MỘT CHÚT QUÁ KHỨ VÀ MỘT CHÚT HIỆN TẠI 4

Ngày đăng: [Tuesday, May 18, 2010]
NHỮNG BIẾN ĐỘNG THỜI ĐỆ NHỊ CỘNG HÒA

Cảm nhận chiến tranh: Giai đoạn chuyển giao từ nền Đệ Nhất Cộng Hòa sang Đệ Nhị Cộng Hòa là một giai đoạn có nhiều biến động của quê tôi. Dấu hiệu khắc ghi về chiến tranh đầu đời của tôi kinh hoàng nhất ở Qui Nhơn là đang xem phim ở rạp Trưng Vương. Đây là phần thưởng má tôi tặng tôi vì tấm bằng danh dự hằng tháng. Khi rạp đang say sưa với phim ảnh, một tiếng nổ long trời lở đất phát ra từ góc trên, bên phải rạp chiếu bóng. Rồi một phút yên lặng, sau đó là tiếng hét, tiếng la tiếng kêu cứu và những bước chân ùa chạy thục mạng ra khỏi rạp cinema. May mà hồi đó, con nít đi xem thường mua vé ở giữa rạp, nên không hề hấng gì. Chỉ thấy tiếng o, o cứ kêu trong tai suốt mấy ngày sau. Tôi định thần và biết rằng bây giờ mà chạy ra sớm thế nào cũng bị chèn chết. Lúc đó, tôi cố thủ trên ghế và chạy theo sau. Sau này về nhà nghe nói có nhiều trẻ em bị dẫm đạp mà chết. 

Là trẻ con, tôi và các bạn cùng lớp không hiểu tại sao, và vì đâu có tiếng nổ? Chỉ biết cùng ùa chạy với mọi người ra khỏi rạp. Có đứa sợ quá tè cả ra quần, con gái thì chỉ có khóc và khóc. Ra khỏi rạp, chúng tôi không thể tìm thấy nhau, mạnh đứa nào tự lo thân đứa ấy. Lúc đó, chỉ biết lo ra bến xe nhảy lên xe Lambretta 550 để về nhà. Về đến nhà, má tôi chỉ biết khóc. Tôi hỏi vì sao có tiếng nổ? Người lớn bảo rằng mấy ông nằm vùng đặt mìn Claymore để gây chấn động và tiêu diệt ông cảnh sát trưởng mà họ cho là ác ôn. Sau bận đó, cứ hầu như mỗi vài ba tháng đều có một vụ đặt mìn ở rạp này hay rạp khác. Mỗi lần đặt mìn là hầu như đều có những ông cấp lớn đi xem. Từ đó, tôi không bao giờ được phép má cho đi xem cinema nữa. Má tôi sắm một máy hát đĩa hiệu Panasonic standard, có cả radio nghe đài phát thanh để ở nhà mà nghe.  Thế nhưng cứ mỗi dịp tết đến, được thả chuồng một hai buổi đi chơi là chúng tôi lén rủ nhau đi xem trộm và cũng không bao giờ dám về kể lại với người lớn.

Khoảng năm đầu thập niên 1970s? tôi không nhớ rõ. Ở trường trung học tư thục Tây Sơn, nằm ở gần ngã ba Đống Đa. Một ngã ba quan trọng của đại lộ Gia Long (bây giờ là đường Trần Hưng Đạo) với đường nối xuống bến cảng quân sự Qui Nhơn mà người Mỹ mới mở hồi 1965. Có một anh nam sinh tên Minh, tôi không còn nhớ rõ họ. Anh xin một lính Mỹ điếu thuốc, lính Mỹ từ chối. Hai bên gây gỗ. Lính Mỹ rút súng bắn anh chết tại chỗ, khi anh đang ngồi trên một lan can ngăn cách trường và đường Gia Long. Sau vụ đó, học sinh sinh viên và Phật tử xuống đường suốt ngày đêm chống Mỹ. Lựu đạn hơi cay, dùi cui và hàng rào bảo vệ các khu vực lính Mỹ đóng quân đêm ngày túc trực. Từ đó làn sóng biểu tình chống Mỹ ở Qui Nhơn nổi lên liên tục. Ngay cả những phụ nữ làm Me Mỹ cũng bị rẻ khinh. 

Sau này trưởng thành tôi nghiệm lại: Người Mỹ vào Việt Nam mang theo cái văn hóa duy lý và thói tự kiêu của kẻ cả đứng đầu thế giới. Họ đã không hiểu hết lịch sử, văn hóa Việt. Họ đã sai lầm khi áp đặt tư duy chiến tranh của họ lên một dân tộc có nền văn hóa duy tình và một lịch sử dựng và giữ nước hàng ngàn năm với kẻ thù phương Bắc. Đây là nguyên nhân thất bại về mặt chiến tranh tư tưởng trong cuộc chiến Việt Nam. Ngoài ra mục đích người Mỹ vào Việt Nam không phải là muốn Việt Nam thành một đồng minh của Mỹ. Vì người Mỹ không bao giờ có đồng minh vĩnh viễn. Mà mục đích của họ chỉ lấy Việt Nam là tiền đồn để thực hiện 2 mục tiêu chính: một là ngăn chặn làn sóng Quốc tế Cộng sản lan rộng xuống Đông Nam Á và toàn cõi châu Á  theo thuyết Domino, và hai là họ đã và đang thèm khát thị trường lớn nhất thế giới, họ sẽ thôn tính Trung quốc một khi Liên xô có động tịnh vấn đề này. Sự thực dụng của người Mỹ đã lộ rõ khi Henry Kissinger đi đêm với Mao và cuộc gặp gỡ lịch sử giữa Nixon và Mao năm 1972 đã là kết cục của cuộc chiến Việt Nam và sự kết liễu nền Đệ Nhị Cộng Hòa ở miền Nam. Tôi còn nhớ câu nói nổi tiếng của ông Kissinger lúc đó nói với Nixon là: "Chúng ta nên bỏ thị trường 50 triệu để chọn 1 tỷ". Ngày nay sự trỗi dậy của Trung quốc đã là gậy ông đập lưng ông cho thói thực dụng của người Mỹ.

Những biến động xã hội: Từ ngày người Mỹ bắt đầu chiến tranh đặc biệt, cũng là ngày Qui Nhơn chuyển mình thức giấc. Một thung lũng làng chài được quây quanh bởi núi, đầm và biển chân chất như cô gái đen đui, xấu xí miệt biển, bỗng trở mình như cô Me Mỹ diêm dúa với sặc sở những đầm váy tung tăng. Đi đôi với nó, nhiều nhà tư sản mại bản ra đời. Họ nhanh chân nhảy vào thị trường cung cấp những vật phẩm cho chiến tranh. Họ giàu lên nhanh chóng. Một trong những nhà kinh doanh khách sạn nổi tiếng Qui Nhơn lúc bấy giờ là Khách sạn Việt Cường. Ở đây, có nhiều cuộc họp, nhiều quan lớn có mặt để tham gia cuộc họp.

Bắt đầu từ những rạp chiếu phim, các cuộc đánh bom lan dần ra các nơi có tiếng trong thị xã Qui Nhơn. Một thị xã mà người Mỹ chọn làm nơi quan yếu cho cuộc chiến, khi nó là cảng quân sự để cung ứng những trang thiết bị quân trang, quân nhu cho hầu hết các tỉnh khu năm và Tây Nguyên. Nhớ rõ nhất là một sáng, chúng tôi đến trường được thầy thông báo hôm nay nghỉ học. Chúng tôi còn ngơ ngác không hiểu vì sao? Thầy hiệu trưởng cho tập họp dưới cờ, chúng tôi được lệnh chào cờ với lá cờ rủ kéo xuống mang dải tang đen để tưởng niệm những người bị bỏ thân trong đêm lầu Việt Cường bị đánh bom. Hồi đó còn quá nhỏ để có thể thức dậy trong đêm vì một tiếng nổ lớn cách nhà tôi khoảng hơn 2km theo đường chim bay. Hơn nữa, hầu như ngày nào chúng tôi cũng có thể nghe tiếng súng, tiếng máy bay hay tiếng lựu đạn của các ông lính Cộng Hòa đánh cá trên sông Hà Thanh, trên đầm Thị Nại. Nên với chúng tôi, giấc ngủ vẫn êm đềm dù có bom rơi, đạn lạc ở kề bên. Và vụ đặt bom ở lầu Việt Cường không làm chúng tôi chú ý. Sau này đọc Lạc Đường của Đào Hiếu, tôi mới hiểu hết sự kiện này.

Làng Hưng Thạnh, như tôi đã viết trong phần 3: Nhất qủy nhì ma thứ ba học trò thời loạn lạc. Với chính thể VNCH, nó là một vùng oanh tạc tự do, vì ở đó 100 gia đình thì có đến hơn 100 thương binh và liệt sĩ cách mạng. Con sông ngăn cách khu tôi ở với làng Hưng Thạnh chỉ khoảng hơn 100 mét bề ngang. Người ta không bắt cầu, có một chị bị câm điếc chèo đò đưa dân từ bên ấy sang để mua bán và sinh hoạt hằng ngày. Mỗi sáng, lính địa phương hoặc dân quân tự vệ đều đứng đầu đò phía Nam để kiểm soát từng túi xách người dân Hưng Thạnh sang sông. Vì thế hầu như tuần nào cũng có những trận càn kết hợp thủy lục, không quân đối với ngôi làng này. Trên trời máy bay cứ quần thảo, cán gáo với súng rocket liên thanh và đạn phóng lựu M79 bắn như rãi rạ. Trên sông các tàu bobo lướt như tên bắn trút đạn như mưa vào làng. Trên bộ, lính địa phương quân nấp vào bờ đê phía Nam sông Hà Thanh nã đại liên 12ly7. Lúc ấy chúng tôi vẫn tỉnh như không, leo lên mái nhà xem những trận càn bên Bắc bờ sông.

Cứ mỗi lần như thế, chiến lợi phẩm của những trận càn là một vài ông đặc công, trinh sát với chiếc quần đùi, thân trần đầy lọ nghẹ, được lính Mỹ hay Đại Hàn dùng móc ba chỉa móc vào gáy lôi về phía ấp chiến lược nơi tôi sống để răn đe dân tình. Hồi đó, những tờ truyền đơn tôi đọc thấy người ta vẽ 7 ông Việt Cộng đu một cành đu đủ không gãy, nhưng những người này ai họ cũng mập nung núc những thịt. Những cái xác để đó, ruồi bâu, kiến đậu vài ba hôm không ai dám đến nhận, rồi cũng được mang đi làm gì không ai biết.

Núi Một, tên của nó là vì nó là hòn núi đứng riêng rẻ một mình, tách ra khỏi dãy núi liên kết trùng điệp với dãy trường sơn phía Tây Bình Định vươn ra biển Đông. Đầu của núi Một nhô ra chạm với sông Hà Thanh đối diện làng Hưng Thạnh. Đuôi núi Một là đại lộ Gia Long nối với chiếc cầu Đôi bắt ngang đoạn con sông Hà Thanh đi vào một hồ có cùng tên hòn núi, nhưng lại nằm phía Tây núi Bà Hỏa hay còn có cái tên rất dân giã là Hóc bà Bếp. Núi Một và Núi Bà Hỏa cách nhau đại lộ Gia Long. Đứng trên đầu núi Một có thể quan sát toàn bộ làng Hưng Thạnh, quận Nhơn Định ngoại vi Qui Nhơn, đầm Thị Nại và đại lộ Gia Long với cầu Đôi - cửa ngõ duy nhất của Qui Nhơn nối liền với quốc lộ 19, nối liền khu vực Tây Nguyên. Khi người Mỹ vào Qui Nhơn, họ xây dựng một lô cốt kiên cố, với những lỗ châu mai nhìn sang làng Hưng Thạnh và một kho đạn dược, quân nhu ở bên hồ núi Một, ở phía Tây Nam. Một con đường nối với đường Gia Long đi lên núi Một trãi nhựa rất tốt. Khu dịnh cư chúng tôi ở nằm tại chân  phía Đông hòn Núi Một.

Hầu hết các loại lính VNCH như các sư đoàn khét tiếng 22 bộ binh, liên đoàn Biệt động quân, Thủy quân lục chiến, sư đoàn Mãnh hổ Đại Hàn, Hồn ma biên giới với huy hiệu chiếc quan tài và 3 cây đèn cầy, etc... đều luôn có mặt ở Qui Nhơn, đặc biệt đóng trên hòn núi Một. Cứ mỗi lần có những trận càn quét xa ở các thị trấn, huyện thị vùng quê các sư đoàn này vắng mặt, giao hòn núi Một cho lính địa phương quân thuộc sư đoàn 18 thì hầu như các lực lượng cách mạng bên Hưng Thạnh luôn tổ chức tấn công vào những đêm ấy. Mỗi lần như thế, các lực lượng du kích đánh đột xuất đều làm cho lực lượng địa phương quân bỏ chạy. Nói chung địa phương quân là lính kiểng. Hầu hết những ai đi địa phương quân đều mong tránh đánh giặc, không muốn chiến tranh và phải lo lót chạy chọt để được vào. Không phải họ không có lòng yếu nước, nhưng họ thấy chiến tranh là phi nghĩa. Không có kẻ thắng người bại, chỉ có nhân dân là người bại trận cuối cùng.

Qui Nhơn có hai địa danh cổ và kim gắn liền với cặp song sinh. Một là di tích của thời Chế Bồng Nga để lại: Tháp Đôi. Và một cây cầu Đôi. Tháp đôi vì nó tượng trưng cho văn hóa phồn thực. Tháp Ông và tháp bà. Bây giờ nhà nước tôn tạo thành khu di tích lịch sử văn hóa Chăm và du lịch. Cấy cầu Đôi vì nó có 2 cầu song song, một là cầu đường bộ và một là cầu đường sắt. Cầu Đôi cũng đặt biệt không kém so với hòn núi Một. Vì từ Qui Nhơn để thông thương ra quốc lộ I và các quốc lộ khác đi các tỉnh Tây Nguyên - Nam Bắc đều phải qua cầu Đôi. Tuy rằng còn một con đường nữa mang tên Quang Trung, đi từ khu Gành Ráng hay khu trại Phong Qui Hòa để qua cầu sông Ngang đi về quốc lộ I và 19. Nhưng con đường này gắn liền với kho đạn dược quân nhu của người Mỹ xây dựng phía Tây núi Bà Hỏa nhìn ra hồ núi Một. Nên nó là con đường quân sự. Hầu như ít ai qua lại. Nếu qua lại cũng phải qua sự kiểm soát của quân cảnh (Military Police: MP). Chính vì thế mọi giao thương buôn bán làm ăn và kể cả tiếp tế quân nhu, quân lương từ cảng Qui Nhơn đi các tỉnh Tây Nguyên cũng đi từ đường Gia Long qua cầu Đôi. Cầu Đôi và đường Gia Long trở thành con đường độc đạo và huyết mạch cho mọi giao thương. Ngoài ra hệ thống đường ống dẫn dầu và nước để cung cấp cho phía Tây Bình Định và Tây Nguyên cũng đi qua con cầu này. Nó giống như Ải Nam Quan không chỉ cho Qui Nhơn mà cho cả Tây Nguyên, nóc nhà Đông Dương. Nên từ năm 1968 trở đi, hầu hết năm nào các đặc công nước của cách mạng đều sử dụng bom để đánh sập cầu Đôi.

Nói đến đường ống dẫn dầu cung cấp cho Tây Nguyên trong cuộc chiến, không thể không nhắc đến những vụ đánh bom tàu dầu quân sự cập cảng Qui Nhơn của đặc công nước. Hầu như năm nào cũng có ít nhất một hay nhiều tàu dầu ở cảng Qui Nhơn bị đánh bom. Dầu tràn ra cả Đầm Thì Nại. Mỗi lần như thế, người dân không sợ chết vì hỏa hoạn là gì. Họ rủ nhau lấy thuyền, ghe để đi hót dầu. Dầu hót đem về đựng trong thùng phuy để ven sông. Nhà nào cũng có dư dầu dùng cho nấu nướng, mà hầu như không phải mất tiền mua. Nên cũng không ai quan tâm đến chuyện lấy trộm dầu để ngày đêm ở ven sông. Những kỷ niệm đi hót dầu bằng bọt biển lau bảng. Dầu có tỷ trọng nhẹ hơn nước. Nên lúc mới tràn dầu dầu nổi trên mặt đầm cả tất. Lúc ấy chỉ việc nhận chìm thuyền rồi bắt ống tuy-dô mà hút và thùng phuy. Sau dầu còn ít thì dùng bọt biển để thấm và vắt vào thuyền chở về. Cứ mỗi lần tràn dầu là cả tháng không thể ăn tôm cá ở Đầm và biển, vì tôm cá rặt một mùi dầu hỏa. Đến ngày giải phóng Qui Nhơn 01/4 một tàu dầu của Mỹ cũng bị đáng bom làm tràn dầu. Người dân cũng đi hót. Nhưng năm ấy, có một trái pháo sáng rơi vào đầm. Một trận hỏa hoạn với biển lửa trên mặt đầm đã giết chết hàng nghìn người. Ở khu tôi có nhiều người chết vì sự cố này, sau này được kể lại. Vì lúc ấy gia đình tôi đang dùng dằng nữa muốn lên tàu tại Vịnh Cam Ranh bỏ tổ quốc ra đi hay ở lại vì còn ông bà lớn tuổi ở quê? Hồi đó có ai nghĩ rằng ra đi sẽ có ngày trở lại? Và có ai nghĩ rằng từ Việt kiều phản quốc để rồi trở thành Việt kiều yêu nước, rồi thành Người Việt ở nước ngoài như bây giờ? Âu cũng là số phận.
Cầu đôi đi qua đuôi núi Một. Là con đường độc đạo nối liền Qui Nhơn và các tỉnh khác. Dưới dòng nước này ghi nhận nhiều chứng tích của cuộc chiến.

Phải công nhận một điều khó tin là lính công binh VNCH thời ấy rất giỏi và rất nhanh nhẹn trong giải quyết giao thông cho Qui Nhơn. Cầu đôi bị đánh sập thì chỉ trong vòng 15 phút đã có ngay cầu phao và chỉ trong vòng 3-5 ngày là xây dựng xong cầu Đôi mới. Ngày ấy, việc xây dựng cầu Đôi đã được áp dụng theo phương pháp tân tiến mà ngày nay tôi chưa thấy nước mình làm được. Vì sự cố đánh sập cầu Đôi xảy ra thường niên. Nên tất cả các khối bê tông đã được công binh làm sẵn. Họ chỉ việc dùng phương pháp đóng, trượt là lắp ráp các khối với nhau. Sau các vụ đánh sập cầu. Từ năm 1970 trở đi chốt lính cầu Đôi được thành lập ở 2 đầu cầu. Cử 5 phút là ném một trái lựu đạn xuống lòng cầu. Công việc này làm suốt 24/24h mỗi ngày trong năm. Thỉnh thoảng vẫn thấy một đặc công nước nổi lên phơi bụng vì lựu đạn.

Cuộc sống khu tôi ở: Hầu như ai trong số những người dân khu định cư Phật Giáo, những người đã từng chạy giặc một thời đều quan niệm không đi lính. Trốn lính là từ luôn nghe trong mỗi ngày. Thanh niên lớn lên đủ tuổi là bằng mọi cách lo thay đổi căn cước để khai lùi lại tuổi. Mỗi lần như thế phải chuẩn bị 10.000 đồng VNCH. Nó tương đương khoảng 1 lượng vàng. Lấy lý do nhà cháy hay chạy giặc mất giấy tờ để làm lại toàn bộ khai sinh và thẻ căn cước. Ai không đủ tiền thì đi cướp xe quân trang, quân nhu Mỹ để kiếm tiền thay đổi giấy tờ. Ai không đủ can đảm đi cướp kiếm tiền thì xung phong đi lính vào học 3 tháng quân trường lãnh đủ tiền thì trốn lính và lấy lượng về chạy giấy tờ bằng cách thay đổi họ tên. Nhưng chuyện thay đổi họ tên thì dễ, mà thay hình đổi dạng thì khó. Nên những người này cuối cùng bị bắt lại rồi đi lao công đào binh và chết trận. Có người khi ra trận tự lấy súng bắn vào giò hay vào bàn chân để trở về thành gia đình thương binh - tử sĩ để sống cuộc đời tàn phế, hưởng lương cho những ngày còn lại. Cũng có người vì tự hủy thân thể nhưng không giấu được pháp y rồi ra tòa án binh đi tù mút chỉ. Thời nào cũng vậy, đồng tiền là một phát minh vĩ đại của loài người. Nó do con người tạo ra để qui định giá trị trao đổi, nhưng nó lại quay lại qui định mọi hành vi và đạo đức con người. Đó là nhân và quả và là hai mặt của một vấn đề sáng tối của loài người.

Một trong những minh chứng hùng hồn cho người miền Nam chán chiến tranh là âm nhạc. Âm nhạc đã góp phần không nhỏ trong sự thất bại của chính thể VNCH ở miền Nam. Mời mọi người nghe thử một bản nhạc ca ngợi một anh hùng của quân đội VNCH tử thủ đỉnh Charlie thuộc Tây Nguyên sau đây trong mùa hè đỏ lửa 1972:


Một trong những bản nhạc ca ngợi người lính Cộng hòa thời ấy. Nó không có khả năng kích thích tinh thần mà còn làm rã rịu tinh thần lính VNCH

Nói đến chuyện cướp xe Mỹ ngày ấy, không thể quên những chuyện mà theo tôi, chỉ có ở miền Nam Việt Nam. Hầu hết những người đi cướp xe Mỹ không phải vì yêu nước căm thù Mỹ. Họ chỉ là những người nghèo và túng quẩn. Nghèo không có tiền chạy giấy tờ trốn lính cũng có. Thiếu tiền chích hút xì ke cũng có, đủ mọi hoàn cảnh. nếu ai đã từng đọc cuộc đời nghệ sĩ Lê Vũ Cầu một thời sống ở Qui Nhơn sẽ rõ. Cách cướp xe quân nhu, quân trang của Mỹ đi viện trợ Tây nguyên của dân này ngày ấy là họ dùng những chùm ba chỉa hàn vào một sợi xích to bằng cườm tay. Họ cột xích vào những trụ đèn đường. Họ móc nối với lính quân tiếp vụ người Việt làm ở Cảng Qui Nhơn để biết thời gian xe xuất hàng ra khỏi cảng. Họ dùng móc xích ba chỉa ném lên thùng xe. Nó kéo xe lại. Giặc lái Mỹ xuống xe. Họ hùa nhau đánh. Giặc lái bỏ chạy, thế là chiếc xe hàng bị rút ruột. Khi được hàng quân nhu thì bán chia cho lính quân tiếp vụ người Việt của Cảng. Nếu gặp xe quân trang súng ống, đạn mìn thì họ đem đi đổ xuống biến và tiếc hùi hụi.

Cuộc sống cứ thế trôi chảy dù không một ngày ngơi tiếng súng giữa thị thành. Ai làm giàu trong cuộc chiến cứ làm. Ai trốn lính được cứ trốn. Ai làm Me Mỹ để làm cứu cánh cho gia đình mình cứ làm. Ai cướp xe Mỹ để mưu sinh cứ cướp. Ai đi học hay sống cuộc đời lương thiện cứ học và sống. Không ai muốn làm khổ cho ai. Vì ai cũng biết rằng sau một đêm chưa chắc mình còn thức dậy để được đón ánh mặt trời mỗi sáng trong thời đạn bom loạn lạc. Âu cũng là định nghiệp của dân tộc một thời u tối, một thời người Việt bán xương máu cho cuộc mưu sinh.

Asia Clinic, 9h49' ngày 18/5/2010

Đón đọc phần 5: Đoàn tụ và chia ly.

Đăng nhận xét

0 Nhận xét