VIỆT NAM CẦN GÌ VỀ LÝ LUẬN VÀ CƯƠNG LĨNH?

Ngày đăng: [Friday, July 09, 2010]
Đã nhủ lòng là không viết về vấn đề tái cơ cấu kinh tế gần đây của Vinashin và tha hóa của con người, nhưng hôm nay đọc bài Sẽ còn những Vinashin khác? của báo Pháp luật thành phố, thấy cần phải viết tại sao có những Vinashin trên phương diện duy vật luận và phân tâm học để nhìn rõ cặp phạm trù nguyên nhân kết quả trên cơ sở triết học. Vì thấy ông viện trưởng Viện những vấn đề phát triển (VIDS) chưa nhìn ra cốt lõi của vấn đề.

Năm ngoái tôi có viết bài Thử tìm hiểu kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa và năm nay tôi có viết 2 bài: tháng 01/2010 tôi viết bài Tái cơ cấu kinh tế bằng cách nào? và trong tháng 6 vừa qua tôi lại viết thêm một bài Khi độc quyền kinh doanh là sự tự nhiên 2. Trong 3 bài viết trên chung quy vấn đề tôi muốn nói là vì chúng ta chưa dùng đúng 6 cặp phạm trù và 3 qui luật của ông Engels trong duy vật luận và phân tâm học để đưa ra mô hình kinh tế nước nhà, mà ngược lại còn đi ngược lại với duy vật luận, nên kinh tế Việt Nam mới cứ phải èo uột và là một con bệnh trầm kha, mạn tính, mất bù, như một vòng xoắn bệnh lý. Nhà nước và chính quyền là những thầy thuốc không chữa nguyên nhân căn bệnh mà chỉ chữa triệu chứng của căn bệnh thì làm sao không còn những Vinashin khác?

Tôi xin loại bỏ ra những gì ông Marx dựa theo duy vật luận của Engels đúc kết từ các thầy của ông để làm nên tư bản luận, duy vật lịch sử và chủ nghĩa khoa học cộng sản và ông Lenin kế thừa trong chính trị học để làm cho một nữa nhân loại đi theo và sụp lỗ. Tôi chỉ dùng duy vật luận của ông Engels để lạm bàn tại sao và phải làm gì trong tái cơ cấu kinh tế đúng nghĩa, hòng kinh tế Việt không sụp đổ trong tương lai gần.

Đứng về mặt duy vật luận, khi một tổ chức dù kinh tế hay chính trị được vận hành dưới sự điều khiển của con người thì tổ chức ấy chịu chi phối bởi 2 vấn đề triết học về mặt lý luận. Về mặt vật chất thô, hay còn gọi là phần xác tổ chức ấy chịu chi phối bởi duy vật luận. Nếu tổ chức ấy được vận hành đúng với duy vật luận thì tổ chức ấy sẽ phát triển về mặt vật chất. Song tổ chức ấy được điều hành bởi con người, nên tổ chức ấy phải chịu sự chi phối bởi phân tâm học bên trong sự vận hành, hay nói cách khác là phần hồn của nó phải chịu sự chi phối của phân tâm học.

Chúng ta đã đưa ra một nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là nền kinh tế đi theo kinh tế thị trường, nhưng trong đó các tập đoàn kinh tế chủ đạo được độc quyền kinh doanh. Như vậy, khi độc quyền thì không có đối lập. Khi không có đối lập thì sẽ không co mâu thuẫn xảy ra. Và độc quyền sẽ làm cho phần xác của tổ chức kinh tế ấy không có sự diễn ra 2 qui luật cơ bản để giúp nó phát triển lành mạnh. Hai qui luật đó là qui luật mâu thuẫn và qui luật thống nhất các mặt đối lập để phát triển. Về phần hồn của tổ chức kinh tế, khi độc quyền tồn tại thì con người điều hành trong tổ chức ấy sẽ trổi dậy những bản năng xấu của động vật là: tư hữu, quyền lực và tha hóa, vì không có đối lập và mâu thuẫn.

Cả hai phần hồn và phần xác của tổ chức sẽ riệu rã và đi đến chỗ sụp đổ là chuyện đúng với các qui luật triết học là không có gì phải ngạc nhiên. Như vậy, khi chính phủ chuyển Vinashin cho PetroVietNam cai quản thì có gì mới, hay chỉ là rượu cũ mà bình mới? Đứng về mặt triết học chuyện chính phủ "tái cơ cấu" bằng cách nhờ PetroVietnam điều hành dùm Vinashin thì cũng không khác gì Vinashin lâu nay điều hành nó.

Thế thì, vấn đề tái cơ cấu kinh tế các tập đoàn kinh tế nhà nước hiện nay cần một lý luận đúng với triết học để các tập đoàn vận hành đúng và phát triển đúng, lành mạnh theo qui luật của nó. Nên nhớ rằng về mặt qui luật triết học, các tổ chức công của hầu hết các nước trên thế giới luôn là tổ chức chỉ biết tiêu tiền và thâm thủng, tại sao? Vì các tổ chức ấy được sự bảo hộ hầu hết các mặt chính trị, an ninh, kinh tế, quyền lực, etc...từ chính quyền, nên nó là đứa con không biết tự đi, nếu không có người dìu dắt, nâng đỡ. Cho nên các nước tiên tiến trên thế giới ngày nay đều có khuynh hướng thành lập chúng và giao cho tư nhân điều hành để chúng chịu sự chi phối các qui luật và đi đúng hướng có tính cạnh tranh.

Ngay cả ở những nước tiên tiến như châu Âu và Mỹ, dù các tập đoàn đa quốc gia là của tư nhân và có nhiều các tập đoàn tư nhân khác là đối lập cạnh tranh, nhưng các chính phủ cũng cần có luật chống độc quyền để kiểm soát sự lũng đoạn và hủy diệt sự cạnh tranh lành mạnh giữa các tập đoàn. Như vậy thì khi độc quyền kinh doanh là sự tự nhiên dưới sự điều hành cũng của những cá nhân có chức sắc của nhà nước thì hậu quả sẽ đi đến đâu, khi chúng được sinh ra và lớn lên không đúng về mặt luận lý triết học?

Tóm lại, việc tái cơ cấu kinh tế của Việt Nam, đặc biệt ở các tập đoàn kinh tế nhà nước hiện đang được chính phủ thực thi là không làm đúng với các qui luật và các phạm trù triết học. Nên nó sẽ tiếp tục què quặt và đi đến sụp đổ là chuyện tất nhiên. Và điều đó cũng nói lên rằng tại sao ở những nước có cấu trúc nền chính trị và kinh tế đa nguyên thì tính đối lập và mâu thuẫn là nền tảng cho thúc đẩy sự phát triển lành mạnh, công bằng, minh bạch mà vẫn có đất sống cho tha hóa, tham nhũng và sụp đổ khi chính sách công đã bị thâm hụt quá lớn như cuộc khủng hoảng kinh tế 2008.

Khủng hoảng lớn nhất của Việt Nam hiện nay là khủng hoảng về con người. Và vì con người làm nên mọi việc, trong đó, Việt Nam đang cần có một cương lĩnh cho mọi vấn đề được xây dựng trên những nền tảng triết học một cách khoa học, hơn là những gì đã và đang sao chép từ những nước khác để rồi tạo ra những quái thai của thời đại, và là nguy cơ hiển hiện cho mọi tha hóa hiện nay có mặt ở hầu hết từ con người đến mọi ngành trong xã hội.

Nghe bài "Việt Nam quê hương ngạo nghễ" do tác giả Nguyễn Đức Quang trình bày để thấy Việt Nam không tệ

Asia Clinic, 15h12', ngày thứ sáu, 09/7/2010

Đăng nhận xét

0 Nhận xét