CONSPIRACY THEORY III: PHẦN IV: LỜI CUỐI CHO CUỘC TÌNH "CÚM"

Ngày đăng: [Friday, January 15, 2010]
Các phần trước ở các links: PHẦN I , PHẦN IIPHẦN III

PHẦN IV: LỜI CUỐI CHO CUỘC TÌNH “CÚM”
A. Về quản lý nhà nước và kinh tế tư nhân:
Trước khi vào vấn đề quản lý y tế cộng đồng tôi có vài suy nghĩ về vấn đề quản lý chung và việc làm kinh tế của các nhà quản lý quốc gia. Tôi còn nhớ trong hồi ký của Robert McNamara, khi McNamara được cố Tổng thống Kenedy đề nghị vào nội các chính quyền sắp thành lập của ông. Ông McNamara phải xin phép gia đình Ford đi du lịch và suy nghĩ lựa chọn giữa vì nước Mỹ ở cương vị bộ trưởng quốc phòng và vì cuộc sống của gia đình mình ở cương vị chủ tịch tập đòan Ford Motor Co. Vì làm chủ tịch tập đòan Ford, gia đình và bản thân ông có nhiều tiền hơn. Còn vì nước Mỹ, vợ con ông sẽ cực khổ hơn với bao nhiêu chi phí. Nhưng cuối cùng ông quyết định vì nước Mỹ, vì ông có bà vợ và những đứa con tuyệt vời.(18)

Tương tự, năm 2006, Tổng thống Mỹ George W. Bush  đã yêu cầu ông Donald Rumsfeld, đương nhiệm bộ trưởng quốc phòng Mỹ phải từ nhiệm trong khi nhiệm kỳ của ông chỉ còn đơn vị tính bằng tháng. Vì sao? Vì năm 2006, người ta phát hiện ông Rumsfeld có lợi nhuận lên đến 5 triệu USD(tương đương 2,9 triệu bảng Anh theo thời giá) vì ông có cổ đông trong hãng thuốc Gilead của Mỹ. Và lợi nhuận này nhờ vào tiền bán thuốc điều trị cúm gia cầm(bird flu: A/H5N1)(19).

Hai hình ảnh của 2 vị bộ trưởng quốc phòng Mỹ cách nhau gần 4 thập kỷ đã nói lên nhiều điều đáng suy nghĩ. Một đại diện cho những con người trung thành với lý tưởng nước Mỹ từ khi lập quốc, chấp nhận đồng lương công chức, từ bỏ xa hoa phú quí. Một của thời hiện đại, vẫn gánh trọng trách của nước Mỹ, nhưng vẫn bằng cách thầm lặng làm kinh tế với tập đoàn dược phẩm lớn hàng đầu thế giới. Một là người vì lý tưởng đã ghi danh sử sách khi ông là vị bộ trưởng quốc phòng tại vị lâu nhất lịch sử của nước Mỹ, xuất thân từ tấm bằng kinh doanh. Một tại vị ở chức bộ trưởng quốc phòng có thời gian dài thứ hai lịch sử nước Mỹ, cũng xuất thân từ một nhà doanh nghiệp và sụp đổ chiếc ghế đầy quyền uy từ chuyện kinh doanh.

Trong vụ cúm A gần đây trên truyền thông đại chúng tìm thấy dấu hiệu của những con người quản lý y tế cộng đồng có tham gia hoặc có cầm tiền của các hãng thuốc hàng đầu thế giới.(20) Đành rằng, nếu không có sự tài trợ của những hãng thuốc thì việc nghiên cứu khoa học y học, dược học, nha học và bao nhiêu ngành khác sẽ khó khăn hơn. Nhưng khó khăn không đồng nghĩa với không nghiên cứu được. Còn bao tổ chức khác có thể góp phần cho thế giới y học, dược học, etc… ngày càng hòan thiện hơn trong nhiệm vụ bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Nói dong dài để thấy rằng làm quản lý nhà nước mà có chân trong những tổ chức kinh tế thì tha hóa vì lợi nhuận là điều khó tránh khỏi. Bản ngã con người, trong đó có tư hữu và quyền lực mà phân tâm học đã chỉ cho chúng ta thấy là thuộc tính của con người không thể cưỡng được khi lợi nhuận xen vào(21). Nước Mỹ có nhiều điều chưa hòan thiện, nên nước Mỹ có những luật lệ rất chặt chẽ. Trong đó có luật dành cho những người quản lý không được làm kinh tế trong lúc đương nhiệm. Đó là điều hay mà ta nên học tập từ quản lý. Và đó là một trong những viên gạch làm nền cho nước Mỹ là cường quốc số 1 thế giới, mà không phải ở đâu trên trái đất này có thể tìm thấy được.

B. Về chuyên môn:
Như tôi đã từng viết một bài: Chữ tâm hay chữ cường quyền?(22) Trong y học được chia làm ba đối tượng để phục vụ cho nhiệm vụ bảo vệ sức khỏe con người:

1.      Y học triết học: gồm các tổ chức chăm lo y học cộng đồng, ví dụ như WHO, Peace Green, FAO v.v... Họ chuyên đưa ra những khuyến cáo để cứu một cộng đồng dân vì hủy họai môi trường hay vì dịch bệnh. Chỉ một khuyến cáo của họ có thể cứu hang triệu sinh linh.
2.      Y học nguyên nhân: gồm các bệnh viện, trung tâm y tế và phòng khám đa khoa khám và chữa bệnh. Có nhiệm vụ tìm ra nguyên nhân bệnh để điều trị. Họ chỉ làm việc tìm ra nguyên nhân và điều trị cho từng bệnh nhân.
3.      Y học triệu chứng: gồm những đơn vị cấp cứu ban đầu, các tổ chức first aid về y tế. Họ chỉ làm công tác sơ cứu ban đầu rồi chuyển đến các bệnh viện và trung tâm điều trị.

Trong vấn đề cúm A H1N1 hiện nay, chúng ta thấy gì?

Với những gì hiểu biết về virus cúm A influenza mà tôi đã trình bày trong 3 phần trên thì việc khuyến cáo là nhiệm vụ của WHO, họ phải làm vì chức năng và nhiệm vụ chăm lo sức khỏe của nhân lọai. Họ không thể làm ngơ khi hiểm họa đang ập xuống đầu toàn nhân loại.

Việc các công ty, tổ chức tài chính như hãng thuốc vì lợi nhuận thổi phồng giữa thời đại tòan cầu hóa và thế giới phẳng để tìm lợi nhuận là việc của họ. Tất cả vẫn đang còn phía trước, chúng ta nên chờ đợi công lý điều tra và phán quyết(nếu có). Chúng ta không nên vội vàng kết luận và thổi phồng sớm một vấn đề lớn còn nhiều nghi vấn.

Còn việc các quan chức quản lý của mỗi quốc gia ngày nay đòi hỏi phải có một nền tảng hiểu biết sâu rộng. Nếu không thì phải có bộ tham mưu đủ về kiến thức, bản lĩnh về chuyên môn, thực sự làm việc vì lý tưởng quốc gia dân tộc và phải tỉnh táo để nhìn vấn đề một cách khoa học và khách quan hay không là do các chuyên gia quản lý y tế của từng quốc gia. Không thể đổ lỗi cho các công ty dược và WHO. Nếu WHO và các công ty có khuất tất ắt sẽ có ngày ra ánh sáng. Với thế giới phẳng và thời đại hội nhập toàn cầu ngày nay, không bất cứ sự việc gì có thể che đậy dưới ánh sáng mặt trời chân lý.

Tôi chỉ cần điểm vài thông tin đa chiều có tính uy tín sẽ thấy câu chuyện nghi ngờ có vấn đề khuất tất không phải chờ đến ông Wolfgang Wodarg(23) lên tiếng thì thế giới mới lên tiếng theo:

Vào tháng 7/2009, theo CDC (Centers for Disease Control and Prevention)  tại Mỹ có 7983 ca nhập viện có chẩn đoán là cúm A/H1N1 thì có 522 ca tử vong. Tỷ lệ tử vong lên đến 6,53%. Và một điều đặc biệt là 97,5% các ca đều cho xét nghiệm dương tính với cúm A/H1N1(6).

Nhưng với Tổ chức bảo vệ trong các thử nghiệm trên người (AHRP: Alliance for Human Research Protection) thì một tổng kết của một nhà báo tự do người Mỹ gốc Đức. Ông Frederick William Engdahl, nhà nghiên cứu kinh tế và lịch sử đã cho những con số trái ngược hòan tòan vào ngày 10 tháng 12 năm 2009 như sau:
+ Tại Florida, 83% những mẫu bệnh phẩm được chẩn đóan lâm sàng là cúm A/H1N1 thì có kết quả âm tính khi làm xét nghiệm!
+ Tại California, 86% trường hợp nghi ngờ là cúm A/H1N1 thì không phải là cúm A/H1N1 hay bất kỳ lọai cúm nào khác; chỉ có 2% xét nghiệm là cúm A/H1N1.
+ Tại Alaska, 93% những mẫu bệnh phẩm nghi ngờ là cúm A/H1N1 cho kết quả âm tính với tất cả các lọai virus cúm; chỉ 1% là dương tính với cúm A/H1N1.(24)

Và ngay cả các giáo sư danh giá của đại học Stanford với blog kèm theo một cái nick ấn tượng: “Cộng đồng hội chứng lơ mơ mãn tính”(Chronic Fatigue Syndrome Community) cũng có những lời tư vấn cho sinh viên cũng cho thấy các hãng thuốc đã mua đứt các thành viên trong CDC của Mỹ!!!(25)

Đưa ra thông tin đa chiều là để tất cả chúng ta cùng suy nghĩ. Tất cả vẫn đang còn phía trước, chúng ta nên chờ đợi công lý điều tra và phán quyết(nếu có). Chúng ta không nên vội vàng kết luận sớm một vấn đề lớn còn nhiều nghi vấn.

C. Về tài chính:
Qua đó, chúng ta thấy rằng: Không chỉ có những tốn kém về thuốc, vaccine cho chiến dịch phòng chống cúm. Mà còn tiêu tốn cả tiền bạc cho những trang thiết bị kiểm tra, kiểm sóat ở các cửa khẩu quốc tế và cả những hóa chất xét nghiệm chẩn đóan cho cúm. Theo báo Tuổi trẻ, Việt Nam cũng phải mất đến 1.000 tỷ VNĐ.(26) Với chi phí hơn 55 triệu Mỹ kim cho bài học đắt giá về cúm A/H1N1 cho một quốc gia có 87 triệu dân có thu nhập trung bình dưới 1.000USD/năm, tôi cho rằng đây là bài học quá đắt. Với số tiền ấy, nếu biết dùng thì có thể xây dựng ít nhất 2 bệnh viện tiêu chuẩn quốc tế với mỗi bệnh viện sức chứa 500 giường bệnh. Việc mà hơn 1/3 thế kỷ nay nhà nước chưa từng làm.

D. Về chiến lược y tế quốc gia cho cúm:
Tiếng Việt mình bảo: “ăn-chơi”. Có đủ miếng ăn rồi mới nghĩ đến chuyện chơi. Đôi khi tôi ngồi suy nghĩ về tiếng Việt, thấy tổ tiên mình hay lắm. Lại có chữ “ăn-mặc”. Có ăn rồi mới nghĩ chuyện mặc ấm. Rồi tục ngữ: “Phú quí sinh lễ nghĩa”. Lễ nghĩa chỉ dành cho người giàu. Nước mình nghèo, dân mình còn đói, thôi thì gắng học cho kiến thức nền vững chắc để đừng bị ai lừa. Và dù có không bị ai lừa thì mình cũng đủ trí để mà đối phó với đại dịch cúm, nếu nó có xảy ra. Như vậy, chiến lược quốc gia về đại dịch cúm như thế nào? Các nước giàu, họ dư ăn, dư để việc tiêm chủng cúm hằng năm đã thành chuyện thường qui từ hơn 1 thập kỷ qua. Còn với ta, ngay cả việc tiêm chủng thường qui viêm gan siêu vi B còn chưa đủ vaccine để làm công chuyện thường qui. Mặc dù, vaccine viêm gan siêu vi B đã được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng như 6 bệnh thường qui(Bạch hầu, Uốn ván, Ho gà, Bại liệt, Sởi và Lao).

Không biết từ bao giờ trong tiếng Việt từ “cúm” đã trở thành từ lóng để ám chỉ một đối thủ khớp cơ khi gặp một đối thủ sừng sỏ hơn. Thế đấy, cúm nó không chỉ là nỗi sợ của các nước phương Tây. Mà ở nước Việt nó đã trỡ thành một biểu ngữ để mô tả cho một hiện tượng lo sợ đến hồn bay tứ tán, rụng rời cả chân tay. Nhưng cũng nên nhớ rằng, cúm nó đã có mặt trước khi Wilson Smith tìm và nuôi cấy con virus influenza A vào năm 1933. Nhưng với đại dịch 1918, khi nhân lọai chưa biết gì về nó thì nhân lọai vẫn trường tồn và ngày càng đông hơn. Và như tôi đã viết trong 3 phần trước, để có vaccine cúm đúng bệnh dịch thì phải có dịch cúm trước. Đồng thời, khi cúm đã vào trong cơ thể người thì thuốc điều trị cúm không có giá trị điều trị triệt để. Mọi phát minh khoa học trên thế giới là chỉ chạy theo sau những gì đã có sẳn trong tự nhiên. Cuối cùng diệt con virus cúm là nhờ vào hệ thống miễn dịch của mỗi cá thể vẫn là điều tiên quyết. Nhưng cúm không phải lâu mới có 1 lần. Mà mỗi năm có thể xuất hiện 2 lần. Thế thì, vấn đề chiến lược quốc gia về y tế cho cúm nên là vấn đề hàng đầu trước khi nó xảy đến.

Trong y học tiên lượng đứng trên chẩn đóan một bậc và chẩn đóan đứng trên điều trị một bậc. Người làm y giỏi và có tâm là người tiên lượng con bệnh sẽ đi về đâu? Cũng vậy, người làm công tác y tế cộng đồng giỏi và có tâm là người hiểu được cơ chế của mọi vấn đề y học cộng đồng và tiên lượng được vấn đề ấy giả hay chân? để biết đưa ra chiến lược đối phó đúng với nó.

Như tôi đã viết ở các phần trên: Phòng bệnh hơn chữa bệnh đối với cúm là tốt nhất. Muốn vậy trước mắt và lâu dài cần:

  1. Việc Việt Nam được WHO tặng 8,8 triệu liều vaccine cúm A/H1N1 là nên nhận. Dĩ nhiên, vì 8,8 triệu liều này chưa được cấp phép sử dụng đại trà trong cộng đồng. Nên chúng ta phải làm đúng như người Mỹ đã làm trong tiêu chuẩn một vaccine cúm tốt mà tôi đã trình bày ở phần IIIB: Liệu pháp vaccine-Những điều cơ bản về vaccine.
  2. Cần có một bản soạn thảo về giáo dục thường thức y học về cách tự phòng tránh và phát hiện cúm. Đồng thời phải làm sao cho mọi người dân biết nơi đâu là nơi đến để thăm khám và làm xét nghiệm phát hiện cúm đến với mọi người dân thông qua các kênh truyền thông đại chúng. Vì đến giờ này để đối phó với cúm, thì phát hiện và cách ly là phương pháp rẻ tiền và hữu hiệu nhất.
  3. Bộ y tế cần có chỉ đạo để các viện Pasteur trong cả nước tự sản xuất được vaccine cúm trở thành chuyện thường niên. Các trường đại học y, dược trong cả nước phải là nơi đầu tàu phải biết nghiên cứu và tự sản xuất ra thuốc không chỉ cho cúm mà còn cho các mầm bệnh khác, để trong vòng vài thập niên tới ngành y-dược Việt Nam là ngành xuất khẩu dược phẩm chứ không thể mãi là nơi nhập khẩu và đóng gói như hơn 3 thập kỷ qua.
Muốn như thế nhà nước phải có chính sách làm sao các doanh nghiệp về y, dược và các ngành khác của người Việt có ý thức đóng góp và lập quỹ đầu tư cho nghiên cứu khoa học, để trả công xứng đáng cho những nghiên cứu có tính thực tiễn và cùng chia lợi nhuận từ những thành quả khoa học đó. Chứ không nên cứ phải dựng ra những buổi phát huy hiệu ra rả trên truyền hình để bán buôn nào là doanh nghiệp sao vàng, sao đỏ đất Việt như lâu nay.

E. Với các nhà báo Việt:
Thuyết âm mưu đã thịnh hành trong thời đại tòan cầu. Nó có giá tri ở mọi nơi. Từ chuyện sụp đổ tòa nhà WTC có phải do Al Queda làm không? Đến chuyện suy thóai kinh tế là nguyên nhân từ đâu? etc… Nếu quí vị chịu khó mua cuốn “Yes Man” của Danny Wallace và nên tìm để xem bộ phim cùng tên được David Heyman dàn dựng với diễn viên hài Jim Carrey để hiểu vấn đề của thời đại hơn. 


Không nên vì lợi nhuận của tờ báo giấy mà đem câu chuyện nóng bằng cách google trên mạng internet để giật những tin tức một cách qúa khích. Ngày cúm hòanh hành trong những tháng giữa năm 2009, cũng chính quí vị đã góp phần làm nó phồng to hơn. Mọi cảnh báo của tôi rơi tỏm vào khỏang không vô tận. Một cảnh báo của người làm chuyên môn ngòai hệ thống nhà nước có giá trị đến 1.000 tỷ đồng Việt nam, nhưng không ai đếm xỉa. Hôm nay chỉ một lời của một ông mắt xanh mũi lõ đã làm quí vị thổi phồng, lật đổ tất cả những gì quí vị đã hùa theo. Tất cả những điều ấy là gì nếu không phải là “Đám đông vô thức”?

F. Lời cuối:
Thuốc đắng đã tật, lời nói thật mất lòng. Tôi xin chấm dứt bài viết ở đây. Qua đây tôi xin cảm ơn các nhà báo đã có nhã ý đặt hàng, nên tôi mới có loạt bài này cho cộng đồng. Cũng là một dịp dợt lại những gì đã trôi đi và còn lại trong kiến thức của mình. Các bạn nhà báo nào muốn lấy ý tưởng bài để viết, cứ việc thoãi mái. Còn để tên tôi lên báo thì tôi rất ngại. Có lẽ vì chúng ta có nợ, mà chưa có duyên? Nên tôi chưa làm được theo hảo ý của các bạn. Sẳn đây cho tôi xin lỗi.

Tôi đặt biệt cảm ơn bạn, Vũ Thị Phương Anh, MS Philology of English, PhD of Psychometry đã giúp và giục tôi hoàn thành lọat bài này.

Tài liệu tham khảo:

Asia Clinic, 9h22' ngày 15/01/2010

Đăng nhận xét

0 Nhận xét