BÀI TOÁN KINH TẾ CHÍNH TRỊ VIỆT NAM 2016 - 2018

Ngày đăng: [Monday, February 29, 2016]


MỞ ĐẦU

Những cuộc tháo chạy và thôn tính đang diễn ra trên nhiều lĩnh vực kinh tế tài chính nước Việt trong năm 2016. Cuộc tháo chạy này là bắt buộc theo quy luật bàn tay vô hình của kinh tế học, mà không có bất kỳ chính sách hay nghị quyết nào của ý chí chính trị có thể ngăn cản được.

Trong cuộc tháo chạy và thôn tính này rất tản mạn khi nhìn vấn đề thiếu tính liên kết. Ví dụ từ cuối tháng 12/2013 Gaoling Fund của Trung Hoa mua 23.33% cổ phần của Vinacafe, và trở thành cố đông lớn nhất nắm quyền tập đoàn cà phê do nhà nước Việt Nam đang giữ. Nếu ai có quan tâm sẽ thấy, trước đó 2 năm, tập đoàn Masan của nhà nước Việt Nam đã mua lại Vinacafe từ năm 2011, nhằm tạo ra dấu ấn mới về điều hành và hoạt động kinh doanh hiện đại hơn so với truyền thống cũ. Có cả cách biến tướng thu hồi vốn nhà nước bằng cách thành lập hãng mới, và cả ve sầu thoát xác của các dự án đầu tư FDI.

Có nhiều nguyên nhân đưa đến cuộc tháo chạy và thôn tính, này mà dân Việt cần phải hiểu để nhìn vấn đề đúng bản chất của nó.

AI QUYẾT ĐỊNH CHÍNH TRỊ VÀ KINH TẾ VIỆT NAM

Từ sau đại hội 12, nhiều bộc bạch của các quan chức và chuyên gia về tình hình kinh tế Việt Nam chỉ còn một con đường là phải thay đổi. Vì cơ cấu nợ công phải giải quyết, vì thể chế chính trị không giúp khai thác hết tiềm năng của dân.

Tháng 01/2012, tôi viết bài, Nợ hay ăn cắp của dân? Đến ngày 02 tháng 10/2012 tôi viết tiếp bài: Việt Nam có nợ xấu không? Sau 2 ngày tôi lại viết bài: Giải quyết nợ xấu Việt Nam như thế nào? Và bắt đầu từ năm 2013, việc NHNN đã giải quyết bằng cách sáp nhập và mua $0 nhiều ngân hàng và tổ chức tín dụng của Việt Nam là một cách cho thấy 3 điều:

1. Nợ xấu là của các tập đoàn và tổ chức do nhà nước lập ra. Một kiểu sở hữu công ra đời dưới bộ mặt "tư nhân".

2. Cách giải quyết đơn giản là sáp nhập tổ chức công này vào tổ chức công khác để xóa nợ xấu như bài viết Giải quyết nợ xấu của Việt Nam như thế nào của tôi đã viết.

3. Tiền nợ xấu đó là dân phải gánh trong thuế, phí hằng ngày. Nó đi về đâu, nếu không là túi của các tham quan, và đích đến cuối cùng của nó là các tài khoản kếch xù ở một ngân hàng nào đó ngoài Việt Nam, hoặc các tài sản cố định như bất động sản, công ty, siêu thị ở trong và ngoài nước, không ai tìm ra dấu vết, nếu đảng cầm quyền không muốn minh bạch.

Từ năm 2014 đến này, đáo nợ công được vay từ nước ngoài bắt đầu khó khăn trong việc chi trả, vì nhiều lý do, nhưng trong đó, lý do quan trọng nhất là giá dầu thô giảm xuống mức gần bằng giá dầu từ năm 2001. Nguồn kinh phí thu nhập cho ngân sách từ dầu thô lâu nay chiếm hơn 50%, nay không còn nữa, và các tập đoàn dầu khí Việt Nam đang lo việc tinh giảm biên chế và thất nghiệp. Đây là đòn nguy hiểm kinh tế mà Việt Nam phải đối phó không chỉ ngắn hạn trong năm 2016, mà có thể ít nhất 3-5 năm tới.


Nguyên nhân thứ 2 quan trọng không kém là, TPP - TransPacific Partnership - ra đời và Việt Nam là sáng lập viên và thành viên trong 12 quốc gia đã vừa ký kết cuối năm 2015. Trong đó, điều kiện của chương 17 và chương 19 buộc Việt Nam không thể giữ 3 vấn đề lớn lâu nay là:

1. Phải cải cách kinh tế từ sở hữu công sang sở hữu tư cả trong hiến pháp và thực tế, không thể để các tập đoàn nhà nước còn núp bóng tư nhân qua mặt các quốc gia trong thành viên TPP, nhằm Việt Nam được công nhận là nền kinh tế thị trường đúng nghĩa.

2. Phải cải cách thể chế chính trị để nâng năng suất lao động của mỗi người dân Việt theo tầm nhìn kinh tế Việt Nam đến năm 2035 như vừa công bố.

3. Thời hạn mà TPP đưa ra cho 2 chuyển đổi về kinh tế và chính trị Việt Nam là 18 tháng, nhưng trong Hội nghị thượng đỉnh Sunnylands vào giữ tháng 02/2016 vừa qua, trong cuộc gặp riêng 40 phút với tổng thống Obama, thủ tướng đã đề nghị kéo dài thời hạn này lên thành 3-4 năm.

Đến hôm nay, TPP quốc hội Hoa Kỳ vẫn chưa thông qua, dù nó đã được xem ký kết xong, và chờ phán quyết cuối cùng của quốc hội Hoa Kỳ. Nhưng thời gian chuyển đổi của Việt Nam cả về chính trị lẫn kinh tế còn rất ngắn - ngắn nhất 18 tháng coi như đã quyết xong, còn dài nhất là 48 tháng nếu quốc hội Hoa Kỳ chuẩn y TPP và cho phép kéo dài thời hạn cho Việt Nam.

Mọi vấn đề đã rõ ràng khi mà cả kinh tế lẫn chính trị của Việt Nam hiện nay không còn là quyền quyết định của đảng cầm quyền ở Việt Nam, lại càng không phải là của 94 triệu người Việt đang sống trong và ngoài nước. Hay nói cách khác, Việt Nam đang là con chốt trên bàn cờ kinh tế chính trị toàn cầu, người dân Việt là những con chốt đã bị đảng cầm quyền loại khỏi bàn cờ kinh tế chính trị Việt theo hiến pháp và hiệp thương của thường vụ quốc hội và mặt trận tổ quốc.

KẾT

Hai vấn đề của nước Việt trong thời kỳ mới mà tôi đã viết ngày 25/12/2015, chỉ mới 2 tháng trước nay càng rõ ràng. Kinh tế là chính trị.

Những cuộc tháo chạy và thôn tính có những nguyên nhân buộc phải làm, vì giải quyết nợ công, vì sự tháo chạy của những đồng tiền tham nhũng ra khỏi nước, vì những diễn biến tất yếu của giai đoạn tư bản hoang dã của bất cứ quốc gia đang phát triển nào cũng phải trải qua.

Nhưng những cuộc tháo chạy và thôn tính này sẽ là động lực để tự lực, tự cường hay sẽ là cú vấp thế kỷ XXI của nước Việt không đứng lên được còn tùy thuộc vào các thế hệ Việt đang nắm kinh tế và chính trị nước Việt từ 30 năm cởi trói kinh tế.

18 tháng của TPP là 18 tháng cho ra đáp số một nước Việt có mô hình chính trị và kinh tế như thế nào? 18 tháng này cũng là án tử treo lơ lửng cho những thân phận giáo điều bảo thủ. Hiện tình hôm nay không còn có dịp bỏ qua thời cơ, mà là bỏ qua cái sống để chọn cái chết tất nhiên.

Sài Gòn, 13h26' ngày thứ Hai, 29/02/2016

Đăng nhận xét

0 Nhận xét