HÌNH THÁI XÃ HỘI VÀ SỰ PHÁT TRIỄN

Ngày đăng: [Saturday, July 04, 2009]

Điều ngẫm nghĩ bấy lâu nay, chưa biết đúng sai, hay dở thế nào? Nhưng cũng nên viết ra để còn có ngày chiêm nghiệm. Trong nhị nguyên luận, các cặp phạm trù đi đôi với nhau. Trong hình thái xã hội, cũng thế, có thể chia làm 2 loại, dù nó đi theo chủ nghĩa nào không cần biết.

1. Hình thái xã hội phục vụ cho thời chiến tranh: là hình thái mọi nhân tài, vãt lực phục vụ cho cái chung, lúc đó tam quyền phân lập phải gom về một mối, để phục vụ cho cuộc chiến. Ở hình thái xã hội thời chiến chỉ đủ để cái riêng tồn tại hoặc thậm chí không có ý niệm cho cái riêng, mà cái chung được đề cao là chính nghĩa, tất cả đồng lòng, mọi giai cấp, tầng lớp trong xã hội cùng chung tay góp sức, không phân biệt giai cấp, tuổi tác, màu da, chủng tộc, giới tính ... kể cả giáo dục cũng nhằm cho mục tiêu đi đến thành công trong cuộc chiến. Nên, sự tuyên truyền mà ngày nay còn gọi là quảng cáo cũng dành cho cuộc chiến, không ưu tiên bất kỳ điều gì ngòai chuyện đưa cuộc chiến đến thành công, dù sự tuyên truyền ấy là sai lệch, không cần tư duy độc lập, mà mọi tư duy xã hội cố gắng đưa về tư duy 1 chiều để đạt sự đồng thuận cho cái chung.

2. Hình thái xã hội phục vụ cho thời hòa bình: là hình thái xã hội mà mọi nhân tài, vật lực phục vụ cho không chỉ cái chung mà còn có cả cái riêng của từng cá thể trong cộng đồng xã hội, lúc đó cần có tam quyền phân lập để tạo ra sự sáng tạo, sự hòan hảo của cuộc sống đến cho cái chung tòan xã hội và cái riêng cho từng cá thể, muốn thế xã hội thời bình phải có cơ cấu thích hợp cho các mặt đối lập và dung hòa các mặt đối lập đi đến tạo ra sáng tạo và hòan hảo cho cái chung và cái riêng. Trong giáo dục của một xã hội thời bình cũng thế, nhằm cho mục đích cao cả là cho cả chung riêng duề huề, nên mục tiêu giáo dục cũng phải tạo ra những thế hệ có tư duy độc lập, có phản biện và có sự dung hòa các phản biện để đi đến sự thống nhất và phát triển.

Hãy thử nhìn, nếu trong một cuộc chiến mà mọi cái riêng trỗi dậy chiếm quyền ưu tiên cho cái chung, thì kết quả sẽ như thế nào? Và ngược lại, trong một xã hội thời bình, kêu gọi vì cái chung giả tạo, bỏ bê cái riêng của từng cá thể trong xã hội, để chỉ dành cho 1 nhóm quyền lợi, mà không dành cho từng cá thể trong tòan xã hội thì điều gì sẽ xảy ra?

Cho nên chúng ta thấy rằng, để thành công trong việc phân phối tất cả các nhu cầu và cung ứng cho một xã hội thời bình khó hơn nhiều lần ở một xã hội thời chiến. Vì không được ưu tiên cái gì, bỏ qua cái gì giữa cái chung và cái riêng. Cho đến hôm nay, hình thái xã hội Việt Nam, dù đã trãi qua hơn 1/4 thế kỷ, nhưng vẫn còn nằm ở một hình thái xã hội thời chiến, thế thì ta có thể hiểu tại sao mấy chục năm sau chiến tranh, nhưng Việt Nam vẫn ngụp lặn trong những vấn nạn xã hội mà không có cách giải quyết trọn vẹn. Vì giáo dục chưa được cỡi trói, tư duy chưa được độc lập và phản biện không tồn tại đúng với khái niệm của nó. Và nếu có phản biện thì cũng không có người đủ tầm để dung hòa các phản biện để đi đến một sự thống nhất cho ra hướng đi đúng của cộng đồng. Hậu quả, cộng đồng Việt luôn nảy sinh ra những bệnh cảnh mạn tính mà không có thuốc chữa.

Các nhà nghiên cứu lý luận, các nhà họach định chiến lược quốc gia đã bao lần cải cách, cải cách và cải cách giáo dục nước nhà, để hòng tìm ra phương án giải quyết bài tóan khó cho dân tộc, nhưng họ chỉ có thể lấy các thế hệ Việt Nam làm vật thí nghiệm, chứ họ không thể tìm ra một mô hình giáo dục tạo ra nhân tài, vật lực cho đất nước có thể đủ tầm vóc phục vụ đuề huề cho cặp phạm trù chung-riêng trong một guồng máy xã hội với hình thái xã hội thời chiến trong thời bình. Phải chăng đó là nguyên nhân mà bấy lâu nay chưa được giải quyết?

Có nên cần cho 1 mô hình xã hội phù hợp trong thời bình cho Việt Nam? Và mô hình ấy là gì?

Đăng nhận xét

0 Nhận xét