SỬA ĐỔI HIẾN PHÁP: CẦN DỰA VÀO ĐÂU?

Ngày đăng: [Thursday, February 10, 2011]
Lâu nay ai cũng bàn đến chuyện sửa đổi hiến pháp của nhà nước CHXHCN Việt Nam. Hôm nay ông bộ trưởng tư pháp được phỏng vấn trước báo PLTP về vấn đề gai góc này. Những gì ông bộ trưởng nêu ra theo tôi vừa là cốt lõi mà vừa là chưa là cốt lõi. Đại ý của ông là phải có một hiến pháp phục vụ cho một nhà nước pháp trị. Nhưng đã 20 năm thực hiện nhà nước pháp trị, mà vẫn chưa làm được chuyện pháp trị và hiến pháp Việt Nam đã được sửa đi, sửa lại nhiều lần, vẫn bị lỗi thời, cần phải sửa vì đã đến thời điểm chín muồi.

Là một người dân lương thiện, cũng được học hành và biết làm khoa học chút ít, nên tôi luôn nhìn vấn đề  lớn này dưới góc độ khoa học và hàn lâm khi cần sửa đổi để làm sao hiến pháp có tính trường tồn, mà không phải sửa đi, sửa lại ở một nhà nước chỉ mới 65 năm thành lập mà đã 4 lần hiến pháp ra đời.

Định nghĩa và nhiệm vụ của hiến pháp: Muốn vậy, điều đầu tiên cần và đủ mà bất kỳ ai muốn sửa đổi hay viết nên hiến pháp mới thì phải hiểu định nghĩa Hiến Pháp là gì? Học hành cũng vậy, khi tiếp cận một khái niệm mới, người học muốn hiểu rõ, thực hành đúng khái niệm ấy sau khi đã học thì điều cốt lõi đầu tiên là phải hiểu được định nghĩa khái niệm ấy. Nếu chưa hoặc không nắm được định nghĩa, mà đi thực hành một lĩnh vực, khái niệm nào đó thì có khác gì thầy bói mù sờ voi? Vậy hiến pháp là gì? Nhiệm vụ của nó ra sao? Và nó có vai trò như thế nào với một đất nước và dân tộc?

Theo hiểu biết của tôi, hiến pháp là đạo luật cơ bản của một quốc gia qui định về những quan hệ xã hội liên qua đến việc tổ chức bộ máy nhà nước. Nó có có 2 nhiệm vụ cơ bản là điều chỉnh những quan hệ rường cột của một đất nước. Và nó đặt nền tảng pháp lý cho một quốc gia. Do đó, nó là cơ sở của hệ thống pháp luật của một nhà nước. Nó có hiệu lực pháp lý cao nhất, mọi văn bảng pháp luật phải phù hợp với hiến pháp, không được mâu thuẩn với hiến pháp.

Hay nói một cách dễ hiểu: đất nước như một con tàu, dân tộc là những người lái tàu, thì hiến pháp là tay lái của con tàu đi đến đích vinh quang. Còn có thể hiểu nôm na hơn hiến pháp là cương lĩnh của đất nước và dân tộc, mà không là của bất kỳ riêng ai hay tổ chức chính trị nào.

Triết học trong xây dựng hiến pháp: Đứng về mặt duy vật luận, từ định nghĩa và nhiệm vụ của hiến pháp, nó cho chúng ta thấy hiến pháp một một quốc gia phải cho ra một hệ thống pháp luật trong một thể chế chính trị nhằm phục vụ cho cái chung của cộng đồng và cả cho cái riêng của từng người dân đang sống trên quốc gia cụ thể. Ngoài ra, hiến pháp phải phù hợp với văn hóa mà cộng đồng dân đang sống ở quốc gia đó trong hoàn cảnh lịch sử hình thành và phát triển của quốc gia đó. Mà hiến pháp không phải phục vụ cho bất kỳ một nhóm hay một tổ chức đơn lẻ nào.

Song vì hiến pháp làm ra là để phục vụ cho con người thông qua hệ thống chính trị và pháp luật, nên hiến pháp không thể tách rời khỏi bản chất của con người. Cũng trong một bài viết của tôi về Công hữu, tư hữu và hình thái xã hội loài người - đứng trên phương diện phân tâm học - hệ thống chính trị của một quốc gia phải đồng thời phục vụ cho bản chất con người, chứ không chỉ duy vật chất như duy vật luận. Cho nên, một hiến pháp là hoàn hảo, nó phải thỏa mãn nhu cầu thiết yếu của con người, hòng đưa ra một hệ thống pháp luật và chính trị phù hợp với con người.

Văn hóa và lịch sử trong xây dựng hiến pháp: Văn hóa của dân tộc Việt là một nền văn hóa đa sắc tộc được tạo ra từ cuộc sống thực tế và lịch sử dựng và giữ nước. Trong một bài viết của tôi về Văn hóa và sự phát triển, thì không có một đất nước nào thuần nhất về một nền văn hóa, mà chỉ có một xã hội có tỷ lệ cao về văn hóa sống của một loại hình văn hóa du mục hay nông nghiệp. Bên cạnh đó, mỗi nền văn hóa luôn có ưu và khuyết điểm, mà không có nền văn hóa nào tuyệt đối ưu điểm hơn nền văn hóa nào. Nếu biết sử dụng ưu điểm của từng nền văn hóa cho một hình thái xã hội thì sẽ cho ra một thể chế chính trị và pháp luật tối ưu nhất.

Nền văn hóa du mục có một tư duy duy lý nên đã sinh ra một hệ thống pháp lý và chính trị chuẩn mực, pháp trị để vừa phục vụ con người, vừa kiềm hảm sự tha hóa của con người. Đây là ưu điểm cần phải học hỏi và sử dụng.

Trong khi đó, nền văn hóa nông nghiệp chủ về duy tình, nên cũng sản sinh ra một hệ thống chính trị và pháp lý nhân trị hòng phục vụ cho một nhóm, hay tổ chức cầm quyền. Đây là một khuyết điểm cần tránh và bỏ.

Để đạt được cả hai yếu tố: pháp trị và phục vụ cho cả cái chung và cái riêng của bản chất con người, vấn đề cốt lõi mà ông bộ trưởng đã trả lời, không có gì khác hơn là một thể chế chính trị có một nền pháp trị với tam quyền phân lập, mà không phải vừa đánh trống, vừa thổi còi của bất kỳ một nhóm hay tổ chức nào được độc quyền hưởng lợi. Có nghĩa là: lập pháp - hành pháp - tư pháp (còn gọi là tam đầu chế) hoàn toàn độc lập và kiểm soát lẫn nhau, mà không bị khống chế bất kỳ một tổ chức nào tự xưng danh nghĩa hay mượn lịch sử để chiếm đoạt sự độc lập của tam đầu chế để phục vụ cho riêng mình.

Thời thế trong việc xây dựng hiến pháp: Cũng trong một bài viết về Hình thái xã hội và sự phát triển của tôi. Tùy theo thời thế mà xã hội cần có một hình thái xã hội thời chiến hay thời bình? Đối với xã hội thời chiến thì quân đội và an ninh cần tham chính để tập trung sức người sức của cho công cuộc chiến đấu giành lấy độc lập dân tộc. Nhưng trong xã hội thời bình cần cho xây dựng và phát triển thì quân đội và an ninh cần tách ra khỏi chính trường để tránh kiềm hãm sự phát triển do phục vụ cho lợi ích nhóm. Minh chứng cho điều này đúng là rất rõ khi chúng ta chịu nhìn lại những biến động của các nước trên thế giới gần đây như Thái Lan và Ai cập.

Vì thế hiến pháp cho một đất nước đang trong thời buổi thanh bình cần xây dựng phù hợp trong vấn đề tham chính của các lực lượng an ninh quốc phòng, nhưng không được quên đi quyền lợi và nghĩa vụ của lực lượng gìn giữ an bình cho một quốc gia.

Tổng hợp 3 vấn đề: triết học, văn hóa lịch sử và thời thế đã nói ở trên có lẽ Việt Nam thời xây dựng và phát triển không khó để tìm ra một hiến pháp hợp lý để đưa tổ quốc và dân tộc đi lên một cách vững bền. Phần còn lại của việc xây dựng hiến pháp cụ thể hay sửa đổi hiến pháp nước Việt trong tương lai gần xin nhường lại cho các think tanks.

Xin chúc cho đất nước Việt, dân tộc Việt có được một hiến pháp sửa đổi trong lần này hợp tình, hợp lý để đất nước và dân tộc có một hướng đi đúng, một tương lai sáng lạng như hòng mong ước.

Tư Gia, 22h26' ngày thứ Năm, 10/02/2011

Đăng nhận xét

0 Nhận xét