GIÁ DẦU GIẢM VÀ CAO SU RỈ MÁU

Ngày đăng: [Thursday, December 18, 2014]
Nông dân Dak Nông phải chặt bỏ cao su bán làm gỗ, củi vì lỗ.

Ai đã từng học qua chương trình hóa học phổ thông cũng đều rõ, có sự quan hệ mật thiết giữa lọc hóa dầu và các sản phẩm nhựa đi theo, trong quá trình cracking dầu thô. Chính vì thế mà giá dầu lên xuống đều tỷ lệ thuận với giá cao su.

Gần đầy khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã làm cho lượng tiêu thụ cao su trên thế giới giảm mạnh. Cầu giảm kéo theo giá cao su cũng giảm theo. Nếu ngày xưa mỗi tấn cao su theo tiêu chuẩn Việt Nam có giá trên 40 triệu đồng, thì từ sau 2008 trở lại đây giá cao su khó đạt được 30 triệu đồng mỗi tấn.

Từ khi khủng hoảng Ukraina với Nga, lệnh cấm vận kinh tế của Hoa Kỳ và phương Tây với Nga đã đẩy giá dầu sụt giảm nhanh chóng gần 50%. Nó tác động đến giá cao su thế giới cũng giảm theo. Giá hiện nay chỉ trong khoảng 29-29,5 triệu mỗi tấn. Không biết rồi giá cao su còn giảm đến đâu trong những ngày tới?

Ngoài ra, tình hình tiêu thụ cao su, cũng như căng thẳng giữa Việt Trung trên biển Đông cũng làm ảnh hưởng đến tình hình xuất khẩu cao su sang Trung Hoa, cũng là một yếu tố làm giá cao su giảm.

Cách nay 3 hôm, ngồi nói chuyện với một chuyên gia trồng, bán cây cao su con cho người khác trồng, chuyển giao kỹ thuật trồng, sản xuất và xuất khẩu cao su, mới biết là cây cao su Việt Nam đang chảy máu.

Anh ta bảo, giá thành 1 tấn cao su là giá của công chăm sóc, vốn và hoàn vốn trong 5 năm là giá của 7 năm trồng trọt cho đến khi thu hoạch mủ đủ độ chín, và sản xuất xuất khẩu. Giá thành hiện nay để sản xuất ra 1 tân cao su đủ tiêu chuẩn Việt Nam xuất khẩu khoảng 35 triệu đồng. Nhưng giá cao su chỉ khoảng 29,5 triệu mỗi tấn. Nếu tính theo giá này thì lỗ. Nhưng tính theo giá bán 29,5 triệu mỗi tấn mà không khấu hao, và hoàn vốn thì mỗi tấn lãi khoảng 100 đến 200 ngàn đồng. Nên các chủ trồng cao su phải bóp bụng để làm, chờ ngày cao su tăng giá, và chấp nhận tự ăn thịt mình, vẫn còn hơn là từ bỏ nó, khi đã chôn vốn, và cây cao su đã thu hoạch.

Nghề làm cao su có 2 cái lo là tiền thuê mướn nhân công ngày càng tăng. Nếu cách đây 10 năm tiền nhân công rẻ, thì bây giờ đã tăng gấp đôi, thậm chí gấp 3. Cái đáng sợ là nhân công ăn cắp mủ cao su. Hai yếu tố này khi giá cao su cao không là gánh nặng. Nhưng khi giá cao su giảm như hiện nay thì nó là cái làm cho người chủ thuê trồng chăm sóc phải lỗ.

Gần đây, trên thị thường gỗ, nhiều nơi kêu bán thân cây cao su theo đơn vị xe tải. Đó là, hậu quả của các nhà trồng và sản xuất cao su không chịu được lỗ, buộc lòng phải đốn cây cao su bán lấy lại vốn.

Thế mới biết làm ăn cái gì cũng phải cần kiến thức kinh tế chính trị học cập nhật trên toàn cầu. Nếu không thì sự nghiệp cả đời người bay mất chỉ trong vài tháng. Riêng nông dân Việt thì họ từ thua đến thất bại, vì làm theo tin đồn, giá thị trường, mà không có thông tin và kế hoạch của chính quyền đặt ra.

Asia Clinic, 16h05' ngày thứ Năm, 18/12/2014

Đăng nhận xét

0 Nhận xét