HẠNH PHÚC - ĐỜI VÀ ĐẠO

Ngày đăng: [Friday, April 01, 2011]
Trong văn hoá nhân loại, có nhiều khái niệm về khoa học xã hội mà, khó lòng đi đến một ý nghĩa tối ưu. Trong đó, có khái niệm hạnh phúc, nó được định nghĩa là trạng thái sung sướng vì cảm thấy hoàn toàn đạt được ý nguyện. Ngược lại với hạnh phúc là bất hạnh. Bất hạnh lại được định nghĩa là không may, gặp phải điều rủi ro làm cho đau khổ. Vì con người khác với cỏ cây, ngoài đời sống thực vật, còn có một đời sống động vật kèm theo. Đại diện cho đời sống động vật là bản năng  ham muốn, mà theo phân tâm học nó là sở hữu và quyền lực. Những đòi hỏi đó làm hạnh phúc đối với con người rất mong manh, và khó đạt.

Rõ ràng không có khổ đau thì không có mốc để thấy được sung sướng. Và cũng dễ để thấy rằng cái mốc bất hạnh và hạnh phúc của mỗi con người đều khác nhau. Nó tuỳ theo cái nấc tâm linh đạt được của mỗi cá thể Không ai giống ai, và cũng không dân tộc nào giống dân tộc nào. Tuy nhiên, nếu chịu khó kiếm tìm cho mình, hòng đạt đến một cuộc sống trong hạnh phúc, thì mỗi con người đều có thể với tới hạnh phúc.

Cả hai khái niệm hạnh phúc và bất hạnh này là hiểu theo nghĩa hàn lâm của một cá thể đang sống với cuộc đời thực. Nhưng có phải lúc nào hạnh phúc và bất hạnh cũng có ý nghĩa như đã nêu? Vì như thế nào là đạt được? Ở câu hỏi này lại gắn liền với những khái niệm khác về mặt chủ quan và khách quan của mỗi hoàn cảnh khác nhau.

Có ai sống trên đời mà không có ước mơ? Khi còn trẻ, ai cũng có ước mơ to lớn, đội đá vá trời. Lớn lên thời gian có thể làm cho ước mơ to lớn hơn, đối với ai đó chưa bao giờ vấp ngã. Nhưng ước mơ ấy cũng nhỏ dần theo năm tháng, khi thất bại và nhiễu nhương trần thế làm người ta thu nhỏ dần ước mơ. Chính ước mơ đã xuất hiện thêm những đòi hỏi đạo và đời để đạt đến hạnh phúc.

Ở khía cạnh đời, những ham muốn của con người luôn muốn vươn đến một sự hoàn thiện với môi trường xung quanh. Theo một nghĩa rất đời, nó là những ham muốn có tính tích cực, làm con người luôn có ý chí và nguyện vọng chinh phục thế giới xung quanh để làm cho cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn cả vật chất lẫn tinh thần. 

Nhưng cái gì cũng có nhị nguyên luận xen vào, khi con người tìm ra qui luật của thiên nhiên để áp dụng và thực tế làm cho cuộc sống tốt hơn, thì cũng là lúc con người tự đào mồ chôn chính sự sống của chính mình. Ta dễ dàng tìm thấy điều này, như động cơ hơi nước, động cơ đốt trong, v.v... đã làm nên cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật công nghiệp, giúp con người thu nhỏ thế giới xung quanh, cũng là lúc con người bắt đầu làm huỷ hoại môi sinh của mình đang sống.

Từ đó, đạo ra đời với bản chất ban đầu là tạo ra đức tin cho loài người, sống vì một mục đích cao đẹp về mặt tinh thần. Sau đó là giúp loài người biết tự kềm chế những tham vọng hướng ngoại, nhìn lại mình, tự biết mình. Quan niệm hạnh phúc của đạo từ đó không phải giản đơn hay khó khăn hơn, mà là tự thấy mình thoả mãn với những gì mình có là hạnh phúc. Còn bất hạnh là vì con người luôn đòi hỏi quá sức mình. 

Hạnh phúc của đạo không đòi hỏi con người quá lớn lao, quá sức mình, mà đòi hỏi mỗi cá thể thay vì ý chí phát tán ra ngoài để chinh phục thế giới xung quanh, thì ý chí đó phải được dùng để kềm chế dục vọng (ham muốn) của mỗi cá nhân. Cá nhân phải tự biết mình là ai, mình đến cuộc đời để làm gì? và thoả mãn với những gì mình làm được, dù ít, dù nhiều, và tất cả những điều mình làm được không làm xâm phạm đến hạnh phúc của người khác là hạnh phúc.

Năm ngoái, cũng trong một chủ đề tương tự này, tôi đã có một bài: Tâm tình với trí thức người Việt ở nước ngoài. Vấn đề là, khi nhìn một sự vật hiện tượng, khái niệm của cuộc sống sinh động, phải nhìn ở nhiều góc độ. Đặc biệt, cặp nhị nguyên đạo và đời, nó giúp ta cân bằng hơn trong tư duy và hành động. Không quá hướng ngoại, quá khích, và cũng không quá hướng nội, tiêu cực trong tư duy và hành động.

Đạo và đời song hành như một cặp nhị nguyên, nếu có thể hiểu cặp nhị nguyên này như một cặp phạm trù trong triết lý sống. Chúng ta sẽ thấy chúng đối lập, nhưng không triệt tiêu, mà bổ sung cho nhau để hướng con người đến một mục đích tốt đẹp hơn.

Mời mọi người nghe sáng tác "Mặt trời bé con" do chính tác giả Trần Tiến trình bày với một anh người Ấn - anh Mishra, là một trưởng văn phòng đại diện của một hãng thuốc lớn của Ấn ở Việt Nam. Anh ta rất sỏi tiếng Việt. Tớ đã từng làm việc với anh ta - để cảm nhận hạnh phúc là gì?

Asia Clinic, 17h46', ngày thứ Sáu, 01/4/2011

Đăng nhận xét

0 Nhận xét