TÌNH THƯƠNG VÀ TRÍ TUỆ

Ngày đăng: [Sunday, September 13, 2009]

Hôm nay tình cơ đọc 2 bài báo khác nhau, có hai góc nhìn khác nhau giữa tình thương và trí tuệ. Một bài biểu hiện của lòng nhân ái được trí tuệ đặt đúng chỗ: Nhật ký lòng nhân ái của Võ Đắc Danh. Một bài khác trên Thông tấn xã Việt Nam, mà theo tôi trí tuệ và lòng kính trọng đang bị đặt nhầm chỗ: Khởi công 3 tượng đài tại khu địa đạo tam giác sắt.

Đã hơn 1/3 thế kỷ, từ ngày cuộc chiến Nam-Bắc Việt Nam ngừng tiếng súng. Và cũng đã có không biết bao nhiêu nghĩa trang liệt sĩ có mặt từng quận, huyện khắp 56 tỉnh thành để tôn vinh các anh hùng có tên, không tên đã ngã xuống vì đất nước này. Bên cạnh đó, cũng có không biết bao nhiêu tượng đồng và bia đá được dựng nên cũng để làm việc tôn vinh này. Thế nhưng, người chết cũng đã chết rồi. Chiến công cũng đã xảy ra và cũng đã được ca ngợi cứ mỗi năm những ngày kỷ niệm về. Tiếng súng đã bặt đi quá xa, có nên khơi gợi những đau thương, mất mác đã qua? Trong khi đó, người sống vẫn còn thiếu cơm ăn, áo mặc, chưa được học hành tử tế, nhưng lại phung phí tiền một lượng đủ để xây nên ít nhất 1 trường đại học lớn hoặc có thể tạo công ăn việc làm ít nhất hàng trăm nghìn người đang thất nghiệp cho những tượng đồng và bia đá vô tri trong cuộc suy thóai tòan cầu.

Dù muốn, dù không và không cần chúng ta nhắc lại bằng bất cứ hình thức nào thì cuộc chiến tranh Việt Nam vẫn được thế giới công nhận là cuộc chiến vô tiền khóang hậu của lịch sử chiến tranh của lòai người, khi mà gộp cả súng đạn, thương vong và tiền bạc của cả 2 cuộc chiến tranh thế giới lại cũng không so bì được. Thế thì, có cần khắc sâu vào tư duy của bao thế hệ một tư duy sắt, máu để lối mòn ảo tưởng mãi làm dân tộc đắm chìm trong sự hiếu chiến và thiếu bao dung? Mãi nhớ chiến tranh mà quên mất xây dựng trong hòa bình? ... Tại sao những Nhật ký lòng nhân ái chỉ có lòng hảo tâm của những người dân lương thiện góp phần? Trong khi đó, 3 tượng đồng bia đá vô tri lại phải bỏ hơn 15 triệu USD ngân sách phơi sương, phơi nắng để làm? Và tiền ngân sách là tiền của ai, nếu không phải là tiền của mồ hôi và nước mắt của người dân? Chiến tranh cũng là dân làm nên thắng lợi. Hòa bình về, người dân đang nghèo đói, sao không lo lắng bằng tiền mồ hôi nước mắt và có khi có cả máu của họ làm ra? Cần xem lại tư duy về sự tôn kính và lòng nhân ái của thời đại chúng ta đang sống có lệch lạc lắm không?

Có một câu nói của Dalai Lama, những tưởng cũng nên nêu ra để cùng ngẫm nghĩ: "Trí tuệ đặt trên trí tuệ là tiềm ẩn của sự dã man và độc ác, chỉ có trí tuệ đặt trên tâm hồn mới kết trái, nở hoa"

Đăng nhận xét

0 Nhận xét