TĂNG VIỆN PHÍ: CÓ PHẢI VÌ THU KHÔNG ĐỦ BÙ CHI?

Ngày đăng: [Wednesday, July 14, 2010]
Bộ Y tế vừa có dự thảo về việc sửa đổi, bổ sung Thông tư liên bộ số 14/TTLB ngày 30-9-1995 tăng thu một phần viện phí và bảo hiểm y tế. Đây là chuyện phải làm của chính sách nhà nước vì có một số giá dịch vụ y tế theo Thông tư 14/1995 đã lạc hậu. Nhưng khi nào tăng và tăng như thế nào là chuyện cần phải bàn vì điều kiện sống của người dân, đặc biệt là nông dân và công nhân của nước ta còn rất khó khăn.
Khi nào tăng?
Theo như dự kiến năm 2010, nước ta sẽ đạt mốc thu nhập bình quân đầu người 1.000 USD/năm. Thực tế trong đó chỉ vài phần trăm dân số thu nhập cao ngất ngưởng. Số lớn còn lại chia nhau một phần GDP quá nhỏ. Hiện nay 30% dân số đang tuổi lao động trong cả nước thu nhập bình quân chỉ đạt 100.000 đồng mỗi ngày. Trong đó, hơn 80% là lao động đơn giản ở các khu chế xuất và nông dân. Với mức tăng viện phí gấp bảy lần và tăng mức bảo hiểm y tế lên 40%-70% như dự thảo đã đề ra trong hoàn cảnh lạm phát gia tăng, đồng lương và thu nhập của người lao động đơn giản ở Việt Nam hiện nay chưa theo nổi.
Hiện nay với chính sách thu một phần viện phí theo thông tư liên bộ ra ngày 30-9-1995 thì không ít người dân phải chịu cảnh màn trời chiếu đất chỉ sau một cơn bạo bệnh. Là bác sĩ, người viết bài này đã từng chứng kiến nhiều bệnh nhân phải bán nhà cửa, đất đai, ruộng vườn trả viện phí. Không ít người chồng bỏ rơi vợ con đang điều trị tại bệnh viện. Theo tôi, với khả năng kinh tế của người dân hiện nay thì chưa thể tăng đồng loạt được.








Mức thu viện phí mới sẽ là gánh nặng đối với bệnh nhân không có bảo hiểm y tế. Ảnh: DUY TÍNH
Tăng như thế nào?
Viện phí tại Việt Nam vẫn còn thấp so với mặt bằng thế giới nhưng với thu nhập người dân và giá cả thị trường thì viện phí theo thông tư liên bộ 1995 đã là quá cao.
Bảo hiểm y tế Việt Nam cho rằng thu không đủ bù chi nên phải tăng thu là không đúng. Vì với giá bảo hiểm y tế hiện nay, các cơ sở y tế tư nhân vẫn bằng mọi giá đăng ký khám và chữa bệnh bảo hiểm y tế, nếu không vì thu lợi nhuận? Bảo hiểm y tế Việt Nam cần nhìn lại cơ cấu tổ chức, quản lý của mình để tiết kiệm hơn là đi tăng giá bảo hiểm. Trong khi hơn 40% dân số vẫn còn nằm ngoài bảo hiểm y tế, họ sẽ đối phó như thế nào khi cơn bệnh ập đến với giá viện phí tăng cao ngất ngưởng nếu dự thảo này được thông qua?
Như vậy, không phải vì lý do thu không đủ để bù chi mà tăng giá viện phí. Thế thì tăng viện phí vì lý do gì? Và lý do đó có chính đáng hay không? Những câu hỏi này cần có câu trả lời chính đáng trước khi dự thảo được phê duyệt.
Hơn 35 năm qua, nhà nước chưa đầu tư đúng mức xây mới bệnh viện trong khi dân số tăng gấp ba lần. Như vậy làm sao các bệnh viện không quá tải. Người khỏe đi du lịch cũng cần khách sạn cao sang, người bệnh khi được điều trị bệnh lại càng cần nơi nghỉ ngơi tốt hơn nữa nhưng người bệnh Việt Nam hiện nay phải nằm đôi, nằm ba thì làm sao điều trị hết bệnh. Và với tình trạng quá tải như thế mà giá viện phí tăng thêm thì có chính đáng không? Hay là tăng vì mục đích khác ngoài lý do giá cả lạc hậu với giá cả thị trường?
Trừ chi phí khám bệnh, giá dịch vụ y tế hiện nay vẫn còn hợp lý, không có lý do gì để phải tăng. Nếu tăng thì trước khi tăng, các nhà quản lý phải làm sao biến bệnh viện thành khách sạn điều trị bệnh, quản lý bảo hiểm y tế phải hoàn hảo. Còn nếu để bệnh viện vẫn như những cái chợ, bảo hiểm y tế là thị trường kiếm lợi nhuận như hiện nay thì không có lý do gì phải tăng.
BS HỒ HẢI
Bài viết được đăng trên báo PLTP. Asia Clinic, 7h25' thứ 4, ngày 14/7/2010

Đăng nhận xét

0 Nhận xét