NGÀNH Y TẾ VIỆT NAM CẦN THAY ĐỔI GÌ? PHẦN VI: PHÂN BỔ VÀ ĐÃI NGỘ

Ngày đăng: [Sunday, November 29, 2009]
 Bài liên quan:
+ Ngành y Việt Nam cần thay đổi gì: Quan niệm 
+ Ngành y Việt Nam cần thay đổi gì: Mục tiêu 
+ Ngành y Việt Nam cần thay đổi gì: Quản lý 
+ Ngành y Việt Nam cần thay đổi gì: Bảo hiểm y tế 
+ Ngành y Việt Nam cần thay đổi gì: Đào tạo 
+ Ngành y Việt Nam cần thay đổi gì: Quản lý dược

Thật là khó khăn để tìm những con số cho bài viết có tính khách quan, khi muốn viết chủ đề y tế Việt Nam cần thay đổi gì? Đặc biệt với chủ để phân bổ nguồn vốn, nhân lực và chế độ đãi ngộ với họ trong ngành y tế Việt Nam. Tôi đi tìm ở hầu hết các trang web nào là Bộ y tế, nào là các trường y lớn của Việt Nam như Đại học y Hà Nội, Đại học Y Dươc TPHCM v.v... không thấy nơi đâu có những con số thống kê về mỗi năm đào tạo bao nhiêu bác sĩ, giá cả từng loại dịch vụ thăm khám và chữa trị cho mỗi bệnh nhân và chế độ đãi ngộ cho từng trường hợp phẫu thuật cho các tiểu, trung, đại và siêu phẫu thuật là bao nhiêu? v.v...Thậm chí các con số trên website của bộ y tế cũng chỉ cập nhật đến thời điểm mới nhất là năm 1999 và 2003!!! Cuối cùng đành phải dùng phone để liên hệ bạn bè hỏi một số dữ liệu thô để xác minh lại lời của Bộ trưởng và Cục phó cục quản lý khám chữa bệnh Bộ Y tế.

Thôi thì đành lấy tạm con số cũ và kết hợp các tư liệu thô để mà viết. Dù chưa đúng nhưng nó cũng có chút gì khách quan hơn là cảm tính một vấn đề cần phải viết. Hai trường y lớn nhất nước ở Hà Nội và TPHCM trung bình mỗi năm đào tạo hệ chính qui khoảng 300 bác sĩ ra trường. Y Huế khoảng 200. Các trường khác trung bình khoảng 100. Như vậy với 14 trường y có đào tạo bậc đại học của cả nước, mỗi năm ra trường khoảng sấp sỉ 1.900 bác sĩ. Nhưng trong website bộ y tế theo thống kê cả nước chỉ có sử dụng 38.110 bác sĩ vào năm 1999. Không cần tính số bác sĩ được đào tạo trước 1975 ở cả 2 miền Nam - Bắc, bác sĩ chuyên tu đôn lên từ cái học thủng thẳng của ông Phạm Ngọc Thạch vẽ ra được đào từ 1975 đến năm 1989 bắt đầu đổi mới - Chỉ tính trong 20 năm gần đây, từ ngày cỡi trói số lượng bác sĩ ra trường cũng sấp sỉ con số 38.000, từ 14 trường y có đào tạo đại học. Vậy thì số còn lại họ làm gì? Ở đâu? Làm một bài tính ta sẽ thấy chúng ta đã lãng phí tài nguyên vô hình quá lớn. Hầu hết những học sinh vào trường y, không kể trường y thuộc hệ thống quân đội, thì điểm số thi cử cũng nói lên đây là chất xám thực sự của đất nước. Đặc biệt 3 trường y lâu đời nhất nước ở Hà Nội, Sài Giòn và Huế thì không ai có thể phản biện lại rằng những thí sinh vào đó bằng đường chính qui là thuộc loại "chuột chạy cùng sào" được.

Cái đáng buồn trong phân bổ bác sĩ ra trường không ở đâu giống như ở Việt Nam. Ở ngay các nước Đông Nam Á không ở đâu giống như ở ta là bác sĩ phải đi làm trình dược viên. Nếu tôi không nhầm thì trình dược viên trên thế giới chỉ cần tuyển một người tốt nghiệp phổ thông đào tạo marketing 6 tháng và một ít về sản phẩm cần bán là đi làm tốt (Tôi đã từng làm part-time job với chức danh Medical Advisor cho 1 hãng dược phẩm lớn hàng đầu thế giới vào Việt Nam những năm đầu cỡi trói kinh tế, nên tôi có đi họp và biết rõ việc này khi các đồng nghiệp trên thế giới cứ trố mắt nhìn vì ngạc nhiên là Việt Nam mình dùng chất xám ưu tú quá sang!!!). Số còn lại bỏ nghề đi buôn không ít, hoặc bỏ đất nước ra đi một phương trời khác tiếp tục lấy bằng tương đương, hoặc bỏ nghề đi làm nghề khác vì không thể theo đuổi nghề nghiệp đã từng đeo mang ở Việt Nam.

Ở các nước nếu bác sĩ làm cho hãng dược thì họ chỉ là người làm cô vấn chuyên môn thuê theo phi vụ đi nói chuyên môn về dược hoặc các hãng lớn thuê để nghiên cứu lâm sàng. Thế mà bác sĩ ở ta, những người được tuyển với tiêu chuẩn cao nhất của hệ thống đại học. Họ được đào tạo chính qui liên tục 6 năm đèn sách miệt mài với lâm sàng 4 năm với sách ta, sách tây đủ thứ ra trường rồi bỏ phí với cái công việc của một anh bán rau ở ngoài chợ không hơn, không kém!!!

Trong khi đó những bác sĩ được "đào tạo thủng thẳng" kiểu của ông Phạm Ngọc Thạch thì về nắm quyền lãnh đạo, cầm cân nảy mực cho vận mệnh của sự nghiệp chăm lo sức khỏe toàn dân, để thực hiện lời huấn dạy có tính duy tình: "thầy thuốc như mẹ hiền". Ở đâu cũng vậy, người càng ít học thì danh dự và lòng tự trọng càng thấp, nên không lạ gì khi ngành y Việt Nam càng dễ tha hóa.

Con số lấy được của tôi hôm nay ở một bệnh viện lớn nhất nước là thăm khám bình thường 30.000VND/lượt. Nếu khám theo yêu cầu là 70.000VND/lượt. Trong khi đó làm một siêu phẫu thì người phẫu thuật viên chính chỉ lãnh 100.000VND/case, đại phẫu là 75.000VND/case. Thế thì với số tiền được hưởng đó các thầy thuốc sẽ sống bằng gì khi làm một case siêu phẫu chỉ đủ để mua chưa được 1 đôi giày để mang? Và tiền để các bác sĩ làm nhà nước mua xe hơi đi từ đâu ra? Có người theo tôi biết vì tha hóa, có người đi làm nghề tay trái để kiếm sống vì danh dự. Thế thì làm sao họ có thể dốc hết tâm sức cho khoa học và cho người bệnh? Điều đó có đúng với những gì mà Bộ trưởng y tế và ông Cục Phó cục quản lý khám bệnh nói ra không? Có một sự sai số ghê gớm giữa những người quản lý tối cao của ngành y và thực tế cuộc sống do đâu?

Tại những trung tâm lớn thì thế, vậy những vùng sâu, vùng xa lấy gì để bác sĩ về tham gia công tác? Có phải vì thế mà họ phải đi làm trình dược viên? Một công việc tương đương với công việc của anh bán hoa quả ở các siêu thị của các nước lân bang?

Ngày tôi còn làm nhà nước còn nghe bảo: ban giám đốc thì ăn chia tiền xây dựng cơ bản, nhập trang thiết bị và dược. Phòng tổ chức bệnh viện thì ăn chia tiền đút lót nhận nhân viên mới. Các ban phòng khác thì ăn chia tiền giữ xe bệnh viện ... bác sĩ thì ăn trên bệnh nhân để tồn tại với sự đãi ngộ chưa đúng với lao động trừu tượng mà họ đã làm ra. Nên cuối cùng ai có cái tâm và có trình độ phải chịu đi ra khỏi hệ thống để tìm đúng sự đãi ngộ cho mình và làm đúng với lương tâm, lòng tự trọng mà mình đã có.

Trong quyền được làm người có hai quyền mà ở đâu trên thế giới cũng phải được tôn trọng như nhau đó là quyền được đi học và quyền được chăm sóc sức khỏe. Thế nhưng sự phân bổ về con người làm nghề, về đồng lương và về cung cấp trang thiết bị, đào tạo cho từng nơi của nước ta không bằng nhau. Có nên xem lại việc phân tuyến và việc phân bố nguồn vốn cho các địa phương để tạo ra một môi trường chăm sóc sức khỏe cho người dân tốt hơn không? Vì đào tạo bác sĩ thì như nhau, nhưng các bác sĩ "may mắn" xin được việc ở các bệnh viện lớn không vì trình độ mà vì "lý do khác" ở các trung tâm lớn thì được quyền làm những thủ thuật lớn hơn. Trong khi đó, những nơi được xem là "tuyến dưới" thì không được làm; mặc dù họ đã được đào tạo và làm được. Đó là việc ngành quản lý y tế Việt Nam cũng cần xem lại để góp phần giải quyết nạn quá tải của y tế ở tuyến trung ương. Theo hiểu biết của tôi thì nạn quá tải có 6 nguyên nhân sau:

1. Do phân bổ nguồn đầu tư không đồng đều của cách phân tuyến của ta.
2. Do quan điểm của lãnh đạo các bệnh viện đang quá tải cũng muốn tình hình quá tải tiếp tục xảy ra để kiếm nguồn cung cấp vốn rót từ chính quyền cho xây dựng cơ bản và trang thiết bị.
3. Cách tuyên truyền đến với người dân về chuyên môn của các tuyến dưới về mặt chính quyền chưa hoàn thành tốt. Nên người dân ai cũng muốn được chăm sóc sức khỏe với trình độ chuyên môn và trang thiết bị tối tân nhất đẫn đến quá tải ở các trung tâm lớn.
4. Do trình độ chuyên môn về mặt tiên lượng của các bác sĩ ở tuyến trên còn kém. Nên có tình trạng nhập viện và lưu bệnh quá yêu cầu bệnh tật làm sự sử dụng giường bệnh chưa hợp lý.
5. Một phần khác do tha hóa làm cho kéo dài số ngày nằm viện không cần thiết.
6. Trình độ quản lý của các lãnh đạo các bệnh biện ở Việt Nam còn rất kém.

Nếu tôi không nhầm thì ở các nước tiên tiến có những bệnh viện nằm ở xa  xôi hẻo lánh nhưng vẫn là trung tâm điều trị tốt nhất. Vì họ quan niệm bệnh viện là một khách sạn chuyên chăm sóc sức khỏe cho người bệnh. Nên các yêu cầu để một không gian xây dựng bệnh viện tối thiểu phải có: môi trường bệnh viện phải có không khí thoáng đản, không có tiếng ồn, có đầy đủ cây xanh, có đầy đủ ánh sáng và được xử lý tốt chất thải không gây ô nhiễm môi trường dân cư. Trong khi đó bệnh viện ở ta bệnh viện chen chúc nhau trong không gian chật hẹp của môi trường đông dân cư và đô thị ô nhiễm về tiếng ồn và cả không khí.

Để chứng minh cho những tha hóa, quan liêu và không khoa học trong quản lý ngành y Việt, tôi xin lấy ví dụ mới nhất, sống động nhất và đáng buồn cười là: hôm qua các "nhà y học quân đội" được sự phân công của bộ y tế đã họp tại một khách sạn ở Sài Gòn để làm một cuộc thẩm định về các bệnh nhân tâm thần đã được phẫu thụat tại bệnh viện đa khoa Bình Định mà tôi đã viết trong bài: Chữ Tâm hay chữ cường quyền? Tôi không hiểu một thành phố lớn như TPHCM lại không có một bệnh viện thuộc hệ thống quân y như bệnh viện 175 (Quân y viện Cộng Hòa cũ) để các "bác sĩ quân y" trong hội đồng khoa học tổ chức một cuộc thẩm định hay sao mà họ lại kiếm một khách sạn không có trang thiết bị y tế, để làm cuộc khám bệnh cho một công trình khoa học quyết định một chỉ định điều trị cho người bệnh? Ai sẽ bỏ tiền ra để thuê khách sạn cho các nhà "y học quân đội" trong "nghiên cứu và đánh giá khoa học" này? Đã thế cái khách sạn mà các nhà "y học quân sự" lấy làm nơi để "nghiên cứu và đánh giá" phẫu thuật cho bệnh nhân tâm thần lại có một tiền sử không tốt về kinh doanh, vì nó đã từng là một ổ mại dâm!!! Hay thật, các nhà khoa học  y học trên thế giới thì nghiên cứu trong những phòng Lab và bệnh viện, còn ở tổ quốc tôi thì những nhà "y học quân đội" thì lấy số liệu và nghiên cứu ở ...?

Đây chỉ vài dòng phát thảo những bất cập về phân bổ nguồn nhân lực và nguồn vốn cũng như sự đãi ngộ nghề y để mong rằng ngành y tế chúng ta có được những tư duy mới trong quản lý, mong rằng giúp ích cho người dân được công bằng trong chăm sóc sức khỏe ở mọi miền đất nước.

Đăng nhận xét

0 Nhận xét