HỌ ĐÃ NÓI GÌ?

Ngày đăng: [Friday, January 14, 2011]
Tôi chọn cái tựa có tính chung hơn là cái tựa riêng của bài báo mà tôi đem về làm tư liệu. Thế là đã 2 hôm bắt đầu đại hội đảng XI. Ngồi kiểm lại tất cả các bài chính luận quanh đại hội của 700 tờ báo là một nhọc công, nhưng là việc đáng làm. Vì trong mớ sạn ấy cũng nhặt nhạnh được bài có tâm huyết và có trình độ về tư duy. Nếu mọi người xem trên các báo khác thì sẽ thấy các bài viết về những tranh luận của ông đương kiêm bộ kế hoạch đầu tư như là hô khẩu hiệu. Nhưng khi các bạn đọc bài mà tôi xin được copy và paste ở đây của báo Pháp Luật TPHCM sẽ thấy phát biểu của ông Nguyễn Hồng Phúc là vấn đề quyết định sống còn của kinh tế Việt Nam. Tôi chỉ ước ao các nhà báo Việt có nhiều người đủ sức để viết những bài như tác giả bài viết này. Vì chỉ có như thế thì báo chí mới thực hiện được chức năng của nó.

THẢO LUẬN DÂN CHỦ, CÔNG KHAI TẠI ĐẠI HỘI XI
Đại biểu Võ Hồng Phúc nói lời tâm huyết
Đề nghị biểu quyết đặc trưng xã hội XHCN có phải dựa trên chế độ công hữu tư liệu sản xuất.
Chiều 13-1, Đại hội XI đã có phiên thảo luận cởi mở, dân chủ tại hội trường. Tám đại biểu từ các đoàn - đảng bộ khác nhau đã trình bày bài tham luận của mình. Trong số này, duy nhất ông Võ Hồng Phúc, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư, nói vô, chi tiết, sâu sắc hơn văn bản chuẩn bị sẵn gửi đại hội.

Bài học thành công, sao lại bỏ?
Ông Phúc dẫn lại cuộc tranh luận về mô tả đặc trưng xã hội XHCN để đưa vào Cương lĩnh 2011. Cuộc tranh luận ấy, trong Trung ương khóa X có hai luồng ý kiến: Giữ nguyên như Cương lĩnh 1991 là dựa trên “chế độ công hữu tư liệu sản xuất chủ yếu”, hoặc kế thừa Nghị quyết Đại hội X, tức dựa trên “quan hệ sản xuất tiên tiến, phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất”.

Cuộc tranh luận ấy, Bộ trưởng Phúc và nhiều ủy viên trung ương khác ở nhóm thiểu số - theo luồng ý kiến thứ hai - nhưng phía đa số cũng chỉ chiếm tỉ lệ 55,06%. Văn kiện mà các đại biểu đại hội đang cầm trong tay theo quan điểm công hữu tư liệu sản xuất.

Tuy nhiên, ông Phúc vẫn muốn nêu ra để thảo luận: “Nhận định đó của Đại hội X là kết quả tổng kết thực tiễn 20 năm đổi mới. Thảo luận tại đoàn đại biểu Thanh Hóa hôm qua, có đồng chí cho rằng dự thảo “công hữu tư liệu sản xuất” là dựa trên lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin. Nhưng tôi xin nói, Mác dạy rằng lý luận phải được thực tiễn kiểm chứng. Thực tiễn là gì: Liên Xô, Đông Âu theo mô hình ấy đã thất bại; Việt Nam rút ra bài học và đã thành công. Giờ sao lại bỏ đi?”.


Ông Võ Hồng Phúc (Đoàn đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa) tham luận về vấn đề “Nhìn lại 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2001-2010, những bài học rút ra để thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020”. Ảnh: TTXVN
Ông Phúc phân tích: Quá trình phát triển sau Cương lĩnh 1991, Đảng đã rút ra là phải xây dựng một nền kinh tế trên cơ sở đa sở hữu. Giờ bỏ đi, tư nhân ai dám đầu tư nữa? Nhà máy điện, đường sá, hạ tầng cơ sở là những nút thắt cổ chai của nền kinh tế, ta đang thiếu, có phải là tư liệu sản xuất chủ yếu không? Hay ta kêu gọi tư nhân đầu tư vào để rồi khi hoàn tất giai đoạn quá độ, vỗ béo xong là thịt?

“Có quan điểm cho rằng cái gốc của CNXH là sở hữu. Nhưng tôi cho rằng gốc đó phải là công bằng xã hội, là điều tiết thu nhập. Coi sở hữu là gốc, ta sẽ vấp lại sai lầm trước đây, đi vào vết xe đổ của Liên Xô và Đông Âu” - Bộ trưởng Phúc, người đã ở tuổi gần 70, thuộc diện ngoại lệ ở lại Trung ương khóa X, bày tỏ lo ngại. Và ông đề nghị: “Tôi là thiểu số nhưng tôi mong tại đây, chúng ta thảo luận cho ra nhẽ, và đề nghị đại hội đưa ra biểu quyết. Vấn đề lớn vậy, cần tìm tới đồng thuận thì mới thực hiện được”.

“Giữ gìn sự đoàn kết như con ngươi của mắt mình”

55,06% là số % đồng ý với phương án mô tả đặc trưng xã hội XHCN là “có nền kinh tế phát triển cao, dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại, và chế độ công hữu về tư liệu sản xuất” để đưa vào Cương lĩnh 2011. Cuộc biểu quyết được thực hiện tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 14 vào trung tuần tháng 12-2010. 
Là ủy viên Trung ương Đảng ba khóa liên tiếp (VIII-IX-X), ông Võ Hồng Phúc rất thấm thía bài học về “đảm bảo sự gắn kết chặt chẽ, hiệu quả giữa tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực quản lý của Nhà nước, phát huy đầy đủ quyền làm chủ của nhân dân”. Ông Phúc dẫn lại kinh nghiệm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng trong khủng hoảng kinh tế 2008, khi khó khăn ập đến, Chính phủ đã báo cáo Bộ Chính trị; Bộ Chính trị thảo luận kỹ và báo cáo Trung ương. Trên cơ sở đó, Thủ tướng đã trực tiếp sang làm việc với Đoàn Chủ tịch MTTQ Việt Nam, tạo đồng thuận, thống nhất trong Đảng và cả xã hội. Việt Nam nhờ đó đã có chính sách kinh tế phù hợp, kiềm chế được lạm phát, ổn định vĩ mô, giữ được tăng trưởng khá, được quốc tế công nhận. “Kinh nghiệm là hệ thống chính trị, đặc biệt là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Trung ương phải là một thể thống nhất, cả trong tư tưởng và hành động. Bác Hồ dạy: “Giữ gìn sự đoàn kết trong Đảng như con ngươi của mắt mình”. Tôi rất thấm thía” - ông Phúc đúc kết.
Theo ông Phúc, muốn đoàn kết phải có đấu tranh phê bình, phải có dân chủ. Dân chủ - tập trung. Trung ương khóa X đã kiểm điểm trước đại hội về nội dung này. “Các đồng chí hãy xem chúng ta thực sự đoàn kết, thống nhất chưa? Bác răn dạy “vừa đấu tranh, vừa thương yêu, giúp đỡ đồng chí mình”, ta có làm không? Tôi mong các đồng chí cùng suy nghĩ, thảo luận” - ông Phúc nói.

Phát biểu của Bộ trưởng Phúc được Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng, người chủ trì điều hành phiên thảo luận, hoan nghênh. Ông Trọng cũng đề nghị đại hội phát huy dân chủ, có thêm những tranh luận qua lại với những vấn đề có ý kiến khác nhau, như chuyện ông Phúc nêu chẳng hạn.
Hôm nay (14-1), Đại hội XI tiếp tục thảo luận về văn kiện tại hội trường.
Xóa “xin-cho” trong quản lý tài nguyên

Cần kết hợp hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội với bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; xây dựng năng lực nội sinh sử dụng và phát triển công nghệ tiết kiệm tài nguyên, nguyên liệu, năng lượng, thân thiện môi trường. Đây là động lực chủ yếu, làm thay đổi cơ cấu kinh tế, thúc đẩy quá trình cải cách và tái cấu trúc kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nước ta.
Quyết liệt chuyển từ “bao cấp”, “xin-cho”, nặng kiểm soát hành chính trong quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường sang cơ chế thị trường. Hạn chế đầu tư vào các ngành khai thác tài nguyên, sử dụng nhiều đất, nhiều năng lượng; không chấp nhận dự án có công nghệ thấp, gây ô nhiễm. Thực hiện nghiêm pháp luật và có giải pháp đồng bộ để có thể xử lý triệt để các điểm nóng về ô nhiễm.
Bộ trưởng TN&MT PHẠM KHÔI NGUYÊN
Tăng quyền tự chủ cho chính quyền địa phương

Cần đổi mới tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị trong khuôn khổ tổ chức hệ thống chính quyền địa phương theo hướng: Nhiệm vụ của cấp nào thì cấp đó chịu trách nhiệm toàn bộ, có thẩm quyền đầy đủ tự quyết, tự quản đối với công việc được giao. Không trùng lắp nhiệm vụ do trung ương thực hiện và nhiệm vụ được giao cho địa phương, cũng như công việc giữa các cấp chính quyền trong phạm vi một địa phương với nhau, nhằm tránh đùn đẩy trách nhiệm, chồng chéo, lẫn lộn, cản trở trong chỉ đạo điều hành. Khi đã tạo chủ động cho chính quyền cấp dưới thì nhiệm vụ của chính quyền cấp trên là ban hành các quy định theo thẩm quyền và kiểm tra, giám sát việc tuân thủ của cấp dưới.
Đây là điểm khác biệt căn bản giữa mô hình phân cấp hiện hành với mô hình tăng tính tự chủ của chính quyền địa phương. Việc phân cấp cần dựa trên nguyên tắc thống nhất của nền hành chính quốc gia, bảo đảm tính chất của một nhà nước đơn nhất nhưng phải đề cao tính tự chủ của địa phương trên nền tảng lợi thế so sánh, năng lực, phát triển tinh thần thi đua của các địa phương, các vùng kinh tế và các đô thị.
Ngoài ra, đề nghị nghiên cứu hoàn thiện các quy định của pháp luật có liên quan tới tổ chức chính quyền địa phương các cấp, trong đó có chính quyền đô thị theo hướng làm rõ mô hình tổ chức chính quyền ở nông thôn, đô thị, hải đảo đã được đề ra từ Nghị quyết Đại hội X.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM NGUYỄN VĂN ĐUA
Dân chủ thực sự để tạo đồng thuận

Đảng cần tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo với MTTQ và các đoàn thể; tôn trọng nguyên tắc hiệp thương dân chủ trong tổ chức, hoạt động của MTTQ; tôn trọng tính tự chủ, ủng hộ mọi hoạt động tự nguyện, tích cực, sáng tạo và chân thành lắng nghe đóng góp của MTTQ và các đoàn thể; thực hiện tốt vài trò “Đảng vừa là người lãnh đạo, vừa là thành viên của MTTQ Việt Nam”.
Trước yêu cầu đổi mới, chỉ có mở rộng dân chủ XHCN thực sự mới có đồng thuận xã hội và đoàn kết thực sự, bền vững. Cần thực hiện dân chủ và đại đoàn kết từ trong Đảng ra toàn xã hội. Đồng thời, sớm cụ thể hóa, thể chế hóa các quy định để MTTQ và các đoàn thể thực hiện vai trò giám sát và phản biện xã hội theo quy định.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam HUỲNH ĐẢM
GIA NGUYÊN (Lược ghi tham luận các đại biểu tại Đại hội XI ngày 13-1)
Nhiệm kỳ tới sẽ rất khó khăn
Làm bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư liền ba nhiệm kỳ, chứng kiến những giai đoạn thuận lợi, khó khăn của nền kinh tế, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc dự báo nhiệm kỳ của Trung ương khóa XI sẽ rất khó khăn khi mà tăng trưởng 2010 chỉ còn 6,8%, lạm phát lên 11,75%, dự trữ ngoại tệ còn hơn 10 tỉ USD (so với tăng tưởng 8,05%, lạm phát 7%, dự trữ ngoại tệ hơn 20 tỉ USD của 2006 - năm triển khai Nghị quyết Đại hội X).
Vì vậy, để đạt các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội trong giai đoạn tới, nhất là 2011, ông Phúc mong Đại hội XI bầu ra một BCH Trung ương mới trong sạch, vững mạnh và đoàn kết, thống nhất, giữ vững được vị trí lãnh đạo của Đảng với dân tộc. Mỗi đảng viên xác định đúng vị trí của mình, chịu sự phân công của Đảng thì toàn tâm toàn ý với sự nghiệp…
Asia Clinic, 9h22' ngày thứ Sáu, 14/01/2011

Đăng nhận xét

0 Nhận xét