VĂN HÓA VÀ SỰ PHÁT TRIỂN

Ngày đăng: [Monday, July 26, 2010]
Bài liên quan:
+ Văn hóa tranh luận trên cộng đồng
+ Giao lưu văn hóa và sự phát triển
+ Chu kỳ văn hóa

Hôm nay đổi đề tài để chúng ta cùng luận bàn với nhau văn hóa và sự phát triển của một dân tộc. Văn hóa là thói ăn, nết ở, là thuần phong mỹ tục, là suy nghĩ và hành động. Nó được hình thành và còn lại tinh túy của một cộng đồng dân cư sống trên một vùng địa lý, qua lịch sử hình thành và phát triển của cộng đồng dân cư ấy. Nó là cái mà ta học hoài, học mãi không hết. Thế giới loài người được phân chia làm hai loại nền văn hóa: văn hóa nông nghiệp và văn hóa du mục. 

Hai nền văn hóa này giống như một cặp phạm trù âm dương bổ khuyết cho nhau. Người ta xem văn hóa du mục như là dương: ưa thay đổi, thích sự năng động, luôn di chuyển theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Và nền văn hóa du mục là đầu tàu của sự phát triển khoa học kỹ thuật của loài người với những lý luận duy lý. Trong khi đó, nền văn hóa nông nghiệp là đại diện cho phần âm, thích sự ổn định, khó lòng thay đổi, để giữ sự vững bền., lý luận duy tình. Nó đại diện cho sự bảo thủ và chậm tiến.

Có nhiều nhà văn hóa học muốn phân chia các nước trên thế giới đang thuộc nền văn hóa nào giữa hai nền văn hóa trên. Ví dụ như Việt Nam ta thuộc nền văn hóa nông nghiệp, chuộng sự ù lỳ, bảo thủ, sợ sự đổi thay, bám vào sự ổn định gốc rạ mà sống. Còn như các nước Âu Mỹ thì thuộc nền văn hóa du mục. 

Song vấn đề đặt ra ở đây là hầu như không có một dân tộc nào đều có cộng đồng thuần túy du mục hay nông nghiệp. Chỉ có sự đa số có cách ứng xử theo một khuynh hướng văn hóa, chứ không có 100% dân tộc ấy đều sống theo một nền văn hóa thuần túy.

Một vấn đề đặt ra nữa là, như vậy cái gì làm cho cộng đồng dân tộc đa phần đi theo một nền văn hóa cụ thể để làm động lực thúc đẩy sự phát triển xã hội hay kềm hãm sự phát triển xã hội? Các nhà nghiên cứu thấy rằng vai trò của chính trị là tiên quyết để hình thành nền văn hóa của một dân tộc. Vì chính các thành viên tiên phong của chính trị họ quyết định cách tư duy và hành động cho cộng đồng thông qua luật lệ, thông tin truyền thông đại chúng để phục vụ mục đích cai trị của mình.

Một nhà nước pháp trị thường song hành với nền văn hóa du mục và ngược lại một nhà nước nhân trị thường đi với nền văn hóa nông nghiệp.

May mắn cho dân tộc nào có đội ngũ tiên phong có tư duy đi theo văn hóa du mục. Và cũng xuôi rủi cho dân tộc nào có những nhà chính khách đang có tư duy ở nền văn hóa nông nghiệp. Nhưng điều này cũng không phải lúc nào cũng đúng. Vì bất kỳ sự thay đổi nào cũng đều có những cơn đau, vấn đề là làm sao cơn đau đó dài hay ngắn và có biết, muốn chữa nó lành bệnh hay không? Nếu muốn và thì sẽ biết chữa lành bệnh để phát triển sau đổi mới. Còn nếu biết mà không muốn chữa lành thì cơn đau mãi triền miên.

Cho nên sau sự thay da đổi thịt vấn đề còn lại là tư duy văn hóa du mục có còn tiếp tục hay dừng và quay đầu trở lại văn hóa nông nghiệp? Nhìn lại thế giới các nước châu Âu và các nước châu Á sau thời kỳ đổi mới  cho ta thấy có sự khác biệt. Qua đó, có thể thấy văn hóa là nền tảng cho sự phát triển. Không phải khoa học kỹ thuật hay sự thông minh của dân tộc ấy quyết định sự phát triển quốc gia, mà chính văn hóa là cái tiên quyết để quốc gia phát triển và trường tồn hay tụt lùi.

Asia Clinic, 18h56' ngày thứ Hai, 26/7/2010

Đăng nhận xét

0 Nhận xét