CHỮ NHÂN LÀ CỐT LÕI

Ngày đăng: [Saturday, September 24, 2011]
Bài đọc liên quan:

Tuần này thế giới chứng kiến cái chết của nhà lãnh đạo Hồi giáo Afghanistan - ông Burhanuddin Rabbani - một nhà yêu nước và cũng là nhà lãnh đạo phong trào yêu nước Hồi giáo Mujahideen vì mãnh đất ngã tư giao lộ từ thời con đường tơ lụa đến nay. Cái chết của ông được nghi ngờ là do nhóm Hồi giáo cực đoan Taliban đánh bom tự sát gây ra, trong lúc đàm phán với 2 người đại diện của nhóm này để mưu tìm hòa bình cho Afghanistan. Nhưng tới giờ này chưa có tổ chức nào đứng ra nhận lãnh trách nhiệm. 

Cũng là các tổ chức Hồi giáo, nhưng với Mujahideen thì vì đất nước và nhân dân Afghanistan chống lại tất cả các cuộc xâm lược của các cường quốc. Trong khi đó, Taliban lại là nhóm Hồi giáo cực đoan mang khát vọng khủng bố đến mọi nơi, mọi người được nghi ngờ là có bàn tay nhám nhuốt của một số cường quốc ném đá giấu tay - như nhóm Al Qaeda của Bin Laden. Từ một tổ chức Mujahideen vì quốc gia dân tộc, về sau ngã màu cực đoan tử vì đạo, nhưng cũng vì yêu nước.

Lịch sử thế giới cận hiện đại, các cuộc chiến tranh cục bộ có tính nội chiến, mà do sự tranh giành của các cường quốc gây ra. Đáng kể nhất gần đây là cuộc chiến tranh Việt Nam 30 năm và cuộc nội chiến dai dẳng của Afghnistan từ thập niên 1970s đến nay.

 Bản đồ của A Phú Hãn (Afghanistan)

Và lịch sử cũng cho thấy 2 mãnh đất này là mồ chôn của các cường quốc. Với Việt Nam là mồ chôn của Thành Cát Tư Hãn đến nhiều đời vua Trung Hoa kim cổ, rồi đến phương Tây và Mỹ. Với Afghanistan thì cũng đã từng là mồ chôn của đế quốc Ba Tư đến Alexandros đại đế, đến đế quốc Anh, rồi Liên Xô cũ và ngay nay Hoa Kỳ đã và đang sa lầy. Sự sa lầy ở Afghanistan chiếm một phần không nhỏ trong cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay, vì nó làm tốn kém tài chính cho cuộc chiến chống khủng bố của Hoa Kỳ.

Có những quy luật xã hội học muôn đời luôn đúng. Trong kinh tế học thì sự lưu thông của đồng tiền nói lên sức mạnh của nền kinh tế. Trong phân phối hàng hóa thì giao thông là huyết mạch. Thì trong việc nắm giữ quyền lực thế giới, các cường quốc cần nắm chốt các giao lộ huyết mạch của khu vực và toàn cầu.

Cũng chính vì điều trên, mà biển Đông, nơi kiểm soát của 80% lượng tàu thuyền đi qua, và Việt Nam, tuy mãnh đất dài và hẹp, nhưng có mặt tiền hướng ra biển Đông dài nhất thế giới có nhiều nguy nan và cơ hội trong cuộc tranh giành của các cường quốc. Afghanistan không có biển. Nhưng Afghanistan lại là ngã tư giao lộ của con đường tơ lụa ngày xưa và nơi để có thể nhìn từ Âu sang Á, từ thế giới thế quyền cực đoan đến thế giới thần quyền cực đoan của loài người trong hiện tại.

Khác nhau về địa lý, giống nhau về địa chính trị. Việt Nam đã chịu những nỗi đau chiến tranh trong quá khứ và nỗi thất vọng điều hành chính trị, kinh tế, xã hội trong hiện tại. Còn Afghanistan đã và đang chịu nỗi đau chiến tranh trong quá khứ và hiện tại triền miên.

Afghnistan đang có những con người hết lòng vì đất nước như ông Burhanuddin Rabbani. Từ lòng yêu nước thương nòi phải bỏ vị trí giáo sư trường đại học Kabul, để nhảy vào chính trường, để đánh đuổi Liên Xô. Nhưng rồi đất nước lại rơi vào tay chủ nghĩa thần quyền cực đoan của Taliban. Ông lại phải đánh đuổi Taliban để dựng lên Cộng Hoa Hồi giáo Afghanistan. Bây giờ ông lại phải làm chủ tịch hội đồng hòa bình Afghanistan để đàm phán với Taliban để đưa đất nước mình thoát khỏi nội chiến. Công việc chưa tròn thì ông lại ra đi vì khủng bố.

Khi tháo chạy khỏi Afghanistan để tự lo cho thân mình, Liên Xô đã để lại tàn dư của một chủ nghĩa khủng bố do Taliban cầm đầu để Hoa Kỳ sa lầy mãi đến hôm nay.

Khi tháo chạy khỏi Việt Nam, Hoa Kỳ đã tạo ra một cái gai nhọn trên biển Đông - Trung Hoa lấn chiếm Hoàng Sa - để họ quay lại với ly rượu mời hôm nay.

Nước Việt đang yên bình sau một giấc ngủ dài, đầy ác mộng của cuộc chiến tranh. Và nước Việt đang đứng trước một cuộc chiến tranh lạnh lần thứ hai do hai cường quốc hàng đầu phát động. Một cuộc chiến mà người ta gọi là một cuộc trường chinh. Nằm đầu sóng ngọn gió hướng ra biển cả, mũi con tàu luôn bị sóng gió vây quanh.

Tất cả điều đó bắt đầu từ những cách giải quyết 3 vấn đề cốt lõi: thiên, địa và nhân. Nhưng trong bộ tam tài thiên, địa, nhân ấy, chữ nhân vẫn là chữ quyết định. Nó cũng giống như trong ngũ luân của Khổng Khâu: Nhân, nghĩa, lễ, trí, tín thì, để được chữ nhân thì đòi hỏi phải tròn vẹn 4 chữ kia vậy.

Gia đình, bè bạn sống với nhau cũng bằng chữ nhân. Nước cường, dân giàu mạnh để phát triển cũng là chữ nhân. Hiểu được chữ Nhân thì việc dữ hóa lành, việc ác hóa thiện, việc phức tạp hóa giản đơn. Không hiểu chữ nhân thì mọi vấn đề trở nên phức tạp và rối rắm.

Asia Clinic, 11h53', ngày thứ Bảy 25/9/2011

Đăng nhận xét

0 Nhận xét