NÊN LO HAY NÊN MỪNG?

Ngày đăng: [Thursday, September 16, 2010]
Với những ngôi trường trung học có không gian rộng với nhiều họat động ngọai khóa rèn luyện kỹ năng sống và để học sinh có những buổi họat động với thiên nhiên thì làm sao trẻ có thời gian để đối xử nhau bằng nắm đấm?
Cây Phong mùa thu Đông Bắc Mỹ

Với hàm lượng thông tin "cướp giết hiếp" đậm đặc như thế này thì báo và những người định hướng cho báo chí phải có trách nhiệm với tình hình bạo lực học đường và xã hội


Hôm nay rảnh vì không viết những bài về giáo dục của người lớn. Nói là người lớn vì đã lo chuyện học MBA thì phải trưởng thành. Dạo qua một vòng các trang báo mạng mới thấy, báo bây giờ không còn gì để viết ngòai chuyện thiếu giáo dục. Đành rằng, nhiệm vụ đưa thông tin trung thực là nhiệm vụ của báo, nhưng hàm lượng thông tin nặng chất hình sự vì chuyện cướp giết hiếp là một điều cần xem lại. Xem lại ở đây không chỉ riêng của trang báo mà phải xem lại cả khách thể: người tổng biên tập của 700 tờ báo cả nước và chủ thể: tòan ban biên tập của từng trang báo riêng.

Trang báo mạng có lượng độc giả đứng vị trí hàng đầu cả nước là trang VNExpress, thử nhìn trang nhất với những tin nỗi bật: Ô tô lọt hố địa ngục vì đường lấp cẩu thả, Đại lý bán vé máy bay bắt đầu gửi đơn đòi nợ Hà Dũng, 5 người nước ngòai trộm két bạc ở nhiều công sở, Tác giả vệt nắng cuối trời không muốn làm nhạc sĩ, Tranh cãi gay gắt vì kịch bản khát vọng Thăng Long, Cà phê nằm ở Sài Gòn, Rùa Hòan Kiếm dẫn đầu nguy cơ tuyệt chủng, Tấm lòng người Hà Nội, Một phụ nữ Việt gạ bán tình vì thua bạc, Ngư dân lần đầu bắt được hải cẩu trên phá Tam Giang, Những cái chết bất ngờ trời giáng, Nữ sinh bị đánh hội đồng, quay clip, và Rao tình ở nhà vệ sinh trạm xe búyt Sài Gòn. Nếu làm một thống kê mô tả có tính cảm tính thì có đến 8/13 tin trang nhất báo này là thông tin cướp giết hiếp,. Nó chiếm một tỷ lệ 61,5% hàm lượng thông tin chính.

Năm ngóai, cũng lọat bài về giáo dục bậc phổ thông, tôi đã có những bài viết trên báotrong blog này tâm sự của một người ở góc độ ưu tư cho các thế hệ tương lai của đất nước dưới tình hình xã hội đang xuống cấp về đạo đức, lối sống và tầm nhìn của các nhà cầm cân, nảy mực cho vận mệnh quốc gia, dân tộc. Thiết nghĩ không cần viết nữa, nhưng khi thấy một trang báo mạng được nhiều nguời đọc quan tâm nhất nước, mà có hàm lượng bài viết về những vấn đề cướp giết hiếp cao đến thế làm tôi phải xới lại vấn đề "lề của báo", mà hai ông tổng biên tập cho hết 700 tờ báo trong nước đã đưa ra.

Là người đã từng viết báo nghiệp dư trong thời gian ngắn vừa qua, tôi thấu hiểu khó khăn của các báo trong nước, nhưng tôi lại không thể thông cảm với cách làm báo hiện nay với một hàm lượng thông tin dày đặt làm ảnh hưởng đến tư duy cộng đồng như thế.

Có hai vấn đề cần bàn ở đây, một là hai ông Tổng biên tập của 700 tờ báo cần phải có một tầm tư duy ở mức vĩ mô cho báo chí trong nước. Đành rằng tự do cũng phải có lề: "Tự do của tôi không được phép vi phạm đến tự do của anh và ngược lại. Đó là tự do đích thực." Nhưng ở đây tự do của 2 ông tổng biên tập đã xâm phạm đến tự do ngôn luận của báo chí là buộc báo chí đi theo những gì mà 2 ông qui định. Đó là chủ quan và duy ý chí. Chúng ta đã một thời chủ quan, duy ý chí và đẩy đất nước đến cảnh khốn cùng trong 15 năm sau ngày thống nhất. Không lẽ bây giờ lại dẫm lên vết xe đổ của những năm tháng cũ?

Hai là các báo tự thân phải hiểu và biết biên tập các nội dung bài viết cho cân đối với lượng thông tin được công bố trong ngày. Có những thông tin thuộc về điều tra hình sự thì cũng không nên đưa nhiều kỳ có tính giật gân câu khách, mà làm ảnh hưởng đến tư duy non nớt trẻ thơ, như bài báo Nữ sinh bị 3 bạn gái đánh hội đồng có quá nhiều báo xào nhau và đăng liên tục nhiều kỳ như thế.

Trường học là nơi cần không gian, tránh thiếu ánh sáng và không ô nhiễm về âm thanh cũng như cuộc sống thường ngày xung quanh. Đó là những tiêu chí chung nhất cho tất cả các bậc học từ tuổi ấu thơ đến sau đại học. Thế nhưng các trường học của chúng ta hầu hết đặt ở trung tâm thiếu đất, nhiều tiếng ồn, gần khu dân cư. Đó là chưa nói đến thiếu thầy cô đủ chất lượng để giảng dạy vì cơ chế đãi ngộ và đào tạo. 

Thế nhưng chúng ta lại đi trách trẻ đánh nhau, trong khi trường học của trẻ không có không gian tung tăng và giải quyết tính hiếu động của tuổi mới lớn. Nếu mỗi trường học của chúng ta, có sân vận động để trẻ họat động thể thao, có câu lạc bộ để trẻ tham gia những họat động thiện nguyện và tập học những kỹ năng sống vào đời, thì liệu trẻ có thừa thời gian để giải quyết những tù túng trong tâm lý lứa tuổi mới lớn bằng nắm đấm không? Nếu báo chí không có một hàm lượng cao các đề tài cướp giết hiếp thì có định hướng trẻ trong thời đại thông tin với những trò chơi trên mạng đầy bạo lực không?

Thiết nghĩ, cả hai khách thể và chủ thể của các nơi có trách nhiệm đưa thông tin đến cộng đồng đã nói ở trên, nếu nghĩ cho cùng, thì đều có tính chủ quan và chủ thể đóng vai trò trực tiếp góp phần không nhỏ trong những vấn nạn ở học đường bậc giáo dục phổ thông hôm nay.

Người lớn thì được bộ giáo dục định hướng đến năm 2020 phải có đủ 20 vạn tiến sĩ, nên phải học trường dỏm để mua bằng giả. Trẻ con thì thiếu không gian sống, vui chơi và họat động lành mạnh, nên phải nhiễm độc vì những thông tin bị lề giới hạn của báo chí mà 2 ông tổng biên tập đã đưa ra và trò chơi trực tuyến đầy bạo lực. Một đất nước có nền giáo dục và thông tin như thế thì nên mừng hay nên lo?

Asia Clinic, 13h36' ngày thứ Năm, 16/9/2010

Update lúc 9h11' AM ngày thứ Sáu, 17/9/2010: Sẽ nghỉ viết vài hôm để mọi người đọc các entries về các trường dỏm, bằng giả cho thấm rồi tớ sẽ bắt đầu lọat bài săn học bổng Mẽo, nếu ai có hỏi cụ thể muốn lấy học bổng ở bậc học nào? Ở đâu tại Mẽo?

Đăng nhận xét

0 Nhận xét