MỘT CÔNG VĂN 2000 THẠC SĨ TIÊU TỐN 18 TRIỆU ĐÔ LA

Ngày đăng: [Tuesday, September 07, 2010]

Bài này chúng tôi viết và làm đi làm lại 5 lần. Nhưng bây giờ tôi xin post lên đây bài nguyên bản mà chính tay tôi là người biên tập nó cuối cùng như sau:


MỘT CÔNG VĂN 2000 THẠC SĨ  TIÊU TỐN 18 TRIỆU ĐÔ LA

Kinh hoàng về lỗ hổng quản lý ở Việt Nam. Một chương trình “ngoại” chưa được cho phép đào tạo, phương thức đào tạo online cũng chưa được phép thực hiện ở Việt Nam, một Trung Tâm không có chức năng đào tạo đã kết hợp nhau đào tạo hơn 2000 thạc sĩ ngốn hết 18 triệu đô la Mỹ. Chất lượng đào đạo, giá trị văn bằng ra sao vẫn còn là dấu hỏi.

HỒ HẢI – TRƯƠNG HIỆU

Một chương trình đào tạo MBA online được quảng cáo rầm rộ, thậm chí được quảng cáo bằng cách không hay lắm là gởi thư rác vào hộp thư điện tử của nhiều người là Chương trình Thạc sĩ Quản trị kinh doanh (MBA: Master of Business Administration) online của Columbia Southern University (CSU) tổ chức giới thiệu chương trình này nghe tên cũng đầy uy tín: Trung tâm Hợp tác đào tạo quốc tế thuộc Hội Khuyến học VN. Chúng tôi tìm hiểu về nguồn gốc của CSU.

CSU- chương trình không được công nhận
Theo những thông tin trên mạng, thì CSU là một trường cao đẳng cộng đồng tư nhân thành lập năm 1993 chỉ đào tạo online cho những đối tượng là những người dược xem là nhiều khổ đau trong xã hội như lính cứu hỏa, giờ giấc không thể sắp xếp được, những người lính trên chiến trường chết nay, sống mai, những người mẹ, không chồng mà có con, một mình phải lo mọi chuyện, phải sống bằng tiền trợ cấp xã hội, hay những cai tù ... (The firefighter with an unpredictable schedule, the soldier shifting from place to place to preserve our freedom, the single mother working hard to advance her career and support her children – these are the faces of CSU.). 

Tất cả các trường Online không có giá trị bằng cấp, không dùng để học tiếp lên cao được, không dùng để đi kiếm việc được. Nó chỉ có ích cho việc nâng cao kiến thức. Thế nhưng khi sang Việt Nam thì nó gặp được một môi trường lý tưởng dể phát triển.

Theo College Board (tổ chức chuyên khảo thí, kiểm định, đánh giá chất lượng đại học của Mỹ) CSU chưa được bất kỳ tổ chức uy tín nào về giáo dục của Mỹ công nhận, chỉ có Distance Education and Training Council (DETC: Hội đồng huấn luyện và giáo dục từ xa) công nhận CSU theo chương trình giáo dục từ xa.
Theo những phương pháp nhận diện các Diploma mill, tên Columbia Southern University, giống tương tợ với các tên trường nổi tiếng có uy tín lâu đời như Columbia University thuộc New York). Ngoài ra, tên viết tắt của trường là CSU cũng dễ khiến nhiều người nhầm tưởng đây là hệ thống đại học nổi tiếng của tiểu bang California (The California State University - CSU) có đến 20% tổng số sinh viên toàn thế giới đến du học trên toàn nước Mỹ.

Trong khi học MBA đòi hỏi TOEFL tối thiểu là 600 thi trên giấy (PBT: Paper based Test), ít nhất 2 năm kinh nghiệm và phải lấy điểm cao kỳ thi GMAT(Graduated Management Admission Test: kỳ thi nhập học sau đại học ngành quản trị) và thư giới thiệu của giáo sư đại học. Nhưng thật ngạc nhiên khi trên các thông báo công khai, mức yêu cầu tiếng Anh cho chương trình MBA liên kết với CSU của học viên rất thấp, chỉ cần có chứng chỉ TOEFL tối thiểu 530 (PBT), 71 thi qua internet(iBT: internet based test), IELTS từ 6.0 trở lên. Với tiêu chuẩn này còn thấp hơn để học cử nhân ở một trường đại học trung bình của Mỹ yêu cầu. Như thế tưởng đã quá dễ, không ngờ, trong thực tế lại còn dễ dàng hơn. Trong vai người đăng ký học, chưa có TOEFL chúng tôi được bà Nguyễn Ngọc Nhã Trúc, đại diện Trung tâm Hợp tác đào tạo quốc tế, đã trả lời “Nếu học viên không đạt yêu cầu trình độ tiếng Anh đầu vào thì có thể tham dự và hoàn thành khóa học bổ túc. Trường sẽ tổ chức ôn thi phần tiếng Anh trong ba tuần với chí phí 1,5 triệu đồng là có thể vào học”.

Điều quan trọng nhất CSU không có trong danh sách 121 chương trình đại học nước ngoài mà Bộ GD_ĐT cho phép đào tạo tại Việt Nam. Như vậy rõ ràng việc đào tạo của CSU tại Việt Nam là trái phép.

Trung tâm không có chức năng liên kết đào tạo
Theo giới thiệu của Trung tâm, cơ sở pháp lý để trung tâm thực hiện chương trình liên kết này là Công văn 8621/GDTX ngày 27-9-2002 của Bộ GD& ĐT. Nhưng Công văn 8621/GDTX, chỉ đồng ý để Hội Khuyến học VN: “Tư vấn, giới thiệu và cung cấp các thông tin cho học viên VN về các khóa đào tạo từ xa qua mạng internet của các cơ sở đào tạo có chất lượng, có uy tín trong nước và quốc tế. …”.

Tại văn phòng liên lạc phía Nam của Trung tâm Hợp tác đào tạo quốc tế (7 Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1, TP.HCM), tiếp xúc với phóng viên, ông Nguyễn Ba Đạt- chuyên viên tại văn phòng phía Nam khéo léo né tránh “CSU quản lý tất cả: từ danh sách học viên, chương trình đào tạo, kết quả thi, công nhận tốt nghiệp… còn đây chỉ là văn phòng trú đóng nhằm giới thiệu chương trình, thông tin tuyển sinh cho học viên.”.

Tuy nhiên, một phóng viên khác sắm vai người đăng ký nhập học gặp bà Nguyễn Ngọc Nhã Trúc, đại diện Trung tâm Hợp tác đào tạo quốc tế thì nội dung giao tiếp lại khác đi. Người nhập học sẽ ghi danh đóng tiền trực tiếp cho trung tâm. Học phí hệ chính khóa của chương trình MBA lên đến 8.230 USD (chưa gồm chi phí sách giáo khoa trị giá 600 USD). Ngày nhập học, học viên sẽ đóng trước một nửa, phần còn lại đóng sau khi học được bảy tháng. Trong quá trình học, nếu rớt môn nào, học viên phải học lại môn đó đồng thời đóng thêm học phí mỗi môn là 780 USD.

Bà Nguyễn Ngọc Nhã Trúc cũng khẳng định, “Trường sẽ tổ chức ôn thi phần tiếng Anh trong ba tuần với chí phí 1,5 triệu đồng là có thể vào học”. Như vậy, không chỉ nhận học viên, thu tiền, trung tâm còn tổ chức thi đầu vào. Đây không thể gọi một cách lấp liếm là cung cấp thông tin  hay tư vấn.

Ba không thành có
Vấn đề đặt ra ở đây là lỗ hổng kinh hoàng về quản lý. Chương trình học của CSU chưa được Bộ Giáo dục Đào tạo cho phép, hình thức đào tạo online cũng chưa được Bộ cho phép, Trung tâm của Hội khuyến học không có chức năng liên kết đào tạo. Thế nhưng ba cái không này vẫn phối hợp với nhau đường hoàng liên kết hoạt động từ năm 2002 đến nay. Trong hơn 8 năm, chương trình đào tạo của CSU được Trung tâm Hợp tác đào tạo quốc tế (thuộc Hội Khuyến học VN) triển khai ở cả phía Bắc và phía Nam hơn 20 khoá có 2.000 học viên theo học.

Vấn đề đặt ra là chất lượng đào tạo online của CSU ra sao? Giá trị các văn bằng này có được công nhận ở Việt Nam như các bằng thạc sĩ bình thường khác không? (ở nước ngoài thì chắc chắn là không) Nếu giá trị bằng cấp không được công nhận, ai sẽ đền bù thiệt hại cho các học viên?

Tiêu điểm
CSU  chỉ là trường nâng cao dân trí
Các trường đào tạo từ xa ở Mỹ được DETC kiểm định và công nhận tuy hợp pháp nhưng chỉ được xem là dùng để nâng cao dân trí, dành cho người đã đi làm, bận rộn, hoặc trước đó học hành dở dang... Bằng của những trường này thường không được các đơn vị tuyển dụng đánh giá cao như bằng của các trường được kiểm định vùng, và cũng ít được chấp nhận vào khu vực công (nhà nước) hoặc những ngành quan trọng cần sự chuyên nghiệp cao như giáo dục, y học, kiến trúc, kỹ sư…
Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo (ĐH Quốc gia TP.HCM)

 DETC, chủ yếu công nhận các trường hoạt động trực tuyến
“ DETC là loại kiểm định quốc gia, mức độ giá trị thấp hơn kiểm định vùng. Kiểm định vùng được xem là “tiêu chuẩn vàng” của kiểm định giáo dục ĐH ở Mỹ. Các chứng chỉ được cấp bởi những trường được kiểm định quốc gia nói chung không thể sử dụng được tại những trường được kiểm định vùng, đồng thời văn bằng do các trường được kiểm định quốc gia cấp cũng không được chấp nhận tại các trường được kiểm định vùng. “Điều này gây khó khăn cho sinh viên, chẳng hạn trong trường hợp họ đã có bằng cử nhân tại một trường kiểm định quốc gia muốn nộp đơn học chương trình thạc sĩ quản trị kinh doanh (MBA) của những trường được kiểm định vùng. Chỉ một số trường được kiểm định quốc gia thông báo cho sinh viên tương lai biết điều đó. Tôi biết có một số sinh viên VN đang gặp phải tình trạng tiến thoái lưỡng nan này (các trường kiểm định vùng không chấp nhận để chuyển đổi tín chỉ hoặc học tiếp lên nữa)” theo web site củaTiến sĩ Mark Ashwill, nguyên Giám đốc Viện Giáo dục quốc tế (IIE) tại Việt Nam
Quốc Dũng

Ông Trần Văn Nghĩa, Phó cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ Giáo dục& Đào tạo (GD& ĐT):
Đang vào cuộc kiểm tra
Trước thông tin về việc liên kết đào tạo giữa Trường Columbia Southern University (CSU) của Mỹ với Trung tâm Hợp tác Đào tạo quốc tế thuộc Hội Khuyến học VN, Bộ trưởng Bộ GD& ĐT đã giao cho Cục kết hợp với Cục đào tạo với nước ngoài làm rõ vụ việc.
Việc đào tạo trên chưa hợp lý so với giấy phép đăng ký của trường. Bộ sẽ xử lý nếu trường làm sai quy định. Công văn số 8621/GDTX ngày 27-9-2002, thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ các chương trình đào tạo từ xa quốc tế, Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam giao cho Trung tâm Hợp tác Đào tạo Quốc tế giới thiệu Chương trình Thạc sỹ Quản trị Kinh doanh do CSU (Hoa Kỳ) với nhiệm vụ là tư vấn chứ không phải đào tạo và cấp bằng tốt nghiệp như những gì đã quảng cáo tại Việt Nam.
Nếu làm không đúng, Bộ sẽ xử lý ngay. Trong quá trình Bộ đang làm rõ sự việc này, Trung tâm không được phép nhận tuyển sinh. Nếu đăng thông báo tuyển sinh là sai. 






TỐ NHƯ

Asia Clinic, 13h28', ngày 13/8/2010 

Đăng nhận xét

0 Nhận xét