XEM PHIM NGƯỜI NGẪM CHUYỆN PHIM TA

Ngày đăng: [Monday, June 07, 2010]
Vài tháng nay đài truyền hình VTV3 chiếu bộ phim truyền hình nhiều tập: Vượt ngục (Prison Break). Một bộ phim truyền hình ăn khách bậc nhất về thể loại phim hành động trong lịch sử điện ảnh nước Mỹ từ trước đến nay. Nó ra đời từ năm 2005, và do tính ăn khách của nó nên bộ phim đã được đạo diễn và biên kịch phim kéo dài cho nó thành 4 phần, dài hơn 80 tập, thay vì chỉ 22 tập trong một phần như dự tính ban đầu. Tuy thế nó không bị nhàm chán khi tình tiết của nó luôn mới mẻ và bất ngờ rất thông minh, rất logic và rất đời thường. Mỗi nhân vật, một tính cách thống nhất từ đầu đến cuối. Kẻ thực dụng, ác độc. Người nhân bản và vị tha. Kẻ từ cách nhìn rất thuần tính công quyền và cương trực, nhưng rồi cũng ngộ ra trong tù lắm kẻ còn tốt hơn ngoài đời. Kẻ chuyên giết người như cái máy vì nhiệm vụ, song cuối cùng cũng trở nên rất nhân bản khi nhìn lại mình không còn là mình nữa, etc... Cả đại gia đình tôi đều bị nó hút vào như nam châm. Nhưng khổ nỗi là nếu xem nó là không dứt ra được, không dứt ra được thì sáng không thể đủ sức để đi làm.

Trong tất cả các loại hình nghệ thuật, nghệ thuật thứ 7 là nghệ thuật biểu trưng cho đầy đủ đặc điểm của một nền văn hóa nhất trong tất cả các loại hình nghệ thuật. Với một phim đơn của Mỹ, nhưng nếu để cho một nước chấu Á dàn dựng lên phim chắc cũng phải kéo dài ít nhất 5-10 tập. Một phim hành động đơn chỉ 1h đồng hồ của Mỹ nó tải rất nhiều sự kiện, trường đoạn phim diễn biến rất nhanh, mà nếu ta chỉ bỏ mất 1 phút phim thôi, hầu như ta không thể theo dõi tốt được. Xem phim truyền hình nhiều tập của Mỹ, hầu hết, nếu ta chỉ cần bỏ chỉ một tập thì có thể ta cũng không thể hiểu diễn tiến những tập sau. Ngoài ra cái hay của nó ở chỗ, người xem không thể đoán biết kết cục của bộ phim. Đó là 2 điều hấp dẫn của phim Mỹ mà ai cũng có thể cảm nhận.

Khác với dòng phim truyền hình nhiều tập của châu Á, các tập phim và sự kiện cứ lê thê, chậm chạp, không cần xem các tập giữa, chỉ cần xem vài tập đầu là biết kết cục sẽ ra sao. Ngoài ra, một bộ phim vài chục tập chỉ cần xem 3-4 tập đầu và vài tập chót là người xem có thể hiểu trọn bộ phim.

Đó là sự khác biệt và cũng là sự chênh nhau về tư duy trong nghệ thuật thứ 7 và trong cuộc sống. Quả thật, với viện hàn lâm điện ảnh Hoa Kỳ, nó đã đẩy nghệ thuật thứ 7 lên một tầm cao mới. Những thành quả của điện ảnh cả thế giới có được ngày nay có công một phần rất lớn của nền điện ảnh Hoa Kỳ. Nhưng điều đáng chú ý ở đây là sự khác biệt trong văn hóa và trong tư duy chuyên nghiệp của các tác giả kịch bản phim, cũng như đạo diễn.

Cứ mỗi lần xem phim Việt Nam, thấy diễn viên mình đóng không tệ, nhưng sao cứ mỗi lần nói câu gì thì lồng tiếng cứ "ở hờ" trước nói. Tiếng động, âm thanh thì giả tạo. Kịch bản thì hời hợt, cách diễn của diễn viên thì cứ căng cứng, gượng gạo thấy mà thương. Thương diễn viên thì ít, nhưng thương tác giả kịch bản và đạo diễn thì nhiều. Không hiểu sao cũng thì học điện ảnh ra, học đạo diễn ra, học viết kịch bản ra, nhưng sao ta khác họ thế? Ấy thế, nhưng mỗi năm hễ cứ ai có tiền đăng ký liên hoan phim là báo chí cứ ca ngất trời xanh, mà không biết ngượng. Hình như cái tự biết xấu hổ người mình bây giờ không còn đất để sống không chỉ trong ngành điện ảnh, mà có mặt hầu hết tất cả các ngành? Có lẽ do lòng tự trọng cũng không còn biết nó ở đâu?

Biết bao giờ mình mới có được một kịch bản logic và hợp lý từng chi tiết nhỏ như Prison Break? Nó chi tiết và khoa học đến mức ngoài sức tưởng tượng của con người khi ta xem kế hoạch vượt ngục ở nhà tù Fox River, Mỹ đã quá khó khăn ở phần 1,những tưởng sẽ không có thể có một kịch bản nào có thể tốt hơn vượt ngục ở Fox River. Nhưng đến phần 3, các chi tiết vượt ngục lần 2 ở nhà tù Sona, Panama lại càng làm cho người xem đến những ngạc nhiên ngoài sức tưởng tượng của con người. Càng hay nếu ta xem bảng gốc có phụ đề tiếng Anh để cảm nhận từng âm thanh hối hả, tiếng thở dốc mỗi cuộc chạy đua với thời gian, hay những lời thì thầm của các tù nhân chuẩn bị cuộc đào tẩu, etc...

Khi cái hay đến đỉnh của sự hay thì không lời văn nào có thể tả hết. Có những cái cảm bằng phần hồn hơn là bằng phần người trần xác thịt. Càng nghĩ linh tinh, càng thấy chạnh lòng hơn.

Asia Clinic, 17h 28' ngày 07/6/2010

Đăng nhận xét

0 Nhận xét