HAI BÀI THƠ MẤT GIẢI

Ngày đăng: [Sunday, March 07, 2010]
Sẽ không có entry này nếu không có ngày Quốc tế Phụ nữ 08/3. Và cũng sẽ không có entry này nếu hai bài thơ không có hình bóng người phụ nữ Việt. Một hình bóng Mẹ thời bom đạn, và một hình bóng những cô gái thời hôm nay. Tối nay rảnh tôi sẽ viết một bài cho phụ nữ, những người mà tôi luôn trân trọng và quí mến. Nhưng bây giờ phải phá lệ để xin copy và past 2 bài thơ này về nhà làm tư liệu cho thời sau 24 năm đổi mới. Sự việc như thế nào thì có các bạn biết nguồn cơn bàn luận. Còn tôi, tôi chỉ ghi nhận tính hiện sinh trong triết học của hai bài thơ.

Bài Thời đất nước gian lao của Nguyễn Việt Chiến mất giải Văn Nghệ Quân Đội cuối năm 2009



Thời đất nước gian lao  












Nguyễn Việt Chiến


Chúng đã ngủ cả rồi
những con hươu bị bóng đêm săn đuổi
chúng đang gác cặp sừng lên vầng trăng cuối tháng
rồi nằm mơ về một cánh rừng 
không có thuốc đạn và súng săn

Họ đã ngủ cả rồi
những người lính bị chiến tranh săn đuổi
họ nằm mơ gặp lại bầy hươu 
gác sừng lên người bạn vô danh
trên cánh rừng đã chết
Chỉ còn lại vầng trăng và giấc ngủ 
chỉ còn lại dấu vết cuối cùng của bầy hươu bị săn đuổi
chỉ còn lại câu thơ thầm lặng 
về những người đã ra đi
Chỉ còn lại những gì không còn lại
bởi người  đau đớn nhất sau chiến tranh
không ai khác ngoài mẹ của chúng ta
những đứa con không trở về
hoà bình dưới mưa phùn
được đắp bằng cỏ non và nước mắt
  *
*   *
Đêm đêm
những người con ngỡ đã đi thật xa
đang lặng lẽ trở về 
họ lẫn vào gió vào sương đêm
không cần an ủi
họ chẳng ồn ào như lời ca sôi sục ngày ra đi
Họ còn nguyên tuổi trẻ
những người lính chưa tiêu phí một xu mơ ước
chưa tiêu hoài một đồng thanh xuân
Họ trở về tìm lại 
trang sách học trò đêm đêm còn thao thức
trên  cánh đồng tiếng Việt ngàn năm
Mẹ lại thấy chúng con về 
như cánh cò tuổi thơ lưu lạc
đã bao ngày phải xa rời thôn ổ yêu thương
chúng con trở về tìm lại
giọt nước mắt xót xa và đắng cay của mẹ
Một bên là núi sông ngăn cách
còn bên kia là bóng đêm chiến tranh
vẫn biết đạn bom không có mắt
vẫn biết hận thù không thể phân biệt nổi 
đâu là hoa sen và đâu là bùn tối
nhưng các anh vẫn phải ra đi
Các anh phải ra đi 
lời ru chùa Tây Phương 
những La Hán mặt buồn
người thợ mộc xứ Đoài 
lấy thân xác hom hem của mình làm mẫu vẽ
ba mươi sáu dẻo xường sườn 
réo rắt tấu lên bản đàn tam thập lục
người gẩy đàn thì đau đớn
mà bản nhạc viết cho đàn lại reo vui
  *
*   *
Mẹ đã sống dưới mưa phùn ảm đạm
những ngày dài nghèo đói quắt quay
Mẹ thiếu sữa sinh đứa con thiếu tháng
Tổ quốc xanh xaoTổ quốc hao gầy
Mẹ có mặt trong dòng người nhẫn nại
lặng lẽ xếp hàng từ mờ sớm tới đêm hôm
Mẹ lần hồi thời cơm tem gạo phiếu
nuôi lớn những người con 
rồi gửi tới chiến trường
Mẹ đã khóc lúc rời ga Hàng Cỏ
những đoàn tầu hun hút tuổi hai mươi
một thế hệ hồn nhiên không biết chết
chưa từng yêu khi gục ngã cuối trời

Mẹ ở lại với sông Hồng tần tảo
áo phù sa lam lũ tháng ngày
câu quan họ cất trong bồ thóc cũ
sông Cầu trôi như một tiếng thở dài…
  *
*   *
Tàu xuyên đêm
tiếng gió xé bánh xe lăn quần quật
đêm nay họ trở lại một thời gian lao
đường vào Nam hun hút những chuyến tầu
máu rất đỏ tuổi hai mươi nằm lại
câu hát bảo:
tuổi hai mươi những người đi trẻ mãi 
câu thơ bảo:
đất nước hình cánh võng mẹ ru ta

Và ở hai đầu đêm võng mắc dọc rừng già
trăng cũng sốt rét rừng như ta sốt
trăng mất máu như bạn ta thủa trước
dọc cánh rừng na-pan
Sông Thạch Hãn 
nước mùa này còn ấm
và các anh trong suốt
những người hy sinh thời gian lao
Mây Quảng Trị
mùa này vẫn một mầu huệ trắng
trên Cổ Thành
như  ngày các anh ngã xuống
những người hy sinh thời gian lao
Và mưa gió Trường Sơn 
mùa này vẫn tắm gội
những người con nằm lại
thời đất nước gian lao
Những cánh rừngcuối thu ngủ dưới mưa phùn
đất nước tôi những người nằm trong đất
chất phác như bùn hồn nhiên như cỏ
buồn đau không còn thở than
Những ngọn sóng đất đai lưu giữ mọi thăng trầm
người chép sử ngàn năm là bùn đất
kiên trì và nhẫn nại
máu của người là mực viết thời gian.  


Còn bài Trăng nghẹn của Hoài Tường Phong mất giải mất giải nhất cuộc thi thơ Đồng Bằng Sông Cửu Long mùa xuân 2010 vừa rồi.

Trăng nghẹn
Hoài Tường Phong











Mẹ sinh tôi vào một đêm rằm mưa gió ngày xưa,
Lúc chào đời đã lỡ hẹn cùng vầng trăng viên mãn.
Vùng tản cư hồi nầy ruộng hoang nhà trống,
Rước được bà mụ vườn, ngoại cực trần thân.
Tôi lớn trong quê mùa như cây tạp vườn hoang,
Bảy tuổi biết leo lưng trâu, không từng ngồi xe đạp.
Không biết lời bải buôi để mua lòng người khác,
Nên thua thiệt cả đời vì không thể dối lừa ai.
Ngơ ngác buổi ra thành, trước cuộc sống đua chen,
Mười năm sau chưa gội rửa cho mình thành dân chợ.
Lớp phèn hết bám chân, nhưng chất chân quê vẫn còn đó,
Tôi tranh thủ những tháng hè, thích về lại thăm quê.
Bè bạn theo đuôi trâu một thời, mơ ước nhìn tôi,
Tưởng tôi thoát kiếp ngài, nhởn nhơ hóa bướm.
Tôi nhìn vẻ hồn nhiên của đám bạn xưa thèm quá,
Cộng một chút phù hoa đâu thêm lớn tâm hồn.
Mỗi lần về quê bè bạn cũ lại vắng hơn,
Gái mười bảy đã lấy chồng, trai hai mươi đòi vợ.
Cô bạn xưa nách con ngang nhà mua chịu rượu,
Đôi mắt ướt một thời bẽn lẽn ngó bàn chân.
Xóm bên sông nhiều cô gái rời quê,
Về thăm nhà xênh xang lụa là hàng hiệu.
Vài căn nhà xây, đổi đời nhờ những đồng tiền báo hiếu,
Khởi sắc một vùng quê sao nghe có chút bùi ngùi.
Đồng bằng quê hương tôi nhiều cái nhất ngậm ngùi:
Sản lượng lúa nhiều, vùng cá ba sa lớn nhất,
Đầu tư văn hóa thấp và khó nghèo cũng nhất,
Và cũng dẫn đầu, những cô gái lấy chồng xa.
Chập tối buồn ra nhìn bến nước cô đơn,
Vầng trăng vừa lên đã bị mây mưa vần vũ.

Tôi chợt nhớ lần lỗi hẹn đầu đời, trăng cũ,
Vầng trăng nghẹn hoài, chưa tỏa sáng một vùng quê.


Asia Clinic, 14h34' ngày 07/3/2010

Đăng nhận xét

0 Nhận xét