LƯƠNG HƯỚNG - LƯƠNG LẬU - LƯƠNG BỔNG

Ngày đăng: [Tuesday, April 05, 2011]

Mấy hôm nay cả xã hội lùm xùm chuyện tù của ông tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ. Chuyện này cũng không đi khỏi luỹ tre làng đứng trên phương diện pháp luật và cách hành xử của cả hai phía: ông luật sư và chính quyền. Nhưng câu chuyện đã vượt lên trên tất cả để dân quên đi ngày hai buổi chén cơm, cọng rau, con cá, cái mắm cứ tăng như chong chóng.

Câu chuyện ông tiến sĩ sau khi xử, có phần lắng dịu, thì báo chí đưa tin cũ: lương tối thiểu lên 830.000 đồng kể từ ngày 1/5. Không so với đô la, mặc dù đồng đô la đang mất giá trên toàn cầu, nhưng lại rất có giá ở Việt Nam. So với lương đã tăng thêm 100.000 đồng mỗi tháng thì, người lao động chỉ có thể đủ để mua đúng 34 tô phở bình dân. Vị chi, mỗi ngày người lao động chỉ cần ăn đúng tiêu chuẩn 1 tô phở bình dân để đi làm và sống trong 24h. Còn dư 4 tô phở mỗi tháng để dành cho khi trái gió trở trời, cho con cái, cho việc tiết kiệm để kiếm một mái nhà, và để v.v... mọi thứ trên đời.

Nghĩ mãi không ra vì sao cán bộ có thể tồn tại và sống với đồng lương đúng nghĩa cân, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư như cụ Hồ đã dạy? Có phải vì thế mà xã hội Việt Nam ngày nay sờ đâu cũng thấy tha hoá và tham nhũng? Nhưng rõ ràng, tha hoá và tham nhũng là dễ dàng nhất, nên ai ai cũng phải chạy tấm bằng giả để phấn đấu ngồi chiếc ghế cán bộ.

Thế thì dân lao động sống bằng gì, vì lương thấp, mà chỉ có cán bộ mới có thể tham nhũng. Cuối cùng dân phải tha hoá. Tha hoá được định nghĩa là: đánh mất dần phẩm chất đạo đức và trở nên xấu xa tồi tệ. Thế thì còn ai không tệ hơn với tình hình xã hội hiện nay, nếu là người làm công ăn lương?

Ngôn ngữ tiếng Việt thật là hay. Chữ lương của Tây chỉ đơn thuần là lương. Chữ lương của tiếng Việt luôn đi kèm các á từ để diễn tả cái văn hoá Việt rất tinh tường. Lương hướng; Lương lậu; lương bổng, lại có từ bổng lộc nữa. Nói thế để hiểu rằng cái văn hoá duy tình không được đặt trọng lương làm chính. Lậu và bổng lộc kèm theo mới là chính.

Cuối cùng, dân làm công ăn lương sống chủ yếu bằng bổng lộc và lậu. Nên lương lậu và lương bổng vẫn cứ đúng muôn đời. Nhưng tại sao vậy? Theo tôi, nguyên nhân từ cái văn hoá duy tình - mọi việc giải quyết bằng "tình cảm" là chủ yếu - đi đóng thuế cũng phải biết đưa cái phong bì lậu - bổng lộc - cho người kiểm thuế để không mất thời gian vàng ngọc. Cho con đi học cũng phải có cái phong bì lậu cho giáo viên để con được yên thân. Đi đường bị cảnh sát giao thông tuýt còi thôi thì lậu để cho nhanh việc, hơn là xe bị kéo về đồn giam giữ. v.v... Không kể xiết.

Thế vẫn còn khập khiểng. Vì ở bất cứ nơi đâu trên thế giới này mà không có văn hoá duy tình, đâu chỉ có Việt Nam? Lại nghĩ, vậy thì tại sao cái văn hoá duy tình được đặt nặng ở Việt Nam? 

Cuối cùng mới nghĩ ra, tại vì chính quyền Việt Nam đang điều hành đất nước và định hướng cái văn hoá duy tình len lỏi khắp mọi nơi. Vậy thì làm cách nào để văn hoá duy tình không bị lạm dụng ở xã hội Việt Nam? Trong một bài viết của tôi nói về Văn hoá và sự phát triển, là không có một nền văn hoá nào là thuần duy tình hay thuần duy lý. Vấn đề là muốn loại văn hoá được đặt đúng chỗ thì cần phải đưa nhà nước trở thành một nhà nước pháp trị chứ không phải là một nhà nước nhân trị.

Chỉ có việc hình thành một nhà nước pháp trị thôi, mà sao đã hơn 1/3 thế kỷ chính quyền chưa làm được? Tại vì đâu? Lại nghĩ, cuối cùng cũng chỉ vì bản chất của con người, phần con luôn lấn át phần người. Ấy thế mà cho đến giờ này, vẫn còn nhiều quốc gia trên thế giới còn mơ một thế giới đại đồng.

Asia Clinic, 14h15', ngày thứ Ba, 05/3/2011

Đăng nhận xét

0 Nhận xét