VIẾT MUỘN CHO NGÀY PHỤ NỮ

Ngày đăng: [Monday, March 08, 2010]
Thế giới mênh mông có 2 nền văn hóa: văn hóa duy tình và văn hóa duy lý. Người ta bảo rằng thân làm người con gái có phúc thì sinh ra ở một lục địa có nền văn hóa duy lý, và ngược lại. Các thế hệ nữ của nước tôi là những người vô phúc. Vì mãnh đất chôn nhau cắt rún của tôi có nền văn hóa làng xã và duy tình. Cái văn hóa trọng nam khinh nữ ăn sâu vào máu của những tâm hồn tội lỗi của các thế hệ đàn ông chúng tôi. 

Đất nước tôi có 4.000 ngàn năm lịch sử thì hết một nữa dưới gót giày xâm lược và khói lửa chiến tranh. Trong đó nền văn hóa nước tôi hết một phần tư thời gian bị ô nhiễm bỡi văn hóa Khổng Mạnh. Cái văn hóa mà nơi ấy xem thường sự mang nặng đẻ đau, xem thường cái cột cái của ngôi nhà. Đàn ông chúng tôi cứ nghĩ mình vai u thịt bắp là có thể làm rườn cột gia đình. Nhưng chúng tôi không hiểu hết bản chất của cái chết và sự sống, yếu và mạnh. Khi vào y khoa tôi mới hiểu hết điều: răng cứng, nhưng răng rụng trước khi lưỡi không còn hoạt động. Câu tục ngữ: lạt mềm buộc chặt cũng cho thấy phái đẹp, mà văn hóa đất nước tôi gọi là phái yếu, không yếu bao giờ.

Họ không yếu vì họ sinh ra lũ đàn ông chúng tôi. Họ không yếu vì dù đàn ông chúng tôi có làm chức cao vọng trọng hay đầu bạc răng long thì chúng tôi cũng từ đó chui ra. Ấy thế mà ở mãnh đất duy tình của tôi lại xem họ yếu, họ chỉ là người phụ trong gia đình và xã hội. Thử hỏi bao nhiêu đàn ông trong 87 triệu dân nước tôi hiểu được cái gian nan để được thành phôi và của lúc lâm bồn?

Người ta bảo duy lý thì thiếu tình người. Nhưng duy tình thì không theo qui luật tự nhiên khách quan. Suy cho cùng, không có ở đâu chỉ đơn thuần duy tình hay duy lý. Vấn đề là khi làm việc phải lý hơn tình. Nhưng ra khỏi công đường, cần đối xử nhau tình nhiều hơn lý. Hầu hết ở quốc gia có nền văn hóa duy lý thì phát triển hơn các quốc gia có nền văn hóa duy tình đặt nặng.

Ấy thế mà ngày nay ở đất nước tôi, con người chỉ biết dùng duy lý để hại nhau và dùng duy tình để làm việc nơi công sở. Người bạn tôi tổng kết có cái văn hóa truyền khẩu đã, đang lưu truyền ở chốn công đường và ở những người có học vị, học hàm tối cao của xã hội. Trong chọn lọc tự nhiên luôn cho ra giống và loài có sức sống và năng suất cao. Nhưng ở nước tôi, chọn lọc theo ý chí con người, không theo qui luật tự nhiên.

Ở các nước có nền văn hóa duy lý, sự tôn trọng theo thứ tự: con nít, phụ nữ, vật nuôi rồi mới tới đàn ông. Còn nước tôi: đàn ông càng lớn tuổi càng được đánh giá cao. Và đàn ông luôn được xem trọng hàng đầu. Không biết tốt đẹp thế nào. Nhưng các nước tiến tiến chỉ thấy họ xem trọng phụ nữ hơn đàn ông. Một đất nước mà sức mạnh chỉ biết dựa vào người già và người đã chết như nước tôi - dù nước tôi có tỷ lệ người trong tuổi lao động rất cao - rồi sẽ ra sao?


Asia Clinic, 15h40' ngày 08/3/2010

Đăng nhận xét

0 Nhận xét