THĂM ANH ĐÀO HIẾU

Ngày đăng: [Sunday, March 14, 2010]
Anh em đồng hương, đồng khói mà chưa thăm nhau bao giờ. Nhân dịp anh gãy giò, vì du lịch ba ngày tết, mới có cớ để ghé thăm. Dân Bình Địa mình nó thế, cộc tính, chân chất, không hoa mỹ và cũng lắm cực đoan. Chỉ ghé thăm nhau khi hoạn nạn, lúc bình thường cùng lắm lá hú nhau cà phê hay gọi nhau qua điện thoại.

Không ai dám nói rằng đời mình suông sẻ. Nên tục ngữ có câu: "Bảy mươi chưa gọi là già". Anh cũng đã qua cái tuổi "nhỉ thuận" như Khổng Khâu đã nói. Nhưng nợ đeo mang cứ phải nói điều mình canh cánh.

Hôm trước về quê ăn tết, lẽ ra anh phải về Tây Sơn trước hôm 30 chuẩn bị để giỗ chạp. Nhưng rồi vì thằng em hẹn sẽ về tối 29, nên anh ở lại Qui Nhơn để gặp nhau tâm sự, sáng 30 mới về. Lúc đó nhìn anh còn phong độ, đạo mạo lắm. Nhưng hôm nay thì đã sộp vì chấn thương quá nặng, thấy thương.

Kỷ niệm với anh cũng chưa có gì nhiều. Chỉ mong anh chóng lành bệnh bằng những lời khuyên về chuyên môn. Tôi hỏi anh có đau lắm không? Anh bảo, có biết gì đâu? Sau khi bị tai nạn là tớ bất tỉnh. Khi thức dậy thì đã thấy mình ở trong bệnh viện. Nhưng nếu có đau thể xác cũng không đau bằng những dằn xé trong tâm hồn đâu cậu.

Ai đã từng đọc văn Đào Hiếu đều có thể thấy ở anh một tấm lòng vẫn còn trinh nguyên, nhiệt huyết như ngày nào đấu tranh, xuống đường thời trước 1975. Dẫu ngày nay anh tự phê mình là đã Lạc đường, nhưng theo tôi, anh không lạc mà đúng. Đúng vì lý tưởng của thanh niên thời ấy, từ trí thức đến nông dân hay chú đạp xích lô vẫn đau đáu một nỗi niềm là không muốn mãnh đất này còn bom đạn, không muốn anh em mình phải bắn giết nhau, không muốn bạn bè mỗi sớm thức dậy lại vắng đi vài đứa. Ai đã từng sống trong thời ấy đều có một tâm trạng không biết ngày mai mình còn hay mất. Nên đã có không chỉ một thế hệ trí thức như anh, mà là những thế hệ như thế.

Vấn đề còn lại là vấn đề của định nghiệp một dân tộc. Có nhiều người trách anh, trách thế hệ các anh đã làm nên cuộc chiến thần kỳ, chiến thắng thần thánh để rồi bây giờ không được như xưa. Nhưng định nghiệp của một dân tộc đã vậy, nó phải là vậy. Không thay đổi được. Người ta bảo: Rau nào thì sâu nấy. Ngay cả những loại rau có vị thuốc có thể kháng hầu hết các loại sâu rầy, nhưng vẫn còn sót lại một loài sâu sống an bình. Xã hội con người cũng thế. Cũng lắm sâu. Sâu ấy cũng phải sống, cũng phải ăn và để được sống sâu phải phá hại mùa màng. Phải tìm ra đúng thuốc mới diệt được sâu. Con người  để sống thì cũng có biết bao nhiêu tàn tích phá hại môi trường, xã hội như ngày nay. Vấn đề là phải biết hối hận và ngừng những điều xằng bậy mình đã làm ra vì biết mình là trí thức, luôn phải thức, không thể lim dim hay ngủ mãi được.

Tôi thì quí anh, vì anh đã góp hết sức mình thời trai trẻ. Nhưng khi về chiều anh vẫn gắng làm những gì trong khả năng mình có thể. Dù anh đã tự cho mình đã lạc đường, nhưng cái lạc đường ấy đâu chỉ riêng anh và đâu chỉ thế hệ anh? Và ngay cả bây giờ cũng đã chắc là không có lạc đường? Sinh ra làm kiếp người vốn dĩ đã là lạc đường rồi phải không anh?

Asia Clinic, 1038' ngày 14/3/2010

Đăng nhận xét

0 Nhận xét