CÓ VẬN HỘI HAY KHÔNG?

Ngày đăng: [Thursday, July 11, 2013]
Bài đọc liên quan:

Theo thông tin từ AFP, Tổng thống Obama mời chủ tịch nước Việt Nam thăm Hoa Kỳ vào cuối tháng 7/2013 này. Với cái tiêu đề đầy bí ẩn: Obama mời chủ tịch Việt Nam cho chuyến đi hiếm - Obama invites Vietnam president for rare trip.

Gần đây, ông chủ tịch Trung Hoa cũng dạo một vòng khắp thế giới, bắt đầu từ Nga và cuối cùng đáp tại cuộc hội nghị thượng đỉnh không chính thức ở Sunnylands, Hoa Kỳ để tổng kết chiến lược toàn cầu cho hai đại cường quốc.

Năm nay chủ tịch nước Việt Nam cũng có những chuyến viếng thăm nhiều nước, cũng bắt đầu từ Nga vào tháng 6/2012, rồi một năm sau đến Trung Hoa được xem là có những "kết quả mỹ mãn". Nhưng ký kết về vịnh Bắc Bộ này với Trung Hoa chưa ráo mực thì tàu đánh cá của dân ta đã bị tàu hải giám Trung Hoa tấn công, đập phá và cướp tài sản ngay trên vịnh Bắc Bộ. Sau chuyện đi Trung Hoa thì đã phải vội vả đến Indonesia, và có lẽ nhờ cú đi đêm với Indonesia này mà bây giờ có cuộc viếng thăm hấp tấp ở chốt cuối là Hoa Kỳ vào ngày 25/7/2013, mà đúng ra theo dự định phải đến tháng 9/2013 này mới đi. 

Có cái gì đó hao hao giống nhau giữa cái vòng ngoại giao của Trung Hoa và Việt Nam. Chỉ có 3 vấn đề khác nhau mà cần suy nghĩ.

Vấn đề khác đầu tiên là các chuyến viếng thăm của Trung Hoa khởi đầu sau Việt Nam, nhưng kết thúc ở chặng cuối tại Hoa Kỳ trước Việt Nam. Đây là một thuận lợi, khi những vấn đề chốt cuối cùng giữa Trung Hoa và Hoa Kỳ đã có kết quả. Nếu Việt Nam biết nắm bắt cơ hội để chốt cho vận hội của mình.

Vấn đề khác thứ hai là, quan hệ Việt Nam với Trung Hoa là quan hệ láng giềng của nước nhỏ với một nước lớn. Lịch sử cho thấy Trung Hoa luôn muốn xâm lược và đồng hóa Việt Nam từ ngàn năm trước, cả văn hóa lẫn hình thái chính trị, kinh tế, nhưng chưa bao giờ làm được. Và hiện nay, quan hệ láng giềng ấy vẫn nằm ở thế kẻ trên người dưới rất rõ ràng và đáng ngại, dù họ luôn dùng mỹ từ để xoa dịu.

Trong khi đó với Hoa Kỳ, là một cường quốc số 1 thế giới ở xa. Trong quá khứ gần, Hoa Kỳ chen chân vào miền Nam Việt Nam như một đại ca thế giới vì lợi ích của Hoa Kỳ và của khối tư bản toàn cầu. Nhưng có một điều chắn chắn là, Hoa Kỳ không có ý định xâm lược và đồng hóa Việt Nam như Trung Hoa.

Điều trên ai cũng rõ, ngay cả các học giả nước ngoài cũng viết rất rõ - Theo Mỹ là cứu nước; theo Trung Hoa là cứu đảng: Follow America and save the country; follow China and save the party. Đó là câu mở đầu của một bài báo đăng trong tuần này ở tạp chí Asia Sentinel với cái tựa là, Việt Nam đang chơi với lửa - Vietnam: Playing with fire, của David Brown, một nhà ngoại giao Hoa Kỳ đã về hưu.

Vì vậy vấn đề thứ hai là vấn đề khó, đáng để suy tính cho chiến lược ngoại giao đa phương của Việt Nam trong tình hình mới. Vấn đề quan trọng nhất là hội nhập tổ chức đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương - TPP: Trans-Pacific Strategic Economic Partnership - mà nước ta đang còn đàm phán, mà theo lịch trình là kết thúc cuối năm nay 2013. Một cái hạn rất cấp bách trong khi kinh tế đất nước đang sụp đổ, và chính trị đang không có người cầm chịch - "a land without a king" - như một bài viết của Adam Fforde trên tờ World Politics Review - Khủng hoảng chính trị Việt Nam làm cản trở những cải cách cần thiết: Vietnam’s Political Crisis Blocks Needed Reforms.

Vấn đề cuối cùng là, gần đây vai trò ngoại giao của Việt Nam đã được san sẻ cho nhiều nhân vật cấp cao trong đảng cầm quyền. Khác với những năm trước của nhiệm kỳ trước, hầu như vấn đề công du ngoại giao chủ yếu là do bộ trưởng ngoại giao và thủ tướng đến các điểm nóng. Bây giờ vai trò bộ trưởng ngoại giao mờ nhạt, trong khi đó, chủ tịch nước, trước đây chủ yếu đóng vai trò lễ tân, thì lại nổi lên thành nhà ngoại giao chủ chốt. 

Đây là một dấu hiệu chuyển đổi quyền lực từ thủ tướng theo pháp định của quốc hội, sang chủ tịch nước sau những cuộc chỉnh đốn đảng gần đây do hậu quả điều hành kinh tế quốc gia của thủ tướng thiếu hiệu quả. Nhưng nó lại không có ý nghĩa gì về mặt điều hành quốc gia về mặt bản chất, vì một hiện tượng chuyển vai trò từ một thành viên này sang một thành viên khác trong bộ chính trị của đảng cầm quyền ở Việt Nam.

Vấn đề này có khác chăng là cần sự khác đi của tư duy của bộ chính trị, hơn là tư duy của một cá nhân lãnh đạo cấp cao trong đảng cầm quyền. Vì thế, sự thay đổi này cần có thời gian kiểm chứng, nếu không nói là, không có gì thay đổi so với trước. Vẫn bộ chính trị đảng cộng sản ở Việt Nam quyết định, vẫn nhà nước Việt Nam là nhà nước của dân, do dân và vì dân, nhưng không có tam quyền phân lập, không có sở hữu cá nhân và không có phi chính trị hóa quân đội để bảo vệ tổ quốc, mà tổ quốc là của toàn dân dưới sự lãnh đạo của đảng và quản lý của nhà nước do đảng lập ra, nhân dân phải phục tùng tất cả.

Qua đó ta thấy, một vận hội mới cho Việt Nam có hay không là tùy thuộc vào giai cấp cầm quyền của đất nước hơn là tùy thuộc vào tổ quốc và dân tộc Việt Nam. Vận hội này có hay không xưa nay vẫn vậy, nó đến và đi, rồi lỡ những chuyến tàu vẫn cứ diễn ra trên tổ quốc và dân tộc ngàn năm đau thương và khổ nhục này trong suốt hơn một thế kỷ qua. 

Vẫn một Việt Nam tùy vào tâm và tầm của các lãnh đạo Việt có biết chớp lấy vận hội mới trong tình hình mới không. Đó là chuyện của không ai biết, không ai được phép biết các lãnh đạo đang tính những gì cho đảng của họ, hơn là một chiến lược của một tổ quốc và dân tộc hơn 80 năm qua.

Asia Clinic, 13h53' ngày thứ Năm, 11/7/2013

Đăng nhận xét

0 Nhận xét