NƯỚC VIỆT HẰNG TUẦN 1

Ngày đăng: [Thursday, April 22, 2010]
Hôm nay lại cúp điện từ 11h AM đến 16h PM theo lịch cúp điện hàng tuần đã được thông báo từ nhà đèn. Clinic của tớ tuy nhỏ, nhưng cũng phải trang bị một máy phát điện ba pha với 25KW/h thì mới kham nổi tất cả cho việc chiếu sáng, chạy máy điều hòa không khí và phục vụ cho tất cả các trang thiết bị y tế hoạt động khi có bệnh nhân. Cứ mỗi giờ máy phát điện của tớ nó nuốt 10 lít dầu Diesel. Nhà đèn cúp 5 tiếng tớ phải đi tong 730.000VNĐ. Tớ phải viết 2 bài báo mới đủ tiền mua dầu chạy máy 5h đồng hồ. Huhuhu. Nhìn mình đã thấy thảm, nhưng nhìn qua thằng bạn thời trung học, còn thảm hơn. Hắn có một công ty hải sản xuất khẩu. Hắn có một khu đông lạnh sản phẩm, mỗi lần cúp điện là coi như đi tong các sản phẩm mà lại phải chạy lại hàng mấy giờ liền mới giữ được độ lạnh cần thiết. Hắn tính đi, tính lại thì đóng cửa công ty, lấy tiền bỏ ngân hàng và đi du lịch thì có lời hơn là hoạt động. Hắn bảo năm nay thật là hên, nhờ thế mà hắn có thời gian đi chu du thiên hạ, vì 10 năm nay hắn cúi mặt xuống đất như con heo cúi mặt vào cái máng.

Khí hậu năm nay hạn hán thật gay gắt. Không biết là do el nino, la nina gì gì đó hay không? Nhưng cứ cái kiểu phá rừng và làm thủy điện không có tư duy dài hạn thì sẽ dẫn đến hủy hoại môi sinh thật khủng khiếp. Chỉ cần một đập thủy điện ra đời thì rừng thượng nguồn chết sạch vì úng nước. Rừng hạ nguồn cũng trơ trụi vì khô hạn. Cuối cùng những cánh rừng ngày nào thượng nguồn chỉ còn dây leo, địa y. Rừng hạ nguồn chỉ còn xương rồng, cây cọ cố thủ với tình hình sa mạc hóa. Lấy đâu ra nước để mà bốc hơi, để mà tạo dòng chảy cho các con sông và lấy đâu hơi nước để mà mưa thuận gió hòa? Chưa hết, vì chúng mà mùa hạn không có nước vì hết rừng. Mùa mưa thì lũ lụt vì không còn rừng giữ nước mưa. Trong khi con số đập thủy điện trong cả nước hiện đang còn dang dở lên đến mấy trăm. Liệu khi chúng vào hoạt động thì el nono và la nina sẽ như thế nào?

Cho nên năm nay đến tháng 4 rồi mà chỉ có 3 -4 cơn mưa đầu mùa vội tới rồi vội đi. Chúng không đủ để làm tiết trời Sài Gòn mát lại với cái nắng ngày nào cũng 37-38 độ C. Nhưng chúng đủ để làm phá sản cái sự nghiệp to lớn của anh Huỳnh Ngọc Sĩ về cải tạo hệ thống cấp thoát nước thành phố. Chỉ vài milimet nước mưa nhưng đủ để úng ngập hầu hết các con đường. Nhưng cũng cảm ơn anh Huỳnh là anh đã làm cho tệ hơn tình trạng cấp thoát nước để có những đầm, ao, hồ nhân tạo ở các nơi để có thêm hơi nước cho cái không khí vốn oai bức vì tiết trời nắng hạn mà còn vì một thành phố mà người Pháp chỉ qui hoạch cho 3 triệu dân, nhưng bây giờ nó chứa đến 11 triệu người!

Tớ phone sang một số tòa soạn đề nghị làm một loạt bài về tình trạng ngập úng thành phố và giải pháp giải quyết vấn đề cốt nền thành phố. Mấy ông bạn già thì bảo: "Thôi anh ơi, đừng nghĩ ra chuyện làm gì. Anh nghĩ ra đề nghị thấy có chuyện làm thì nợ ODA ngày thêm chồng chất, nhưng việc làm xong như mèo mửa. Mai sau con chúng mình trả nợ thấy ông, thấy cha. Anh nghĩ giùm tôi mấy chuyện cải tạo con người tốt Xã Hội Chủ Nghĩa thì hay hơn. Vì tất cả đều do con người quyết định. Tớ bó tay chấm cơm".

Xoay sang con người, mấy hôm nay dân cư mạng la làng vì cái cô ngâm cứu sinh ngâm hoài đã 8 năm chưa ra tiến sãi, tự dưng không biết ma đứa lối quỷ đưa đường đụng vào nỗi niềm tự ái dân tộc nhược tiểu chưa thoát được bóng anh Tàu, làm bà con từ có học đến anh xe ôm rùng rùng tức giận. Giận thì cũng đáng tội, nhưng giận quá thì sẽ mất khôn, như ông bà ta đã nói. Khi chủ nghĩa dân tộc đẩy lên đến cực đoan thì bao nhiêu tai họa sẽ ập xuống như lịch sử dân mình đã từng bị những tên đầu sỏ và ma lanh chính trị đẩy vào lò lửa chiến tranh. Hậu quả nhãn tiền đã làm dân mình gần nữa thế kỷ mà vết thương lòng chưa lành được. Xã hội tụt hậu vì làm ăn kinh tế với tư duy của anh cầm súng bị tha hóa vì mãnh lực đồng "xiền" không thể hợp thời.

Quay lại clinic của tớ, không hiểu sao hôm nay có hai vị khách là thầy giáo tiếng Anh từ trời Tây, không mời mà đến. Một tay có nguồn gốc Turkey, nghe bảo đang là "giăng dây" tiếng Anh, tiếng Em ở một trường đại học dân lập ở Bình Dương, hắn keo kiệt còn hơn Lão Hà Tiện của Molière. Một tay Canada, chuyên nghề đánh cá, mùa lạnh thì xếp ghe thuyền chài lưới sang Việt Nam "giăng dây" tiếng Anh cho một trung tâm tiếng Anh tư nhân. Tay Canada tuy là dân chài lưới đổi đời nhờ trào lưu toàn cầu hóa, nhưng biết sức khỏe là vàng, không keo kiệt và bủn xỉn như tay Turkey. Nhưng dù có đổi đời thì cũng không ra khỏi kiếp dân chài, hắn chuẩn bị trở lại Canada với thuyền chài vì mùa hạ đã đến, chia tay thầy trò bằng màn đi ăn bụi bị tào tháo rượt chạy té khói, ai dè chạy vào clinic của tớ.

Cũng không hiểu tại sao chỉ 2 tháng nay căn bệnh mồng gà ở clinic của tớ nó tăng lên rõ rệt. Chỉ thống kê trong 3 tháng đầu năm nay thôi số bệnh nhân đến khám vì vô tình phát hiện và vì biết bệnh đến khám đã hơn con số của năm qua. Có lẽ tớ phải có một bài trong entry sau cho mọi người biết mà phòng tránh và biết chỗ mà đi điều trị, kẻo tiền mất tật mang.

Sau 5 tháng cố thủ với chính sách siết chặt tiền tệ bằng tăng lãi suất ngân hàng và giảm lãi suất đồng USD, có vẻ nâng được sức mạnh đồng VN lên được chút ít, khi giá chợ đen đã ngang bằng với giá ngân hàng. Hôm qua ngài Thủ Tướng muốn ngân hàng cắt giảm lãi suất sau khi đi hội nghị thượng đỉnh về vấn đề hột nhưn ở đất nước nghìn hoa. Không biết khi cung tiền thừa với cầu sau khi giảm lãi suất đợt này thì có kềm được lạm phát đang như đầu đạn hột nhưn đang chờ kích hoạt hay không? Ngay sau khi ngài thủ tướng về, không hiểu vì sao mà ngài bộ trưởng quốc phòng tức tốc sang thăm người anh em láng giềng môi hở răng lạnh. Chuyến đi của quan tư mã lần này được xem như là một cuộc khai thông về quan hệ ngoại giao với người anh em phương Bắc quan trọng nhất về quân đội từ sau bài học của ông Đặng Tiểu Bình.

Ngồi viết lẩm cẩm, thế mà đã mất của tớ đến 10 lít dầu Diesel chạy máy phát điện. Thôi tớ dừng để chuyển sang viết bài trả nợ cho Tia Sáng số tới và cho bạn tớ ở đại học Cuốc Gia TPHCM, kẻo không thì mệt lắm. Hẹn gặp lại mọi người mỗi tuần với những điểm tin nổi bật trong nước.

Asia Clinic, 13h30' ngày 22/4/2010

Đăng nhận xét

0 Nhận xét