LÀM Y KHOA HAY LÀM CHÍNH TRỊ?

Ngày đăng: [Saturday, October 31, 2009]
Lẽ ra cũng không muốn viết về BS Tỵ nữa, vì qua một bài đã viết trong tháng này trên blog của tôi cũng đủ để nói lên tất cả về những gì đúng, sai với bác sĩ Tỵ đang làm chuyên môn tại bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định. Hơn nữa, tôi không bao giờ muốn viết một vấn đề xấu vì cá nhân nào khi cá nhân ấy không làm tổn hại đến cộng đồng. Ngoại trừ cá nhân mình trên blog. Nhưng, hôm qua đọc một loạt các bài báo cùng một đại ý trên nhiều báo lớn nhỏ khác nhau có cả hình ảnh minh hoạ rất "sinh động" mà không biết ai chủ xướng đưa lên? Nào Thanh niên, nào Sài gòn giải phóngBee.net.vn ... đồng loạt ra trận như cuộc PR của tổng thống Obama trong chiến lược tranh cử năm 2008 vừa qua. Và vì chuyện y đức cũng như chuyện một người con Bình Định tha phương cầu thực, làm nghề y đã đến lúc thấy được nghiệp, nên tôi lại phải lên tiếng một lần nữa. Mong chú Tỵ có đọc bài này thì nên hiểu đây là lời chân thành đối với chú.

Như bài trước, tôi đề cập đến chuyện BS Tỵ phẫu thuật cho bệnh tâm thần phân liệt là sai. Trong đó có dẫn chứng các link về khoa học và về chuyên môn. Tôi không muốn nói ra đây nữa. Vấn đề còn lại tôi muốn nói là trong khi các nhà chuyên môn và khoa học đang đòi hỏi BS Tỵ vì lý do gì mà lại chỉ định phẫu thuật não cho bệnh nhân tâm thần phân liệt và yêu cầu bộ y tế phải có câu trả lời về chuyện này thì những bài báo kia lại đưa lên chuyện BS Tỵ phẫu thuật con gái của nguyên thủ tướng Phan Văn Khải về bệnh động kinh có kết quả tốt với mục đích gì? Có phải chăng là muốn đánh lạc hướng xã hội và giới chuyên môn đang tập trung vào một vấn đề chết người về sai lệch chuyên môn của BS Tỵ?

Tôi không biết trong cuộc đời làm chuyên môn của BS Tỵ đã mấy lần được bệnh nhân thân yêu của ông chụp hình chung? Nhưng tôi lại thấy ông chụp hình chung với giới làm chính trị khá nhiều trên phương tiện đại chúng. Qua đó, tôi cũng thấy có một vấn đề đáng quan ngại cho phương tiện đại chúng nước nhà khi đưa tin mà không hiểu hết vấn đề. Ngoài ra, về mặt xã hội, ông cựu thủ tướng Phan Văn Khải cũng chỉ là một công dân sau khi về hưu, không hiểu biết chuyên môn. Nên không vì thế mà ông làm bằng chứng có sức mạnh lấn át cả khoa học và chuyên môn để che đậy cái sai của BS Tỵ làm. Có phải chăng phương tiện thông tin đại chúng đang bị những tên giặc nội xâm sử dụng để PR cho mình? Có phải chăng cái văn hóa làng xã và duy tình đã bị lạm dụng hết công suất trong chính trị?

Hôm nay, tôi cũng xin nói thêm một chút về bệnh động kinh mà BS Tỵ đã phẫu thuật là đúng chưa? Đúng chỗ nào? Sai chỗ nào? Ngõ hầu cho BS Tỵ hiểu được là ông đang làm công việc chuyên môn đã chín chưa? Vì làm nghề y không thể cẩu thả khi người bệnh giao phó tính mạng cho mình không chỉ thể xác mà cả tâm hồn. Đó là chưa nói đến những trường phái bảo thủ cho rằng những nguyên nhân động kinh do tổn thương vì viêm nhiễm, xuất huyết ... tạo sẹo ở mô não và sẹo đó tích điện, tạo ra một ổ phát điện tự động với tầng suất cao làm nên động kinh. Thế thì phẫu thuật bỏ đi cái sẹo cũ nhỏ, tạo ra một cái sẹo mới lớn hơn ở mô não thì có chắc rằng chữa được động kinh do nguyên nhân này? Và tại sao các trung tâm lớn cũng như các trường đại học y lớn trong cả nước chưa bỏ công nghiên cứu phẫu thuật động kinh mà phải để một bệnh viện tuyến tỉnh làm tiên phong?

Nói về bệnh động kinh thì cho đến hôm nay, y học cũng chưa hiểu hết. Bằng chứng là động kinh vô căn chiếm đến 3/4 số trường hợp. Có nghĩa là 75% người ta chưa tìm ra được nguyên nhân. Mà chưa tìm ra được nguyên nhân thì chưa thể đưa ra một phương pháp điều trị cụ thể trong con số 75% này. Như vậy, 25% còn lại là do đâu và phương pháp điều trị như thế nào? Khi nào thì phẫu thuật? Có phải là 25% còn lại tất cả đều cần phẫu thuật? Và trong số 55 cases phẫu thuật động kinh thì có bao nhiêu cases BS Tỵ phẫu thuật mà chưa đúng chỉ định?

Có nhiều khái niệm về động kinh, nhưng khái niệm tổng quát và có thể xem đúng nhất là: Động kinh được gây ra bởi những xung lực điện bất thường của một nhóm tế bào thần kinh (hay còn gọi là những neurone thần kinh) bên trong não. Những xung động điện bất thường này lấn át những xung động điện bình thường làm gây ra những cơn co giật mà người bệnh không kiểm soát được bằng lý trí. Có nghĩa là mỗi tế bào đều có hoạt động điện. Trong đó tế bào thần kinh cũng vậy. Người ta thấy rằng cứ mỗi giây đồng hồ số xung lực điện phát ra của nhóm tế bào thần kinh trung bình 80 nhịp. Động kinh sẽ xuất hiện khi số xung lực điện của tế bào thần kinh trong một giây lên đến 500. Nhưng vấn đề chỉ định phẫu thuật động kinh là chỉ có 2 nhóm rất nhỏ trong số 25% còn lại là:
1. Nhóm động kinh có tìm ra thương tổn ở não.
2. Nhóm động kinh kháng thuốc, nhưng rất hãn hữu, vì lúc này người bệnh phải chấp nhận nguy hiểm đến tính mạng so với sống mà phải bị động kinh. Tức là thà chết vì phẫu thuật mò khi không tìm ra thương tổn còn hơn là sống chung với động kinh.

Thế thì khi nào thì phẫu thuật? Hầu hết y văn đều đồng ý là phải tìm ra thương tổn ở não của bệnh nhân thì mới phẫu thuật. Như vậy làm sao để phát hiện tổn thương? Các phương pháp cận lâm sàng  sau sẽ dùng để xác định tổn thương ở não của bệnh động kinh:
1. EEG (Electroencephalogram): điện não đồ, nhưng phải là điện não đồ trong cơn động kinh thì may ra mới phát hiện vùng tổn thương. Điều này thì vô phương. Vì không thể đo EEG trong cơn động kinh. Người ta mới nghĩ ra đo EEG bằng cách đặt điện cực vào ngay bề mặt của não. Càng không thể, và cũng chỉ tìm ra vùng chứ không tìm ra chính xác vị trí tổn thương. Như vây, EEG cũng chỉ là vấn đề lịch sử và tham khảo hơn là vấn đề dùng để xác định tổn thương.
2. MRI (magnetic resonance imaging): chụp cộng hưởng từ hạt nhân, mặc dù là phương tiện hiện đại ra đời từ thập niên 1980s của thế kỹ trước, nhưng MRI cũng không thể phát hiện những tổn thương nhỏ tính bằng dưới 1mm. Cho nên MRI cũng không thể tìm ra những tổn thương nhỏ. Và người ta thấy không cần tổn thương lớn, mà chỉ cần nhỏ thôi, nhưng luồng điện phát ra từ đó với tần số > 500hz là sẽ động kinh. Nên vẫn có 1 số tổn thương gây ra động kinh mà MRI không phát hiện được.
3. DTI (Diffusion Tensor Imaging): Chụp hình ảnh não bằng đo sự chuyển động của phân tử nước. Tới giờ này Y văn Việt nam chưa có từ dịch của phương pháp này. Và Việt nam cũng chưa có nơi nào có thiết bị này. Hôm nay, tôi có phone cho BS Phan Thanh Hải (Medic Hoà Hảo) và BS Hoa (Trưởng khoa chẩn đoán hình ảnh BVCR) chưa ai biết về chẩn đoán hình ảnh này. Tôi tạm dịch là chụp hình ảnh qua thủy động học tế bào. Phương pháp này sẽ tìm ra được tổn thương rất nhỏ tính bằng dưới milimetre khi các phân tử nước bị ngắt dòng đi vào các tế bào thương tổn. DTI có thể tìm ra những tổn thương mà MRI không thể phát hiện được.

Ngoài ra PET/CT (Positron Emission Tomography/CT scan: Chụp xạ hình mô phỏng) và SPET (Singel Position Emission Tomography) cũng có tác dụng tìm ra thương tổn khi cần tìm.  Như vậy, đến thời điểm mà BS Tỵ phẫu thuật lô bệnh nhân này ở Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định đã có DTI và PET/CT chưa? Và đã có ai có đủ trình độ để đọc điện não đồ chưa? Trong khi CT scan hầu như không thấy nhắc đến trong việc tìm ra thương tổn não của bệnh động kinh- Vì thương tổn này đa phần rất nhỏ!!! ngay cả MRI scan cũng không thể tìm ra hết những tổn thương nhỏ ở não gây ra động kinh, và MRI cũng chỉ có mặt ở bệnh viện đa khoa Bình định cuối năm 2007 đầu 2008! Và để tóm lại thì 55 cases phẫu thuật của BS Tỵ mà có tới 18 cases không thành công, một tỷ lệ 32.7% không thành công thì có bao nhiêu cases trong số 55 cases này chưa tìm ra thương tổn ở não mà phải phẫu thuật mò? Một tỷ lệ bất an nếu ai làm nghề y! Vì đến giờ này thì DTI và PET/CT mới là phương tiện chẩn đoán hình ảnh chính để tìm ra tổn thương não trong bệnh lý động kinh! Và PET/CT cũng chỉ mới có mặt tại viện quân y 108 trong tháng 10/2009 này!

Nói dông dài để tóm lại là: tất cả những cases phẫu thuật động kinh của bệnh viện đa khoa Bình Định thì có bao nhiêu cases đã tìm ra thương tổn trước phẫu thuật hay là phẫu thuật mò, hên xui may rủi trên người bệnh? Còn ông nguyên thủ tướng lên báo với mục đích gì? Trong khi con ông tiến triễn tốt mà cần phải uống thuốc chống động kinh sau phẫu thuật à? Một phẫu thuật tốt là phẫu thuật để người bệnh không còn dùng thuốc chứ nhỉ? Tôi chưa được học khi còn là sinh viên trường thuốc về khái niệm phẫu thuật tốt thì khi sau phẫu thuật mà bệnh nhân vẫn còn phải dùng thuốc để chữa bệnh được phẫu thuật.

Người ta bảo tôi rằng, muốn BS Tỵ trở về người thầy thuốc tốt thì cần bàn về chuyện hành chánh chứ không phải đánh vào sai sót chuyên môn. Vì cơ chế Việt Nam không thể làm BS Tỵ từ bỏ những sai trái của ông vì chuyên môn. Nhưng chờ để BS Tỵ thân bại danh liệt như ông cựu giám đốc của tôi ở bệnh viện Chợ Rẫy thì có bao nhiêu người bệnh phải chịu đau khổ và mất mạng vì những sai lầm của BS Tỵ vì làm chính trị nhiều hơn là làm nghề? Đời tôi chưa đánh ai vì những sai sót chuyên môn vì lỗi bất khả kháng. Nhưng nhìn sự việc của BS Tỵ không còn là chuyện 1 hay 2 cá thể bệnh nhân mà là chuyện của ngành y một đất nước. Nên tôi phải viết ra những gì cần viết về chuyên môn ở góc độ một người làm chuyên môn và khoa học đúng nghĩa của nó.

Qua bài này tôi cũng muốn nhắn gửi đến các báo, và nguyên thủ tướng Khải là nên tìm hiểu chuyên môn ở những người có chuyên môn trước khi đưa vấn đề mà mình chưa am hiểu lên phương tiện thông tin đại chúng sẽ rất nguy hiểm cho cộng đồng. Cứ cho là case phẫu thuật của con ông là thành công thì với 1 case thành công trong y học khoa học không thể qui nạp rằng là thành công trong khoa học. Hơn nữa, như tôi đã nói: thống kê mô tả trong y học chỉ là định hướng trong nghiên cứu. Một nghiên cứu thống kê mô tả không thể làm kết luận cho một vấn đề, vì nó là định tính. Muốn kết luận một vấn đề trong y học người ta phải dùng thống kê định lượng. Ông là nhà kinh tế, mà kinh tế thuộc art, có thể thông cảm cho ông. Vì lý thuyết kinh tế có bao giờ tồn tại với thời gian? Mặc dù gần đây kinh tế có những nghiên cứu định lượng. Nhưng y khoa là science, không phải art. Y khoa cần sự chính xác. Hơn nữa y khoa là phục vụ cho con người. Nó là vốn quí của tạo hóa và của chính cuộc sống sinh động này.

Với BS Tỵ tôi muốn nói: chuyên môn là chuyên môn, chính trị là chính trị. Tuổi trẻ luôn có những đột phá. Tôi luôn trân trọng nhiệt huyết của BS Tỵ ở tuổi trẻ. Nhưng đột phá phải đứng trên cơ sở khoa học tốt, không thể đột phá vì mục đích khác đằng sau những chuyện nhập nhằng về nhập trang thiết bị mà mình chưa am hiểu nó có vai trò trong chuyện chuyên môn. Y học là vô bờ. Trong y học nguyên nhân, tiên lượng đứng trên chẩn đoán và chẩn đoán quan trọng hơn điều trị. Một thầy thuốc giỏi là thầy thuốc tiên lượng chính xác con bệnh và chẩn đoán đúng bệnh tật. Vì nếu không chẩn đoán đúng và tiên lượng tốt thì làm sao điều trị đúng? Cho nên để phẫu thuật giỏi thì nếu cần tôi có thể dạy cho chú thợ nề hay anh mổ lợn có khi còn mổ đẹp hơn là một bác sĩ được đào tạo trường thuốc, sau khi tôi đã chẩn đoán và tiên lượng cho cuộc mổ! Đời người ai cũng có sai lầm. Nhưng đừng vì mục đích nhỏ của cá nhân mà tạo nên những sai lầm lớn liên tục cho cộng đồng.

Có lẽ đọc bài này các báo, ông cựu thủ tướng và BS Tỵ sẽ giận tôi. Tôi chỉ mong mọi nơi hãy nhìn nó dưới góc độ vì y học nước nhà và vì bệnh nhân đáng thương Việt nam trong hoàn cảnh khốn khó của nước nhà. Và vì tôi biết mà không viết ra thì tôi có tội với dân tộc. Hãy thông cảm cho tôi và xin cảm ơn.

Đăng nhận xét

0 Nhận xét