TRÁCH NHIỆM THUỘC VỀ AI?

Ngày đăng: [Sunday, September 06, 2009]

Hôm nay, đọc bài: "Điện giật chết người: Không thể đổ cho 'lô cốt', mưa ngập" trên Vietnamnet, tôi thấy có mấy vấn đề cần quan tâm. Vì nhà cháu Cồ Quốc Duy, người bị tai nạn trong vụ điện giật hôm mưa lớn tại ngã tư Nguyễn Biểu - Trần Hưng Đạo, quận 5 gần ở khu vực nhà tôi ở.

1. Từ khi công trình dự án cải tạo hệ thống nước của ông Huỳnh Ngọc Sỹ đảm nhiệm thực thi đến nay thì tình trạng ngập nước ở khu vực đoạn đường Trần Hưng Đạo, quận 5 càng ngày càng tồi tệ hơn. Trước khi làm dự án thì tình trạng ngập nước chỉ xảy ra từ ngã tư THĐ-Nguyễn Văn Cừ đến Ngã ba THĐ-Trần Bình Trọng, quận 5. Sau khi làm dự án này tình trạng ngập nước trong và sau cơn mưa kéo dài từ Nguyễn Cư Trinh-THĐ đến mãi ngã tư THĐ-Châu Văn Liêm.

2. Đại lộ Trần Hưng Đạo và Đông Tây chạy song song với kênh Tàu Hủ. Hầu hết các con đường song song với nhau mà có cắt ngang đại lộ Trần Hưng Đạo kéo dài từ quận I đến cuối quận 5, có hướng nối ra đường Hàm Tử cũ, bây giờ là đại lộ Đông Tây, đều là những con đường mà bên dưới là hệ thống cống thoát nước chính của khu vực trung tâm của TPHCM ra kênh Tàu Hủ. Trong đó, Nguyễn Biểu là một trong những con đường huyết mạch có hệ thống cống làm thoát nước mưa ra lòng kênh Tàu Hủ đọan có cầu chữ Y bắt ngang qua.

3. Mỗi khi làm lô cốt cho dự án ở những con đường có hệ thống thoát nước lớn như Nguyễn Biểu, Huỳnh Mẫn Đạt, Ngô Quyền, Tản Đà, Châu Văn Liêm, Hồ Hảo Hớn, Nguyễn Cư Trinh, Calmet... Người ta phải bịt hệ thống cống thoát nước ra kênh này để làm. Hậu quả là khi những con đường này không thoát được nước và ngập lụt xảy ra mỗi lần mưa thì dân chịu, không ai chịu trách nhiệm về chuyện ngập lụt này.

4. Tôi không hiểu tại sao, quá trình thực hiện thay thế cống cấp thoát nước của những con đường quan trọng này lại không tập trung làm vào mùa nắng, mà chỉ thấy làm vào mùa mưa? Một đoạn ở trên đường nhà tôi chỉ dài khoảng 500 mét đổ ra kênh Tàu hủ của đường Huỳnh Mẫn Đạt, quận 5 nhưng đã làm suốt hơn 3 năm nay vẫn chưa xong. Nên hễ mưa là ngập. Tôi ở đây hơn 20 năm, chưa bao giờ ngập, chỉ hơn 2 năm nay khi dự án này thực hiện, mưa là ngập. Ngập rất nặng có khi vào nhà hơn 50cm và kéo dài cả buổi, vì chỉ trông chờ nước thấm vào đất, chứ không thể thoát theo hệ thống cống như khi chưa làm dự án. Chẳng biết kêu ai?

Tôi cũng chưa được thấy nơi đâu trên thế giới này chỉ 1 cái vĩa hè mà được quản lý đến từ 4-6 ông nhà nước: Công ty chiếu sáng vĩa hè, công ty cấp thoát nước, công ty công viên cây xanh và sở giao thông công chánh!!! Thế thì việc cháu Cồ Quốc Duy chết vì điện giật trong mưa vừa do ngập nước, vừa do diện chập thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm? Tôi xin đặt ra những chữ "Nếu" như sau:

1. Nếu không bị ngập nước thì cháu Duy có bị không thấy đường để rồi trượt chân ở gờ vĩa hè mà té ngã và ôm vào cột điện làm bằng KIM LOẠI để cho điện giật chết không? Ngày xưa tôi chỉ thấy cột điện làm bằng gỗ nhún nhựa đường hoặc cột bê tông. Bây giờ vì cảnh quan mà làm cột bằng gang rỗng ruột để dấu dây địện.

2. Nếu như chỉ do ngập nước mà cột điện không bị chập điện do tắc trách của điện lực thì cháu Duy có bị chết không?

3. Nếu khi cháu bị giật điện mà công ty điện lực Chợ Lớn có người trực nghe tin báo qua điện thọai và cắt cầu giao điện ngay lập tức thì cháu Duy có chết không? Trong khi phải 30 phút sau mới có động tác này! Nếu sở giao thông công chánh TPHCM làm tốt việc lưu thông đường phố trước khi làm lô cốt cho dự án công thoát nước của ông Huỳnh Ngọc Sỹ thì có tình trạng tử vong của cháu Duy không?

Đến giờ này cũng chưa biết chắc chắn rằng sau cái dự án làm sạch nước này của ông Huỳnh Ngọc Sỹ có làm cải thiện được tình hình ngập nước Sài Gòn trong và sau mưa hay không? Nhưng, về luật liên đới chịu trách nhiệm cái chết của cháu Duy ở đây không chỉ là công ty chiếu sáng vĩa hè mà phải là 3 cơ quan có liên quan trong 3 chữ "nếu" mà tôi đã nêu ở trên có phải không? Và ai sẽ là có trách nhiệm chính? Ai sẽ chịu trách nhiệm liên đới?

Đăng nhận xét

0 Nhận xét