, xây dựng và hoàn thành vào năm 1591. Nó được sử dụng để thay thế cho một cây cầu gỗ bị sụp đổ vào năm 1524. Cầu Rialto đã trở thành một trong những biểu tượng của Venice, nước Ý.

Stari Most (Chữ Stari Most dịch ra có nghĩa là“Cầu cổ xưa”) là một cây cầu nổi tiếng bắc qua sông Naretva ở thành phố Mostar của Bosnia và Herzegovina. Cầu được người Thổ Nhĩ Kì xây dựng vào năm 1566 và tồn tại trong 427 năm, cho đến khi bị hủy hoại vào năm 1993 trong cuộc chiến tranh của người Bosnia. Sau đó, một dự án được đưa ra để xây dựng lại cây cầu này và cầu mới được khánh thành vào năm 2004. Cây cầu là kiệt tác nổi bật của Bosnia.

Charles là cầu đá có kiến trúc Gôtíc nổi tiếng bắc ngang sông Vltava ở Prague của cộng hòa Séc. Nó được xây dựng vào năm 1357, dưới sự bảo trợ của vua Charles IV, và được hoàn thành vào đầu thế kỷ 15. Vì là cây cầu duy nhất bắc qua sông Vltava, Charles là điểm liên kết quan trọng giữa thị trấn cổ và vùng quanh lâu đài Prague. Sự kết nối đã làm cho Prague trở nên quan trọng như là trục thương mại chính giữa miền Đông và Tây châu Âu. Ngày nay, đây là một trong những nơi có nhiều phong cảnh đẹp thu hút du khách đến tham quan Prague với nhiều điểm du lịch.

Không ai biết cây cầu duy nhất còn tồn tại sau thế chiến thứ II ở thành phố Florence nước Ý này xây dựng từ khi nào? Họ chỉ biết nó được xây dựng từ thời Đế chế La Mã, và được xem là cây cầu bằng đá đầu tiên của con người xây dựng trên thế giới. Nó được ghi vào sách năm 996. Sau khi bị phá hủy bởi một trận lụt ở năm 1117 nó đã được xây dựng lại, nhưng lũ lại cuốn trôi một lần nữa vào năm 1333, chỉ còn lưu hai trụ cầu trung tâm của nó. Nó đã được xây dựng lại năm 1345. Ngay cả người thiết kế cầu cũng không ai chắc chắn và sách sử ghi lại con cầu cũng có ít nhất 3 kiến trúc sư xây dựng ra nó. Nhưng ai đến Florence cũng phải đến cây cầu cổ xưa nhất nhân loại này.

Không ai không biết ở thành phố cổ Hội An thuộc tỉnh Quảng Nam có chiếc cầu còn được xem là ngôi chùa vì kiến trúc đặc sắc của người Nhật xây từ thế kỷ 17, và là di sản văn hóa vật thế thế giới. Nơi đây là điểm du lịch không thể thiếu khi đến Hội An.

Cầu ngói Thanh Toàn bắc qua một con mương của làng Thủy Thanh Chánh, xã Thanh Thủy, thị xã Hương Thủy là một trong ít chiếc cầu gỗ có kiến trúc đặc biệt, được công nhận là di tích cấp gia từ năm 1990. Một cụ bà Trần Thị Diệu năm 2013 bà 78 tuổi, mỗi ngày đến chiếc cầu Thanh Toàn ở Huế để nói tiếng Anh giới thiệu cho khách du lịch hiểu về chiếc cầu cổ này, như là một tình nguyện viên phi lợi nhuận. Ngoài ra bà còn xem bói chỉ tay cho du khách nước ngoài như là một thú tiêu khiển tuổi già. Ngôi làng Thủy Thanh Chánh là làng có nhiều hướng dẫn viên du lịch ở tuổi 80.

Hình 10: Cầu Thế Húc, Hà Nội Việt Nam
Thê Húc là cây cầu ở hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội, thủ đô của Việt Nam. Nó ối từ Bờ Hồ ra hòn đảo nhỏ nơi có đền Ngọc Sơn, cây cầu này màu đỏ son, làm bằng gỗ, có nhiều trụ liên tiếp. Cầu được Thần Siêu Nguyễn Văn Siêu xây dựng vào năm 1865. Tên của cầu có nghĩa là "nơi đậu ánh sáng Mặt Trời buổi sáng sớm" hay "Ngưng tụ hào quang" (棲旭).

Có ai dám phá bỏ kiến trúc của chiếc cầu Thê Húc nhỏ nhắn bắc từ bờ để vào Đền Ngọc Sơn trên hồ Hoàn Kiếm Hà Nội không, mặc dù cây cầu này không đủ sức cho khách thập phương ra vào đền Ngọc Sơn những ngày lễ tết hay cuối tuần.

Thế thì, cây cầu chưa gọi là cổ hơn những chiếc cầu mà tôi đã giới thiệu ở trên, nhưng có lẽ, nó là những gì còn sót lại rất hiếm hoi của lịch sử, văn hóa thời Pháp thuộc và giai đoạn văn hóa khẩn hoang Nam Bộ nhyu7 cầu Đúc Tân An có nên bị phá bỏ hay nên tu tạo lại nó? Chỉ những chiếc đèn dùng khí gió đá - Acetylene C2H2 - trên chiếc cầu đúc Tân An này thôi cũng đủ để có bao nhiêu chuyện về khoa học kỹ thuật, lịch sử, văn hóa cho khách du lịch và thế hệ hôm nay và mai sau mê mẫn mà nghe, nếu Long An biết tôn trọng cây cầu này!

Tôi còn biết Long An là quê hương của ông chủ tịch nước đương nhiệm, nhưng cán bộ dưới quyền ông ở Long An đang làm việc phá nát văn hóa lịch sử tỉnh nhà, nhưng không thấy ông ý kiến gì?

Asia Clinic, 15h59' ngày thứ Ba, 27/10/2015

Đăng nhận xét

0 Nhận xét